Nơi tôi sống trước đây là làng quê của miền Trung chỉ có suối và mương. Vì vậy, vì mê và thích nên tôi cũng mường tượng về sông, cũng đôi lần được thấy sông qua những chuyến đi. Ngã rẽ cuộc đời tôi gắn liền với một dòng sông xa xứ: sông Đồng Nai. Tôi chưa theo hết con sông này từ ngọn nguồn ra cửa biển nhưng nhiều khúc sông này tôi đã "lặn lội".
Không tính phụ lưu, sông Đồng Nai được xem là con sông phát tích từ nội địa mà điểm nguồn từ cao nguyên Lang Bian tỉnh Lâm Đồng. Dòng chảy của sông vượt qua nhiều thác ghềnh vùng đồi núi rồi đổ ra biển Đông ở miệt hạ. Từ miệt thượng xuống cửa biển, thác cuối cùng Trị An như dấu ấn chuyển mình, hóa thân của thân phận con người. Dòng chảy phía trên thác xuyên qua vùng rừng núi bạt ngàn được ví như cô gái sơn cước đầy sức sống, tung tăng nô đùa qua bao ghềnh thác để rồi sau đó hóa thân người phụ nữ hiền hòa, sâu lắng ôm những cù lao trước khi hòa vào biển cả. Sông Đồng Nai là huyết mạch đường thủy quan trọng miền Đông Nam Bộ của Việt Nam với nguồn tài nguyên đa dạng về động - thực vật và gắn với nhiều sự kiện lịch sử Nam Bộ.
Có nhiều truyện tích gắn với dòng sông đầy chất huyền bí, diễm tình. Tên gọi của sông Đồng Nai có nhiều giả thuyết: bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Mạ là Đạ Đờng, từ cảnh quan thực tế của con sông với nhiều loài thú mà trong đó nai chiếm số lượng nhiều, cũng như tên gọi từng đoạn gắn với các đơn vị hành chính được thiết lập. Tên gọi được sử sách ghi chép là Phước Long giang - tức dòng sông chảy trên địa phận của phủ Phước Long có từ nửa cuối thế kỷ XVII. Sự kiện này gắn liền với việc thiết lập hành chính của chúa Nguyễn và công lao của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh đối với vùng đất Nam Bộ ngày nay mà địa đầu là Đồng Nai.
Đoạn sông Đồng Nai qua địa phận thành phố Biên Hòa một thời được gọi là Sông Phố. Có lẽ, so với các khu vực trên và dưới, toàn rừng và đồi, cù lao thì đoạn sông này chảy qua khu vực có phố thị được hình thành khá sớm, từng là trung tâm của tỉnh Biên Hòa rộng lớn từ thời vua Minh Mạng. Tên gọi Sông Phố được nhà văn “đường rừng" Lý Văn Sâm dùng đến trong tác phẩm Bến Xuân của mình. Phố có nghĩa là nơi chốn của đô thị, có lẽ bắt đầu từ khi người Pháp xây dựng Biên Hòa là tỉnh lỵ trước đây. Sông chảy qua khu vực đô thị từng được người Pháp gọi là “hồ Biên Hòa" bởi cảnh quan yên bình với một bên là phố phường, những tòa biệt thự, chợ búa đông đúc và một bên là cảnh của làng quê, làng nghề thủ công. Trên bờ của đoạn sông này, người Pháp đã có khuôn viên trước Tòa bố, dinh tỉnh trưởng định kỳ tổ chức biểu diễn âm nhạc, có nhà thủy tạ “Nhà Mát" vươn ra sông ngắm cảnh.
Bên bờ tả của Sông Phố từng được các thể chế quản lý chọn là trung tâm quản lý hành chính tiếp nối nhiều giai đoạn lịch sử. Đó là công sở làm việc được xây dựng ven sông với những tên gọi dinh, thành, tòa bố, toà tham biện, trụ sở ủy ban... bắt đầu từ thời Nguyễn cho đến nay. Vị trí của các công sở quan trọng này vẫn được duy trì tuy những phần kiến trúc được thay đổi, hiện đại trong xu thế phát triển. Sông Phố vẫn hiện hữu với cảnh quan đã có những đổi thay trên đôi bờ với quy hoạch phát triển của xu thế đô thị thông minh, hiện đại.
Sông Phố gắn liền với những sự kiện lịch sử của vùng đất Biên Hòa mà có thể ngược dòng lịch sử để nhắc nhớ khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đồng Nai, đoàn thuyền của người Hoa do Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho phép định cư xứ Bàn Lân/Biên Hòa, những chiến thuyền trong xung đột giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn, những chiến hạm của Pháp khi tấn công thành Biên Hòa... Sông Phố như chứng nhân của những sự kiện lịch sử cả hào hùng và bi thương khi chiến tranh xảy ra. Một nỗi sợ của thiên tai hằng in dấu trong cộng đồng cư dân Biên Hòa và các vùng lân cận khi thiên nhiên nổi giận làm nên cơn lụt lịch sử Nhâm Thìn đầu thập niên 50, thế kỷ XX. Nước từ thượng nguồn ào về và dòng nước xanh trong của Sông Phố đổi thành màu đỏ quành quạch dâng lên, tràn hai bờ, làm ngập đường phố, nhà cửa một thời gian. Trong dấu tích khảo cổ học, hai bên bờ của khúc sông này được phát lộ những làng cổ Gò Me, Tân Lại, Bình Đa,... một thời mà người xưa tụ cư, sinh sống. Đặc biệt, khi cư dân Việt ổn định cuộc sống sau chặng đường dài, đầu triều Nguyễn đã tổ chức những cuộc đua thuyền nơi đây. Huyết mạch đường thủy sôi động với những sự kiện văn hóa, nghệ thuật của những giai đoạn về sau khi đoạn khúc sông được chọn cảnh quan trung tâm: diễu hành lễ hội, bắn pháo hoa và kỷ niệm vùng đất trong những dịp lễ trọng. Nhiều thiết chế tín ngưỡng gồm các ngôi đình, cổ miếu, chùa xưa của các cộng đồng cư dân có từ thời khai khẩn cho đến nay hướng ra dòng sông thân yêu và xanh mát.
Giờ đây Sông Phố vẫn thế, tiếp nhận nguồn nước thượng nguồn rồi qua các chi lưu, sông, suối xuôi xuống miệt hạ ra biển. Trên dòng sông này, Cồn Gáo một thời hiện hữu phía dưới Cầu Mới đã không còn để lại dấu vết. Những phía trên và dưới vẫn còn đó điểm nhấn của hệ sinh thái cù lao: Cù lao Bạch Đằng, Cù lao Rùa, Cù lao Tân Triều, Cù lao Phố, Cù lao Ba Xê, Cồn Cỏ... Dáng vẻ và nét đặc biệt của mỗi cù lao tô thêm nét đẹp của Sông Phố trong dòng chảy Phước Long giang xưa - Đồng Nai nay giữa các đô thị đã và đang hình thành.
Tôi yêu Sông Phố của Biên Hòa. Khúc sông là nét duyên của tự nhiên ban tặng cho vùng đất Đồng Nai. Khúc sông ẩn tàng những nguồn tài nguyên đồng thời cũng là chứng tích của nhiều thời đoạn lịch sử - văn hóa các thế hệ cư dân từ ngàn xưa cho đến nay. Trong quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa trở thành trung tâm hành chính, phát triển dịch vụ đô thị, du lịch sinh thái ven sông,... Sông Phố được xem là tài nguyên, báu vật để làm cơ sở quy hoạch. Từ định hướng đến phát triển chắc chắn trải qua nhiều giai đoạn, quỹ thời gian dài cùng với sự đầu tư, quan tâm trên nhiều lĩnh vực, yếu tố tác động.
Tôi yêu Sông Phố của Biên Hòa. Tôi may mắn có những lần khảo sát bằng thuyền, ghe qua các ngả sông bao quanh cù lao và len lỏi trong các làng, phố, thôn, phường, xóm, ngõ, hẻm, bến của đôi bờ Sông Phố. Tôi nhận thấy những nhịp sống của nhiều lớp cư dân và nét văn hóa được lưu tồn trong cuộc sống hiện tại. Vì vậy, tôi vui khi nhìn thấy sự đầu tư cải tạo đôi bờ sông mang dáng dấp hiện đại, Cù lao Phố được kêu gọi đầu tư trở thành trung tâm đô thị thương mại dịch vụ và những công viên sinh thái hình thành ven bờ. Người dân sẽ thích thú khi được ngắm dòng sông nước xanh trong giữa đô thị hiện đại, những tòa nhà cao tầng..., được đi trên những cây cầu bắc qua để ngắm cảnh quan của dòng chảy như uốn lượn hiền hòa ôm lấy phố phường. Đó là niềm mong mỏi và hy vọng về một quy hoạch phát triển thành hiện thực.
Tôi yêu Sông Phố của Biên Hòa. Và tôi cũng mong trong dáng hình hiện đại của đô thị Biên Hòa phát triển, Sông Phố được giữ và bảo vệ như báu vật của tự nhiên và của dòng dòng văn hóa - lịch sử. Bên cạnh những tòa cao tầng hiện đại vẫn còn đó những nét xưa của kiến trúc xưa của nhà cổ, di tích, đình, chùa, nhà thờ được hình thành cách đây hàng nhiều thế kỷ được bảo tồn. Hai bên bờ của Sông Phố từng vang danh về làng nghề gốm Tân Vạn và điêu khắc đá Bửu Long. Giá như và mong muốn, bên bờ phía Tân Vạn, Hóa An của Sông Phố được quy hoạch và thành lập một bảo tàng gốm giữa khung cảnh thiên nhiên của làng quê ven sông. Chắc chắc, cùng với những giá trị về di sản văn hóa đôi bờ gắn với sông, bảo tàng gốm sẽ là điểm nhấn độc đáo trong khai thác tuyến sông này phát triển du lịch.
Sông Phố của Biên Hòa đã đi vào văn học, thi ca, nhạc, họa với những cảm xúc của nhiều tác giả trong và ngoài Đồng Nai. Vẻ đẹp Sông Phố rất riêng của Biên Hòa. Tôi yêu thích và đồng cảm với một tác giả viết về Sông Phố trong tản văn này: “Trước đây, người ta có thể gọi Biên Hòa là phố ven sông nhưng ngày nay đã khác. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa đã trở thành sông giữa phố bởi các vùng lân cận được nâng lên đô thị: Dĩ An, Thuận An, Biên Hòa và đô thị hóa là xu thế tất yếu. Riêng với Biên Hòa, Biên Hòa đẹp và thơ mộng nhờ có sông và phố. Sông và phố gắn với nhau cả một chiều kích lịch sử phát triển vùng đất Biên Hòa từ thời Trấn Biên đến Biên Hùng, Biên Hòa. Sông Phố và phố Biên Hòa mãi thì thầm với nhau, như hòa trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân".
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 76 (Tháng 6 năm 2024)