...Đầu giờ chiều ngày 14/3/1966, tiểu đội trinh sát của Tiểu đoàn 1 chúng tôi đang ôn luyện khoa mục “đo vật chuẩn bằng ống nhòm" tại mỏm núi Hữu Lại thuộc xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia thì bỗng trên bầu trời xuất hiện 2 chiếc máy bay phản lực, loại F4.H của Hải quân Mỹ. Chúng gầm rú, nối đuôi nhau lượn vòng tìm kiếm mục tiêu, nhằm đánh sập các cây cầu bắc qua sông, cắt đứt hệ thống giao thông huyết mạch dọc tuyến Quốc lộ 1.
Đứng trên mỏm núi rất gần trận địa pháo cao xạ 37 ly của Đại đội 4 thuộc binh chủng Hải Quân, tôi thấy rõ mồn một các khẩu pháo rê nòng bám sát mục tiêu. Thình lình, hai chiếc máy bay vọt lên cao rồi bổ nhào xuống khu vực cầu Hổ cắt bom. Cùng lúc đó một loạt điểm xạ ngắn, giòn giã vang lên, những đường đạn chính xác từ trận địa cao xạ nhắm thẳng vào chiếc F4.H, nó nhanh chóng biến thành một bó đuốc đỏ rực, cắm đầu xuống biển. Hai chiếc dù đỏ của hai tên giặc lái bung ra, bay lơ lửng. Tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Hoàng ngay lập tức ra lệnh: “Toàn tiểu đội tham gia bắt giặc lái". Chúng tôi lập tức xuống núi, băng qua cách đồng, lao ra bờ biển. Hai tên giặc lái đã ngồi trên hai chiếc xuồng cao su màu đỏ dập dềnh trên mặt nước...
Phát hiện một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân đã hạ buồm, đang chèo đi dọc bờ sóng, hạ sĩ Lê Biền chĩa súng AK lên trời bắn một loạt đạn, ra hiệu cho ngư dân đưa thuyền vào bờ. Thuyền vừa cập bờ, chúng tôi ôm súng lao lên, quay đầu vượt sóng, nhằm phía hai tên giặc lái. Tôi ngồi ở mũi thuyền, sát bên tôi là Lê Xuân Bắc và các chiến sĩ tiểu đội trinh sát, gồm: Hồ Văn Trân, Nguyễn Văn Có, Lê Văn He, Nguyễn Văn Hiền. Hạ sĩ Lê Biền, thuộc trung đội hỏa lực. Xã đội trưởng xã Hải Yến - Lê Văn Thường và Lê Văn Đào cũng có mặt. Binh nhất Lê Văn Mùi vốn là ngư dân xã Hải Ninh rất thạo nghề đi biển xung phong cầm lái. Hạ sĩ Lê Biền và anh Lê Văn Đào, mỗi người nắm một tay chèo. Ai cũng hiểu rằng bắt sống giặc lái Mỹ nhảy dù là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Dọc bờ biển từ xã Hải Bình qua Hải Thượng, hàng chục chiếc thuyền của quân và dân ta cũng vượt sóng lao ra....
Nhưng một bất ngờ lớn không thể lường trước đối với chúng tôi là chỉ khoảng 15 - 20 phút sau, giặc Mỹ đã điều hàng chục máy bay, gồm các loại phản lực như F4.H, F105, AD6 và trực thăng vũ trang cất cánh từ hạm đội 7 nối đuôi nhau bay vào. Chúng gầm rú, bổ nhào ném bom, bắn đạn rốc két và đạn 20 ly. Nhiều thuyền của ta bị trúng đạn, phải quay lại bờ. Riêng thuyền của chúng tôi đã tiến ra biển hơn 1 km, mặc bom nổ tứ phía, đạn bắn như mưa xối, có lúc bom nổ rất gần, thuyền ngả nghiêng suýt bị lật. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc" nhưng trừ 4 người cầm lái và chèo thuyền, chúng tôi quyết liệt bắn trả máy bay địch. Gió bấc thổi mạnh và sóng biển dâng cao.
Khi thuyền của chúng tôi còn cách 2 tên giặc lái khoảng 200 mét thì một chiếc máy bay khá lớn bay sát mặt nước, rồi đột nhiên hạ cánh xuống biển, bơi nhanh về phía 2 tên giặc lái. Bấy giờ chúng tôi mới nhận ra đó là một chiếc thủy phi cơ đến cứu đồng bọn. Lập tức những tay súng trên thuyền liên tiếp nhả đạn về phía chiếc máy bay lội nước. Từ phía đảo Hòn Mê, xuất hiện một chiếc tàu chiến của địch, trọng pháo trên tàu liên tục nã đạn về phía chúng tôi. Hạ sĩ Lê Biền hét to: “Tất cả chuẩn bị lựu đạn, sẵn sàng quyết tử". Tôi đưa tay ra phía sau kiểm tra 4 quả lựu đạn đang đeo bên mình. Tình huống thật nguy nan, nhưng rất may, từ trận địa pháo trên đất liền, những đường đạn đỏ lừ bay vút qua đầu chúng tôi lao thẳng vào tàu chiến và thủy phi cơ của địch. Chiếc thủy phi cơ trúng đạn, bốc cháy, ngọn lửa bùng lên từ giữa thân máy bay, nửa thân sau của nó chìm dần xuống biển, giặc lái từ trong máy bay (khoảng 9 tên) lao ra, leo lên xuồng cứu sinh. Trên trời, 7 - 8 chiếc trực thăng lượn vòng, thả thang dây xuống biển, câu lên từng tên giặc lái. Chúng tôi nhả đạn vào những tên giặc đang đu thang dây, một tên bị trúng đạn, rơi tòm xuống biển. Mọi người cùng ồ lên, xã đội trưởng Thường nói như ra lệnh: “Được lắm, bắn chính xác vào".
Trận địa pháo trong bờ vẫn bắn cấp tập, nhiều quả đạn phát nổ quanh thân tàu chiến và máy bay trực thăng, một quả đạn bắn trúng thân tàu, tạo ra quầng lửa đỏ rực. Chiếc tàu địch vội lùi ra xa rồi mất dạng trên biển. Lúc này chúng tôi cũng bắt đầu kiệt sức. Bỗng một loạt rốc két và đạn 20 ly từ 2 chiếc máy bay AD 6 bổ nhào bắn trúng chiến thuyền. Binh nhất Lê Văn Mùi (người cầm lái) trúng đạn ngã nhào xuống biển, hạ sĩ Lê Biền bị mảnh đạn chém vào cánh tay, du kích Lê Văn Đào bị mảnh đạn găm vào đùi phải. Thuyền bị bắn thủng, nước biển bắt đầu ùa vào. Chợt có tiếng hét thất thanh của người ngồi bên cạnh, tôi quay sang thì thấy anh Lê Xuân Bắc máu me đầy người, cánh tay trái của anh bị đạn cắt đến gần bả vai, chỉ còn một mảnh da giữ cho cánh tay lủng lẳng bên thân mình. Anh nhìn tôi khẩn khoản: “Dơn ơi, cậu có thể dùng lưỡi lê cắt đứt luôn cánh tay cho mình được không?". Tôi trả lời anh: “Lưỡi lê dùng để đâm chứ cắt sao được anh, thôi anh cố chịu đau để em xé áo băng tạm lại cho". Tôi chưa kịp xé áo thì Lê Văn He ném lại một tấm vải dù, tôi cầm lên, xé làm đôi rồi băng bó, rịt thật chặt vết thương, giữ không để anh mất thêm nhiều máu. Nhìn anh Bắc, nước mắt tôi ràn rụa, lại thấy quân phục của mình loang vết máu và dính cả những mảnh thịt nát từ cánh tay anh. Thấy tôi cứ thút thít khóc, anh Bắc bảo: “Anh đau muốn chết, còn chưa khóc, em không bị thương mà khóc cái gì?".
Ở khoang giữa, xã đội trưởng Lê Văn Thường bị đạn cắt cụt ngang khuỷu tay trái, hạ sĩ Lê Biền và các chiến sĩ He, Có đều bị thương. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hiền vốn gốc làng chài Hoa Lư, xã Tỉnh Hải đề nghị: “Mọi người nên rời bỏ thuyền bơi vào bờ thôi, chứ thuyền chìm rồi còn đánh đấm gì được nữa". Lê Biền lập tức đáp lại: “Ai cũng bơi vào, bỏ thương binh chết giữa biển à?". Nhưng Nguyễn Văn Hiền vẫn nhảy xuống biển, bơi được một quãng, thấy không có ai bơi theo, Hiền vội quay trở lại.
Nhìn thuyền đang vào nước chìm dần xuống biển, tôi chợt nghĩ ra một cách rồi cùng với Hiền và Có dùng 2 cây cột buồm (bằng cây luồng rỗng ruột), gỡ dây lèo buộc áp vào hai bên mạn để giữ cho thuyền không chìm sâu. Buộc xong, chúng tôi dìu ba người bị thương nặng là Bắc, Thường và Đào lên ngồi trên đống lưới và ngư cụ, chuyển súng, đạn của người bị thương lên mũi thuyền rồi dầm mình xuống biển, sát hai bên mạn, vịn tay đỡ hai cây cột buồm để giảm bớt trọng lượng, giữ cho thuyền không chìm hẳn.
Hoàng hôn đỏ bầm như máu rồi bóng tối lan dần trên mặt biển. Máy bay địch liên tiếp bắn pháo sáng, đánh chặn thuyền ta để bọn trực thăng cứu hết bọn giặc lái. Trời tối hẳn, mặt biển ngả sang màu xám xịt, tiếng bom đạn, tiếng súng nổ thưa dần, máy bay địch cũng đã rời đi. Đang tiết cuối tháng 2 âm lịch, gió đông bấc thổi lồng lộng, tiếng sóng vỗ ì ọp nghe như tiếng khóc quanh mạn thuyền. Do đã ngâm mình trong nước lạnh suốt nhiều giờ nên anh em rét run, môi răng va vào nhau lập cập. Ba chiến sĩ bị thương nặng, bị mất máu khá nhiều, vết thương ngấm nước mặn vừa đau vừa xót, nhưng dường như không ai còn đủ sức để rên. Cả chiến thuyền bị thương tích nặng, nửa chìm nửa nổi trong biển lạnh, cách đất liền khoảng gần 2 km. Càng về khuya gió càng thổi mạnh, sóng biển đêm như con quái vật thi nhau nhào lộn chực nhấn chìm 9 mạng sống mong manh xuống lòng biển sâu.
Ý nghĩ thiêu đốt chúng tôi lúc này là phải sớm cấp cứu cho 3 ca bị thương nặng. Song, tất cả đều phải nén lòng chờ đợi.
Hơn 7 giờ trôi qua, kể từ lúc thuyền trúng đạn, vẫn chưa có tín hiệu nào từ phía đất liền. Sốt ruột, hạ sĩ Lê Biền dương súng tiểu liên điểm xạ một tràng lên không trung như để phát tín hiệu xin cấp cứu. Cuối cùng “vận may" cũng tới, từ phía Tây, một ánh đèn pin nhọn như mũi tên (do đèn dán mặt kính hạn chế ánh sáng, một đặc điểm thời chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ) lia qua lia lại phía thuyền chúng tôi như để tìm kiếm. Bỗng một giọng vang lên như dùng loa phát thanh: “Các chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 1 có ở gần đây không?". Trời ơi! Thật không còn gì mừng hơn khi chúng tôi nghe được câu nói cứu sinh ấy. Chẳng ai bảo ai, tất cả cùng đồng thanh trả lời: “Có, chúng tôi đang ở đây, đang ở đây, ở đây...". Thoáng chốc, một chiếc thuyền căng 2 cánh buồm lớn như một con đại bàng khổng lồ lao tới, trên thuyền lao xao, rồi một giọng cất lên hồ hởi: “Anh em ta đây rồi. May quá. Các đồng chí ơi, Thủ trưởng, chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy tìm kiếm anh em từ tối đến giờ đây, may quá gặp được người mình rồi!". Có tiếng một người hỏi vọng sang: “Tình hình anh em trên thuyền thế nào? Có chiến sĩ nào bị thương không?". Hạ sĩ Lê Biền đáp: “Dạ, báo cáo Thủ trưởng, có tất cả 10 anh em lên thuyền, nhưng hiện còn 9, đồng chí Lê Văn Mùi bị đạn bắn trong khi cầm lái, văng xuống biển mất tích, ba đồng chí bị thương rất nặng là xã đội trưởng Lê Văn Thường, chiến sĩ trinh sát Lê Xuân Bắc, du kích Lê Văn Đào, 3 đồng chí bị thương nhưng vẫn còn khả năng chiến đấu là Lê Biền, Lê Văn He, Nguyễn Văn Có; 3 đồng chí hoàn toàn khỏe mạnh là Đỗ Minh Dơn, Hồ Văn Trân và Nguyễn Văn Hiền... Báo cáo hết".
Trong bóng tối mịt mờ, tôi nhận ra dáng người gầy và cao của Thiếu tá Phạm Lự, chính trị viên Tiểu đoàn, ông ra lệnh: “Các đồng chí cho áp sát thuyền ta vào, khẩn trương chuyển 3 thương binh nặng lên trước, y tá kiểm tra băng bó lại vết thương cho các đồng chí; hỗ trợ tất cả lên thuyền ta, đưa nước và lương khô cho các đồng chí. Hiện tại ta đang có lợi thế về sức gió, hãy căng buồm, đưa anh em vào đất liền càng nhanh càng tốt". Ngay lập tức, một giọng trả lời: “Báo cáo, rõ!"
Mọi việc tạm ổn, 9 chiến sĩ đã kẻ nằm, người ngồi trên khoang cứu nạn. Các “tay thợ" điều khiển con thuyền quay mũi về đất liền, lèo lái cho 2 cánh buồm căng phồng đón gió, lao đi trên mặt biển đêm. Thuyền cập bờ trời vẫn chưa sáng, nhưng các lực lượng tham gia cứu nạn đã có mặt chào đón, khẩn trương đưa các chiến sĩ bị thương nặng lên bệnh viện dã chiến huyện Tĩnh Gia, chiến sĩ bị thương nhẹ được đưa lên bệnh xá Trung đoàn 57. Riêng tôi, Hồ Văn Trân và Nguyễn Văn Hiền được cho về nhà dân để nghỉ ngơi.
***
Chừng 4 giờ sáng, vừa bước vào đầu ngõ nhà mẹ Hải, đã thấy hai người hớt hải chạy ra, đó là mẹ Lê Thị Nháng và mẹ Lê Thị Hải. Hai bà mẹ lập cập nắm lấy tay tôi, giọng xúc động: “Con ơi! Rứa là bay còn sống về đây với các mẹ rồi. Từ lúc nghe bom đạn nổ ầm ầm ngoài bể, lại nghe tin các con lên thuyền ra bắt giặc lái, lòng dạ các mẹ như lửa đốt, chỉ biết thắp hương cầu Trời khấn Phật độ trì cho anh em bắt được giặc lái, bình yên trở về. Rứa anh em có ai việc chi không con?". Trước cử chỉ đầy tình thương yêu của hai bà mẹ, tôi quên hết mệt nhọc, tóm tắt sự việc để hai mẹ cùng biết, rồi về nhà mẹ Nháng thay quần áo, tắm rửa và lên giường, chỉ vài phút sau tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ...
Tối 15/3, tham mưu trưởng tiểu đoàn, đại úy Phan Huy Chuyên có buổi làm việc với tiểu đội trinh sát và hạ sĩ Lê Biền. Ông đặc biệt khen ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của tiểu đội trinh sát và các chiến sĩ phối hợp. Ông cho biết: “Trận chiến đấu này cho thấy: Kẻ địch rất mạnh, sức cơ động đặc biệt nhanh, phương tiện, vũ khí nhiều và rất hiện đại, thực hiện đánh chặn quyết liệt để quyết giải cứu bằng được giặc lái. Trong khi chúng ta thiếu hẳn hỏa lực phòng không trên biển, sử dụng phương tiện thô sơ, chỉ dùng sức người để chèo lái, nên tốc độ di chuyển rất chậm… May là ta có hỏa lực pháo bắn thẳng từ đất liền yểm trợ nên tàu chiến của địch bị trúng đạn, không dám tiến vào gần. Bọn địch đã bị ta bắn cháy 3 máy bay, trong đó có 1 chiếc thủy phi cơ, 1 phản lực F4.H và 1 trực thăng, tiêu diệt 2 tên giặc lái Mỹ. Về phía ta, có 3 chiếc thuyền bị bắn chìm, 3 chiến sĩ và 3 du kích hy sinh, hơn chục người khác bị thương, trong đó có 3 chiến sĩ bị thương nặng...".
Kết thúc buổi làm việc, chúng tôi viết bản tường thuật trận đánh trình lên tiểu đoàn để xét khen thưởng. Ngay hôm sau (16/3), phóng viên của các báo Thanh Hóa, Quân đội Nhân dân, Quân khu 3… thi nhau đến tìm, phỏng vấn từng người và cả tiểu đội. Tuần sau, các báo đồng loạt ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của đơn vị, trong đó có các chiến sĩ tiểu đội trinh sát. Đáng tiếc là nhiều tình tiết bị phản ánh sai lệch khiến chúng tôi hẫng hụt như gán cho 2 đảng viên trên chiến thuyền (Lê Văn Thường và Nguyễn Văn Hiền) là những chỉ huy đầy mưu trí, dũng cảm, là “nhân tố" quan trọng trong trận chiến, nhất là đảng viên trẻ Nguyễn Văn Hiền. Thực tế, không ai trên chiến thuyền đảm nhận vai trò chỉ huy. Người dũng cảm cầm lái cho con thuyền lao về phía địch chính là binh nhất Lê Văn Mùi, người con của làng chài Hải Châu đã anh dũng hy sinh. Riêng Nguyễn Văn Hiền thậm chí còn rời bỏ đồng đội khi thuyền bị trúng đạn để bơi vào bờ, may là sau đó anh ta đã quay trở lại.
10 người trên chiến thuyền hôm ấy đều được khen thưởng. Hai Đảng viên được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì, liệt sĩ Lê Văn Mùi được truy tặng Huân chương chiến công hạng Ba cùng với các chiến sĩ Lê Văn He, Hồ Văn Trân, Lê Biền và Lê Văn Đào. Riêng tôi và Nguyễn Văn Có chưa phải là Đoàn viên Thanh niên Cộng sản nên chỉ được tặng Bằng khen “về thành tích dũng cảm trong chiến đấu..." của Bộ Tư lệnh Quân khu 3.
Thời gian sau, tôi được phong quân hàm vượt ba cấp, được đề bạt lần lượt giữ các chức vụ Trung đội Phó, Trung đội Trưởng, rồi Đại đội Phó - Đại đội 3, được chọn gửi đi đào tạo sĩ quan tham mưu tại trường Quân chính - Bộ Tư lệnh Quân khu. Kết thúc khóa học, trở về đơn vị, tôi được giao trợ lý tham mưu tiểu đoàn rồi trung đoàn; Từng tham gia đưa quân vào chi viện cho chiến trường B3 rồi trở về đoàn Lam Sơn tiếp tục tuyển quân, huấn luyện và giao quân (hai đợt) cho binh chủng Đặc công, đến giữa năm 1973 thì chuyển ngành.
Mới đó đã gần 60 năm trôi qua. Trận sống mái với giặc lái Mỹ trên biển vẫn còn nguyên trong ký ức tôi, đặc biệt hình ảnh chiến sĩ Lê Văn Mùi đứng thẳng hiên ngang, cầm chắc tay lái và anh dũng hy sinh khắc sâu trong tâm khảm, trở thành biểu tượng “người cầm lái" của tôi trong suốt cuộc đời!
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 77 (Tháng 7 năm 2024)