Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÂM SỰ LÍNH MỚI

 

Gần hai tiếng đồng hồ dưới cái nắng chói chang, mồ hôi tuôn như tắm cùng cơn ngứa vì chứng dị ứng hoành hành như hàng ngàn mũi kim châm ở khắp người... Tôi phải đứng vững.
Người ta gọi tôi là Nhà văn trẻ. Nhưng chủ yếu khi gặp mặt, người ta lại muốn tôi phải làm ngay một bài thơ trong bảy bước chân mà đọc cho họ nghe. Nếu không đọc được sẽ cho vào trạng thái “hủy kết bạn" ngay. Ấy vậy mà chẳng ai ngờ một ngày nọ, cái “ông" nhà văn ấy tưởng cứ sẽ mãi náu trong góc mà cắn bút trăm năm thì tôi lại đòi đi bộ đội: Đeo cầu vai viền đỏ hẳn hoi nhé!
Tại sao tôi ngập ngũ?
Người ta hỏi tôi nhiều chứ: Ông nhà văn này đi trốn nợ, hay bị người yêu ruồng bỏ mà chán đời... với vô vàn lý do giả định. Nhưng thật sự tôi có đắn đo không?
Việc nhập ngũ thì tôi đã xác định tư tưởng từ lâu lắm. Lúc đó, trong những giấc mơ, tôi thường mơ thấy mình trong bộ đồ rằn ri của lính đặc công, trên người mang súng cùng một vài con người xa lạ khác. Tất cả cùng nhau nhảy xuống một cái hố rất sâu, đất cát mịt mù. Khi tỉnh dậy tôi cứ ngơ ngác mãi. Phải, đến chính tôi ngay lúc ấy còn không thể hình dung được điều đó cơ mà. Nhưng để công bằng mà nói, lý do thực sự tôi lên đường khi ấy là gì thì tôi vẫn chưa rõ...
Đợt khám sức khỏe vào cuối năm. Thú thật, khi cầm tờ giấy đo các chỉ số trên tay, đạt loại 1 những 8/9 mục kiểm tra vào năm hai mươi ba tuổi, khi ấy tôi cảm thấy chẳng có lý do gì để tạm hoãn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự nữa. Chẳng lẽ lại bảo cho em ở nhà tiếp tục viết văn? Không được! Dù các anh cán bộ phường cũng rất muốn “ưu tiên" cho tôi đấy. Mấy anh tâm lý hỏi tôi có sợ bị gián đoạn công việc không? Có chứ. Ai cũng thích sự ổn định mà, nhưng nếu cứ thế thì ai sẽ đi... Ngẫm rồi, tôi cầm bút ra phường xin ký ngay vào Đơn tình nguyện nhập ngũ mà Chỉ huy trưởng trao.
Những ngày cận tết Giáp Thìn 2024 cập rập.
Trước đó, ba mẹ tôi có bàn làm tiệc tiễn quân nhưng tôi lại không thích sự ồn ào cho lắm. Với quãng thời gian ít ỏi còn lại, tôi tranh thủ thăm thú một số nơi, đặc biệt là Hội VHNT tỉnh Đồng Nai, nơi đã dung dưỡng cho tôi có được sự yêu mến của mọi người như lúc này.
Nhiều người đến chia tay, nhắn nhủ.
Khi ấy, Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đang ngồi uống trà, cô mở to mắt khi nghe tin tôi chuẩn bị nhập ngũ. Rồi thoáng chút suy tư, cô bật nói:
- Lý Thăng Long đi vậy thực tốt quá! Hội ta rất muốn Văn nghệ sĩ được trải nghiệm thực tế sáng tác trong môi trường quân đội. Mảng chuyện lính thời bình bây giờ quả thực hiếm.
Tôi cười sung sướng cảm ơn cô đã động viên.
Rồi trước khi ra về, Nhà văn Trần Thu Hằng - Trưởng ban Văn học còn dặn tôi giữ mình, chớ rượu bia, thuốc lá... Nhà văn Đào Sỹ Quang nói đi về phải có một cuốn tiểu thuyết đấy nhé!
Đêm đó, tôi nằm miên man mãi. Phải, chỉ cần xem đây là một chuyến thực tế sáng tác vẫn thường đi thì hẳn cũng không có gì nặng nề lắm đâu.
Những ngày sau đó, tôi ôm ba mẹ tôi nhiều hơn mỗi ngày, cho đến khi khoác lên mình màu xanh áo lính.
Tại Quảng trường, dưới mái nhà bạt phủ đầy khói thuốc trong Trại tòng quân, có mấy thanh niên cố kéo thêm vài hơi như sợ để nhỡ hai năm trời xa cách... Những cuộc nói chuyện điện thoại khuya khoắt với người yêu, lào xào bàn tán mai sẽ đi đâu về đâu. Tôi ngộp thở quá, tôi cố nhắm nghiền mắt nhưng chẳng tài nào vào giấc được.

Lý Thăng Long.jpg

Lý Thăng Long - Chiến sĩ mới của Trung đoàn Đồng Nai - tuyên thệ dưới Quân kỳ" - Ảnh L.T.L

Mặt trời đã lên cao.
Được trao hoa, qua cầu vinh quang và lên xe... Mọi thứ cứ thế diễn ra chóng vánh. Kể từ thời điểm đó, tôi biết bản thân đã chính thức thuộc về quân đội. Những cậu trai khác cũng biết phận, mỗi đứa một nỗi niềm, trên xe khi ấy im lặng một cách lạ kỳ, thi thoảng có tiếng nấc. Tôi vén rèm cửa vội, thấy mẹ vừa cầm điện thoại vừa chạy theo xe, hai mắt mẹ đỏ hoe. Ngẫm lại hai mươi bốn năm qua đã để bà khóc nhiều. Tôi thầm nói: “Mẹ ơi, đừng lo cho con, con sẽ sống tốt".
Tiếng nhạc, kèn và tiếng trống tiễn quân cứ thế xa ngút ngàn trong nắng, người người đổ xô nhau ra đường nhìn. Xe đưa chúng tôi đi.
***
Vài ngày trước khi đi, tôi được mời lên phường nhận quà Tết.
Vừa nhác thấy bóng tôi khệ nệ ôm túi gạo, chị H. của phường đã vẫy vẫy tôi lại mà nói nhỏ: “Này, em được giữ lại ở Tỉnh đấy, xem ra người ta cũng biết trọng nhân tài lắm!". Rồi chị đẩy tôi đi. Câu nói lấp lửng ấy của chị khiến tôi bấy giờ cứ mơ mộng mãi. Tôi ung dung nhắm mắt nằm chờ. Ấy thế mà khi choàng tỉnh chợt thấy xe đang ở dưới chân một ngọn núi cao tít mù.
Và đó, tôi đóng quân ở ấp Việt Kiều - Xuân Lộc, nằm dưới chân núi Chứa Chan.
Đường sá heo hút, vắng vẻ. Khi đó, tôi vẫn chưa biết đó là Trung đoàn Đồng Nai, nơi sẽ chỉ gắn bó với mình vỏn vẹn ba tháng quân trường. Và cũng chẳng hiểu sao, lúc này lòng tôi lại hăng hái một cách lạ kỳ.
- Lôi tất cả thuốc men trong ba lô ra, anh kia!
Tại Hội trường lớn vừa làm lễ ra quân huấn luyện, một sỹ quan trẻ quát to với cậu lính dáng người phục phịch ở ngay cạnh tôi, ánh mắt lạnh lùng. Tôi có mấy vỉ thuốc dị ứng ba đưa đã giấu kỹ trong một chiếc bít tất, nhưng do thật thà hay sợ bị phát hiện mà cũng ngoan ngoãn lôi ra, bỏ trước mặt chờ đến lượt. Thế rồi, trên khán đài chợt có tiếng gọi tên tôi:
- Lý Thăng Long!
Đó là tiếng của một sĩ quan chính trị trên bàn giám sát vẫy tôi lên. Nhìn tôi một lát, anh cười trìu mến rồi nói:
- Em là nhà văn à?
Câu hỏi của anh đã đánh động các sĩ quan trẻ đang kiểm tra quân tư trang bên dưới. Tất cả hướng ánh mắt về phía tôi. Rồi anh gật đầu nói tôi về chỗ. Cũng không biết sao, nhưng sau đó thì các anh sĩ quan kiểm tra quân tư trang chừng như có vẻ lỏng tay với tôi hơn. Tôi nhanh chóng thu xếp ba lô và theo người chỉ huy về đơn vị.
Thế là qua ải thứ nhất.
Việc tiếp theo của tân binh là cạo đầu. Khoản này thì anh thợ cạo trong phòng kia rất khỏe, một trăm đầu như một, cứ đưa sát tông đơ mà ủi trông hệt như cái vỏ sọ dừa. Cạo xong, tất cả cứ nhìn nhau dở khóc dở cười.
Kèn báo giờ cơm trưa vào lúc 11h00, có ba mươi giây để tập trung ổn định hàng ngũ. Ăn cơm trong vòng mười phút đã gọi là nhiều, tính cả thời gian đạp lên nhau mà rửa chén. Tôi chan canh và hết tám bát vào bụng mà lúc ra xếp hàng người vẫn nhẹ như bông, lắm khi vì quá mệt còn chẳng biết mình đã ăn gì hay chưa... Chân nối chân và đi vẫn phải đi.
Tiểu đội trưởng của chúng tôi có nước da ngăm đen, gương mặt lầm lì, thua tôi những ba tuổi nhưng ăn nói rất bụi. Cậu ta cởi trần, độc chiếc quần đùi, tay lăm lăm một cây thước gỗ ra giọng quán triệt. Những khuôn mặt nghiêm nghị, tiếng quát tháo gay gắt khiến lính mới như chúng tôi đều sốc và nơm nớp lo sợ. Tôi cảm tưởng  những người chỉ huy luôn sợ lính mới đào tẩu để trốn về nhà vì không chịu được sự khắc nghiệt của môi trường quân đội. Và tôi có cảm giác, bất cứ lúc nào cũng có thể bị tẩn cho no bụng nếu làm gì trái khoáy.
Đối với tân binh, lo nhất có lẽ là chịu phạt. Chịu phạt và nghe “hát" nhiều như cơm bữa. Không phải do cán bộ khó khăn gì, chỉ bởi ở đây có đủ các thành phần: Các chiến sĩ tuổi đời chỉ vừa mười tám, đôi mươi, chưa học hết cấp ba... chân tay xăm kín đủ cả. Đứng nắng, báo động chạy lòng vòng trong đêm, đạp lên nhau mà lột ra lột vô một bộ đồ trong một phút ba mươi giây, bò lê ra những bãi cỏ xước xiên lởm chởm và đất thì rắn như đá... Chống đẩy dưới nắng thì nhiều đến mức tưởng như mỗi ngày đều có thể mang một bát đất trong khoang mũi và họng về cất dần mà xây nhà. Tay chân tôi lúc nào cũng sứt sát và rướm máu, có đứa lên cả mủ xanh như cốm... mà có lên mủ thì vẫn phải nắm tay xuống đất đó mà hít.
Nhưng sau tất cả, khoản đáng sợ nhất có lẽ là những buổi sinh hoạt kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ quần thảo nhau giữa trưa nắng; ví dụ chỉ vì làm mất một cái kéo cắt dây. Làm sao để không dao động tư tưởng trong suốt những tháng ngày còn lại của đời lính là điều mà mỗi chúng tôi luôn tự hỏi nhau... Và rồi những bài giáo dục chính trị khiến những người lính trẻ an tâm hơn, bản lĩnh vững vàng hơn. - Như những lời cầu nguyện duy nhất ở trên cao.
Có những dòng nhật ký vội vã, những câu nói chẳng đầu cuối gì chỉ bởi điện thoại hết tiền... hay vì tiếng nghẹn lên cổ họng mà không cách nào nói ra được khi nghe thấy giọng bố mẹ ở đầu dây bên kia. Trung đội trưởng tạo điều kiện cho tôi mượn điện thoại gọi về nhà. Mẹ tôi vốn hay lo, tôi đi rồi mẹ ở nhà hẳn sẽ buồn và vất vả nhiều. Nghe tiếng mẹ ở đầu dây bên kia sau hơn nửa tháng xa cách, tôi không muốn nói nhiều, chỉ nói con sống rất tốt, tôi sợ nói nhiều rồi tôi sẽ không cầm được nước mắt, và cúp vội. Cuộc điện thoại đầu tiên của đời lính chỉ vỏn vẹn 30 giây.
Đời lính đôi lúc cho tôi sự cô đơn tột cùng và cũng mất đi một vài thứ. Nhưng chính nhờ sự cô đơn ấy khiến tôi biết trân trọng sâu sắc hơn - chỉ đơn giản là những gì bình dị nhất tôi có được ở ngoài kia, nhưng chưa bao giờ tôi quan tâm đến: được ngậm một viên kẹo đường lúc đói chẳng hạn. 
Những ngày hành quân ra thao trường nắng nóng kéo dài khiến một số anh trong Trung đội mặt mũi nhợt nhạt, phù thũng, miệng thì luôn đắng và lờm lợm. Có mấy đứa vừa đi vừa gọi: “Mẹ ơi!" rồi câu ca “Hát mãi khúc quân hành" vẫn cứ thế vang lên.
Phía trước chỉ thấy mặt đường nhòe đi, và mùi đất trộn mồ hôi ngâm trong áo rất nồng. Đến cuối ngày, ai nấy đều thiếp đi dưới ánh sao mờ ngang núi.
***
Những ngày cuối khóa mưa nhiều, mùi mốc giày và ẩm thấp trải khắp phòng.
Những đợt cúm kéo dài triền miên không dứt. Phần vì lính chúng tôi phải nỗ lực tập điều lệnh cho buổi Lễ Tuyên thệ, và một nguyên nhân khác: Hẳn có lẽ mũi thuốc siêu mạnh chống mọi loại bệnh tật mà các cô quân y tiêm lúc này đã hết tác dụng.
Lính ho tợn.
Nhịp ho đều hơn tiếng kèn báo thức. Cả phòng cứ thế trợn mắt, khò khè vì khó thở. Tôi có cảm tưởng những con vi khuẩn ở đâu đó cứ thế lởn vởn mãi trong cái “trại bệnh" này. Và đúng như dự đoán, sớm hôm sau nghiễm nhiên tôi cũng trở thành một con bệnh. Đó là một điều tệ hại. - Bởi thời điểm đó chỉ còn cách lễ Tuyên thệ chưa đầy 24h.
Ba tháng quân trường với tôi hẳn có lẽ đã rất đẹp: Bắn AK, đánh thuốc nổ, ném lựu đạn... được kênh Quốc phòng Việt Nam ghi hình, được mời lên phát biểu trong buổi họp mặt giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình chiến sĩ mới. Những kí ức cứ thế ùa về.
Đêm ấy, tôi vẫn gác.
Đêm gác cuối ở Xuân Lộc vào gần sáng se lạnh, cùng một số chuyện vụn vặt vi phạm kỉ luật xảy ra vào ca gác của tôi khiến khoảng thời gian ngắn ngủi đó thực sự căng thẳng... Tôi tọng nước muối và chà dầu gió xanh ở khắp người.
Giờ Tuyên thệ đến...
Gần hai tiếng đồng hồ đứng dưới cái nắng chói chang, gay gắt của đầu tháng Sáu, mồ hôi tuôn như tắm cùng cơn ngứa vì chứng dị ứng hoành hành... Tôi phải đứng vững.
 “Đồng chí Lý Thăng Long - Chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1... lên đọc mười lời thề!"
“Rõ!"
Trước toàn quân, hơn 500 cán bộ từ sĩ quan, hạ sĩ quan đến các chiến sĩ, các lực lượng dân quân thường trực khắp nơi… đứng nghiêm dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trời lồng lộng. Thủ trưởng đơn vị xướng tên tôi lên đọc 10 lời thề danh dự và hôn quân kỳ trước toàn quân.
“Quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa!"
Tiếng bước chân đi nghiêm đều đặn và tiếng đáp lại của toàn quân hùng hồn. Trong tim tôi khi ấy chỉ có bóng quân kỳ bay phía trước.
Khoảnh khắc ấy, tôi và các anh em chiến sĩ bằng tất cả ý chí, đã chính thức trở thành một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày hôm đó, dưới lá cờ đỏ năm cánh sao vàng, tôi đã tìm ra câu trả lời thật sự cho riêng mình. Chúng tôi đã được rèn luyện gian khổ để trở thành những thanh niên bản lĩnh, gan dạ, không nề hà trước bất cứ việc gì. Không có bất cứ lý do gì để tôi đắn đo quyết định lên đường cả, bởi vì đó là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Và những vòng bánh xe vẫn cứ thế, lại tiếp tục giục giã chúng ta lên đường.

​(Nguồn: VNĐN số 79 – tháng 9, năm 2024)


Gần hai tiếng đồng hồ dưới cái nắng chói chang, mồ hôi tuôn như tắm cùng cơn ngứa vì chứng dị ứng hoành hành như hàng ngàn mũi kim châm ở khắp người... Tôi phải đứng vững.
LÝ THĂNG LONG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​