NSND. ĐD Giang Mạnh Hà
Từ đạo diễn sân khấu…
Hơn ba chục năm trước, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai có ông thầy dạy cải lương tóc xanh, da trắng, dáng vẻ thư sinh, đặc biệt là… giọng Bắc thuần chủng! Đó chính là thầy Giang Mạnh Hà- chủ nhiệm lớp cải lương, đến từ quê lúa Thái Bình. Tôi không rõ cơ duyên nào đưa anh đến với cải lương, do sức hút từ bản thân các bài bản cổ hay do giá trị nội hàm của di sản văn hóa truyền thống xứ Nam bộ, hoặc cả hai, nhưng chắc chắn Giang Mạnh Hà rất yêu cải lương. Nhiều người vẫn mặc định cải lương là món ruột của đất phương Nam, phải là người Nam bộ thì lúc đổ sáu câu, “xuống xề" mới ngọt lịm, mới thẩm thấu tới xương, còn giọng Bắc ca cải lương nghe cứng và thô, không lọt tai. Nhưng lý lẽ ấy khó đứng vững trước ông thầy trẻ được đào tạo bài bản tại trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh, có giọng ca ngọt ngào, tròn vành rõ chữ, một “kép cải lương thứ thiệt". Với giọng hát đẹp, ngoại hình nho nhã, anh từng đóng Hoàng tử Ali trong vở Hoàng hậu Ba Tư, Lục Vân Tiên trong vở Kiều Nguyệt Nga, kỹ sư Tân trong vở Khoảng khắc một tình yêu…Khi trở thành thầy dạy Trường trung cấp VHNT đồng Nai, khả năng vũ đạo mềm mại, tinh tế của “ thầy Hà" khiến học trò say mê, lúc anh thị phạm, họ bị hút vào từng cử chỉ, động tác, nét mặt, ánh mắt…của thầy, chẳng ai còn băn khoăn về xuất xứ “ Bắc kỳ" của Giang Mạnh Hà.
Được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Đồng Nai, Giang Mạnh Hà và tập thể đoàn đã vật lộn, lên thác xuống gềnh để trụ vững trong thời điểm cải lương bị các trào lưu văn hóa mới chèn ép đến ngạt thở. Năm 1995, cơn bão cơm áo gạo tiền đẩy nhiều nghệ sĩ gạo cội bật khỏi sân khấu rực rỡ ánh đèn. Túi rỗng phải đi “vay" kinh phí, Giang Mạnh Hà vẫn liều dàn dựng vở Uy quyền và tội ác tham dự hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tại thành phố Huế. Đạo diễn trẻ nhất, diễn viên trẻ nhất, thầy trò Giang Mạnh Hà gần như chưa ai biết mặt nhớ tên. Ngồi xem học trò diễn, tim đánh lô tô trong ngực, anh hồi hộp rồi vỡ òa niềm vui khi thấy các nghệ sĩ trẻ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đoàn nghệ thuật cải lương đến từ Đông Nam bộ đã mang lại sự rung động mãnh liệt và sâu sắc cho khán giả cố đô và các đoàn bạn bằng phong cách dàn dựng mới mẻ, hiện đại và lối diễn chân thực, xúc động, không “ lên gân cốt " hay sướt mướt ủy mị như thường thấy ở các vở cải lương đương thời. Vở diễn đã giành 10 huy chương gồm: huy chương bạc cho đoàn, 9 huy chương cá nhân: 3 vàng, 4 bạc và 2 đồng. Thành công của Uy quyền và tội ác đã tạo động lực cho Giang Mạnh Hà bước đi vững chãi, tự tin hơn trên con đường chông gai: giữ cho lửa nghề cháy mãi trong tim nghệ sĩ, níu họ lại với nghệ thuật cải lương, chinh phục khán giả để người xem không quay lưng với sân khấu truyền thống. Trong vòng chưa tới 10 năm, ở tuổi 32, Giang Mạnh Hà đã dàn dựng 68 vở kịch ngắn dài, một hiện tượng độc đáo trên lĩnh vực đạo diễn sân khấu vốn nhiều thử thách.
Nhận thấy không thể cứ “tay ngang", Giang Mạnh Hà quyết định thi và đỗ vào lớp cử nhân chuyên ngành đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Hà Nội. Thế là để “sôi kinh nấu sử" ở thủ đô, anh bán sạch “kho lương dự trữ" của gia đình là 10 căn phòng cho thuê với giá bèo, để lấy tiền ăn học. 5 năm đèn sách, Giang Mạnh Hà ở nhà trọ, vừa học, vừa “chạy show" bằng cách dàn dựng các vở Bão giữa vùng tối sáng, Kẻ bạc tình, Hoàng hôn mong manh, Đen đỏ mịt mùng cho Nhà hát cải lương TW, Nhà hát Phương Đông- Thành phố Hải Phòng, Đoàn cải lương tỉnh Thanh Hóa, Nhà hát nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa…
Tốt nghiệp đạo diễn sân khấu trở về, Giang Mạnh Hà bắt đầu thổi nguồn năng lượng tươi mới cho Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, mở ra một thời kỳ vàng son, vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc.
Trong vòng hơn ba chục năm, Giang Mạnh Hà đã dàn dựng trên 200 tác phẩm đủ loại “kịch chủng": cải lương, kịch nói, múa rối nước, múa rối cạn, dân ca kịch, sân khấu ảo, ca múa, tuồng, chèo …Nổi tiếng là một đạo diễn “mát tay", anh dựng vở nào là ghi dấu ấn sâu đậm vở đó. Nhiều vở cải lương do anh đạo diễn gây tiếng vang trong cả nước: Ảo vọng mê cuồng", Quyền uy và tội ác, Dòng sông đỏ, Chuyện tình thủa ấy,Cây đàn huyền thoại…Năm 2005, Giang Mạnh Hà dựng vở cải lương Những ngôi sao biển về đề tài tàu không số, ngay lập tức vở cải lương được chọn lưu diễn nhiều buổi tại thủ đô Hà Nội để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10. Vở diễn này đã giành giải tác phẩm sân khấu xuất sắc nhất và Giang Mạnh Hà cũng “ ẵm" luôn giải đạo diễn xuất sắc nhất.
Dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội năm 2010, các đoàn kịch hát, kịch nói thi nhau chọn đề tài Lý Công Uẩn để tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Giang Mạnh Hà cũng chọn dựng vở cải lương Dời đô để dâng tặng thủ đô Hà Nội. Ròng rã hơn tháng trời thầy trò mướt mồ hôi trên sàn tập, Dời đô đã được tưởng thưởng xứng đáng: huy chương vàng liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, huy chương vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc, giải A tác phẩm sân khấu xuất sắc của Hội nghệ sĩ Việt Nam, được VTV 1 truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt nam. Không chỉ thế, Dời đô còn được chọn biểu diễn trong đêm khai mạc đại lễ cho các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thưởng thức.
Các vở Vượt qua tâm bão (2012) Tình sử hai vương triều ( 2015), Bão táp một vương triều ( 2018) do Giang Mạnh Hà dàn dựng đều giành giải tác phẩm xuất sắc nhất và huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Đồng Nai và các tỉnh Bạc Liêu, Long An .
Tôi từng xem vở cải lương Dời đô dưới bàn tay biến hóa phù thủy của Giang Mạnh Hà. Kịch bản văn học của Lê Duy Hạnh được anh “tháo tung" để sắp xếp lại theo một trình tự hợp lý, rồi viết thêm hẳn 4 lớp kịch để làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Anh táo bạo đưa lên sân khấu hơn ba chục diễn viên trẻ đẹp trong màu áo nâu sồng của nhà chùa, với những màn múa hát lạ mắt, nhiều tính ẩn dụ. Sư Vạn Hạnh –biểu tượng của sự minh triết xuất hiện trên tòa sen trong vầng hào quang rực rỡ với tiếng nói văng vẳng từ xa là một điểm nhấn bất ngờ thú vị. Hình ảnh Phất Ngân công chúa vung lưỡi kiếm chặt phăng chiếc dây thòng lọng đại diện cho sự trói buộc của thế lực cũ, làm 4 cột đá sụp đổ tan tành cũng là một sáng tạo đắt giá. Chi tiết biểu cảm này mang nhiều ý nghĩa: cuối cùng thì phái thủ cựu đã thua, phe tiến bộ đã chiến thắng. Đạo diễn đã tạo hàng loạt tình huống để các nghệ sĩ thỏa sức tung hoành, khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật. Dàn nhạc giao hưởng khi sâu lắng trữ tình, lúc dồn dập giông bão, tiếng chuông chùa khoan thai mà day dứt, không gian sân khấu lúc nóng lên bởi những nhịp trống hối thúc thể hiện tình huống nguy cấp, khi mơ màng huyền ảo trong buổi tự tình của đức vua và hoàng hậu... Những xử lý sân khấu tinh tế của Giang Mạnh Hà cho thấy anh là một nghệ sĩ tài hoa, chịu khó quan sát, lắng nghe những âm thanh của đời sống để tạo nên phong cách đạo diễn bay bổng của riêng mình.
Năm 2020, Giang Mạnh Hà ra mắt vở kịch nói Thành Thăng Long thuở ấy tại rạp hát Thế giới Trẻ của Trường đại học sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại một phen bị bất ngờ. Giang Mạnh Hà xử lý không gian nghệ thuật tối giản đến mức trên sân khấu chỉ vỏn vẹn có…một chiếc cầu thang xoay và hai cánh cổng thành Thăng Long. Các nhân vật, đến cả Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng cao sang cũng chỉ trang phục một màu, không kim sa lóng lánh, không áo mũ cân đai, không vòng vàng xuyến ngọc. Anh còn lôi tuốt lên sân khấu những diễn viên tập sự, giảng viên, cán bộ quản lý...thậm chí nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Sỹ Hoàng cũng được anh giao cho vai tướng quân Lê Tần! Dù nguồn diễn viên có hơi “ mặt trận" nhưng với tài điều binh khiển tướng, Thành Thăng Long thuở ấy của Giang Mạnh Hà vẫn giành huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc. Năm 2021 anh dàn dựng vở Hoạn thư ghen cho Đoàn kịch Hải Phòng giành huy chương bạc tại liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Hải Phòng đăng cai, thêm một lần khẳng định cái duyên đạo diễn ít ai có được.
Xem các tác phẩm sân khấu do Giang Mạnh Hà dàn dựng, dễ thấy trong tư duy nghệ thuật của anh, trí tưởng tượng được phát huy hết mức, biến hóa đa dạng, dường như chân trời sáng tạo của Giang Mạnh Hà không có giới hạn. Dù là chuyện xưa, chuyện nay, thông qua tài đạo diễn, Giang Mạnh Hà gửi tới công chúng bức thông điệp nhân văn về cuộc sống, góp phần xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam.
Một lần Giang Mạnh Hà dựng vở mới, tôi tò mò theo chân anh đến nhà tập. Ngoài trời mưa lớn, nước chảy như thác. Giang Mạnh Hà tay cầm cuốn sổ và cây bút bic, mắt chăm chắm ngó lên sàn diễn. Những chi tiết nào cần chỉnh sửa, anh ghi ngay vào sổ. Cứ khoảng mươi phút, điện thoại của anh lại đổ chuông, giọng cậu con trai nhỏ khẩn khoản “ Ba ơi. Về với con đi ba". Có lẽ đứa con quá sốt ruột vì ba thường xuyên vắng nhà, và những buổi tối thiếu vắng người cha đã trở nên dài dằng dặc với cậu bé 5 tuổi. Trên hàng ghế khán giả, Giang Mạnh Hà ngồi trầm tư, trán cau lại, trông già và khắc khổ hẳn đi, tôi chợt nhận ra công việc đạo diễn tiêu hao quá nhiều chất xám. Đạo diễn phải cấu tứ, bố cục vở diễn sao cho nổi bật chủ đề, nội dung câu chuyện liền mạch, lo gic, chặt chẽ, lại cũng phải hóa thân vào những khổ đau, hạnh phúc, khóc cười với nhân vật mới có thể hướng dẫn, giúp diễn viên thể hiện được chiều sâu tính cách. Đạo diễn còn phải “bài binh bố trận", xử lý tốt các yếu tố phụ như cảnh trí, âm nhạc, phục trang, ánh sáng… mới có được một vở diễn hoàn hảo, “ đóng đinh" vào tâm hồn khán giả.
Ngoài dàn dựng các vở kịch, Giang Mạnh Hà là “tổng công trình sư" của nhiều sự kiện văn hóa nổi tiếng, trong đó có chương trình nghệ thuật mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và Chương trình nghệ thuật tôn vinh 1000 bà mẹ Việt Nam anh hùng. “máu liều" trong huyết quản khiến anh luôn muốn thử thách mình ở những địa hạt mới. Một trong những thành công của Giang Mạnh Hà là anh luôn biết cách tựa vào bề dày truyền văn hóa dân tộc, khai thác và phát triển tinh hoa mà cha ông để lại. Anh mạnh dạn đưa rối nước- loại hình sân khấu độc đáo của đồng bằng châu thổ sông Hồng về Đồng Nai. Anh thiết kế sân khấu rối nước ngay tại đoàn nghệ thuật cải lương, khuyến khích các nghệ sĩ làm quen với loại hình mới, kết quả là các vở rối nước do anh dàn dựng tới tận khi hạ màn, diễn viên ra chào người ta mới biết vừa được thưởng thức màn rối nước do các…nghệ sĩ cải lương biểu diễn ! Cũng có khi, anh “đổi món" cho khán giả bằng chương trình sân khấu ảo sử dụng ánh sáng đầy ma thuật, khiến người xem “mắt chữ A, mồm chữ O" vì quá bất ngờ. Những vở kịch ngắn kịch hài của anh thì khỏi nói, vô cùng hấp dẫn bởi sự duyên dáng, vui nhộn, khiến người khó tính nhất cũng phải bật cười. Trong mấy chục năm làm nghề, Giang Mạnh Hà đã mang về cho tỉnh Đồng Nai và các nhà hát, các đoàn nghệ thuật nhiều tỉnh thành rất nhiều huy chương vàng, bạc. Năm 2012 anh trở thành nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất nước, một tên tuổi lớn trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh Đồng Nai và ngành sân khấu toàn quốc. Uy tín khiến anh có mặt ở hàng ghế giám khảo, làm nhiệm vụ “cầm cân nảy mực" ở nhiều kỳ Liên hoan sân khấu cả ở Trung ương lẫn địa phương.
Giang Mạnh Hà còn xứng đáng được gọi là thầy giáo quốc dân vì bỏ nhiều công sức đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật sân khấu trên cả nước. Anh giảng dạy bộ môn sân khấu cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, các trường sân khấu-điện ảnh, các nhà hát, đoàn nghệ thuật…khắp 63 tỉnh thành. Không chỉ tận tâm hướng dẫn, huấn luyện học trò, anh còn hết lòng giúp đỡ họ thể hiện tài năng để đạt được các danh hiệu cao quý. Nhiều diễn viên cải lương dưới sự dìu dắt của Giang Mạnh Hà đã trở thành nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như Quế Anh, Vũ Đại Phong, Xuân Vui…Nghệ sĩ Chiêu Hùng sau rất nhiều năm lận đận với đoàn cải lương tư nhân, không chịu nổi cảnh giật gấu vá vai đã tìm đến Giang Mạnh Hà. Anh vui vẻ giao vai, tạo “đất diễn" cho Chiêu Hùng, giúp nghệ sĩ này được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Ngân Vương cũng từng “kết duyên" với nhiều đơn vị nghệ thuật rồi lại “ đường ai nấy đi" không trụ nổi, cho đến khi đầu quân cho Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, tài năng của anh mới thật sự tỏa sáng. Chính Giang Mạnh Hà đã chọn vai phù hợp, tạo cơ hội cho Ngân Vương có huy chương vàng bạc, nhờ đó anh được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Ca sĩ Thu Huyền vì mến mộ Giang Mạnh Hà mà bỏ nhạc nhẹ chuyển hẳn sang học…cải lương, chất giọng tốt, sáng ngoại hình, cô từng được đạo diễn Giang Mạnh Hà phân vai và giành huy chương bạc…
… đến người cầm lái giỏi giang
Tháng 3/2019, Giang Mạnh Hà về làm Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Tên tuổi, công lao ngời ngời nhưng “ đương kim" Chủ tịch Hội vẫn bị hội viên Ban Văn học soi xét, thậm chí hoài nghi. Liệu “ổng" có hiểu gì về văn chương, thơ phú hay chỉ…tay mơ. Riêng tôi luôn tin tưởng vào tài cầm quân của anh. Giang Mạnh Hà là đạo diễn sân khấu, thường xuyên đọc, xử lý kịch bản nên anh hiểu và cảm nhận sâu sắc tác phẩm văn học. Anh lại đi nhiều, hiểu rộng, có kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực nên dễ dàng cầm lái con thuyền văn nghệ. Qủa nhiên, chỉ sau vài tháng anh đã được cán bộ Văn phòng Hội và gần 300 hội viên các Ban chuyên ngành “tâm phục khẩu phục".
Dù không thường xuyên có mặt ở “Hội nhà" vì phải đảm trách nhiều công việc của Hội nghệ sĩ sân khấu VN nhưng Giang Mạnh Hà có cách quản lý “từ xa" vô cùng hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của anh, hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai như cỗ máy vận hành trôi chảy: mở trại sáng tác, trong, ngoài tỉnh, tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả nhân các sự kiện văn hóa- xã hội lớn, xuất bản sách báo, tham gia các hoạt động của khối thi đua 11 … Lãnh đạo tỉnh tin tưởng và tạo điều kiện cho Hội VHNT tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế- xã hội của tỉnh, để văn nghệ sĩ được cống hiến và chứng tỏ tài năng của mình. Năm 2022, Đảng đoàn Hội VHNT kiến nghị và được Tỉnh ủy chấp thuận giao thiết kế không gian văn hóa công viên Dương Tử Giang, khu vực quảng trường tỉnh, hỗ trợ Thành phố Biên Hòa ý tưởng cải tạo hồ Biên Hùng thành khu vui chơi giải trí…Bây giờ cái công viên mấy chục năm tối tăm nhếch nhác đã thoáng đãng, trở thành nơi sinh hoạt văn nghệ thể thao sôi nổi của người dân thành phố Biên Hòa.
Tạp chí Văn học Nghệ thuật Đồng Nai sau nhiều năm chỉ xuất bản 2 tháng/ kỳ, tính từ 2022 đã tăng số lượng in, tăng kỳ hạn xuất bản lên 1 tháng/ kỳ, đặc biệt là… tăng nhuận bút. Qua 2024, dù ngân sách tỉnh hạn chế, Hội VHNT vẫn được phê duyệt kinh phí để thực hiện…43 đầu việc, một con số đáng giật mình. Cũng chính nhờ Giang Mạnh Hà, chương trình nghệ thuật “ Bác Hồ- một tình yêu bao la" vào dịp 19/5 sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh hàng năm được thực hiện đều đặn, đưa hoạt động này trở thành “ thương hiệu" của Hội VHNT Đồng Nai.
Năm 2024, Giang Mạnh Hà thực hiện bước đột phá táo bạo: dàn dựng Chương trình sân khấu “ Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử". Điều này xuất phát từ tình yêu, niềm ngưỡng mộ của Giang Mạnh Hà đối với Bác Hồ và cả ước mơ cháy bỏng của anh: Làm sống lại hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước, từ đó làm nổi bật sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Người. Để thực hiện được ý tưởng, khó nhất là mời được diễn viên đóng vai bác Hồ. Cuối cùng nhờ tài vận động, thuyết phục của anh, Nhà hát kịch Việt Nam đồng ý cho nghệ sĩ Minh Hải bay từ Hà Nội vào thủ vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. 5 suất diễn liên tục ở Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh đã lấy nước mắt của khán giả Đồng Nai đặc biệt khi các cháu thiếu nhi ùa lên sân khấu vây quanh “ Bác Hồ".
Khó nói hết những đóng góp của Giang Mạnh Hà cho Hội VHNT cũng như cho đời sống tinh thần của người Đồng Nai. Tất thảy đều bắt nguồn từ uy tín và tâm nguyện của anh “đưa tác phẩm VHNT thấm sâu vào cộng đồng". Các chuyên viên trẻ ở Văn phòng Hội ngưỡng mộ tài năng và yêu mến tính cởi mở, khôi hài của “Sếp Hà" nhưng không dám lơ là, vì anh đã giao việc cho ai thì…nhớ nằm lòng, khó bề hy vọng “Sếp" quên! Xuất thân là nghệ sĩ biểu diễn, trí tuệ sắc sảo, đài từ chuẩn, có khả năng biểu cảm xuất sắc nên các buổi hội họp, các dịp lễ lớn của Hội VHNT, người ta nghe anh nói không chán, càng nghe càng cuốn hút. Nếu may mắn được nghe Giang Mạnh Hà hát “ ba giá đồng" thì cứ là mê đắm, bởi anh có giọng hát rất ngọt ngào, truyền cảm. Nếu hội nghị có gì đó căng thẳng, Giang Mạnh Hà sẽ…cất giọng hát, đôi khi chỉ là một câu cải lương “chế" hài hước, lập tức sự căng thẳng giãn ra, tất cả lại vui vẻ. Anh luôn là “cái đinh" nổi bật trong các sinh hoạt tập thể, các kỳ hội họp, sự kiện…Tầm ảnh hưởng của Giang Mạnh Hà không phải mới đây mới có mà ngay khi còn làm Trưởng Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai, các nghệ sĩ, diễn viên của anh hầu hết đều “nhiễm" lối sống giản dị, chỉn chu của “ chủ tướng"…
Dĩ nhiên, không phải lúc nào Giang Mạnh Hà cũng đi trên thảm nhung, người tài, người nhiều hào quang lấp lánh thường lắm thị phi, đơm đặt. Tôi luôn khâm phục cách anh ứng xử với những rủi ro, sóng gió. Năm 2023 “ điều đâu bay buộc'', chỉ một bài báo cắt xén bài giảng của anh tại lớp bồi dưỡng kiến thức sân khấu, anh đã bị cộng đồng mạng ném đá không nương tay. Dù người viết bài báo sau đó đã xin lỗi Giang Mạnh Hà thì mọi sự cũng đã rồi, anh cho qua vì không muốn làm lớn chuyện. Bản chất hiền hòa, thiện lương giúp anh ngẩng cao đầu, ở đâu Giang Mạnh Hà cũng được yêu mến nhờ trái tim ấm áp, khả năng chia sẻ, đồng cảm với mọi người. Anh là đạo diễn giỏi có lẽ cũng vì có năng lực “ đọc" nội tâm, nắm bắt tư tưởng, cảm xúc, những bí ẩn sâu xa trong tâm hồn những người mà anh có cơ hội tiếp xúc.
Hiện tại, là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phụ trách nghệ thuật kiêm Trưởng Ban sáng tác, chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động sân khấu phía Nam, Giang Mạnh Hà bận bù đầu. Anh tham gia tập huấn cho các Hội VHNT, chấm giải hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu toàn quốc, đọc, thẩm định kịch bản, tổ chức trại sáng tác của Hội nghệ sĩ sân khấu VN…Hình ảnh quen thuộc của Giang Mạnh Hà là ngồi bên bàn làm việc với một núi kịch bản, cuốn nào cũng nặng trịch như hòn gạch. Anh bảo, sắp tới anh phải đọc, thẩm định hàng trăm hồ sơ phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, một công việc vừa mệt vừa nhiều áp lực.
Xoay như chong chóng với công việc nhưng mới đây, tối 5 tháng 11 năm 2024, Giang Mạnh Hà vẫn có mặt tại Trường Đại học công nghệ Đồng Nai để tổ chức cho sinh viên xem chương trình xiếc- ảo thuật do anh mời nhóm xiếc của ảo thuật gia – NSUT Trần Định biểu diễn. Những tràng pháo tay của sinh viên khiến khiến anh mỉm cười hạnh phúc….
Đã qua thời sung mãn, sức khỏe sút giảm, Giang Mạnh Hà vẫn là người đảng viên ưu tú, đầy nhiệt huyết, sẵn lòng làm tất cả những gì có thể làm được để cống hiến cho cộng đồng, như lời Bác Hồ dạy. Nhiều năm trước, khi còn là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, anh được mọi người quý trọng vì đã đề xuất nhiều sáng kiến tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, tôi gọi anh là “đại biểu của nhân dân". Nhưng với riêng tôi, danh hiệu xứng đáng nhất với Giang Mạnh Hà chính là “nghệ sĩ của nhân dân".
H.N