Cuốn sách “Theo dấu chân Người" phát hành Quý III năm 2016 có thể nói là công trình kỳ công và tâm huyết nhất của họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng trong hành trình sáng tác chân dung Bác Hồ trên mọi chất liệu mà anh đam mê thực hiện từ khi còn là một học sinh tiểu học.
Năm lớp 4, cơ duyên đến với anh thật bất ngờ khi có cuộc thi vẽ chân dung Bác Hồ do Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam. Anh tham dự và đoạt giải Khuyến khích. Giải không lớn, nhưng anh vẫn nhớ như in cảm xúc lúc đó. Anh vẽ một bức tranh lăng Bác và một bức chân dung Bác. Tất cả được vẽ bằng bút lông màu. Đây là lần đầu tiên anh được vẽ bằng màu thật. Trước đây, những hình ảnh về các nhân vật trong sách giáo khoa, các danh thắng trên các tờ tiền được anh vẽ bằng than, bằng đá màu, bằng những viên gạch bể lên nền đất, lên những bức tường bỏ hoang. Lần này được vẽ bằng màu thật làm anh hồi hộp mãi. Khi nhận được giải thưởng, anh chẳng để ý giải gì, mà chỉ biết là mình đã được vẽ Bác Hồ bằng bút màu thật. Thành tích đó đi theo anh mãi đến sau này.
Chính cảm xúc đầu đời đó, cộng thêm năng khiếu mỹ thuật, Nguyễn Quốc Trọng đã mạnh dạn đi theo con đường đam mê của mình từ những ngày tháng thơ bé. Và một trong những quyết định đúng đắn là anh thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.
Khởi nguồn từ một đam mê
Nguyễn Quốc Trọng kể, từ sau khi đoạt giải tại cuộc thi vẽ chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh đã bắt đầu miệt mài vẽ chân dung Bác. Ban đầu là chân dung Bác có trong các cuốn sách, đến chân dung trên các tờ báo mà anh đọc được, rồi chân dung Bác trong các tờ tiền, tem thư. Thời đó, sách báo rất hiếm, nhà anh lại nghèo chẳng có tiền mua báo để đọc. Vì thế, anh phải đọc ké và mượn sách báo từ thư viện để về thực hiện đam mê.
Những bức chân dung mộc mạc của Bác được anh phác hoạ và chỉnh sửa từ lúc vẽ bằng than củi, bằng những hòn đá màu nhặt được trên đường, bằng gạch vỡ, trộn màu vẽ bằng nước cơm… (khi còn là một đứa trẻ), đến những bức chân dung được vẽ bằng bột màu, bằng dơn dầu, bằng bút tre, khắc gỗ, đan chỉ, ghép hình, ghép gốm, ghép đá… (khi đã là hoạ sĩ chuyên nghiệp), hay ở thời buổi bùng nổ công nghệ là vẽ bằng Photoshop và công nghệ AI… Tất cả đều được anh dày công nghiên cứu và thực hiện một cách tỉ mỉ với thái độ làm việc nghiêm túc và hết sức trân trọng.
Cũng chính vì phục vụ đam mê của mình, nên từ cấp 2, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng bắt đầu sưu tầm sách, báo, tem, các tờ tiền có hình ảnh Bác. Sách ở thư viện có khá nhiều, nhưng anh không thể sở hữu được những cuốn sách đó, vì mượn rồi phải trả mới được mượn cuốn mới. Vì thế, anh lân la ra các tiệm sách cũ và bắt đầu công việc sưu tầm hình ảnh Hồ Chủ tịch ở những tiệm sách này. Việc làm của anh quen thuộc đến nỗi, người bán sách luôn dành những cuốn sách mới về có hình ảnh của Bác để bán lại cho anh. Có những cuốn rất hiếm và khá nhiều tiền, anh phải dành dụm mãi mới có thể mua được.
Thời đó còn rất thịnh hành gửi thư tay. Anh thường xin lại những con tem có hình Bác trên những bức thư đã được đọc từ người quen, bạn bè và những con tem hết giá trị ở bưu điện. Những bài báo có hình Bác được anh cắt rời ra, bỏ vào những cuốn album, lâu lâu lại đưa ra ngắm nghía với vẻ mãn nguyện lộ rõ trên gương mặt. Nói về quá trình sưu tầm hình ảnh của Bác, anh bảo đó là một công việc hằng ngày, hễ thấy hình ảnh Bác xuất hiện ở đâu là anh “nhảy số" và mong muốn sở hữu cho bằng được. Vì thế, khi đến nhà anh, nhìn tủ sách đồ sộ với những cuốn sách dày cộm về Bác; những bài báo từ mấy chục năm trước được cất cẩn thận trong cuốn album khổ lớn; những con tem, tờ tiền cổ… khiến cho ai cũng thấy được sự ngưỡng mộ và kính trọng của anh đối với vị lãnh tụ Hồ Chí Minh là không gì so sánh được.
Không dừng lại ở những bức tranh, mà anh còn vẽ những bức thư hoạ vừa có chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu bột màu vẽ trên giấy xuyến bồi vải gấm. Những bức thư hoạ này vừa có chân dung kèm những bài thơ, câu nói của Bác, những bài thơ viết về Bác.
Cuộc triển lãm “Dấu ấn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Văn miếu Trấn Biên Đồng Nai từ ngày 05/9 đến 05/12/2023 với 40 bức ảnh tư liệu về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện trên vải bố; 20 tượng chuẩn hoá bộ tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mọi kích thước; 24 bức thư hoạ gồm hình ảnh chân dung và những bài thơ của Bác, những bài thơ viết về Bác và những câu nói của Bác trích trong “Hồ Chí Minh toàn tập" được hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng thực hiện trong một thời gian rất dài khi sáng tác tranh, tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có bức tranh anh thực hiện 5 năm mới hoàn thiện.
Có người hỏi rằng, điều gì đã khiến anh đam mê sáng tác về Bác nhiều như vậy? Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng chỉ cười khì khì, anh bảo đó là đam mê. Tuy nhiên, niềm đam mê của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng được hun đúc và bồi đắp hằng ngày khi gia đình anh là một gia đình cách mạng. Bà ngoại anh là Mẹ Việt Nam anh hùng, ba là bộ đội, mẹ thương binh. Cho nên cả nhà rất ủng hộ khi thấy anh có niềm đam mê mãnh liệt sáng tạo tranh, tượng về Bác.
Có thể nói, ở Đồng Nai, anh là hoạ sĩ dành nhiều tâm huyết nhất để sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ là vẽ, là làm tượng, là ghép tranh, dựng hình… mà anh còn sưu tầm và lưu giữ tất cả tư liệu về Bác bằng hình ảnh và sách báo. Niềm đam mê đó là máu thịt, như thức ăn nước uống hằng ngày của anh. Ngay cả đến lúc anh viết thư pháp, ngoài việc phục vụ phòng tranh của mình gần Tỉnh đội, anh còn dành tâm huyết để viết lên những bức thư pháp là những câu thơ, câu nói của Bác để có được một cuộc triển lãm đồ sộ trên.
Khi ứng dụng khoa học công nghệ đã đi vào cuộc sống, anh lại tiếp tục mày mò sáng tác chân dung Hồ Chủ Tịch bằng phần mềm Photoshop, công nghệ AI. Anh khoe, mình đã sáng tác ra những bức tranh Bác Hồ sống động như thật bằng công nghệ AI. Đó là những bức hình động 4 màu cực kỳ đẹp và lạ mắt.
Đến những thành công
Năm 2012, Nguyễn Quốc Trọng thực hiện một tác phẩm đặc biệt về Bác Hồ - Bức họa tự chân dung Bác trên mành tre đạt kỷ lục Việt Nam. Đây là bức tranh anh và các cộng sự dành một tháng để thực hiện. Bức họa tự được kết từ 455 thanh tre, mỗi thanh dài 312cm, rộng 2,5cm, trọng lượng cả bức tranh là 122kg. Tất cả gắn kết nên một bức mành tre có kích thước: dài 1.002cm (tượng trưng cho 1002 năm Thăng Long - Hà Nội), rộng 312cm (tượng trưng cho 312 năm Biên Hòa - Đồng Nai). Trên nền của mành tre dán một tấm vải gấm kích thước 800cm x 280cm vẽ theo dạng ẩn 122 hoa sen tượng trưng 122 năm sinh của Bác Hồ…
Tuy nhiên, đó chưa phải là bức tranh tâm đắc nhất của anh về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức anh tâm đắc nhất là bức “Sáng mãi" được bán đấu giá 200 triệu đồng cùng bức tranh “Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp" trong phiên đấu giá gây quỹ từ thiện “Câu chuyện từ những trái tim" tại Đồng Nai ngày 21/10/2021. Toàn bộ số tiền đã được sử dụng để trang bị dụng cụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vì dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đây là tranh khắc gỗ. Để sáng tác thể loại này, đòi hỏi tác giả phải diễn tả được thần thái của Bác bằng ngôn ngữ đường nét. Vì vậy, tác giả đã phải tìm kiếm và tổng hợp các tư liệu về Bác, liên quan đến đường nét để thực hiện bức tranh. Quá trình sáng tạo hết sức công phu, bởi tác giả muốn diễn tả hình tượng Bác từ góc nhìn ngang, từ ánh mắt, sống mũi, vầng trán, tóc, đến chòm râu… đều phải được diễn tả một cách chân thực, tinh tế, nhẹ nhàng và gần gũi. Anh đã mất rất nhiều thời gian để chọn lọc các bức họa về Bác. Cuối cùng, anh chọn được hình ảnh Bác trên tờ tiền 10 đồng (1958) để thực hiện bức tranh.
Chọn hình ảnh, rồi chọn gỗ để khắc, làm sao vừa đảm bảo mỹ thuật, vừa chống được mối mọt, chống thấm để dễ dàng khắc bằng tay. Khi khắc, anh phải nín thở để thực hiện các đường nét một cách khéo léo, công phu. Sau 3 tháng miệt mài, anh đã hoàn thiện bức chân dung Bác bằng nghệ thuật khắc bút sắt trên gỗ, kết hợp với hình tượng những quyển sách 3D như những cánh chim tung bay trên bầu trời tự do. Dụng ý của tác giả là thể hiện tinh thần luôn cầu tiến và không ngừng học hỏi vươn lên của Bác. Tổng thể tác phẩm màu nâu đỏ, thể hiện sự gần gũi và tinh thần đầy nhiệt huyết của Bác.
Ngoài bức tranh được bán đấu giá gây quỹ từ thiện, một số bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của anh cũng được các tổ chức và cá nhân mua với giá vài chục triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh còn đưa những tác phẩm nghệ thuật của mình bán trên các sàn thương mại với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng trên một bức tượng chân dung Bác.
Chính sự công phu trong quá trình tìm tòi và sáng tạo đã giúp Nguyễn Quốc Trọng có được những bức tranh và bộ tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với tỉ lệ chuẩn. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã đặt hàng anh thực hiện những bức tranh, bức tượng về Bác. Có những bức tượng được đặt hàng với kích thước rất lớn và tốn rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Con số này không được anh tiết lộ, nhưng đủ nhiều để lúc nào anh cũng trong tình trạng bận rộn, kể cả ngày lễ và thứ bảy chủ nhật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – nguồn cảm hứng sáng tác vô tận
Việc hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về Bác Hồ không còn lạ đối với giới Văn nghệ sĩ Đồng Nai. Tính đến nay, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng đã có hơn 100 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện phong phú bằng các chất liệu: bút chì, bút lông màu, chì màu, màu nước, màu bột, bút lửa, đan chỉ, thư pháp, khắc gỗ, phù điêu, tượng… Và mới đây nhất là cuốn sách “Theo dấu chân Người".
Tập sách gồm 320 hình ảnh tư liệu về Lãnh tụ Hồ Chí Minh được sắp xếp theo biên niên, có ghi chú cụ thể, tạo thành một hệ thống tư liệu trực quan sinh động để bạn đọc dễ nhớ, dễ hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua quyển sách này, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng muốn nhân rộng mô hình học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức cao cả của vị cha già dân tộc – Hồ Chí Minh. Từ đó, anh muốn truyền đạt lại đam mê sáng tác nghệ thuật về Bác cho những bạn trẻ có cùng đam mê, để những thế hệ sau không quên được những công lao to lớn mà Bác đã giành cho dân tộc Việt Nam. Mỗi tuần anh vẫn dùng hai buổi để dạy miễn phí cho những học viên muốn vẽ hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh muốn truyền ngọn lửa đam mê cho các hoạ sĩ tương lai.
Những năm tháng được đào tạo chuyên môn, bài bản là cơ hội để anh thực hiện được ước mơ, đó là vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các chất liệu, cũng như chuẩn hoá bộ tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các kích thước. Anh cho rằng, muốn học tập và làm theo tấm gương của Bác, trước hết phải biết, phải hiểu cặn kẽ về con người và phong cách của Bác. Để từ đó mới có được niềm tin, tình yêu và sự ngưỡng mộ để ngày càng thấm nhuần được những lời dạy của Bác.
Với sự kiên trì, nhẫn nại và ham học hỏi của mình, Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng đã mang lại nhiều thành công trong quá trình sáng tạo. Không chỉ đề tài sáng tác về Bác Hồ, Nguyễn Quốc Trọng còn sáng tác đa dạng những tác phẩm thuộc nhiều chất liệu khác nhau và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi và triển lãm trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, ngoài việc sáng tác, anh còn mở phòng tranh, còn là giảng viên thỉnh giảng của một số trường Đại học, Cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Để làm tốt tất cả các vai trò của mình, anh luôn tự nhắc nhở mình noi theo những hành động, những lời khuyên trong từng bài thơ, từng trang sách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Khi ngồi viết bài này, tôi lại nhớ đến bức thư hoạ “Nghe tiếng giã gạo" mà hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng treo ở vị trí trang trọng ngay phòng làm việc:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.
(Nhật ký trong tù – Hồ Chí Minh)
Ngô Hường
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TƯ LIỆU
Những bức tượng Bác tại Triển lãm “Dấu ấn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh"
Bức thư hoạ “Nghe tiếng giã gạo" tại không gian cuộc triển lãm
Bức thư hoạ “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập"
Những bức chân dung Bác Hồ được sáng tác trên các chất liệu
Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng miệt mài làm việc