Ngày 15 tháng 10 năm 1964, một ngày không bình thường trên dải đất hình chữ S đang trong cuộc đấu tranh quyết liệt giành độc lập tự do cho dân tộc. Ngày đó ở miền Nam, tại khám Chí Hòa giữa thành phố Sài Gòn - sào huyệt của chính quyền tay sai, vào lúc 9 giờ 45, ngụy quyền Sài Gòn đã hèn hạ vội vã xử bắn một người anh hùng. Anh là Nguyễn Văn Trỗi - chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Anh sinh ra bên dòng sông Thu Bồn nước xanh và cát trắng. Cái làng nghèo Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam những năm đó đã sinh ra và nuôi anh lớn lên nhưng không đủ sức giữ chân anh vì quá nghèo và cơ cực. Mười bốn tuổi, cậu bé Trỗi đã tha phương vào Sài Gòn kiếm sống, làm đủ mọi nghề: đánh giày, làm thuê, khuân vác, đạp xích lô... nếm đủ mọi nỗi nhọc nhằn, tủi nhục của những người lao động nghèo. Sau, anh học được nghề thợ điện và trở thành công nhân nhà máy điện Chợ Quán. Cũng tại đây, Nguyễn Văn Trỗi được giác ngộ cách mạng và trở thành chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Anh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam. Nhiều nhiệm vụ được giao, anh đã hoàn thành. Được tổ chức tin cậy và đồng đội yêu mến là những điều khẳng định về anh. Người thanh niên ấy rất đẹp trai và yêu đời tha thiết. Anh đã có một tình yêu thật đẹp với cô gái trẻ xinh đẹp, dịu dàng là công nhân hãng bông Bạch Tuyết (Sài Gòn). Họ đã trở thành chồng vợ.
Mới được mấy ngày ngắn ngủi trong hương lửa mặn nồng thì một nhiệm vụ đặc biệt đặt ra. Phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu sang thị sát thực hiện Chiến lược Chiến tranh Cục bộ ở miền Nam Việt Nam. Phải tiêu diệt những tên đầu sỏ của bộ máy gây chiến tranh xâm lược này, góp phần đánh dập ý chí xâm lược của chúng, hạn chế bớt tổn thất thương đau cho đồng bào, đồng chí.
Nhiệm vụ rất nặng nề và vinh quang này lúc đầu được giao cho một người khác. Nhưng anh Trỗi đã xung phong nhận nhiệm vụ, mặc dù lúc đó anh vừa mới cưới vợ được mười ngày. Anh có một tuần chuẩn bị cho thực hiện nhiệm vụ. Một tuần trong hương lửa hạnh phúc và áp lực nặng nề của nhiệm vụ lớn, hết sức khó khăn và nguy hiểm. Không có đủ tiền mua dây điện (gài mìn) anh đã phải bán đi chiếc nhẫn cưới thiêng liêng. Đúng vào đêm thứ mười chín của tuần trăng mật, Nguyễn Văn Trỗi rời nhà ra đi từ chập tối để thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm. Đó là đêm 9 tháng 5 năm 1964. Khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội đang rải dây gài mìn thì không may bị lộ và bị giặc bắt. McNamara cùng đồng bọn được một phen hồn bay phách lạc, thoát chết trong gang tấc. Bọn chúng không dám di chuyển bằng đường bộ nữa, phải cấp tốc lên máy bay trực thăng bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sứ quán Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara và phái đoàn chiến tranh của chính phủ Hoa Kỳ cũng được “tận mục sở thị" quyết tâm đánh Mỹ giành tự do, độc lập của người dân Việt Nam.
Kẻ thù đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man, tàn bạo đối với anh Trỗi hòng tìm ra manh mối cơ sở của ta, nhưng chúng đều thất bại. Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai. Anh nhận tất cả trách nhiệm về mình, giữ bí mật tuyệt đối cho tổ chức. Sau bốn tháng giam giữ, không lay chuyển được ý chí kiên trung của anh, chính quyền Sài Gòn đã kết án tử hình anh. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, Nguyễn Văn Trỗi vẫn lạc quan, giữ gìn khí tiết và tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cảm phục trước khí phách, hành động anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi, tổ chức du kích yêu nước ở Venezuela đã bắt giữ một viên trung tá Mỹ và tuyên bố sẽ trao đổi anh. Nhưng khi viên sĩ quan Hoa Kỳ vừa được du kích Venezuela trả tự do thì ở Sài Gòn chính quyền tay sai đã lật lọng, hèn hạ lập tức xử bắn anh Trỗi.
Trên pháp trường, anh Trỗi đã thể hiện tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng. Trước các nhà báo nước ngoài, anh tranh thủ từng giây, từng phút vạch mặt kẻ thù xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước và tuyên truyền về cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân ta. Người thợ điện hai mươi bốn tuổi - Người chiến sĩ biệt động Sài Gòn ấy đã làm cho kẻ thù phải nể phục về lòng dũng cảm, gan dạ và khí phách anh hùng của anh.
Trong phút cuối cùng của đời mình, Nguyễn Văn Trỗi giật phắt mảnh băng đen kẻ thù bịt mắt và dõng dạc hô lớn:
Hãy nhớ lấy lời tôi!
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Việt Nam muôn năm!...
Chín phút cuối cùng của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã làm chấn động dư luận quốc tế. Báo chí nước ngoài đều có bài tường thuật với sự cảm phục sâu sắc. Sự hy sinh anh dũng của anh đã nêu tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chín phút chiến đấu và hy sinh anh dũng của anh Trỗi tại pháp trường đã trở thành bất tử. Nguyễn Văn Trỗi thành biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ và mãi mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập".
Nhà thơ lớn Tố Hữu đã ca ngợi:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
Nguyễn Văn Trỗi!
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống - anh hùng vĩ đại!
(Hãy nhớ lấy lời tôi - Tố Hữu)
Nhà văn Trần Đình Vân đã viết tập truyện ký Sống như anh. Nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác Trường ca Nguyễn Văn Trỗi ca ngợi tấm gương anh hùng, bất khuất, hy sinh vì lý tưởng cách mạng của anh:
Khi anh gọi Bác ba lần
Lòng anh như thấy được gần Bác thêm
Anh chưa được tận mắt nhìn
Nhưng hình ảnh Bác trong tim vẫn ngời
…Giờ đây trước phút tử hình
Cháu như thấy Bác đang nhìn cháu đây
Bác hôn cháu, Bác cầm tay
Cháu hôn lại Bác sáng nay ba lần
Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
Triệu người đáp lại ầm ầm bốn phương
… Dù đây trường bắn Chí Hoà
Đất chân ta đứng vẫn là của ta
Sau lưng ta cả quê nhà
Nơi lưng ta tựa ấy là Trường Sơn
... Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!
Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha.
(Trường ca Nguyễn Văn Trỗi)
Nhạc sĩ Vũ Thanh sáng tác ca khúc Lời anh vọng mãi ngàn năm: “Sáng mãi tên anh - người con của đất nước/… Sông núi reo ca/ Người anh hùng thành đồng bất khuất/ Mà lời anh trước súng giặc thù/ Vẫn cháy lửa chiến đấu… Việt Nam muôn năm/ Việt Nam muôn năm/ Lời anh vọng đến ngàn năm".
Xưởng phim truyện Việt Nam xây dựng bộ phim Nguyễn Văn Trỗi. Và nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng khác ca ngợi anh.
Nguyễn Văn Trỗi được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngay sau khi hy sinh và truy nhận Đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam, truy tặng Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã được đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học trên khắp nước Việt Nam. Chính phủ Cộng hòa Cu Ba đặt tên Nguyễn Văn Trỗi cho một sân vận động lớn ở thủ đô La Habana. Ca sĩ nổi tiếng thế giới Jane Fonda, biệt danh Jane Hà Nội - ngư?i ?ng h? cu?c chi?n ??u ch?nh ngh?a c?ời ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta đã đặt tên cho con trai bà là Troy Garity (Trỗi Garity) sau này cũng là một diễn viên nổi tiếng. Tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi còn vang vọng mãi muôn sau.
-----------
(*) Thơ Tố Hữu.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 81 (Tháng 11 năm 2024)