Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TIẾNG SÚNG VÀ TIẾNG CHUÔNG

​​(Đọc Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một)

 

Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (viết gọn: Từ giờ...) của nhà văn Nguyễn Một ra mắt bạn đọc chưa lâu (NXB Hội Nhà văn, 2023) nhưng đã có không ít bài giới thiệu, phê bình của các nhà văn, nhà báo, nhà phê bình trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây là cuốn tiểu thuyết người lớn thứ ba như chính tác giả gọi. Hai tiểu thuyết trước là Đất trời vần vũ (viết năm 2008, NXB Hội Nhà văn, 2009) và Ngược mặt trời (viết năm 2012, NXB Hội Nhà văn, 2012). Đất trời vần vũ đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn năm 2010; bản tiếng Anh xuất bản tại Mỹ và được chọn đưa vào Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Ngược mặt trời được Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Trịnh Hoài Đức (giải thưởng của UBND tỉnh Đồng Nai trao cho các tác giả theo định kỳ 5 năm/lần) vào năm 2017.

Con đường văn chương của Nguyễn Một như thế là hanh thông bởi anh còn có trên mười tác phẩm là tập truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa, bút ký... nữa. Giới trong nghề, bạn đọc chú ý đến Nguyễn Một cũng phải. Người ta tò mò, Từ giờ... viết ra sao, viết như thế nào, viết chuyện gì, vân vân và vân vân.

Tiếng súng...

Trên một đất nước có những cuộc chiến tranh kéo dài mười năm, hai mươi năm, nhất là với những ai từng ở trong cuộc chiến đó, chiến tranh không chỉ bắt đầu khi có những trận đánh diễn ra. Nó bắt đầu từ trước đó, sớm hay muộn, tuỳ vào mỗi người.

Đọc Từ giờ..., người ta thấy ít nhất có đến bốn cuộc chiến tranh, hồi chín năm, hồi chống Mỹ, chiến tranh ở hai đầu đất nước sau năm bảy lăm. Nhiều người (nhân vật) đã trải qua hai, thậm chí ba cuộc chiến. Nhà văn đã nhìn ngắm cả bốn cuộc chiến tranh đó:

- Chồng bà Mười xả dàn, thời chín năm trong đội quân của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, bị thương không thuốc men nên chết trên rừng Mã Đà;

- Ông Trần Ruộng cho đến khi đã già, mỗi lúc đi ra đồng, nghe tiếng con cá quẫy, lại khẽ rùng mình. Bởi ông nhớ tiếng con cá quẫy đêm mồng Tám tháng Tám năm Đinh Hợi (1948). Ngày đó, ông cùng người bạn chăn trâu tên Xí lần đầu tiên được đi chợ Chương Dương, ngôi chợ to nhất vùng quê của ông. Và chính hôm đó, giữa lúc chợ đông đúc nhất, máy bay của Pháp bay từ biển vào ném bom. Đến lần thứ hai: Tất cả đã chết hết, chỉ hai cậu bé bị lấp dưới xác của người lớn là còn sống, người bê bết máu (...). Chợ Chương Dương biến thành một biển máu, hàng trăm người đã chết oan ức trong vụ thảm sát này;

- Chuyện khác, khi quân Pháp hành quân qua làng nhỏ, một vài người lính bị quân du kích nấp trong làng bắn tỉa; đám lính tức giận nổ súng bừa bãi vào dân làng, đốt phá bắn giết không nương tay.

Không chỉ người Việt. Những cái chết của người nước ngoài cũng đã hiển hiện: Tụi Pháp chết như rạ, những thằng bị thương thì rống như bò chọc tiết trong trận Bồ Bồ vào đêm tháng 5 năm 1954.

Có những người trải qua được cuộc chiến dài hai mươi năm lành lặn rồi lại chết ở cuộc chiến thứ ba hay thứ tư một cách bất ngờ!

Cứ thế, các cuộc chiến tranh được kể đan xen, chồng lấn nhau, làm nên một thời - không gian đặc trưng – thời chiến, thời loạn.

Tuy nhiên, Nguyễn Một tập trung khắc hoạ cuộc chiến tranh thứ hai một cách đậm đặc, tận tường và dường như dài lâu hơn, đi suốt thời thanh xuân của một kiếp người.

Cuộc chiến ấy hiện hình đầy đủ mọi cung bậc, thanh âm như cuộc thương khó của Đức Giêsu Kitô sau lễ Vượt qua mà nhà văn đã kín đáo gợi lại trong tâm trí của Sơn ở những dòng cuối cùng cuốn tiểu thuyết:

Đúng lúc ấy tiếng chuông nhà thờ cổ vang lên báo hiệu giờ lễ chiều, anh chợt nhớ buổi lễ năm xưa anh đứng sau lưng Diễm và nghe giọng trầm buồn của vị cha xứ: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa…".

Không những thế, cuộc chiến ấy còn đậm đặc đến độ không chương nào của cuốn tiểu thuyết 32 chương mà nó không có mặt. Tần suất xuất hiện của những ngôn từ chiến tranh chiếm ưu thế hơn tất cả: quân 287 lần; lính: 270; chiến tranh: 136; đánh: 129; trận (đánh): 90, súng: 88,... Đó là chưa kể các từ ngữ khác, nội hàm cũng là chiến tranh: chiến trường, cuộc chiến, thời chiến, chiến đấu, quân đội, du kích, cảnh sát, đạn, bom, pháo, máy bay,... Đi liền với đó là sự chết (bắn chết/ cái chết – 164 lần). Chết thảm, chết tình cờ, chết lãng nhách... Bởi vậy, nhiều người nói, Từ giờ... là cuốn tiểu thuyết về chiến tranh quả không sai.

Âm thanh ồn ào, nổi trội của Từ giờ...tiếng súng.

Ai oán, thảm thiết của Từ giờ...tiếng khóc (78 lần).

Tất cả tạo nên một âm điệu bi thương, bàng bạc ở từng trang sách.

Từ giờ... không có mấy tiếng cười, mà nếu có, đôi khi là tiếng cười ma quái của người mất trí, tiếng cười chán chường của những ai đã rơi xuống tận cùng vực thẳm. Cô hoa khôi của trường tỉnh nói với bạn trai của mình: tại chiến tranh đã mang lại cho đất nước mình nỗi buồn như vậy! Còn chính người yêu của cô lòng luôn man mác, hắt hiu; anh ta nghĩ: Sao đất nước mình không gian buồn giống nhau đến vậy!? Hay do con người buồn? Trong chiến tranh nỗi buồn luôn thường trực, phận người mỏng manh.

Dù đậm nhạt, dài lâu, ngắn ngủi khác nhau, nhưng các cuộc chiến ở Từ giờ... dường như có chung một gương mặt. Đấy là gương mặt của quái vật, bao trùm lên non cao núi thẳm, bờ bãi ruộng đồng, học đường, phố thị... Con quái vật ấy nuốt trọn bao cuộc đời, săn đuổi họ đến tận cùng, không có lối thoát. Khi đôi tình nhân trao cho nhau nụ hôn đầu đời, hình bóng con quái vật ấy vẫn xuất hiện, đe doạ sẽ nuốt chửng họ như từng nuốt chửng tất cả bạn bè họ.

Gương mặt chiến tranh ở Từ giờ... không nhiều ở các trận đánh, các cuộc ném bom. Nhân vật chính ở đó không là người lính. Nó chủ yếu được kể lại và từ sự nhìn ngắm của Sơn, cậu bé nhà quê, chạy trốn chiến tranh. Nhưng con quái vật ấy đã săn đuổi Sơn đến tận cùng, từ quê hương bản quán đến phố thị xa xôi, từ đồng bằng bát ngát đến tận vùng biên giới thâm u. Nó tràn ngập cuộc đời anh, cả trong giấc mơ, ký ức. Sơn không thoát và đã mất tất cả, tuổi thanh xuân, tình yêu đầu tiên và cuối cùng. Nó cuốn trôi cơ nghiệp một đời cơ cực của người cha và cả máu xương của hai người anh đi lính Quốc gia. Lẽ dĩ nhiên, không chỉ có Sơn. Hàng vạn, hàng triệu người đã chịu số phận bi thảm!

Trong chừng mực nào đó, có thể gọi Từ giờ... là câu chuyện của Sơn và mối tình giữa anh và Diễm, vì tên Sơn xuất hiện đến 830 lần; Diễm 552 lần, nhiều hơn bất kỳ nhân vật nào khác. Nhưng chiến tranh được nhìn ngắm không chỉ có ở cặp tình nhân này. Trong cuốn tiểu thuyết, có cái nhìn của nhà triết học lừng danh Krishnamurti, của các nhà thơ, nhạc sĩ đương thời và nhiều nhất là của người trong cuộc. Với những người từng trải như ông Tư Duy, ông Trần Ruộng, ông thượng sĩ Lê Lý, bà Mười xả dàn, chiến tranh là gian trá; phi nhân; chết chóc;nhát dao găm xuống cuộc đời họ; là nơi con người không thể sống;dòng nước lũ cuốn đi tất cả... Chiến tranh là cái giật mình thảng thốt của vị cha xứ đang giờ hành lễ, chưa kịp làm dấu thánh, bởi tiếng nổ rung chuyển cả nhà thờ để rồi sau đó, trong lễ làm phép xác cho một người lính, vị linh mục già nua cất giọng đều đều và buồn thảm: Cuộc chiến tàn khốc trên quê hương Việt Nam đã cướp đi hàng vạn người trẻ. Họ ra đi như những chiếc lá xanh rụng lả tả trong bão bùng... Với cô nữ sinh tên Trang, người trong vòng một tháng đã mất cả cha lẫn mẹ và người tình, phải ở lại trần gian với nỗi đau tột cùng, chiến tranh là do bọn đàn ông dối trá tạo ra,... Còn với bà soeur ở một tu viện, con người chúng ta đã đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời. Chúng ta đọc báo hàng ngày, nhưng mấy ai đọc Kinh Thánh. Chúng ta nghe lời những nhà chính trị mà vì tham vọng đẩy mọi người vào cuộc chiến...

Mỗi người một cách cắt nghĩa về chiến tranh từ sự trải nghiệm đớn đau và nhìn ngắm của mình. Nhà văn không xác quyết cách nhìn nào. Có lẽ là tất cả như những gì mà chính chiến tranh đã trần trụi phơi bày trên đất nước, thế gian này!

Bao giờ thì chiến tranh kết thúc? Các nhà sử học hẳn sẽ nói, khi một bản hiệp định được ký kết hay khi không còn những trận đánh, tiếng súng. Nhà văn không vừa lòng. Nó bắt đầu khi chưa có tiếng súng và không ai đoán chắc nó đã kết thúc khi không còn nghe tiếng súng, tiếng bom nhiều năm sau nữa. Không ai trả lại con cho bà Tư Mía để bà không phải điên dại. Thằng Bồng, bạn chăn trâu của Sơn ngày xưa, sau năm bảy lăm, làm công an xã, một hôm nghe có người cưa bom vội chạy đến để ngăn nhưng vừa đến nơi thì quả bom phát nổ, hai người cưa và người can ngăn chết ngay tại chỗ. Dân làng phải đi gom nhặt từng phần của thân xác mới có cái để chôn. Rồi người đàn bà là vợ của một viên sĩ quan bị lạc chồng đã tuyệt vọng khóc suốt mấy ngày liền... Vào đêm trăng non rọi ánh sáng xanh nhạt ma quái trên hòn đảo thì người vợ trẻ xé toang áo quần lao vào biển... Ba hôm sau xác bà trôi dạt vào một gành đá!

Tiếng súng đã im nhưng cái chết vẫn bất chợt, rình rập. Và điều này còn đau xót hơn: Khi những vết thương trên da thịt con người dần lành lặn thì những nhức nhối trong lòng người vẫn âm ỉ, nhói đau. Sơn nhớ lời cha nói: “Hết chiến tranh, hết chết chóc là mừng rồi", “chỉ đúng là hết chết nhiều... Mà đã hết đâu, chiến tranh có bao giờ kết thúc khi hai bên ngừng đánh nhau đâu? Chiến tranh kéo dài mãi khi lòng người ly tán".

Bao giờ chiến tranh kết thúc? Câu hỏi ấy đặt ra và xoáy sâu vào tâm trí và tấm lòng của người đọc. Nhà văn để ngỏ và anh ta tin ở người đời!

Câu chuyện chiến tranh ở Từ giờ... là thế. Cuốn sách này sẽ rơi vào số đông của rất nhiều cuốn tiểu thuyết về chiến tranh mà ta đã biết nếu như nhà văn lười biếng và bằng lòng với lối viết cũ.

Tiếng chuông...

Cuộc chạy trốn chiến tranh của Sơn rất dài, cả về không gian lẫn thời gian. Vài mươi năm sau, anh tìm về chốn cũ, không phải để gặp người mà kiếm tìm ký ức.

Ký ức ấy là dòng sông quê có bờ cát trắng và nhiều nhất là dòng sông nơi anh ẩn nấp, có phố thị nằm ở bên lở, có ngôi nhà thờ cổ xinh xắn hướng mặt về dòng sông để đón những cơn gió mát rười rượi, nơi mà mọi điểm nhìn đều hướng về nơi ấy. Nơi những người dân miền Trung bị cuộc chiến đẩy cho trôi dạt vào miền Nam, họ thường sống dọc theo hạ lưu dòng sông Đồng Nai độ lượng và màu mỡ. Nơi những người con trai đặt nụ hôn đầu tiên lên người môi người tình. Nơi, trên con đò nhỏ, người đàn ông trung niên đứng dạng chân chèo, dùng cánh tay cụt đỡ cái chài qua cánh tay lành, ông bung mạnh, cái chài tròn xoe như chiếc nong chụp xuống mặt nước. Ngay cả bức tượng Đức Mẹ cũng nhìn về phía dòng sông có đôi mắt buồn thăm thẳm. Nơi mà hàng trăm quả đạn pháo từ hướng Bưng Mua rót vào sân bay quân sự nằm ở bên lở của dòng sông...

Dòng sông trở thành chứng nhân cho người đời và chính họ tìm thấy ở đó như là sự chở che, vỗ về, an ủi cho những mất mát, đau thương: Dòng sông đã dạy cho Sơn sự bao dung, giúp anh trôi đi những phồn tạp, phù phiếm, lòng hận thù mà cuộc đời đã mang lại cho anh.

Ký ức tìm về của Sơn còn là gió. Gió từ tốn bắt nguồn từ mặt nước; gió mát rười rượi; gió từ khu vườn trồng nhiều cây ăn trái; gió chiều làm rung nhẹ những bông hoa sim tím trên các triền đồi; cơn gió nhẹ thổi qua cánh đồng lấp lánh màu bạc... Cơn gió làm phất phơ mái tóc dài của cô nữ sinh trường tỉnh. Cơn gió lồng lộng từ dòng sông đưa giọng trầm buồn của vị cha xứ già nua qua những khu vườn, bờ bãi.

Những cơn gió ở Từ giờ... luôn có màu sắc và hương thơm. Có khi nó là những cơn gió nồm dưới những bụi tre kẽo kẹt day dứt đưa mùi hương quyến rũ của hoa dủ dẻ giục giã tuổi thơ. Có khi nó mang mùi rạ rơm, bùn đất của quê nhà. Vậy mà, thấm đẫm trong tâm hồn và trở thành hành trang của một đời người. Nó mang mùi hoa ngâu nồng nàn, sực nức. Và nhiều hơn tất cả là hương bưởi quấn quýt, phủ lên những khu vườn ven sông, phảng phất nơi mái tóc người thương. Ngày trở về Thủ Biên, khi gió từ sông thổi tạt những sợi tóc đen mượt của cô gái vào mặt anh, Sơn bất giác nhận ra mùi hương hoa bưởi. Chính mùi hương ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn và ăm ắp kỷ niệm suốt quãng đời trai trẻ của Sơn, mùi hương giờ đã hóa thiêng, sự hóa thiêng của cõi buồn sương khói.

Nắng, gió, dòng sông, con đường, bụi tre, cánh đồng, hoa cỏ, hương thơm, con đò, cây cầu sắt, những khu mộ, ngôi nhà thờ cổ... và nhất là con trâu trắng bay về bầu trời xanh, tiếng chuông lễ chiều ngân lên đúng giờ, đúng khắc, ở Từ giờ... hợp thành một thế giới riêng có, ở với con người, cả khi họ không còn thuộc về nơi ấy.

Thế giới ấy, đôi khi bị lấn át bởi tiếng súng, tiếng bom, bởi màu đỏ gắt nhức nhối như những vệt máu đang loang trên bầu trời của một ngày xảy ra thảm sát, nhưng thầm lặng mà bền bỉ. Nhiều người khen Nguyễn Một đã viết một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thật hiện thực và cũng lấy làm tiếc anh đã từ bỏ lối viết thực - ảoĐất trời vần vũ hay Ngược mặt trời. Tôi lại không nghĩ vậy. Anh đã tạo ra một thế giới song song, đan cài vào nhau, giữa chiến tranh và hoà bình, giữa tiếng súng chát chúa và tiếng chuông nguyện hồn, giữa cái chết và tình yêu, giữa mùi khét lẹt của đạn pháo và mùi hương dịu dàng của hoa bưởi, hoa ngâu... Trong thế giới song song ấy, con người đang bị rượt đuổi đớn đau. Người đời tìm kiếm số phận, còn số phận lại tìm kiếm người đời. Mãi mãi và chưa bao giờ ngừng nghỉ!

Từ giờ... còn có những mạch ngầm, xuyên qua không gian và cả thời gian. Đâu chỉ có Sơn, rời làng quê A Đông, nơi có những ngọn tháp Chàm trầm mặc, đi về phương Nam. Trước và cùng thời với anh, đã có bao người như thế. Họ ở Bình Định, Quảng Nam, Huế, Phát Diệm... Bao lớp, bao đời lưu lạc, kiếm tìm miền đất sống. Rồi cũng có những người từ đây trôi dạt về chính quê hương bản quán trong một hoàn cảnh chẳng đặng đừng. Và, nhiều người còn nổi trôi hơn nữa khi phải xa cách quê nhau rún hàng vạn dặm. Vậy mà, làng A Đông, làng Tân Ba, xứ Thủ Biên vẫn luôn là nơi chốn họ tìm về, dù có khi chỉ trong tâm tưởng. Điều đó có nghĩa, trong máu huyết của họ, những mạch ngầm vẫn chảy, dịu dàng mà mãnh liệt. Đừng vội định danh duy nhất một dòng chảy nào ở Từ giờ... 

Kết thúc Từ giờ... là hình ảnh ngôi nhà thờ cổ kính bên dòng sông hôm lễ Lá của đạo Kitô đã từng xuất hiện ở những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết. Sơn, không là tín đồ Công giáo, nhưng anh nghe không sót lời nào của đoạn Tin Mừng về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Nơi đầu sách là những dòng này:

Đoàn người tiến lên đồi Gô-gô-tha. Họ cho Chúa uống rượu thuốc để xoa dịu cơn đau, nhưng Ngài nếm qua rồi không chịu uống. Quân lính đóng đinh Chúa trên cây thập tự. Họ gieo súc sắc chia nhau bộ áo của Ngài, rồi ngồi canh gác xung quanh cây thập tự. Họ treo trên đầu Ngài tấm bảng ghi tội trạng: Đây là Giê-Su, Vua người Do Thái...

Hơn hai mươi năm sau, khi trở lại ngôi nhà thờ ấy, bên tai Sơn vẫn là giọng vị cha xứ già trầm buồn ngày nọ, cũng vẫn là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, nhưng là đoạn kết:

Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa…

Tác giả không trích hết, song chắc Sơn vẫn nhớ đủ. Đúng lúc ấy, Chúa Giêsu kêu lên một tiếng rồi trút linh hồn. Nhà văn đã thay chi tiết ấy bằng một hình ảnh: Hồi quang hoàng hôn lóe sáng bên bãi bồi. Lần đầu tiên trong đời, Sơn nhận ra màu chiều huyền hoặc của dòng sông. Tôi tin là tác giả không tình cờ kết thúc tác phẩm của mình như thế và lại đặt tên cho cuốn tiểu thuyết rất dài: Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Hơn một tỷ tín đồ Công giáo đều biết rằng, sau Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là Phục Sinh. Là nhà văn, chắc Nguyễn Một không có ý minh hoạ cho Tin Mừng, anh kín đáo gửi gắm khát vọng thiện lành của người đời sau những tang thương, mất mát và đoạ đày.

Đừng vội cho Từ giờ... là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh. Nhà văn đã viết về con người trong Cuộc Thương Khó đó.

B.Q.H

(Nguồn: VNĐN số 67 – tháng 9, năm 2023)


BÙI QUANG HUY
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​