Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CẢM THỨC MÙA TRONG TẬP THƠ CỦA TÂM MINH

Phố không mùa.jpg 

Vì sao Phố không mùa lại mang đến những khoảnh khắc nao lòng cho người đọc? Đọc tập thơ Phố không mùa, người đọc như nhận thấy có bốn mùa trong năm, mùa của thiên nhiên đất trời và mùa trong tâm tưởng của tác giả, đó là “mùa em:. Xuyên suốt tập thơ Phố không mùa với 49 bài thơ, nhà thơ Tâm Minh đã trải lòng mình với bốn chủ đề: kỷ niệm về mái trường thầy cô và bạn bè; cảm thức về mùa; tình cảm với thiên nhiên và con người; quê hương gắn với địa danh đất nước. Trong đó, riêng cảm thức về mùa, tác giả dành 23 bài thơ.
Tâm Minh tên thật Nguyễn Dương Tâm Minh, sinh năm 1975 tại Thừa Thiên - Huế, hiện nay đang sinh sống tại Thành phố Long Khánh, Đồng Nai. Là một kỹ sư xây dựng, nhưng trong tâm hồn anh lại nuôi một tình yêu sâu nặng với văn học nghệ thuật. Tâm Minh tham gia và sinh hoạt các nhóm thơ tại Hà Nội trong thời gian anh công tác Hà Nội, từ năm 2014 đến 2017. Trước sự giao thoa của bốn mùa ở miền Bắc, anh kỹ sư xây dựng đã chiêm nghiệm cuộc sống bằng những vần thơ nhẹ nhàng, cũng như cách anh cảm nhận về thủ đô ngàn năm văn hiến. Đọc thơ Tâm Minh người đọc thấy một trái tim đa cảm dễ rung động, nhưng cũng là một trái tim cứng cỏi và một tình yêu sâu nặng với thiên nhiên và con người. Tập thơ đầu tay của anh mang tên Phố không mùa nhưng người đọc nhận thấy thiên nhiên bốn mùa của đất nước được cảm nhận, rung cảm bằng một cách thức riêng, một cảm thức mùa.
Mùa đi qua phố vắng rất nhanh
Phố không anh. Phố không mùa nữa
Đám lá vàng chỉ còn run... một nửa
Sâm cầm kêu thảng thốt giữa lưng trời.
                                 (Phố không mùa)
Cảm thức là những điều được nhận thức bằng cảm quan, nhận thức bằng giác quan và đem lại những gì có ý nghĩa cho chủ thể. Thiên nhiên vạn vật vẫn tồn tại muôn đời là thế, trong tâm thức mỗi người lại có cảm nhận riêng biệt. Phố có bốn mùa nhưng với anh, mùa về khi có em. Vậy nên “Phố không em phố không mùa nữa", vắng em rồi thì mùa cũng không tồn tại. Nhưng mùa của đất trời vẫn mãi trường tồn, vậy là em tồn tại mãi trong tim anh.
Mùa đi qua phố vắng không mùa
Chỉ còn nỗi nhớ ùa về vội vã.
                                 (Mùa phố)
Mùa đi qua hay thời gian trôi qua, phố vắng em rồi nên mùa trở thành “mùa hoàng hôn", “mùa lá rơi đầy", hay “mùa heo may" “mùa nhớ". Khi vắng em, phố cũng vắng mùa và vì thế mùa thành mùa của tâm trạng:
Phố không mùa buồn lắm em ơi
Heo may chợt về gọi mùa mưa đến
Lá vàng rơi trên đường tình khấp khểnh
Heo may gọi mùa đêm vắng không em.
                          (Phố không mùa)
Cảm thức về mùa xuân
Trong thơ anh, mùa xuân được nhắc đến ít nhất nhưng mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc:
Xuân vừa đến trên thành phố cao nguyên
Giữa không gian yên bình và lặng lẽ
Chiếc lá mùa đông rời cành rơi khẽ
Gió heo may, nhè nhẹ đón mùa sang.
                                               (Xuân)
Bài thơ miêu tả mùa xuân về trên thành phố Long Khánh, nơi sinh sống của tác giả. Đó là một thành phố trẻ có địa hình bán cao nguyên. Tác giả nghe được thời khắc chuyển mùa, nghe nhịp thở của cuộc sống, có âm thanh của chợ, có hơi thở của cây cối, có tiếng chuông chùa ngân nga trong hơi thở thanh bình.
Em có về ngang qua khu phố chợ
Nghe xôn xao nhịp thở chốn quê hương.
                                     (Xuân)
 
Cảm thức mùa hạ
Hạ về ở miền Nam bắt đầu bằng những cái nắng nóng và kết thúc bởi những cơn mưa ròng rã. Hạ về cùng với tiếng ve, với phượng vĩ, với nắng vàng, với bằng lăng tím,… Nhưng không những thế, với Tâm Minh, hạ “gieo khúc nhớ, khúc thương", “khúc nhạc mê say", “gieo quả ngọt", “gieo thêm niềm nhớ", hay hạ “đan sợi tơ trời"
Hạ về gieo quả ngọt cho cây
Cho đời khúc nhạc mê say
Gieo thêm niềm nhớ hao gầy vấn vương.
                           (Bản tình ca mùa hạ)
Hạ thương đan sợi tơ trời
Phượng hồng thắp lửa mến thời tuổi hoa
                                (Khúc giao mùa)
Em như ngọn gió trong lành
Treo vào nỗi nhớ một nhành hoa yêu
Làm anh ngơ ngẩn bao chiều
Hạ qua ký ức bao điều vương mang.
                               (Hạ thương)
Hoa rơi ngập sắc vô thường
Hạ gieo khúc nhớ khúc thương yêu người
Hạ gieo vào lòng tác giả một cảm thức nền, để mùa ùa về. Hạ réo rắt xốn xang cho thu lấp đầy nhung nhớ. Bởi vậy nên dù là Hạ hay Thu, là Đông hay Xuân, cuối cùng cũng là mùa em.
Cảm thức mùa thu
Trong bốn mùa, tác giả viết về mùa xuân chỉ một bài, mùa hạ bốn bài, mùa đông bốn bài còn phần lớn cho mùa thu, chín bài, và năm bài không rõ mùa nào, (Chiều, Phố nhớ, Hà Nội mưa, Em có về, Mùa nhớ)
Mùa thu về gợi lòng người nhiều giao cảm nhất. Cảm thức mùa trong thơ Tâm Minh cũng rõ hơn.
Cuối thu Sài Gòn với nhiều cảnh sắc chuyển giao. Lúc thuỷ triều lên nước mênh mông, hay Sài Gòn với hoa dầu và lá me bay... Tác giả nhắc đến những cái tên quen thuộc như Gia Long, Thị Nghè, Lê Duẩn nghe thân quen mà hoài niệm. Mặc ngoài kia sự đời vẫn lăn vội vã những trong lòng, kí ức vẫn còn nguyên khoảng trống chờ em:
Đường phố tràn trề nước như dòng suối
Cánh hoa dầu xoay dưới tán mưa rơi

Mưa Tao Đàn khách lặng ngắm mê say
Trên khung cửa lăn dài từng giọt nhớ.
                          (Sài Gòn tháng Mười)
Mùa với thi nhân rất phong phú đa dạng, “mùa hoàng hôn", “mùa lá rơi", “mùa nắng", “mùa rất mơ hồ", “mùa heo may", “mùa xa", “mùa nhớ", “mùa yêu",…  Trong lòng thi nhân thì: Anh mơ màng một mùa nhớ qua đây
Hay có khi: Mùa yêu xưa đong đầy thêm niềm nhớ (Mùa phố)
Trong cảnh thu, thu Hà Nội là mùa đẹp nhất. Đó cũng là lúc tâm hồn con người dễ hoài niệm nhất:
Sáng nay mùa heo may
Theo gió lạnh ùa về
Chiếc lá vàng rơi khẽ
Giọt nắng còn đi hoang.
                  (Cuối thu)
Mùa trong bài thơ trên lại là “mùa heo may" - khoảnh khắc đổi mùa hay lòng người thay đổi? Khi heo may về tức thu chỉ còn vương lại. Hình ảnh lá vàng quen thuộc kết hợp với từ "khẽ" nghe nhẹ tênh. Hình ảnh giọt nắng đi hoang đã ẩn dụ kiếp người còn chưa tìm được nơi trú ẩn. Và rồi, thu sẽ chóng qua, đông chớm về:
Mùa đông vừa chớm sang
Trời cuối thu lãng đãng
Bởi vì:
Những giấc mơ màu lá
Rơi vàng cuối thu xưa.
                   (Cuối thu)
Trong Thu xưa 2, thu gắn với mưa, với bàng lá đỏ, với nồng nàn hương hoa sữa, với bản nhạc cũ, và với nỗi nhớ thương dâng tràn:
Em vẫn xa dẫu mùa thu trở lại
Chiều vẫn vàng dẫu nhạt dấu hôm xưa
Khúc tình buồn lãng đãng một chiều mưa
Bài ca cũ đong đưa miền kí ức.
                           (Thu xưa 2)
 
Cảm thức về mùa đông
Mùa đông cùng cái lạnh buốt giá làm tái tê trong tâm tưởng con người. Đông ở miền Trung có cái lạnh của thiên nhiên nhưng lạnh hơn khi đi cùng nỗi nhớ:
Quảng Ngãi mùa này rả rích mưa rơi
Gió lạnh ùa về chơi vơi nỗi nhớ

Tiếng chuông chùa chiều mưa xa vẳng lại
Đông đã về anh nhớ mãi ngày xưa.
                                  (Đông)
Cái lạnh mùa đông hay cũng là cái lạnh trong tim khi trở lại chốn cũ mà người xưa không còn. Câu thơ như ngắt làm hai, cứ phần đầu nêu ý, nêu địa danh thì phần sau nêu cảm xúc. Thơ Tâm Minh bao giờ cũng có độ lắng của nỗi lòng, đó là một nỗi nhớ nhưng không uỷ mị, nhớ mãnh liệt nhưng miên man trong không gian nên thơ của đất trời giao mùa. Nỗi nhớ ấy như hằn trong tiềm thức, cứ ẩn trong cây cối lá hoa và mượn mùa để tràn về.
Đông Sài Gòn lạ lắm, bởi cái lạnh cũng nhanh như nhịp thở chốn đô thành. Mở đầu bài thơ là hình ảnh gió heo may với động từ “ùa" mạnh mẽ táo bạo, chứ không nhè nhẹ rét như đông của miền trung miền Bắc. Sài Gòn tấp nập, ồn ào, sôi động, vì thế mùa đông cũng vội vã, hối hả, khi thì “Nghe mùa về vội vã" khi lại “Phố người qua hối hả". Giữa thị thành bon chen ồn ào đến vậy, tác giả vẫn nghe được âm thanh tí tách của ly cà phê rơi, nghe những nỗi “hiu quạnh" trong lòng người. Một nỗi buồn, một nốt lặng giữa “đời qua rất vội":
Heo may ùa trên phố
Gió lạnh lướt bên sông
Trời Sài Gòn lập đông
Nghe mùa về vội vã (Sài Gòn lập đông)
Đông giữa Cố đô Huế lại “bàng bạc", lại “mang mác" buồn trong tiếng mưa rơi và trong cái lạnh “thấm vào da"
Phố vắng người buồn bã
Sương trắng phủ ngoài sông
Nghe xa vắng mênh mông
Con đò chờ trên bên.
                   (Khúc giao mùa)
Đông ở Hà Nội có “sương toả trên sông", “hoa sữa sầu đông" làm cho phố trở nên buồn im ắng và “lắt lay" bởi vì phố nay đã vắng người.
Chút tình trao gửi phương xa
Đêm nằm mơ phố hương hoa sữa nồng

Em, sương khói mong manh trên phố
Có hay mùa đông gió lạnh sang
Trăng rơi trên phố mơ màng
Đêm bình yên nhé đi hoang cuộc tình.
                                    (Đông)
Em là hình tượng xuyên suốt các bài thơ của Tâm Minh, nhưng em luôn mơ hồ không rõ, Em có thể là một cô gái nhưng em cũng có thể là thiên nhiên, là cây cỏ lá hoa hay chỉ là một nỗi niềm tiếc nuối, một bóng giai nhân trong tâm tưởng của thi sĩ.  Em khi đến gần như ngự trị trong tim anh, khi xa vời chỉ còn trong nhung nhớ. Em khi mỏng manh như hạt mưa thu, khi mạnh mẽ như mưa mùa hạ. Em khi lạnh buốt như đông sang, khi bàng bạc se se như thu về, khi gay gắt như nắng hạ và khi ấm áp như hơi xuân. Mọi thứ như có mà không, không mà có…
Phố trong tập thơ của Tâm Minh không cố định một địa danh nào, có khi là Hà Nội, có khi là cố đô Huế, có khi Sài Gòn hay thành phố Long Khánh. Phố thay đổi từ địa danh này sang địa danh khác, em thay đổi và di chuyển trong trái tim anh nhưng em cũng không bao giờ thôi tồn tại trong anh. Phố không mùa, anh không có em nhưng ngược lại, phố luôn luân phiên bốn mùa, và em luôn trong anh, hết thu sang thì đông tới, hết xuân thì hạ lại về. Mỗi mùa mỗi cảnh, câu chữ trong thơ không rập khuôn sáo rỗng, không ước lệ tượng trưng mà mang nét tả thực sinh động và mang âm hưởng riêng, mang hơi thở của thời đại.
Tập thơ Phố không mùa là những giao cảm của tác giả với thiên nhiên với đất trời. Phải chăng thời điểm ấy, nhà thơ đã có những sự thay đổi lớn trong tình yêu, tình đời và cuộc sống? Trong đó, cảm thức mùa luôn là điều trăn trở ray rứt, bởi mùa chính là những cung bậc cảm xúc khác nhau, chứa đựng trong tâm hồn người con xứ Huế đầy mộng mơ, của người miền Nam phóng khoáng hồn hậu dễ gần. Người đọc nghe trong thơ có tiếng lòng thổn thức, có tiếng nhạc véo von giữa nhịp đời sôi thở. Phố không mùa của nhà thơ Tâm Minh là những khát khao giao cảm với đời với người, những cảm thức như những nốt lặng dịu giữa dòng đời vội vã.

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 75 (Tháng 5 năm 2024)


HỒNG NHẠN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​