Mỹ thuật Đồng Nai đã phản ánh một hiện thực sinh động từ nhiều vùng, miền khác nhau một cách chân thực và sống động. Phần lớn các tác phẩm thể hiện sự đa dạng trong ngôn ngữ tạo hình như: đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng với nhiều xu hướng nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của các họa sĩ, nhà điêu khắc đối với tình yêu quê hương, đất nước. Trên cơ sở phát huy thế mạnh của nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và sự đa dạng về nguồn lực sáng tạo nghệ thuật từ những nghệ nhân gốm có tay nghề cao, các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng từ nhiều địa phương đến Đồng Nai lập nghiệp, lao động nghệ thuật đã tạo nên sự phát triển bền vững của Mỹ thuật Đồng Nai. Trong sự phát triển của Mỹ thuật miền Đông, những sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Đồng Nai thể hiện sinh động qua từng giai đoạn cụ thể:
Những đóng góp từ năm 2000 trở về trước
Mỹ thuật Đông Nam bộ nói chung và Mỹ thuật Đồng Nai nói riêng đã cho thấy vị trí, vai trò rất quan trọng của 3 ngôi trường do người Pháp thành lập: Trường Bá nghệ Thủ Dầu Một - Ecole d'Art indigene de Thudaumot năm 1901 (nay là Trường Mỹ thuật Bình Dương); Trường dạy nghề Biên Hòa - Ecole professionnelle de Bienhoa năm 1903 (nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai; Trường Vẽ Gia Định - Ecole dessin de Giadinh năm 1913 (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh). Nghệ thuật gốm Đồng Nai những năm đầu thế kỷ XX, từ khi người Pháp thành lập Trường dạy nghề Biên Hòa đã thể hiện phong cách độc lập trong sáng tạo và có xu hướng riêng biệt trong khu vực Đông Nam bộ và cả nước.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở Nam bộ (1954-1975), nhiều họa sĩ Đồng Nai tích cực sáng tác nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến như các họa sĩ: Nguyễn Văn Lương, Hoàng Anh, Nguyễn Thiện, Nguyễn Hiển, Nguyễn Nam Ngữ.
Một số họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Nam Ngữ, Võ Hữu Xưởng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Đông Nam bộ, Chiến khu Đ đã có nhiều ký họa, nhiều tác phẩm sinh động và chân thật về sinh hoạt trong chiến khu, bộ đội hành quân, tình quân dân… rất thành công.
Năm 1979, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai được thành lập, đến 1980 - chỉ một năm sau, lực lượng họa sĩ, nhà điêu khắc (NĐK) đã tham gia triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ lần đầu tiên. Đây là bước ngoặt quan trọng của Mỹ thuật Đồng Nai, các họa sĩ, NĐK có điều kiện giao lưu, tiếp cận với lực lượng hoạt động mỹ thuật trong khu vực và toàn quốc, từ đó định hướng cho sáng tác của mình. Từ 1986 đất nước đổi mới, Việt Nam đã chính thức ký kết hiệp định thương mại, mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác kinh tế, văn hóa, từ đó các hoạt động sáng tác nghệ thuật phát triển theo chiều hướng đa dạng và phong phú.
Mỹ thuật Đồng Nai giai đoạn này đã tập hợp được nhiều họa sĩ, NĐK người địa phương và cả những người chọn Đồng Nai là nơi công tác, sinh sống, cùng sáng tác những công trình tượng đài, tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc tiêu biểu như: Tác phẩm “Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng"- chất liệu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Cao Thương; Tác phẩm “Chờ giặc"- chất liệu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Văn Lương; Tác phẩm “Kỷ niệm vùng ven"- chất liệu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ; Tác phẩm “Những cơn mưa rừng"- chất liệu bột màu của họa sĩ Trần Quốc Tiến; Tác phẩm “Khói ô nhiễm"-chất liệu sắt hàn của NĐK Trương Đình Quế; Tượng đài “Võ Thị Sáu"- chất liệu đồng, Tượng đài “Chiến thắng Long Khánh"- chất liệu bê tông của NĐK Trần Thanh Thanh; Tượng đài “Chiến thắng Biên Hòa", chất liệu gồm màu của NĐK Nguyễn Phú Cường; Tác phẩm “Mẫu tử"- chất liệu gốm của NĐK Hoàng Vũ Hoài; Tác phẩm “Chiến sĩ"- chất liệu gỗ của NĐK Nguyễn Minh Thùy; Tác phẩm “Hội Tây Nguyên"- chất liệu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Thúy….
Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu trên cho thấy Mỹ thuật Đồng Nai thời kỳ này khá đa dạng về xu hướng sáng tác với nhiều mảng đề tài khác nhau và sử dụng chất liệu phong phú, phản ánh sinh động đời sống mọi mặt của xã hội Đồng Nai thời kỳ công nghiệp hóa -hiện đại hóa.
"Người đến rồi đi" - Tác phẩm tham dự Liên hoan Mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ 2024 của NĐK Phạm Công Hoàng
Những đóng góp sau năm 2000 đến nay
Cùng với sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, mỹ thuật Đồng Nai đã có những bước chuyển tích cực về thể loại, chất liệu, kỹ thuật, số lượng tác phẩm nhiều hơn so với các thời kỳ trước. Từ 2001 đến nay, cách nghĩ, cách đặt vấn đề cũng như hình thức thể hiện tác phẩm của các họa sĩ rất phong phú, đa dạng, thể hiện rõ dấu ấn cá nhân từng họa sĩ. Đã bắt đầu có những tác phẩm sắp đặt như tác phẩm “Lợi ích nhóm" sáng tác năm 2017 của NĐK Phạm Công Hoàng; Tác phẩm sắp đặt - gốm của họa sĩ Nguyễn Trọng Lộc năm 2019; Tác phẩm “Đời sống sung túc" sáng tác năm 2020 của họa sĩ Trần Chí Lý. Tuy chưa bao quát được toàn diện về các hoạt động của xã hội, nhưng ít nhiều đã phản ánh những thay đổi và chuyển biến mới mang tính tích cực của Mỹ thuật Đồng Nai.
Hiện nay, số lượng tác giả, tác phẩm ngày càng tăng, nhiều họa sĩ đã tham gia triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân trong nước và quốc tế. Lực lượng sáng tác đa dạng với nhiều tác phẩm về đề tài công nghiệp, thương mại dịch vụ, sản xuất hàng hóa của các nhà máy, xí nghiệp,... đã khiến cho mỹ thuật Đồng Nai mang đậm dấu ấn của một thành phố công nghiệp. Thời kỳ này, các họa sĩ, NĐK có nhiều đổi mới trong sáng tác, nhiều nghiên cứu, thử nghiệm trong ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật thể hiện, cho thấy khát vọng sáng tạo của các cá nhân, ai cũng khai thác thế mạnh, cố gắng tạo nên sắc thái riêng dựa trên những trải nghiệm và cách nhìn riêng biệt của từng người.
Từ 2001 đến nay, nhiều tác giả đạt giải thưởng mỹ thuật khu vực và toàn quốc với những tác phẩm tiêu biểu được thể hiện từ nhiều chất liệu khác nhau như: Tác phẩm “Bến đợi" - gò nhôm của NĐK Phạm Công Hoàng; Tác phẩm “Những cảm xúc đồng hiện" - gốm của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng; Tác phẩm “Bác Hồ - một tình thương bao la" - ghép ngũ cốc của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Tiết; Tác phẩm “Chợ gạo Tiền Giang"- bột màu của họa sĩ Trịnh Thế Hùng; Tác phẩm “Mùa biển lặng" - sơn dầu của họa sĩ Trần Chí Lý; Tác phẩm “Quảng trường Đồng Nai" - khắc gỗ của họa sĩ Đoàn Minh Ngọc; Tác phẩm “Trạm mới" - tổng hợp của họa sĩ Mai Công Trực; Tác phẩm “Máu lửa phi trường" - ghép gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng; Tác phẩm “Bà ngoại Cù Lao" - ghép gốm của họa sĩ Mai Văn Nhơn; Tác phẩm “Người mẹ" - Composite của NĐK Võ Tùng Niên; Tác phẩm “Giai điệu cam"- thạch cao của NĐK Trần Thanh Long; Tác phẩm “Nhân quyền kiểu Mỹ" - sơn dầu của họa sĩ Lâm Văn Cảng; Tác phẩm “Chơi trốn tìm" - gò nhôm của NĐK Thoòng Cọc Thành; Tác phẩm “Đô thị 3" - sắt hàn của NĐK Trần Đình Thắng, Tác phẩm “Ấm áp" -gốm của Hoàng Ngọc Hiến.
Những tác giả, tác phẩm tiêu biểu trên cho thấy Mỹ thuật Đồng Nai có bước chuyển mạnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thiên về khai thác các đề tài ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Đồng Nai. Mỗi tác giả khi xây dựng tác phẩm luôn nghiên cứu, thử nghiệm nhiều chất liệu, không ngừng sáng tạo để có được dấu ấn riêng, mang sức sống mới nhằm phản ánh chân thực, sinh động đời sống mọi mặt của xã hội trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là thể hiện đặc điểm về vùng đất con người Đồng Nai. Hàng năm có hơn 70 tác phẩm được chọn trưng bày tại triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ, năm nào các họa sĩ, NĐK Đồng Nai cũng đạt giải thưởng.
Có thể nói, Mỹ thuật Đồng Nai có nhiều thay đổi về hình thức thể hiện và đề tài nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng. Phần lớn các họa sĩ, NĐK dù sáng tác theo xu hướng nào thì cũng đa dạng, mỗi người một vẻ, cùng góp phần làm thay đổi diện mạo Mỹ thuật Đồng Nai nói riêng và mỹ thuật Đông Nam bộ nói chung. Với những thành quả đạt được, có thể khẳng định Mỹ thuật Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của Mỹ thuật Đông Nam bộ. Tuy nhiên, làm thế nào để có được nhiều sáng tác có giá trị về Tổ quốc, về đất nước - con người Đồng Nai với tâm thế mới, sáng tạo mới để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn vẫn là điều trăn trở của các họa sĩ, nhà điêu khắc, đó cũng là mục tiêu và mong muốn của văn nghệ sĩ Đồng Nai nói chung.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)