Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
55 năm bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Những ngày tháng 9, đất nước chào mừng 79 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2024), đồng thời tưởng nhớ và kỷ niệm 55 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024), cũng là 55 năm thực hiện Di chúc của Người gửi lại cho Đảng, nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.


*Sơ nét về hoàn cảnh ra đời

Sau 20 năm ngày mất, và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã thông báo về ngày mất chính xác và toàn bộ Di chúc của Người. Toàn bộ các văn bản gc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10 tháng 5 năm 1965 đến ngày 19 tháng 5 năm 1969 đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012 (đợt 1), các văn bản hiện được lưu giữ tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Khi Bác Hồ bước vào tuổi 70, sức khỏe của Bác kém đi, "diện mạo bên ngoài giảm sút, sắc diện không được hồng hào"; mặc dù trí nhớ được cho là "vẫn rất minh mẫn", Bác đã suy tư về việc để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam những lời dặn dò trước khi mình ra đi. Bản Di chúc được cho là đã thai nghén từ năm 1960 và được Bác đặt bút viết ngày 10 tháng 5 năm 1965, sửa đi sửa lại, và bổ sung thêm đến tháng 5 năm 1969 mới xong. Bốn năm để viết một Di chúc với tổng số 7 trang viết tay và đánh máy, Hồ Chí Minh chọn đúng vào dịp sinh nhật mình, bắt đầu từ sáng ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5ng năm, mỗi ngày một giờ đồng hồ, chọn giờ đẹp nhất từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, để suy nghĩ, để chỉnh sửa bản Di chúc - Tài liệu đặc biệt bí mật - như cách Bác gọi - và viết về ngày ra đi của cá nhân mình. Thư ký riêng của Hồ Chí Minh là đồng chí Vũ Kỳ là người duy nhất biết tường tận sự kiện này từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.


ban-di-chuc-cua-bac-ho 080924.jpg

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969); ảnh tư liệu


*Nội dung của bản Di chúc

Hồ Chí Minh "nhấn mạnh truyền thống đoàn kết" trong Đảng; yêu cầu "thực hành dân chủ" rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh "tự phê bình và phê bình"; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần "đạo đức cách mạng", giữ gìn Đảng thật "trong sạch".

Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong "sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; khẳng định đây là "đội hậu bị của Đảng", thanh niên là người chủ tương lai của đất nước; yêu cầu Đảng phải chăm lo "bồi dưỡng đạo đức cách mạng" cho họ.

Hồ Chí Minh viết rằng nhân dân lao động "bao đời chịu đựng gian khổ", bao nhiêu năm "bị nhiều áp bức bóc lột bởi phong kiến thực dân". Ông ca ngợi nhân dân Việt Nam rất "anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù", "luôn đi theo và rất trung thành với Đảng". Đảng phải có kế hoạch tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Hồ Chí Minh dự báo cuộc chiến tranh Việt Nam có thể kéo dài nhưng "nhất định thắng lợi". Sau khi chiến tranh kết thúc, cần ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Hồ Chí Minh nói về phong trào cộng sản thế giới: Mong muốn các đảng anh em đoàn kết, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, nâng cao "tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản". Ông bày tỏ sự đau lòng trước những bất hòa giữa các đảng anh em.

Liên quan đến hậu sự của chính mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chớ nên tổ chức "điếu phúng linh đình", để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân; căn dặn hỏa táng thi hài để vừa "tốt về mặt vệ sinh", lại không tốn đất. Sau khi hỏa táng, tro cốt của mình sẽ được rải ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, cho thỏa nỗi niềm của Người - nhất là tình cảm dành cho miền Nam biết bao năm xa cách.

Hồ Chí Minh nói lên mong muốn cuối cùng trước lúc mất là mong muốn toàn Đảng, toàn dân Việt Nam "đoàn kết phấn đấu", "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", "góp phần xứng đáng" vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  tự đánh máy “Tài liệu tuyệt đối bí mật" này nhân dịp mừng 75 tuổi bao gồm ba trang, mở đầu có tiêu đề:

Việt Nam dân chủ cộng hòa
Độc lập, tự do, hạnh phúc
(Tuyệt đối bí mật)

Trang cuối đề ngày 15 tháng 5 năm 1965, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn. Năm 1968, viết tay sáu trang nhằm bổ sung một số đoạn. Sáu trang này, bút tích vừa viết, vừa sửa ngay trên các trang. Các năm 1967, 1968 vào những ngày từ 10 đến 20 tháng 5, ông lại mở tài liệu và sửa chữa nhỏ ngay trên tài liệu. Ngày 10 tháng 5 năm 1969, viết tay một trang, sửa lại phần mở đầu của “Tài liệu tuyệt đối bí mật".


*Cấu trúc bản Di chúc

Cấu trúc của bản Di chúc được xem là mẫu mực cho thể loại văn bản của một nguyên thủ, một lãnh tụ đất nước. Ở phần mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành lời khẳng định cho tương lai, Người cho rằng  Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chắc chắn có "sự thắng lợi hoàn toàn" trong chiến tranh Việt Nam dù phải "gian khổ, mất mát nhiều". Đó là lời cổ vũ cho cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc, vì mục tiêu cao cả mà Đảng và Nhân dân ta đã có khởi đầu bằng kỷ nguyên độc lập năm 1945, và bắt đầu nhiệm vụ đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ xa rời cuộc đấu tranh cùng với Đảng, cùng với nhân dân ta, vì đó là “con đường duy nhất đúng"

Ở phần giữa của Bản Di chúc, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam khẳng định những tư tưởng cơ bản về dân chủ. Theo Bác: Thứ nhất: ó dân chủ mới có giàu mạnh, công bằng, văn minh, hạnh phúc; Thứ hai: Vấn đề dân chủ xã hội, xã hội hóa: Lấy dân làm gốc mới có thể giành được thắng lợi trong việc xây dựng đất nước; Thứ ba: Phải thực hành dân chủ rộng rãi, dân chủ thực sự trước hết trong Đảng Cộng sản Việt Nam và gắn với dân chủ ngoài xã hội, với cấp độ toàn xã hội.

Theo lời Di chúc của Bác, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình; Trong Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hành dân chủ rộng rãi; Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Một lần nữa, Bác Hồ khẳng định giá trị của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cũng như việc thực hành dân chủ và những tiêu chuẩn không thể thiếu được của người Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Những nội dung này đã được viết, phát biểu ở nhiều trước tác khác của Người, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và đúc kết các bài học kinh nghiệm trong xây dựng Đảng, trong đấu tranh và bảo vệ đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng.

Tuy nhiên, không khỏi xúc động khi Người nhắc đến “về việc riêng" - dặn dò những việc làm cho Người sau khi Người qua đời, và những lời dặn dò sau cùng… “Việc riêng của Bác, được nhắc đến nhẹ tênh, với quan điểm: Không tổ chức đám linh đình, lãng phí thời gian và tiền bạc của dân; Hỏa táng thi hài; Tro hỏa táng chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành cho miền Bắc, Trung, Nam; Mỗi hộp tro hỏa táng được chôn trên một quả đồi, không dựng tượng đồng, bia đá trên đó; ai đến thăm mộ Bác thì nên trồng một vài cây nơi Người an nghỉ.

Đó là quan điểm hết sức tiến bộ, tiết kiệm và nhân văn, khiến cho Bộ Chính trị và toàn Đảng, toàn dân đã phải đau xót, nhưng luôn tự hào, ngưỡng mộ trước một tấm lòng bao dung, quảng đại hy sinh của Bác. Ở phần kết thúc của bản Di chúc, mới thấy hết tinh thần, trách nhiệm của Người, khi Hồ Chí Minh viết rằng Người để lại "muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng... gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế". Bác nặng lòng với quê hương, đất nước vô cùng; Bác hy vọng, tin tưởng, yêu thương các thế hệ tương lai, nhất là đối với thanh niên, nhi đồng - vì đó là mầm non của nhân loại tiến bộ. Bản Di chúc khép lại, tuy câu chữ không mang nặng cảm xúc, song toàn bộ các câu từ đều toát lên tình yêu thương, lòng nhân  ái và minh triết của Bác, tin tưởng và hứa hẹn những thành công, thắng lợi phía trước.


*Ý nghĩa của bản Di chúc

Sau 55 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, 55 năm thực hiện bản Di chúc của Người, và rút ra từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, lịch sử đã rút ra được rằng: Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm nhìn từ lịch sử tới tương lai của dân tộc. Di chúc là kết quả sự trăn trở, suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tương lai của dân tộc; là sự tổng kết và rút ra những luận điểm cô đọng, súc tích trong quá trình chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Chính Người đã phải trăn trở hơn 4 năm ròng để đúc kết trên 7 trang giấy những bài học và sự tín thác của mình cho Đảng, cho dân, cho thực tiễn của cuộc đấu tranh vĩ đại mà dân tộc ta thực hiện. Người cũng chỉ ra cuộc cách mạng không chỉ là đấu tranh vũ trang, mà quan trọng hơn là xây dựng đất nước, là vươn tới những đỉnh cao mới của lịch sử loài người. Và thực tế là cho đến hôm nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã từng bước thực hiện thành công.

Bản Di chúc còn được xem là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trọng dân, thân dân, vì dân. Với niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của nhân dân, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Nhân dân ta dù qua bao đời chịu đựng gian khổ dưới ách thống trị tàn bạo và phản động của chế độ thực dân phong kiến, lại nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, song “nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng". Trong tầm nhìn của Người, quần chúng nhân dân là lực lượng có sức mạnh vô địch và là lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người thường nhắc nhở: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó". Đồng thời, nhân dân còn mang lại sức mạnh cho Đảng, Nhà nước, cũng như các tổ chức chính trị xã hội và các lực lượng vũ trang. Chính trên cơ sở đánh giá rất cao vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng như trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra chân lý: “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần, dân liệu cũng xong".

Chính với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lực lượng nhân dân nên Hồ Chí Minh chủ trương sự nghiệp cách mạng phải là sự nghiệp của chính nhân dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Di chúc, Người nhắc nhở, trong “cuộc chiến đấu khổng lồ" để “chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi", “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân".

Kỷ niệm 55 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện bản Di chúc của Người, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam có bài viết: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Quốc bảo để xây dựng và phát triển đất nước". Bài viết khẳng định: Di chúc là sự tổng kết lý luận về chiến tranh cách mạng chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Di chúc là công trình lý luận về xây dựng đảng cầm quyền. Di chúc là tác phẩm phác thảo lý luận đổi mới ở Việt Nam. Di chúc còn được xem như một bản kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội…

Di chúc còn chứa đựng những vấn đề cốt yếu về xây dựng văn hoá mới của xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Người chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hóa trong toàn dân, toàn xã hội…

 

NGỌC BÍCH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​