Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai là cơ quan ngôn luận, diễn đàn chính của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã có một quá trình hoạt động mang nhiều dấu ấn và ý nghĩa thiết thực. Ra đời vào tháng 12 năm 1979 – cùng thời điểm thành lập Hội, qua gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, tạp chí không chỉ là nơi đăng tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu mà còn là diễn đàn học thuật, phản ánh dòng chảy văn hóa, tâm hồn của nhân dân và văn nghệ sĩ Đồng Nai. Bản thân tạp chí là một phần của đời sống tinh thần, vừa gần gũi, vừa bền bỉ, phản ánh rõ nét quá trình phát triển văn hóa của địa phương trong dòng chảy chung của đất nước.
*Những giai đoạn phát triển
Những năm tháng khởi đầu: Tinh thần văn nghệ kháng chiến
-Ngay từ trước khi có tạp chí chính thức, hoạt động làm báo văn nghệ tại Đồng Nai đã sớm hình thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tiêu biểu là nhà văn Lý Văn Sâm – người từng làm chủ bút báo Chiến thắng, thư ký tòa soạn Văn Nghệ Giải phóng, rồi Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng. Với tâm huyết và lý tưởng cách mạng, ông đã dùng ngòi bút làm vũ khí tinh thần chống lại chế độ cũ, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc “giải phóng văn hóa".
Sau 1975, khi hòa bình lập lại, nhà văn Lý Văn Sâm trở thành Phó Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và là Chủ tịch Hội Văn nghệ Đồng Nai. Ông cùng các văn nghệ sĩ lão thành đã đặt nền móng cho một đời sống văn hóa tỉnh nhà đậm đà bản sắc, khơi nguồn cho sự ra đời của tờ báo Văn nghệ Đồng Nai.
-Giai đoạn xây dựng: Từ tờ báo hàng tuần đến tạp chí chuyên sâu
Thời kỳ đầu, Văn nghệ Đồng Nai xuất bản dưới dạng Tạp chí, sau đó ra báo hàng tuần – một hình thức gần gũi, đại chúng, hướng đến quảng bá rộng rãi các tác phẩm văn học nghệ thuật trong tỉnh. Dù trong điều kiện vật chất còn hạn chế, những người làm báo văn nghệ đã thể hiện tinh thần sáng tạo, kiên trì và lửa nghề mãnh liệt.
Đồng chí Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (trái) - tặng hoa chúc mừng Hội VHNT Đồng Nai, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)

Đồng chí Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - tặng hoa các Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai qua các thời kỳ
Nhà văn Hoàng Văn Bổn – nguyên Chủ tịch Hội, nguyên Tổng biên tập tạp chí – đã từng ghi lại trong hồi ký những khó khăn nhưng cũng đầy tự hào của những ngày đầu tiên ấy: “với sức trẻ của một Hội VHNT và một tờ báo văn nghệ", họ đã làm nên một không gian văn hóa sinh động, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trong và ngoài tỉnh.
- Thời kỳ phát triển cùng với sự Đổi mới của đất nước và tỉnh nhà:
Từ giai đoạn đầu định hình về bản sắc, ổn định về tổ chức bộ máy hoạt động, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã trải qua nhiều đợt cải tiến lớn. Tạp chí từng đổi tên thành Sông Phố, rồi quay trở lại với tên gọi Văn nghệ Đồng Nai như một sự khẳng định giá trị bền vững.
Các Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập đều là những văn nghệ sĩ có tên tuổi:
Họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ -Tổng Biên tập (2001–2007), cùng với Phó Tổng Biên tập là nhà văn Nguyễn Thái Hải
Nhà thơ Đàm Chu Văn – Tổng Biên tập (2007–2014)
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp – Tổng Biên tập từ năm 2014 đến nay, và Phó Tổng Biên tập là nhà văn Trần Thu Hằng (từ năm 2022 đến nay)
Tạp chí từng bước chuyên nghiệp hóa, tăng cường chất lượng nội dung, cải tiến mỹ thuật, mở rộng đề tài và chú trọng hơn đến tính học thuật, lý luận phê bình. Đồng thời Tạp chí đã góp phần nuôi dưỡng và phát hiện tài năng trẻ. Một trong những chức năng nổi bật của tạp chí là ươm mầm và phát hiện những tài năng văn chương, nghệ thuật mới. Nhiều cây bút trẻ từ Đồng Nai đã có dịp “chào sân" tại tạp chí này, từ đó vững bước trên con đường sáng tác. Tạp chí chính là nơi các thế hệ văn nghệ sĩ hội ngộ, giao lưu, học hỏi và truyền cảm hứng.
Theo ghi nhận của nhà văn, nhà lý luận – phê bình Bùi Công Thuấn: Sau các nhà văn lão thành Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Hoàng Kim Chung, Trần Thúc Hà, Tấn Hoài… là các nhà văn
thế hệ đổi mới: Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Đàm Chu Văn, Phạm Thanh Quang, Lê Thanh Xuân, Lê Đăng Kháng, Đỗ Minh Dương. Nối tiếp
thế hệ “đổi mới" là “
thế hệ hội nhập": Nguyễn Một, Hoàng Ngọc Điệp, Đào Sỹ Quang, Dương Đức Khánh, Nguyễn Trí, Trâm Oanh, Nguyễn Đức Phước, Trần Thu Hằng, Hạnh Vân, Lê Nguyệt Minh... Và một thế hệ trẻ đang sung sức tiến bước vào thế kỷ XXI ( như
Lý Thăng Long, Hoàng Thị Quỳnh Trang,
Huỳnh Ngọc Tuyết Cương,
Lê Phan Hiếu Anh,
Tống Thanh Tâm,...)
Tạp chí luôn mở rộng phạm vi hoạt động, lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật. Không chỉ phục vụ độc giả trong tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai dần mở rộng ra các khu vực miền Đông Nam bộ, đến các thư viện trường học, vùng sâu vùng xa, lực lượng vũ trang trên địa bàn. Việc này giúp tăng cường giáo dục thẩm mỹ, vun bồi tinh thần yêu nước và lòng tự hào văn hóa địa phương.

Đồng chí Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh (người đứng) gặp gỡ các thế hệ văn nghệ sĩ của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai
Từ đầu năm 2023, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tạo mọi điều kiện nhằm tăng kỳ xuất bản và số lượng phát hành, mang tác phẩm VHNT về với cơ sở, phục vụ đời sống nhân dân, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, sinh viên. Từ chỗ 2 tháng xuất bản 1 kỳ đã tăng lên mỗi số/tháng, số lượng phát hành từ 1000 bản trong nhiều năm đã tăng lên 4500 bản/số. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai được bổ sung kinh phí hoạt động, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, tăng kỳ xuất bản và số lượng phát hành. Điều này giúp nâng cao tính chuyên nghiệp, sự lan tỏa và hiệu quả tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ Đồng Nai, cũng như có sự tham gia của văn nghệ sĩ cả nước.
- Sự ra đời và đóng góp của Trang thông tin điện tửTừ tháng 4 năm 2017, Trang thông tin điện tử Hội VHNT Đồng Nai chính thức đi vào hoạt động. Đây là bước chuyển mình quan trọng, đưa hoạt động báo chí văn nghệ tỉnh nhà lên không gian mạng, bắt nhịp với xu hướng thời đại số. Trang web không chỉ cập nhật tin tức, mà còn đăng tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật, phê bình, nghiên cứu, giới thiệu chân dung tác giả, giới thiệu các cây bút trẻ…
Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19, khi nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật bị đình trệ, trang thông tin này đã trở thành không gian sáng tác, trao đổi, lan tỏa tinh thần vượt khó và góp phần truyền tải thông điệp phòng, chống dịch.
*Những thách thức và cơ hội phát triển trong thời đại mới-Giữ vững vai trò, nhiệm vụ của Tạp chí Văn nghệ Đồng NaiTrong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, báo chí truyền thống đang phải cạnh tranh gay gắt với các nền tảng mạng xã hội, truyền thông đa phương tiện. Đối với tạp chí chuyên ngành của một địa phương như Văn nghệ Đồng Nai, thách thức không chỉ là đổi mới công nghệ, mà còn là làm sao để duy trì chất lượng nghệ thuật, chiều sâu tư tưởng và giữ chân người đọc.
Một bài toán khác là nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ viết báo – văn nghệ. Bên cạnh tố chất nghệ sĩ, người làm báo hiện đại cần am hiểu công nghệ, có khả năng phản biện, và hiểu rõ vai trò giáo dục của tác phẩm văn hóa – nghệ thuật.
Các tác phẩm đăng tải trên tạp chí không chỉ đơn thuần mang giá trị nghệ thuật, mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tạo ra hiệu ứng tích cực đối với đời sống tinh thần cộng đồng. Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã chứng minh được những vai trò quan trọng: là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, đạo lý, truyền thống dân tộc; thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng văn hóa đọc.
-Định hướng phát triển trong tương lai
-Tiếp tục chuyên nghiệp hóa và trẻ hóa đội ngũ: Tạp chí cần tiếp tục thu hút các cây bút trẻ, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng nội dung.
-Mở rộng nền tảng số: Bên cạnh bản in, tạp chí cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho các phiên bản điện tử, ứng dụng di động, đa phương tiện hóa nội dung (podcast, video, phóng sự ảnh…), phát triển kênh mạng xã hội chính thống.
-Tiếp tục mở rộng và kết nối: Thông qua các hoạt động liên hoan, trại sáng tác, giao lưu tác phẩm giữa Đồng Nai với khu vực, trong nước và cả quốc tế, tạp chí có thể trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh Đồng Nai – một trung tâm văn hóa năng động của miền Nam – ra khu vực và thế giới.
NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai (giữa) cùng với Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai hiện nay

Hội VHNT - Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai họp mặt kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025)
Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai không chỉ là một ấn phẩm báo chí, mà là biểu tượng văn hóa của cả một vùng đất – nơi hội tụ lịch sử, truyền thống, đổi mới và khát vọng sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình hơn bốn thập kỷ qua, tạp chí đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa tỉnh nhà, phát triển văn học nghệ thuật, và lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc.
Hành trình hơn 45 năm của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai là một minh chứng sinh động cho sự phát triển bền bỉ của văn học nghệ thuật trong lòng một địa phương năng động. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của Ban Chấp hành Hội VHNT Đồng Nai, cùng với tinh thần sáng tạo không ngừng của các văn nghệ sĩ và tinh thần cầu thị đổi mới, Tạp chí đang đứng trước một tương lai hứa hẹn với những bước tiến mới, từ nội lực, nền tảng sẵn có và những nguồn lực phong phú của tỉnh nhà.
Bước vào kỷ nguyên mới – nơi mà báo chí, công nghệ và văn hóa tương tác mạnh mẽ – tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Tuy nhiên, với sự đồng hành của chính quyền, sự tâm huyết của các văn nghệ sĩ và một tinh thần đổi mới không ngừng, tạp chí chắc chắn sẽ tiếp tục là “ngọn lửa tinh thần" soi sáng hành trình sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ Đồng Nai.