Từ lâu tôi có cái thú lôi ảnh cũ ra ngắm. Mỗi bức ảnh gắn với một kỷ niệm đã trôi tuột vào dĩ vãng, lần nào nhìn lại trong lòng cũng thấy bùi ngùi. Trước mặt tôi bây giờ là những bức ảnh trắng đen đã xuống màu, có tấm đã mất cả nét, ghi lại hành trình về vùng đất ám ảnh mang tên xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Hồi ấy chúng tôi - những cán bộ văn hóa trẻ cùng nhạc sĩ Trần Viết Bính đi đò qua sông Đồng Nai sang Tà Lài để làm một việc gần như “ngậm ngải tìm trầm": sưu tầm văn hóa dân gian của đồng bào Mạ. Tà Lài khi ấy cơ hàn nhất vùng cao Tân Phú. Trong kháng chiến, người dân Chơ Ro, Stiêng, Mạ đã đóng góp không ít công, của, cả xương máu cho cách mạng. Chúng tôi vui mừng vì có được cơ hội đáp đền phần nào những hy sinh thầm lặng của đồng bào.
Đoàn điền dã được bố trí ở nhờ một trạm kiểm lâm ven sông, xung quanh cỏ cao gần lút đầu người. Chúng tôi phải theo phà qua bên kia sông mua đồ rồi về tự nấu ăn. Ban đêm, quanh bếp lửa bập bùng, cả bọn pha trà nóng, chuyện phiếm, nghe gió rú rít qua khe hở của vách tường ghép gỗ. Cái lạnh vùng cao làm ai nấy co ro trong những tấm đắp mong manh. Sáng ra, chúng tôi đến các gia đình người Mạ, khuyến khích người dân hát dân ca, kể chuyện cổ tích...bằng tiếng mẹ đẻ để thu âm. Tà Lài khi ấy dân cư còn thưa thớt, cả đoàn cuốc bộ ròng rã, hôm thì nắng chang chang, hôm thì mưa sầm sập, đường vào nhiều ngôi nhà nước ngập quá đầu gối. Trong một tấm hình ghi lại cảnh một bạn nam đang cõng cô bạn gái lội qua đoạn suối nước đến ngang thắt lưng người. Ngày thường đàn ông, phụ nữ Mạ hầu hết lên nương rẫy, vào rừng săn bắn, ở nhà chỉ có ông bà già và trẻ con. Tôi bắt gặp một bà lão ngồi bên bếp lửa nướng con cá chỉ bằng bàn tay, ba đứa trẻ đầu trần chân đất ngồi bên bà, hau háu chờ đợi. Đói nghèo lam lũ in hằn trên những gương mặt khắc khổ đen đúa, trên những bộ ngực khô héo để trần của phụ nữ Mạ. Thật ái ngại là những ông chồng trông khá vạm vỡ, khỏe mạnh trong khi các bà vợ tôi gặp hầu hết đều gầy gò xơ xác, biểu hiện của sự vất vả lao động cộng thêm sinh đẻ không có kế hoạch và thiếu dinh dưỡng. Một bức ảnh còn rõ nét có một phụ nữ Mạ bế đứa nhỏ không biết con hay cháu, cặp vú mướp thõng xuống. Một bức hình khác chụp người phụ nữ trung niên ngồi trên đất, duỗi hai chân, chiếc máy dệt thô sơ đặt trên bắp đùi, đang dệt thổ cẩm. Chúng tôi chia kẹo cho lũ trẻ con, ngồi bên khung dệt thổ cẩm hay bên ché rượu cần, rù rì gợi cho người dân kể chuyện. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, tất thảy đều lắc đầu quầy quậy. Phải kiên trì thuyết phục, dỗ dành, cuối cùng bà con cũng chịu hợp tác. Thì ra, họ không cởi mở chủ yếu vì… không tự tin. Khi đã bớt mặc cảm rồi, những ông bà lão rụt rè cất giọng hát dân ca Mạ, hát ru… bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Chiếc máy ghi âm “cùi bắp" chạy sè sè của nhạc sĩ Trần Viết Bính ngày nào cũng hoạt động hết công suất. Trong hình, nhạc sĩ họ Trần còn khá trẻ, gương mặt đăm chiêu, ông thật sự giành hết tâm sức cho công việc đầy tính nhân văn này.
Những chuyến điền dã sau đó được thực hiện ở vùng đồng bào Chơ ro, Stiêng, Chăm… nhưng tôi không tham gia vì điều kiện không cho phép, cũng tiếc.
Trở về sau các chuyến đi thực tế, nhạc sĩ Trần Viết Bính miệt mài biên dịch, chuyển ngữ tài sản thu thập được sang tiếng phổ thông, tập cho dàn đồng ca Nhà Thiếu nhi Đồng Nai hát. Ông còn làm một bộ 03 đĩa karaoke dân ca Chơro, Stiêng, Mạ… để truyền dạy cho trẻ em. Cùng với đĩa karaoke, các tập sách "Truyện cổ dân gian các dân tộc Đồng Nai", “Dân ca Mạ, Châu Ro, Stiêng, K'ho ở Đồng Nai" do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành đã góp phần lưu giữ vốn văn hóa dân gian đang có nguy cơ thất truyền của các dân tộc bản địa, mang lại cho đồng bào niềm tự hào về di sản của cha ông với kho tàng dân ca, tục ngữ, truyện cổ tích... đặc sắc.
Hơn ba chục năm đã trôi qua. Hiện diện trong những tấm hình của tôi có người đã mất, nhiều người thành đạt. Bây giờ Tà Lài vẫn chưa hết khó khăn, nhưng đã thay da đổi thịt, trở thành vùng nông thôn mới. Nhà cửa ngăn nắp, vườn nào cũng trồng chuối, bắp, quýt cao sản, các loại rau xanh, bầu bí… Nhà văn hóa dân tộc buổi chiều rộn ràng người lớn trẻ em bày trò chơi, tập văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng… Tôi đã nhiều lần quay lại vùng đất này và cũng góp một phần nhỏ nhoi cho đời sống văn hóa của bà con nơi đây. Với tôi, chuyến điền dã năm xưa thi thoảng lại trở về trong ký ức…
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)