Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LÊN ĐƯỜNG


                        Nhân vật:

 

- Ông Lễ: 50 tuổi - Giáo viên

- Bà Minh: 45 tuổi, Phó giám đốc - Vợ ông Lễ.

- Phương: 18 tuổi - Con trai vợ chồng ông Lễ

- Ông Mẫn: trên 70 tuổi - Ông ngoại Phương.

 

Lớp 1

Nhà ông Lễ.

Sân khấu trang trí phòng khách trang trí sang trọng, màn hình ti vi to, bộ bàn ghế uống nước đồ kiểu.

Đèn sáng

Phương đứng lên, ngồi xuống, bật ti vi rồi lại tắt mấy lần; vẻ sốt ruột, chờ đợi.

 

Ông Lễ: (Vào) Phương! Con chưa đi ngủ à?

Phương: Ba! Cũng khuya rồi mà sao ba vẫn còn thức?

Ông Lễ: Ba cần kiểm tra lại mấy bản báo cáo mà cô văn thư mới gửi, để ngày mai thông qua Hội đồng nhà trường.

Phương: Dạo này con thấy ba không được khỏe. Ba hay thức khuya, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe ba ạ.

Ông Lễ: Ba cũng biết vậy. Nhưng công việc mà con. Vài năm nữa, ba đến tuổi nghỉ hưu, khi ấy mới rảnh rang được.

Phương: Con biết ba rất yêu nghề, yêu người. Nghỉ hưu rồi cũng có khi ba còn xin đi thỉnh giảng đấy chứ!

Ông Lễ: Ừ! Cái nghề giảng dạy nó đã ăn sâu vào tiềm thức của ba rồi. Còn sức khỏe thì ba còn cống hiến.

Phương: Ba! Thầy giáo già! Tấm gương sáng rất tuyệt vời của con! Ba!

Ông Lễ: Nào con trai! Có điều gì muốn nói thì con cứ nói. Chứ mấy ngày gần đây, ba thấy con lúc nào cũng băn khoăn, trăn trở. Thi tốt nghiệp xong rồi. Sắp vào đại học đến nơi rồi, mà mặt con lúc nào cũng nhăn nhó như “khỉ gặp phải mắm tôm”?

Phương: Thôi! Con không nói đâu. Đợi mẹ con về thì con nói một thể.

Ông Lễ: (Thở dài) Đợi mẹ con thì… đến mùa quýt sang năm. Con ở đây đợi mẹ con, ba vào giải quyết nốt mấy văn bản đây. (Ra khuất)

Phương: (Nói với) Ba cũng đi nghỉ sớm nha!

Phương nhìn xa xăm, ngồi chống tay vào cằm. Đèn sân khấu từ từ tối lại

Đèn rọi góc sân khấu

Bà Minh vào, ăn mặc trang phục dạ hội, túi xách lắc lư, bước đi không vững.

Tiếng tài xế bên trong: “Cô Minh đi cẩn thận! Cô nghỉ đi nhé! Cho con hỏi thăm sức khỏe chú Lễ nhé! Con về đây!”.

Bà Minh: (Nói với ra) Ừ con về! Cô cảm ơn con đã đưa cô về đến nhà! Con… Con… cứ yên tâm… không phải… lo cho cô. À này! Mai đến đón cô đi họp sớm hơn mọi ngày nhé!

(Một mình) Làm cái chức phó giám đốc, mệt kinh khủng. Hết họp lại học tập nghị quyết, giao lưu... Đến khổ.

      Mà… Ba con ông ấy đi đâu mà nhà cửa tối vậy trời?

      (Với tay bật điện. Sân khấu sáng)

Trời, hết hồn…! Phương! Con làm gì mà ngồi như trời trồng vậy?

Phương: (Uể oải) Mẹ đã về ạ? Con lấy cho mẹ ly nước nha!

Bà Minh: (Gật đầu) Hai ba con đã ăn gì chưa?

Phương: Nước của mẹ đây ạ! Chiều con nấu hủ tiếu hoành thánh, con có chừa cho mẹ một phần, mẹ có ăn không để con hâm lại cho nóng?

Bà Minh: Thôi mẹ không ăn, mẹ no rồi. Mẹ cám ơn con. Mà sao giờ hai cha con ông chưa đi ngủ, thức làm gì, giờ này cũng trễ rồi.

Ông Lễ: (Vào) Bà Minh! Bà biết giờ này mấy giờ không?

Bà Minh: Ông Lễ ơi! Ông làm như vợ ông không biết đến giờ giấc đấy. Gần 10 giờ chứ mấy!

Ông Lễ: Bà làm gì mà giờ này mới về?

Bà Minh: Thì tôi đi làm chứ đi đâu! Có vậy cũng hỏi.

Ông Lễ: Làm thì có giờ có giấc! Gần 10 giờ! Bà đi đâu hả?

Bà Minh: Ông ở nhà rảnh quá nên nghĩ lung tung! Tui đi làm! À không! Tui đi tiếp khách.

Ông Lễ: Có khách khứa gì thì cũng phải lo cho gia đình trước đã!

Bà Minh: Cha con ông giờ ai cũng lớn hết rồi thì tự lo đi! Tui phải đi làm mới có tiền về lo cho gia đình.

Ông Lễ: Tiền nhiều để làm gì? Bà có biết là người bà đầy mùi rượu bia không?

Bà Minh: Tui uống có vài lon! Say xỉn gì đâu! Nhiều lần tôi uống vậy, còn tự lái xe về được mà. Hôm nay có tài xế cơ quan đưa về.

Ông Lễ: Vài lon! Ngoại giao... Đã uống say rồi còn lái xe! Không thể hiểu nổi bà.

Bà Minh: Nay ông sao vậy? Tự nhiên kiếm chuyện với tôi! Tôi không tranh cãi cái đề tài cũ rích này nữa! Tôi đi tắm rồi đi ngủ đây. Hai cha con cũng đi ngủ sớm đi!

(Bà Minh chực đi vào trong)

Phương: Mẹ! Con có chuyện muốn nói!

Bà Minh: Có gì để sáng mai! Mẹ mệt.

Phương: Mai mẹ lại dậy sớm đi làm! Mẹ có thể cho con 15 phút không?

Bà Minh: Có chuyện gì? Sao nay nhìn con lạ quá vậy?

Phương:      …

Bà Minh: Rồi! Mẹ ngồi đây. Có chuyện gì! Nói đi!

Phương:  ...

Bà Minh: Con im lặng là mẹ đi ngủ đó!

Phương: Mẹ con đã có điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông rồi!

Bà Minh: Ừ, rồi sao?

Phương: ...

Bà Minh: Thì mẹ đã quyết là con đi học Đại học Luật chuyên ngành Hành chính.

Phương: Con không thích học ngành đó!

Bà Minh: Không được! Mẹ đã nói với con nhiều lần! Là con cứ đi học theo ngành mẹ chọn, ra trường, mẹ sẽ sắp xếp cho con làm trong Sở.

Phương:     Con đã nói là không thích học Đại học Luật!

Bà Minh: Sao lại không thích? Với học lực của con mẹ tin chắc rằng con sẽ học giỏi! Học rất giỏi.

Ông Lễ: Con nó không thích thì bà ép nó làm gì?

Bà Minh: Phương mới có 18 tuổi thì biết làm sao cho phù hợp. Tui là mẹ nó thì tui biết làm gì tốt nhất cho nó.

Ông Lễ: 18 tuổi, con đủ lớn để lựa chọn cho tương lai của nó. Bà đừng ép nó theo sở thích của bà.

Bà Minh: Vậy ông muốn nó theo nghề thầy giáo của ông à?

Ông Lễ: Tui không bắt nó theo ngành của tui nhưng tui sẽ cho con lựa chọn theo ngành con thích.

Bà Minh: Phương! Con nói cho mẹ biết là con muốn gì?

Phương: Con đi bộ đội.

Bà Minh: Hả!... Tưởng gì?

Việc đó quá dễ! Con học Đại học xong rồi đi bộ đội cũng chưa muộn mà.

Phương: Con đã viết đơn tình nguyện đi trong đợt này! Con khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đạt loại I thì chắc chắn con sẽ trúng tuyển.

Bà Minh:Tại sao chuyện lớn như vậy không nói mẹ biết?

Phương: Con muốn nói với mẹ mấy lần, nhưng ngày nào mẹ cũng về trễ. Mẹ lúc nào cũng bận, cũng mệt.

Bà Minh: Con đưa giấy báo khám sức khỏe cho mẹ.

Ông Lễ: Bà định làm gì?

Bà Minh: Còn làm gì nữa thì để tui alo cho thằng Phương vào hàng dự bị.

Ông Lễ: Chuyện như vậy mà bà cũng làm được hả?

Bà Minh: Chuyện này đối với tôi không khó!

      (Với Phương) Đưa cho mẹ giấy báo trúng tuyển!... Thôi khỏi đưa... Mà không cần đâu! Con đưa cho mẹ giấy báo nhập học trường Luật! Nhanh.

Ông Lễ: Con đã nói là con không đi học. Con đi bộ đội.

Bà Minh: Thời bây giờ ai làm ra tiền nhiều hơn thì người đó mới sướng, mới hơn người. Đi bộ đội làm gì hả con?

(Nhìn đồng hồ) Giờ mới hơn 10 giờ… Để sáng mai mẹ điện thoại cho người quen của mẹ.

Phương: Con đã viết đơn tình nguyện ra đảo Hoàng Sa.

Bà Minh: Trời! Con ra đó làm gì? Ngoài đó thiếu thốn đủ điều, mưa gió bão bùng rất nguy hiểm. Rồi mỗi lần muốn gặp con thì mẹ không có đủ thời gian để đi thăm con.

Ông Lễ: Lại không có thời gian! Giờ nó ở nhà, bà cũng đâu có thời gian lo cho nó. Thời gian của bà dùng để làm gì?

Bà Minh: Ông đừng nói với tui cái kiểu đó! Tui mà không cố gắng làm việc, ngoại giao thì gia đình mình có cơ ngơi khang trang như thế này mà ở không?

Với cái đồng lương giáo viên của ông, có đủ nên nhà nên cửa không? Có xe có cộ mà đi không?

Ông Lễ: Tui không cần những thứ đó!

Bà Minh: Vậy ông cần gì?

Ông Lễ: Tui cần bà ở nhà với gia đình! Cần bữa cơm nóng bà nấu cho cha con tôi.


 

lÊN ĐƯỜNG - hÀ hUY cHƯƠNG.jpg
Minh họa: Hà Huy Chương


Bà Minh: Cái đó ông tự làm được thì lo mà làm đi! Tui một ngày không biết bao nhiêu công việc để xử lý.

Hai chị của con nghe lời mẹ, giờ có công ăn việc làm ổn định. Còn con, mẹ nói lần cuối, con phải đi học.

Phương: Mẹ! Không! Con không đi học. Mẹ không nên thay đổi ý nguyện của con.

Bà Minh: Không nói nữa!

Phương: Sau khi xuất ngũ, con sẽ đi học trường nghề! Nghề nấu ăn.

Bà Minh: Con bị điên rồi hả? Nghề gì không chọn lại chọn nấu ăn! Nghề đó cực muốn chết!

Phương: Từ nhỏ đến lớn, mẹ muốn con làm gì con đều nghe lời mẹ! Mẹ hãy cho con quyết định lần này nha!

Bà Minh: Mẹ chỉ muốn làm những gì tốt nhất cho con mà thôi!

Ông Lễ: Bà muốn tốt cho con hay bà thỏa mãn cái sĩ diện của bà?

Bà Minh: Sĩ diện gì? Ông sao hiểu con bằng tôi. Phương mới lớn, còn nông nổi.

Ông Lễ: Phương tình nguyện đi bộ đội lẽ ra bà phải mừng vì nó sống có trách nhiệm với đất nước, có lý tưởng đẹp!

Chẳng qua bà muốn con bà học đại học để bà nở mặt nở mày với bạn bè.

Bà Minh: Ông nói vậy mà nghe được hả? Tui cho con học đại học để lo cho tương lai của nó. Đi làm ngồi phòng lạnh, mát mẻ, quần áo sạch sẽ, bảnh bao!

Còn nghề nấu ăn suốt ngày khói bụi! Người lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi. Môi trường làm việc nóng nực, bưng bê. Chuyên hầu hạ người khác.

Phương: Con muốn nấu những bữa ăn ngon phục vụ mọi người. Sao mẹ lại cản con. Tại sao? Tại sao?... Mẹ!

Bà Minh: Thôi mẹ không tranh luận với con nữa! Đi ngủ! Sáng mai dậy rồi mẹ nói chuyện với con tiếp.

Ông Lễ: Bà nên chấp nhận và đừng nhúng tay vào việc con đi bộ đội, tôi sẽ không để yên cho bà đâu.

Phương: Mẹ hãy đồng ý quyết định của con.

Bà Minh: Tại sao? Tại sao hai người cứ chống đối tôi! Ở cơ quan tôi là Phó Giám đốc! Tôi chỉ nói một tiếng là bao người chạy ngược chạy xuôi! Còn ở nhà có một cái quyết định mà hai cha con ông cũng không nghe tôi.

Ông Lễ: Tôi nhịn bà nhiều rồi nha! Bà muốn làm gì hả…?

Phương: Con xin ba mẹ! Đừng cãi nhau. Giờ nhà mình đi ngủ đi, mai rồi tính tiếp. (Bà Minh ra khuất)

Đèn từ từ tắt

 

Lớp 2

Đèn sáng

        Tại nhà ông Lễ, Phương chuẩn bị lên đường nhập ngũ.

Ông Lễ: Con xong chưa? Để ba chở con lên khu phố họp mặt rồi lên phường. Nãy ông ngoại điện thoại! Ông bảo sẽ chở bà qua tiễn con lên đường.

Phương: Vậy hả ba? Ông bà già rồi đi lại chi cho mệt! Con điện thoại nói ông bà yên tâm ở nhà, khỏi tiễn con! Con đã lớn.

Ông Lễ: Ba cũng nói thế mà ông bà có chịu đâu! Thôi cứ để ông bà đưa con ra phường để ông bà vui.

Phương: Dạ! Ba thấy con mặc bộ này có đẹp không?

Ông Lễ: Chà chà! Ra dáng chú bộ đội quá!

Phương: Ba có nói với mẹ là nay con lên đường chưa?

Ông Lễ: (gật đầu)….

Phương: Mẹ có nói gì không ba?

Ông Lễ: Mẹ có cuộc họp gấp! Mẹ bảo mẹ đi họp rồi mẹ về liền! Mà con đã bỏ đồ đầy đủ vào ba lô chưa?

Phương: Dạ rồi!

Ông Lễ: Đưa đây ba xem! Xà bông tắm, xà bông giặt đồ, kem đánh răng, bàn chải, đồ xạc điện thoại, mấy cái quần lót… Đủ rồi đấy!

Con lên trên đơn vị, con sẽ được phát khăn, dép, quần đùi, áo lá. Lên đó, còn thiếu gì thì ra căn tin mà mua. Chứ đem nhiều mang nặng. Ba có chuyển vào tài khoản của con ít tiền để chi phí!

Phương: Con không cần phải xài tiền, ba cho con làm gì?

Ông Lễ: Thằng này! Thì cứ dằn túi. Khi nào cần có mà xài. Con nhớ lên đó phải hòa đồng với anh em. Có buồn thì cũng ráng.

Phương: Dạ! Con thấy con có lỗi với mẹ quá ba à!

Ông Lễ: Mẹ con cố chấp lắm. Con cứ yên tâm lên đường. Mẹ ở nhà đã có ba chăm sóc. Ngày xưa, ba cũng từng đi bộ đội. Không một môi trường nào rèn luyện lý tưởng cách mạng, ý chí, sức khỏe tốt bằng môi trường quân đội đâu con.

      (Bà Minh vào)

Ông Lễ: Bà không đi làm! Về nhà làm gì? Bà cũng có thời gian đưa con đi nữa hả?

Bà Minh: Thì tui phải về để đưa con đi chứ! Ông làm như tui không phải là mẹ của nó vậy?

Ông Lễ: Thời này hòa bình có phải chiến tranh đâu. Con đi có 2 năm là xuất ngũ. Giờ bà muốn gặp con thì chờ ngày nghỉ, leo lên máy bay là đến nơi, có khó khăn gì đâu.

Bà Minh: (Với Phương) Sao con không nói với mẹ nay con đi?

Phương: Con sợ mẹ buồn nên không dám nói!

Bà Minh: Lớn rồi! Muốn gì thì nói thẳng với mẹ.

Phương: Con xin lỗi mẹ!

Bà Minh: Thôi! Không sao! Con đã chuẩn bị đồ đạc hết chưa?

Phương: Dạ rồi ạ!

Bà Minh: Ừ! Ngoan! Cố gắng nha con!

       (Ông Mẫn, ba của bà Minh vào)

Bà Minh: Ủa ba mới đến ạ?

Ông Lễ: Con chào ba! Ba ngồi ạ.

Phương: Con thưa ông ngoại mới đến!

Ông Mẫn: Ừ! Ba qua đưa cháu ngoại của ông lên đường nhập ngũ!

Phương: Con cám ơn ông ngoại!

Ông Mẫn: Đồ đạc con chuẩn bị đến đâu rồi?

Phương: Dạ đầy đủ rồi ạ!

Ông Mẫn: Cháu ngoan lắm. Cháu giỏi cố gắng nha!

Phương: Dạ! Con luôn cố gắng hết sức mình.

Bà Minh: (Với ông Minh) Má không qua đưa Phương lên đường hả ba?

Ông Mẫn: Bà ấy cứ khóc suốt. Ba kêu ở nhà, khóc làm cho cháu nó mủi lòng.

Phương: Thương ngoại của con.

Ông Mẫn: Bà con là vậy đó! Hở chút cái khóc, hình như càng già là càng giống trẻ con.

Phương chạy ra tiệm thuốc tây đầu ngõ mua cho ông theo toa ông ghi trong tờ giấy nha!

Phương: Dạ!

Ông Mẫn: Tiền đây!

Phương: Khỏi đi ông. Con có tiền.

Ông Mẫn: Tiền đó để dằn túi, có gì lấy ra xài. Thuốc này ông mua. Đi nhanh về còn ra khu phố.

Phương: Dạ!

            (Phương đi ra khuất)

Bà Minh: Ba bị bệnh hả?

Ông Mẫn: Ba không những bệnh mà còn mất ngủ mấy hôm nay.

Bà Minh: Sao ba không nói để con đưa ba đi bác sĩ?

Ông Mẫn: Không cần đâu! Ba còn khỏe, mấy bệnh vặt đó, ba tự lo được. Ba muốn hỏi con một chuyện?

Bà Minh: Có gì không ạ?

Ông Mẫn: Tại sao con lại can thiệp vào việc thằng Phương đi bộ đội.

Bà Minh: Con có làm gì đâu ba?

Ông Mẫn: Con làm gì thì con biết? Hồi sáng, ba điện thoại cho cậu lính cũ của ba. Cậu ấy đang công tác ở Tỉnh đội, phụ trách công tác tuyển quân. Ba có hỏi thằng Phương về đơn vị nào ngoài đảo thì cậu ta nói nó là dự bị.

Ông Lễ: Trời có việc đó nữa sao? Bà đúng là hết nói nổi mà!

Bà Minh: ……..

Ông Mẫn: Ba mới hỏi sao anh biết? Cậu ta mới nói là, chính con điện thoại khóc lóc nói cho thằng Phương tạm hoãn vài năm, để nó đi học đại học xong sẽ nhập ngũ.

Bà Minh:   …

Ông Lễ: Tui đã nói với bà rồi! Nó thích thì để nó đi. Sao bà cứ ngăn cản con hoài vậy?

Ông Mẫn: Nhưng thằng Phương nói với ba là nó muốn đi bộ đội vì nó muốn cống hiến một phần sức trẻ phục vụ đất nước. Chính vì thế, ba cũng không cản nó mà ba đồng thuận, ủng hộ nó.

Ông Lễ: Chuyện như vậy mà bà cũng dám làm! Bà không cho con đi bộ đội mà còn can thiệp vào, là bà có thể bị ngồi tù đó. Đừng đùa với pháp luật.

Ông Mẫn: Lễ nói đúng. Con làm như vậy là vừa hại đến con, hại đến đồng đội cũ của ba nữa. May là ba phát hiện kịp thời và đã xử lý xong việc đó. Thằng Phương vẫn lên đường nhập ngũ như kế hoạch và không có việc nó dự bị.

Bà Minh: Ba ơi! Con cũng vì quá thương con nên…

Phương vào, đứng ngoài cửa nghe được câu chuyện.

Ông Mẫn: Con như vậy là sai quá sai. Con là cán bộ nhà nước mà. Ba quá thất vọng về con.

Bà Minh:        Con xin lỗi ba!

Ông Mẫn: Con không có lỗi gì với ba hết! Con có lỗi với con của con kìa. Đáng lẽ ra con phải động viên, an ủi để nó tự tin trước lựa chọn của mình. Đằng này con lại xử lý vụ việc theo kiểu tiêu cực… Ba không muốn cho thằng Phương nó biết việc này kẻo nó buồn, nên ba kêu nó đi mua thuốc cho ba, nhưng ba không có uống mà ba kêu nó mua để nó đem theo balo phòng trái gió, trở trời mà uống.

Bà Minh: Con cám ơn ba!

Phương: (Chạy tới ôm mẹ) Mẹ…!

Ông Lễ: Ủa! Phương con đi mua thuốc về rồi hả?

Phương: Dạ! Con về lâu rồi. Con nghe hết chuyện của ngoại và ba mẹ con rồi!

Bà Minh: Vậy con….?

Phương: Mẹ! Con không buồn, không giận mẹ đâu.

Bà Minh: Con…!

Ông Lễ: Con của ba mẹ ngoan!

Phương: Mẹ hãy tin con!

Con sẽ thành công trên con đường đã chọn. Đi bộ đội về, con đi học nấu ăn rồi mở một quán ăn. Nếu có thể con muốn mở một nhà hàng cao cấp. Con thích mình làm chủ chứ không thích làm công ăn lương. Con muốn lao động, kinh doanh.

Ông Mẫn: Minh! Con thấy chưa? Thằng Phương suy nghĩ định hướng cho tương lai vậy là quá tốt.

Phương: Mai mốt mở nhà hàng, ông ngoại sẽ góp vốn cho con đầu tư nha!

Phương: Con cám ơn ông ngoại!

Phương: Mẹ! Vậy được không? Mẹ đừng có buồn nữa. Con đi hai năm là con về. Mẹ thương con thì mẹ đi làm về sớm, đừng để bố ở nhà một mình. Bố buồn nha mẹ.

Bà Minh: Ừ…! Mẹ biết rồi! Con đi phải gìn giữ sức khỏe. Khi nào rảnh điện thoại cho mẹ.

Phương: Con biết rồi ạ!

Ông Lễ: Thôi đến giờ rồi! Gia đình mình lên khu phố để tập trung.

Ông Mẫn: Đi nhanh, không thì trễ giờ.

Bà Minh: Thôi để mẹ chở cả nhà mình đi.

Phương: Dạ!

      (Nhạc bài hát: Đất nước trọn niềm vui - Sáng tác Hoàng Hà)

Đèn tắt - Màn hạ


Kịch bản của DIỆP THẢO

(Nguồn: VNĐN số 62 – tháng 4  năm 2023)

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​