Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MỘT LẦN ĐẾN MỸ

​Tôi vừa có dịp sống trên đất Mỹ 10 ngày. Một quốc gia có diện tích rộng thứ 3 trên thế giới thì thời gian chừng ấy là quá ít để có thể nắm bắt được nhiều về xã hội và con người nơi đây. Nhưng “nhìn giọt nước có thể thấy được cả đại dương". Tôi đã nhớ đến câu nói ấy.

Hầu như ai đặt chân đến Mỹ cũng mong muốn đến được thật nhiều nơi từ Đông sang Tây với chiều dài hàng vạn cây số để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngoạn mục, hoành tráng của những thành phố nguy nga có những ngôi nhà chọc trời nổi tiếng thế giới như New York, Los Angeles, Chicago, Las Vegas, Hollywood, Seattle, Washington... Rất nhiều thành phố ở nhiều bang đều giống nhau ở sự sầm uất, phồn hoa, rực rỡ suốt cả ngày lẫn đêm. Dễ hiểu bởi đây là quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh hàng đầu thế giới. Cũng là nơi nhiều tổ chức thế giới đặt địa điểm và diễn ra nhiều hội nghị quan trọng mang tính toàn cầu.

Đến Mỹ, bạn sẽ như lạc vào một mê cung của ánh sáng, của hàng hoá và tất cả những gì mới mẻ, văn minh, hiện đại nhất. Vô cùng đông vui, tấp nập nhưng không hề lộn xộn, bề bộn mà rất quy củ, ngăn nắp. Có cảm giác mọi thứ như là đã thành nếp đâu ra đấy từ lâu, con người cứ việc tuân thủ răm rắp và tự giác. Tôi ở đây 10 ngày, đi từ sáng đến tối khuya mới về khách sạn nghỉ. Thời gian ở ngoài đường, thăm thú nhiều nơi chiếm gần hết một ngày. Nhưng tôi chưa nhìn thấy bóng dáng cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông. Tất nhiên ở những nơi như Nhà Quốc hội, Nhà Trắng, Lầu Năm góc... thì không thể không có cảnh sát bảo vệ. Nhưng không thấy có cảnh sát trên đường. Bởi mọi người rất có ý thức tuân thủ pháp luật nói chung, luật giao thông nói riêng. Tôi đã ngồi trên ghế nửa giờ ở một vườn hoa để quan sát việc đi lại của dân ra sao thì thấy ai cũng thực hiện luật rất nghiêm chỉnh. Ở các ngã tư, dù khi rất ít phương tiện qua lại, cứ đèn vàng là mọi phương tiện dừng lại dù chiều kia không có xe nào đi. Dẫu đã có đèn đỏ nhưng vẫn có hình bàn tay cũng bật đỏ để báo cho người đi bộ không được sang đường. Chỉ khi bàn tay tắt, mới được đi. Nhưng nếu có khách du lịch nước ngoài mà vô ý vẫn cứ sang đường thì lái xe sẽ dừng lại để nhường mặc dù họ đang được phép đi do đang đèn xanh. Tất nhiên, họ sẽ nhìn người đi bộ kia với ánh mắt không mấy thiện cảm. Ở Mỹ, người ta đi lại chủ yếu bằng xe hơi chứ không có xe máy và xe đạp. Do quá nhiều nên vào những giờ nào đó trong ngày cũng xảy ra kẹt xe. Nhưng chỉ là ứ chứ không tắc, tức là xe buộc phải đi chậm, gây mất thời gian di chuyển. Có thể chiều bên này xe nối đuôi nhau dồn ứ tới cả mấy trăm mét, bên kia thì rất thông thoáng nhưng người ta vẫn nghiêm chỉnh nối đuôi nhau chứ không vượt lên, lấn làn đường khác (mà tình trạng này rất phổ biến ở nước ta).

 Cũng như ở nhiều nước văn minh khác, không bao giờ người lái xe bóp còi. Trên đường phố, dù đông người, xe cộ qua lại nhưng vẫn yên tĩnh, không  có chuyện nhộn nhạo, ồn ào, huyên náo. Đường thông, hè thoáng được duy trì 24/24. Không có chuyện để xe tuỳ tiện, lung tung, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Không có bất cứ một hàng quán nào bày bán trên vỉa hè. Nếu có thì ở những hè rộng, được tổ chức thành từng dãy và phải được cấp phép. Nhưng lối đi giành cho người đi bộ vẫn còn rộng. Không khi nào phải đi xuống đường.

Sự nguy nga, hoa lệ của những thành phố lớn lung linh, ngoạn mục thì cũng có ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là châu Âu. Nhưng riêng ở Mỹ có 2 thành phố thật độc đáo, không đâu có thể sánh được. Đó là Las Vegas với những sòng bạc lớn nhất thế giới, mở cửa suốt ngày đêm, thu hút hàng ngàn lượt khách vào thử vận đỏ đen mỗi ngày. Tôi nghỉ tại một khách sạn vào loại lớn nhất thành phố này với mấy ngàn phòng có tầng trệt là một không gian lớn chứa những sòng bạc lúc nào cũng đông khách vào chơi. Tuy là khách sạn 5 sao sang trọng nhưng trong phòng các tiện nghi lại chỉ vừa đủ cho khách sử dụng chứ không nhiều tiện ích như ở các nơi khác không có sòng bạc. Ví như ti-vi thì chỉ có vài ba kênh chính chứ không phải là hàng trăm kênh như thông thường ở mọi nơi. Vì sao vậy? Dễ hiểu bởi chủ khách sạn cũng đồng thời là chủ sòng bạc. Họ làm vậy để khách chỉ muốn ra khỏi phòng, xuống chơi bạc. Chỉ cần khách xuống, để mắt tới sòng bạc là họ đã “thắng" đến 50%.

Một khu vực nổi tiếng nữa là Trung tâm điện ảnh Hollywood ở thành phố Los Angeles, bang California– nơi có nền công nghiệp điện ảnh hàng đầu thế giới, là một trung tâm sản xuất phim khổng lồ với những trang, thiết bị cực kỳ hiện đại. Tất cả những cảnh quay khó khăn, rắc rối nhất từ trên không, ngoài biển đến bão táp, giông tố, chiến tranh tàn khốc, khói lửa chiến trường, những đoàn ngựa phi ra chiến trận với hàng ngàn quân lính... đều được thực hiện trong trường quay tại trung tâm chứ không bao  giờ thực hiện ở bên ngoài (gọi là quay ngoại cảnh). Tại nơi đây, hàng ngàn phim hay, nổi tiếng nhất của thế giới đã ra đời trong đó có những phim bom tấn như “Cuốn theo chiều gió", “Ti-ta-nic", Bố già", “Hàm cá mập", “Cuộc chiến giữa các vì sao"... Trên đường phố mang tên “Danh vọng" ở thành phố này có nhà hát hiện đại, rộng lớn, bề thế để chiếu phim, diễn kịch và đặc biệt là tổ chức buổi trao giải Oscar là giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực điện ảnh được tổ chức hàng năm để vinh danh những bộ phim giá trị của năm trước. Bất cứ người làm điện ảnh chuyên nghiệp nào trên toàn thế giới cũng ước ao một lần nhận được giải này. Trên hè con đường này, người ta còn khắc tên những nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng nhất trong các lĩnh vực nghệ thuật.

Điều rất đáng nói là về người Mỹ. Nét nổi bật nhất là họ luôn đề cao vai trò cá nhân, tính độc lập, tự do, tự chủ và rất trọng hiệu quả. Để bắt tay, hợp tác làm ăn với một người, họ không mấy quan tâm tới người đó từ đâu đến, có nhân thân ra sao, trình độ, học vấn thế nào và cũng không cần biết động cơ, mục đích. Điều duy nhất họ quan tâm là hiệu quả công việc. Như vậy, họ là người rất thực tế. Có thể nói thực dụng cũng được. Nhưng lại không vì mình mà báo hại người khác. Họ giáo dục con cái tính độc lập, tự chủ ngay từ lúc chúng còn nhỏ. Bố, mẹ chỉ hướng dẫn chúng ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo một lần. Về sau, sẽ tự làm, dù có vụng về, họ cũng để mặc chúng tự xoay sở, chứ không kéo dài việc làm giúp. Một lần tôi thấy một đứa trẻ chừng 3 tuổi bị ngã trên vỉa hè. Phản xạ tự nhiên của tôi là chạy đến nâng bé dậy. Nhưng lập tức, một người đàn bà xua tay ra hiệu cho tôi không làm việc đó kèm theo lời cảm ơn. Thì ra đó là mẹ của bé. Chị ta không dìu con mà để nó phải tự đứng lên, tự phủi bụi. Bị ngã nhưng tôi thấy đứa bé không hề khóc, rất nhanh nhẹn, bé tự đứng dậy, đi tiếp bên mẹ một cách rất vui vẻ. Chắc chắn do cách dạy bảo của người lớn như đã nói mà bé này có thói quen tự giác chứ không dựa dẫm bố mẹ.

Sòng phẳng cũng là một tính cách của người Mỹ. Người Việt ta thường có tâm lý cả nể, “tế nhị" nhiều khi dẫn đến sự khó xử và hỏng việc. Ngẫu nhiên gặp một người quen trong tiệm ăn, sau khi cả hai người đã ăn xong, ta dễ có thói quen trả tiền luôn cho người kia. Và người kia cũng đòi trả. Hai người có thể cứ giành nhau việc trả tiền. Nhưng người Mỹ thì không. Dẫu có quen thân đến mấy, thậm chí là anh em ruột thịt, nếu không chủ động mời nhau từ trước mà gặp tình cờ thì ai nấy cứ việc trả tiền suất ăn của mình, không bận tâm đến người kia.

Người Mỹ không có tính khiêm tốn kiểu như chúng ta là hay nhún mình, nhiều khi không hẳn đã thật lòng. Cái gì giỏi hoặc yếu kém, họ sẵn sàng bộc lộ đúng sự thật. Họ rất đề cao vai trò cá nhân, ưa độc lập trong tư duy, làm việc, không dễ phụ thuộc vào người khác dẫu người đó có rất giỏi, là bậc thầy của mình. Nhưng họ lại rất ít nói về bản thân mình. Họ chỉ làm vậy khi cần thiết, ví như phải trả lời câu hỏi của người khác về nhân thân khi tham gia một việc gì để đem lại quyền lợi cho mình.

Người Mỹ không mấy quan tâm đến nghi lễ, vẻ bề ngoài. Ta hãy quan sát trên ti-vi sẽ thấy nhiều cuộc nghênh tiếp khách nước ngoài của các quan chức cấp cao. Họ không bày biện căn phòng với bàn ghế, hoa... sang trọng mà rất giản tiện. Có khi chỉ là những chiếc ghế mà không có bàn. Chỉ những cuộc hội họp long trọng, họ mới để tâm đến trang phục. Thường thì nam giới mặc comple màu sẫm, thắt cà vạt; nữ mặc váy, áo vest. Nhưng lúc khác, đời thường, họ mặc thoải mái sao cho thoáng mát, dễ hoạt động. Đặc biệt họ không đánh giá người khác qua cách ăn mặc. Phụ nữ, cả người không còn trẻ ra đường mặc quần short bò, áo may ô trễ ngực là phổ biến. Nhiều cô gái trẻ còn mặc gần như là “2 mảnh",  cơ thể xăm trổ cũng là rất bình thường. Tóc thì đủ kiểu, cắt ngắn như nam giới, vặn xoắn như lò so, nhuộm đủ các màu xanh đỏ tím vàng... Họ không bị người khác thành kiến, dị nghị, nhìn bằng ánh mắt mất thiện cảm như ở ta. Họ còn rất thẳng thắn. Tại Mỹ, có những khách sạn, sau khi ăn sáng (hình thức buffet) xong, khách phải tự bê đĩa, dao, thìa, dĩa đến chỗ quy định, chứ nhân viên không dọn giúp. Có một số khách du lịch quên điều này, ăn xong cứ thế đi. Họ tiến đến, yêu cầu làm đúng như quy định mà không “nể" dù khách ở tuổi nào, ăn mặc có “lịch sự" hay không.

Người Mỹ trẻ hiện nay không để tâm đến quá khứ. Nhưng những người nhiều tuổi, đặc biệt từ 70 trở lên đã biết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây đều không ủng hộ Chính phủ của họ đã can thiệp, nhúng tay vào, từng đưa nhiều công dân nước họ sang xứ sở nhiệt đới này để rồi không ít người đã vĩnh viễn không trở về. Tôi tình cờ mua hàng ở một shop tại thành phố New York. Ông chủ quán năm nay đã 75 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện. Thấy tôi là người Việt Nam, ông tỏ sự quý hoá và bán rẻ, không tính lãi. Ông nói mình từng là lính sang Việt Nam nhưng mới được mấy tháng thì bị thương nặng, phải về nước. Ông cứ nhắc đi nhắc lại với tôi là chưa gây tội ác gì. Thấy ông rất thành tâm, lại ưu ái mình, tôi nói với ông: “Dân thường chúng ta ở đâu cũng đều mong muốn sống hoà bình, yên ổn. Thôi, quá khứ khép lại lâu rồi. Người Việt Nam chúng tôi bây giờ thân thiện với tất cả mọi người để cùng hướng đến tương lai". Rồi tôi lái sang chuyện khác. Trước khi chia tay, ông trao cho tôi tấm danh thiếp và không quên dặn tôi nếu có dịp trở lại thành phố này thì liên hệ với ông để gặp lại.

 Chỉ 10 ngày ở Mỹ mà để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên.

 

N.Đ.S

(Nguồn: VNĐN số 67 – tháng 9, năm 2023)


NGUYỄN ĐÌNH SAN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​