Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LANG THANG TRÊN NHỮNG CUNG ĐƯỜNG TÂY BẮC

 

Tháng hai, cái nắng chói chang của vùng đất phương Nam bừng lên cũng là lúc bước chân chúng tôi háo hức tìm về xứ lạnh phương Bắc. Nhiều ngày rong ruổi bằng chiếc xe cũ mèm trên những cung đường uốn lượn quanh co vùng Tây Bắc không làm ai thất vọng bởi sự hùng vĩ của núi rừng nơi đây. Đẹp quá đi thôi, thổn thức tâm hồn tôi quá! Ai đó ngồi trong xe thốt lên.

Anh Trương Tuấn lái xe vốn là lính xe tăng của chiến trường biên giới trong những năm 1970 nên rắn rỏi đường trường. Anh cũng là người thông thạo địa hình núi rừng nên kiêm luôn hướng dẫn viên. Ngày đầu tiên, anh chở chúng tôi đi theo hướng từ Hà Nội lên Hòa Bình. Anh bảo quãng đường này mọi người cứ ngủ đi, chả cần ngắm nghía gì vì cảnh cũng chưa đẹp lắm. Thế nhưng, nào ai dám ngủ bởi phải tranh thủ nhìn xem nhà cửa phố xá có gì lạ không.

… Xe chạy vun vút qua núi đồi cây cối xanh tươi. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt vì càng lên vùng núi càng thấy người dân sống theo bản làng chứ không bám hai bên đường như ở đồng bằng. Bỗng anh lái xe dừng lại ở một chỗ có rất nhiều người bán cam. Thì ra đã đến đất Cao Phong thuộc tỉnh Hòa Bình, địa danh nổi tiếng cam ngon. Một cô bán cam trẻ trung nhanh nhẹn bổ mấy quả mời chúng tôi nếm thử. Qủa cam tròn mọng, màu vàng tươi nhìn thật hấp dẫn, bổ ra đã thấy thơm nhẹ, ăn vào ngọt nhớ lâu. Dọc đường đi có những vườn cam rộng và đang chín đúng vụ, khách du lịch có thể vào ăn thoải mái, chụp hình và mua làm quà. Bây giờ, nhà vườn có nhiều linh hoạt thu hút khách tham quan mua tại vườn. Mô hình này cũng giống những vườn trái cây chôm chôm, sầu riêng ở Long Khánh tỉnh Đồng Nai mà tôi đã từng trải nghiệm.

LAng thang trên những cung đường tây bắc.jpg

​Tác giả và những em nhỏ vùng cao - Ảnh: Thùy Dương

Lại đi tiếp theo Quốc lộ 6, trưa đó chúng tôi dừng chân ở đỉnh đèo Thung Khe hay còn gọi là đèo Đá Trắng. Đứng từ trên cao nhìn xuống là toàn cảnh Thị trấn Mai Châu đẹp mơ màng trong cái lạnh. Khách dừng chân trong những quán ven đường thưởng thức món trứng gà luộc, cơm lam ăn kèm những xiên thịt lợn nướng thơm ngon. Đồng bào dân tộc đã biết kinh doanh theo cách của mình, mộc mạc đơn giản mà hấp dẫn. Bước chân vào quán là bếp lửa hồng ấm áp, vào sâu trong nữa là những chiếc chiếu hoa trải cho khách ngồi vừa ăn đặc sản vừa ngắm núi non phía xa xa. Trong cái lạnh giá nhưng lại thú vị bởi món ăn do chính người dân địa phương chế biến…

Ngày đầu tiên lên tuyến đường Tây Bắc, chúng tôi nghỉ đêm tại cao nguyên Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La. Suốt một chặng đường dài mấy trăm cây số, nhiều đèo cao nhưng anh lái xe vẫn vui vẻ, nói cười đúng chất con nhà lính. Anh là lái xe và cũng là một hướng dẫn viên không chuyên rất phù hợp cho những ai thích du lịch kiểu lang thang tiện đâu ghé đó. Vừa lái xe anh vừa nghĩ xem trưa nay ăn ở đâu, chiều nghỉ ở đâu và ăn món gì phù hợp với khách từ miền Nam ra. Thế là chúng tôi được thưởng thức những món rất thân quen với đồng bào vùng cao phía Bắc. Chúng tôi gặp chủ nhà là chị Lò Thị Trang người dân tộc Hơ Mông, chị mở homestay Hoa ngũ sắc này cũng vài năm rồi và rất nhiều khách đến. Đoàn chúng tôi 7 người được ở nguyên một sàn trên gác gỗ, mỗi người một ô rộng cỡ hai người nằm treo rèm kín. Chăn, gối, nệm đầy đủ, với người chịu lạnh kém thì chủ nhà đưa thêm chăn bông. Một đêm rét ơi là rét, có người mặc cả quần tây, áo khoác để ngủ thế mới đáng nhớ.

Chuyến đi của chúng tôi có rất nhiều điều thú vị, mới mẻ khi được anh Tuấn đưa đến thăm những bản làng của đồng bào dân tộc Hơ Mông ở sâu trong núi rừng. Những tour du lịch cũng hiếm khi tổ chức cho du khách trải nghiệm kiểu đi tự túc này. May mắn là anh Tuấn vốn rất yêu bản làng, anh có nhiều gia đình thân quen nên những khi có thời gian anh còn về gia đình bà con ở vùng sâu xa để thăm hỏi. Hôm đó, anh đưa chúng tôi đến Hang Kia - Pà Cò thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình để săn mây. Đây là một khu du lịch cách Hà Nội hơn 160 km, điều vui là bà con đã biết làm du lịch để thu hút khách. Chủ khu săn mây này là một thanh niên có tên A Dơ, anh còn là một cán bộ văn hóa của xã Pà Cò. Đứng ở độ cao hơn 1000 m, nơi mà ngay trên đầu là mây bay, dưới chân là các loại hoa cải, hoa hồng, tam giác mạch... cảm giác gần với mây thú vị làm sao. Tự nhiên tôi thấy mình nhỏ bé giữa bốn bề là núi rừng, yên tĩnh quá, bao la quá và thỉnh thoảng còn nghe được tiếng chim rừng thánh thót.

 Rồi chúng tôi được vào thăm một bản nằm giữa bốn bề là núi cao. Lạ lắm, bà con đi làm nên chỉ có trẻ con ở nhà. Các cháu mặc những chiếc váy đẹp, đủ màu sắc và chơi đùa dưới những vòm cây hoa đào, hoa mận. Khi có người lạ đến thăm, các cháu vui vẻ trả lời bằng tiếng Kinh và nhiều cháu còn thoăn thoắt leo lên cây đào trong vườn. Vào sâu trong bản làng đồng bào sinh sống, cuộc sống đơn giản, gần gũi lắm. Những ngôi nhà cửa chỉ khép lại, tài sản trong nhà là những sào treo đầy bắp ngô vàng óng. Phía bên phải là bếp than hồng cùng những chiếc ghế nhỏ dành cho khách và chủ nhà quây quần bên nhau. Bỗng một cô bé trong đoàn phát hiện thấy đàn gà chui ra từ một cái hang sâu, té ra ở đây bà con không làm chuồng gà mà khoét vách núi sau nhà. Có nhà thì nuôi thả, gà tối bay lên cây ngủ như chim. Rồi những con lợn ủn ỉn đi trong sân, chỗ thì vài con trâu được buộc dây bên gốc cây đào. Một khung cảnh sinh động, đầm ấm ở miền núi cao mà chúng tôi phải đi một chặng đường dài mới thấy tận mắt.

Chúng tôi đến đỉnh đèo Khau Phạ thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào sáng sớm sương mù dày đặc đến nỗi phải dừng xe chờ sương tan. Đây là đèo hiểm trở, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Trước khi lên đèo, chúng tôi nghỉ đêm tại một gia đình ở Thị trấn Tú Lệ và được dùng món xôi nếp Tú Lệ nổi tiếng thơm ngon. Cô chủ nhà nấu nồi xôi Tú Lệ có màu xanh của lá cây rừng. Cô bảo ở đây bà con có thể nấu xôi màu xanh, màu vàng, màu tím nhờ tìm kiếm các loại lá cây rừng. Màu xanh hơi tim tím như màu nước hoa đậu biếc mà bây giờ người ta hay nấu nước uống. Xe chạy khoảng 30 km đường đèo với nhiều đoạn hiểm trở, những khúc cua tay áo khiến khách ngồi trong xe vẹo cả sườn nhưng lại vui vẻ. Hai bên đường có nhiều nhà dân sinh sống, có những đoạn đường nhiều cây hoa mận trắng đẹp đến nao lòng du khách phương Nam. Rồi hoa gạo đỏ đã bắt đầu nở lác đác bên sườn núi. Vẻ đẹp của thiên nhiên thật hoang sơ, chưa có xi măng sắt thép đã làm nên một sự hấp dẫn lạ thường nơi đây.

Tôi yêu núi rừng Tây Bắc quá. Lên đến đỉnh đèo Khau Phạ, việc đầu tiên là chúng tôi dừng chân trước tấm bia tưởng nhớ Đội du kích Khau Phạ - thành lập tháng 10/1946. Đây là một di tích lịch sử ghi nhớ tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của bà con dân tộc Mông trong kháng chiến chống Pháp. Lang thang trên đỉnh Khau Phạ, chúng tôi chợt thấy một cây đào cổ đang nở rất nhiều hoa màu hồng phơn phớt. Trong cái lạnh buốt mới thấy những cánh hoa đào đẹp làm sao. Màu hồng phớt của hoa đào thật mong manh, ướt lạnh sương nhưng vẫn cố gắng giữ được năm cánh hoa. Thân cây đào cổ sần sùi, loang lổ vết rêu bởi khí hậu ẩm ướt quanh năm. Và tôi phát hiện ra một điều thú vị là: dù lạnh, dù sương mù chưa tan nhưng chụp ảnh lại đẹp và đầy sự lãng mạn. Sống ở phương Nam vốn bằng phẳng, quanh năm nắng ấm nên một lần trải nghiệm cái rét co ro và ăn xôi nếp, gà đồi thật thú vị.

Cùng đi với chúng tôi còn có một nhân vật rất am hiểu đời sống văn hóa các dân tộc phía Bắc, đó là họa sỹ Đỗ Đức. Ông năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn đồng hành cùng những người khách từ phương Nam ra. Dường như ông là người tiếp thêm nhiệt huyết cho các thành viên trong hành trình Tây Bắc lần này, bởi ông luôn tranh thủ phác họa những cảnh đẹp của núi đá, cây rừng và con người nơi đây. Trong nhiều tác phẩm tranh sơn dầu, tranh lụa và tranh trên giấy dó của ông, không thể thiếu những bức tranh vẽ về phụ nữ các dân tộc với trang phục truyền thống. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc luôn là một mảng đề tài vô cùng rộng lớn mà các thế hệ văn nghệ sỹ thể hiện. Để tìm hiểu thêm cuộc sống của bà con các dân tộc Hơ Mông, Sán Dìu, Thái đen, Thái trắng… Chúng tôi đã ghé thăm nhiều bản làng như bản Bon, bản Mòng, bản Lắc Kén… thuộc địa bàn tỉnh Sơn La. Những cái tên nghe rất lạ nhưng gắn với đời sống của đồng bào qua nhiều thế hệ. Tình cờ ghé quán nhỏ ven đường uống cà phê, chúng tôi lại được trò chuyện với cô gái dân tộc Thái đen có tên Lò Thị Tiển. Cô ấy giải thích về chuyện phụ nữ Thái búi tóc trên đỉnh đầu nghĩa là đã có gia đình. Cuộc sống của cô và đồng bào dân tộc bây giờ đã thay đổi nhiều, bà con biết làm ăn buôn bán như người dưới đồng bằng. Họ biết giới thiệu những đặc sản cho khách du lịch như nếp nương, măng khô, táo mèo… Họ biết thu hút khách du lịch đến với vùng đất mình đang sống bằng tình cảm, sự quý mến và trân trọng.

Lang thang nhiều ngày dọc tuyến Tây Bắc, qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái… và đặt chân đến những bản làng xa xôi ẩn sau những dãy núi xanh mờ sương, tôi thấy lòng mình dạt dào cảm xúc, nhớ câu hát một thời đi học: “Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thì thầm, cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi…". Người ta nói, đi xa để trở về là đúng với tôi lúc này. Về lại Biên Hòa – Đồng Nai dịp kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển, tôi bỗng thấy nơi đây quá nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Ngoài thế mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Biên Hòa – Đồng Nai còn có nhiều hấp dẫn cho du khách như Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Làng bưởi Tân Triều, vườn trái cây Long Khánh… Và đặc biệt, con người của vùng đất này cũng chân chất và dễ mến hiền hòa như dòng sông Đồng Nai.

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 73 (Tháng 3 năm 2024)


THÙY DƯƠNG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​