Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRÁI TIM NGƯỜI ANH HÙNG


Chân dung AH LBƯ.jpg
Chân dung Anh hùng LLVTND - Đại tá Lê Bá Ước

Ông là một Anh hùng. Mặc dù ông đã ra đi, nhưng có rất nhiều bài viết vinh danh ông. Tinh thần người lính Cụ Hồ, khí phách kiên cường và niềm tin vững chắc vào Đảng của ông vẫn luôn rực rỡ trong tâm trí tôi, nóng hổi và mới mẻ. Tôi luôn khắc ghi trong lòng câu nói của ông: “Đã là lính Cụ Hồ thì suốt đời phải trung thành với Tổ quốc, với nhân dân." Ông không chỉ nói mà còn thực hiện điều đó trong suốt cuộc đời. Ông là một trong những tấm gương sáng ngời về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh." Ông chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước.

Trên con đường học tập và sáng tạo ở mảnh đất Đồng Nai, tôi đã đạt được một số thành tích. Những thành tựu đó không thể không nhắc đến việc tôi đã học hỏi từ những tấm gương sáng của người dân miền Đông Nam Bộ, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước.

Tôi sinh ra giữa núi rừng Việt Bắc, nơi có Thủ đô gió ngàn – CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chọn trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuổi thơ tôi gắn liền với những trang sách, những bài học, và những câu chuyện từ thầy cô, giữa lúc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ngày càng lan rộng vào miền Nam. Qua từng trang văn, từng bài học, tôi dần hiểu hơn về miền Nam, nơi đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm trí mình. Những câu từ quen thuộc "Miền Đông gian lao mà anh dũng", hình ảnh "Chiến khu Đ", hay những người lính đặc công Rừng Sác... đã thấm nhuần trong tôi tự bao giờ không hay.

Có những lúc, nước mắt tôi rơi trước những hình ảnh chân thực về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, trước những mất mát, hy sinh và những tra tấn tàn khốc từ kẻ thù. Tôi vẫn nhớ như in ba tập ký họa "Miền Nam Việt Nam - Đất nước con người", với từng tên họa sĩ và mỗi bức tranh sống động. Đẹp làm sao hình ảnh người mẹ cầm súng, người chiến sĩ giao liên, những em bé ngây thơ bên cây dừa, bên dòng sông... Miền Nam hiên ngang, bất khuất, kiên cường trong từng trang sách đã khắc sâu trong lòng tôi. Tôi luôn mơ ước một ngày được đặt chân lên miền Nam, về thăm quê hương chị Sứ trong tiểu thuyết "Hòn đất" của nhà văn Anh Đức, khám phá địa đạo Củ Chi, ghé thăm Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, và viếng “Ông tổ" đặc công Hai Cà - Trần Công an.

Rồi một ngày, tôi quyết định xung phong nhập ngũ, để thực hiện giấc mơ của mình, như trong câu thơ của Vũ Cao: “Anh đi bộ đội sao trên mũ / Mãi mãi là sao sáng dẫn đường...". Tôi được tham gia vào cuộc chiến tại Quảng Trị - nơi khói lửa rực đỏ mùa hè 72. Trong một trận đánh, tôi đã bị thương, nhưng sau đó trở về, tiếp tục con đường học tập để trở thành thầy giáo. Cuộc đời đưa tôi đi từ nơi này đến nơi khác, cuối cùng định cư tại Đồng Nai. Thật bất ngờ, ước mơ thuở ấu thơ của tôi đã trở thành hiện thực. Câu ca dao ấy lại vang lên trong tâm trí: “Làm trai cho đáng nên trai / Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng".

Trong cuộc thi “Tìm hiểu Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm" (1698 – 1998), tôi đã có cơ hội tham gia và trải nghiệm một hành trình thú vị. Tôi đã đi qua biết bao ngõ ngách, gặp gỡ những con người, khám phá các địa danh, đền đài... Đặc biệt, tôi đã gặp “Ông tổ" của lối đánh đặc công Trần Công An, thường được gọi là Hai Cà, với tên thật là Trần Văn Kìa. Lắng nghe những câu chuyện từ người cựu chiến binh, tôi như bị cuốn hút vào những trận đánh bí mật, như thể họ tàng hình, khiến quân thù phải khiếp sợ. Cảm giác ấy khiến tôi nghĩ mình đang ngồi nghe Tề Thiên Đại Thánh kể về cuộc đại náo thiên cung.

Từ nhỏ, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành một chiến sĩ đặc công, và giờ đây, khi được nghe chính người trong cuộc chia sẻ, niềm háo hức ấy lại càng dâng trào. Trong cuộc thi “Tìm hiểu Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm", tôi đã xuất sắc giành giải Nhất. Có người còn tưởng rằng tôi là người Đồng Nai từ bao đời. Tôi vui vẻ cười và đáp: "Nếu không phải là người Đồng Nai, thì còn có thể là người ở đâu nữa!" Mục đích tham gia cuộc thi của tôi không chỉ đơn thuần là để cạnh tranh, mà còn là để bộc bạch những tình cảm và sự hiểu biết mà tôi muốn dành cho mảnh đất này.

*

Trong lần viếng thăm Bảo tàng Đồng Nai, tôi đã bắt gặp một bức chân dung bằng ghép gốm của họa sĩ Đào Tấn Hưng, thể hiện hình ảnh Đại tá Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước - Nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Bức chân dung toát lên thần thái và sức sống mạnh mẽ, từ đó, tôi bắt đầu có ý thức tìm hiểu về người anh hùng này.

Họa sĩ Đào Tấn Hưng, cũng là một cựu lính đặc công Rừng Sác dưới sự chỉ huy của Đại tá Lê Bá Ước, đã chia sẻ những câu chuyện thật về anh hùng LLVTND Lê Bá Ước, vì ông chính là người đã trực tiếp tham gia vào mặt trận. Những gì tôi đọc và nghe về Đại tá đều có nội dung tương đồng, mặc dù được kể theo những cách khác nhau. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là những gì được viết và nói đã đủ. Tôi khao khát tiếp tục tìm hiểu…

Đại tá Lê Bá Ước sinh ngày 14 tháng 4 năm 1931, có hộ khẩu thường trú tại Phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa. Ông hơn tôi 23 tuổi, nên tôi thường gọi ông bằng “chú" và xưng “cháu" theo cách gọi của người dân Thái Nguyên quê tôi. Chúng tôi cùng sinh hoạt tại Hội VHNT Đồng Nai, vì vậy tôi có cơ hội tiếp xúc với ông nhiều lần. Nhờ ông, tôi biết rằng Đặc công Rừng Sác ngày ấy đã trở thành nỗi khiếp đảm cho kẻ thù. Kể từ khi thành lập vào năm 1966 cho đến khi giải phóng miền Nam, bộ đội Rừng Sác đã tham gia hàng trăm trận đánh, làm chìm và hư hỏng hàng trăm tàu thuyền, bắn cháy hàng chục máy bay và tiêu diệt hàng ngàn tên địch, gây chấn động khắp thế giới. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ đã phải hoãn nhiều cuộc hành quân chỉ vì sự hiện diện của bộ đội Rừng Sác.

Trung đoàn 10 đặc công đã thực hiện những chiến công xuất sắc như đốt cháy kho xăng Nhà Bè, cho nổ kho bom Thành Tuy Hạ, và đánh chìm tàu địch trên sông Lòng Tàu, ngăn chặn nhiều cuộc càn quét của kẻ thù. Những câu chuyện về bộ đội đặc công Rừng Sác vẫn luôn khiến tôi cảm thấy lâm ly hấp dẫn và tự hào. Tướng Mỹ West Molen, chỉ huy quân đội Mỹ, với con mắt tinh ranh, đã nhận ra tầm quan trọng và sự nguy hiểm của khu vực này – một thế giới rừng đước ngập mặn, chằng chịt sông ngòi và đầy rẫy cá sấu hung dữ, nơi không dễ gì phát hiện ra Việt Cộng! Chính vì lý do đó, West Molen đã cho xây dựng một hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, biến khu vực Rừng Sác thành một biệt khu quân sự, với hy vọng rằng Việt Cộng sẽ không thể xâm nhập.

Câu chuyện của tướng West Molen làm tôi nhớ đến năm 1975, tại chiến trường Xuân Lộc, tướng Weyand - Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ - cũng đã cho xây dựng một phòng tuyến mang tên “Cánh cửa thép" để bảo vệ Sài Gòn. Thế nhưng, cuối cùng cánh cửa thép ấy cũng bị Việt Cộng đánh tan tành. Dường như tướng Mỹ nào cũng có chung một niềm tin, rằng sức mạnh chỉ đến từ sắt thép và thuốc nổ!

Để giành chiến thắng, bộ đội đặc công phải vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, ác liệt và cả những hy sinh. Có chiến sĩ đã bị cá sấu “xơi" mất cánh tay, nhưng anh vẫn kiên cường dùng tay còn lại rút dao đâm thủng mắt cá sấu để tìm cách thoát hiểm...

Lê Bá Ước, người từng được xem như “anh Cả", là “linh hồn" của đặc công Rừng Sác, với cái tên gần gũi “Nam Bộ," không hề có trong giấy tờ tùy thân: “Ông Bảy Ước," “Chú Bảy Ước," hay đơn giản hơn là “Chú Bảy" hay “Ông Bảy."

Cả hội trường im lặng lắng nghe ông đọc những vần thơ của mình. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe ông đọc thơ, và những câu thơ ấy được chiết xuất từ tận sâu thẳm trái tim, từ khối óc, mang đến một cảm xúc da diết, xúc động đến mặn nồng: “Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ / Lộng gió trên sông đẹp bóng cờ...". Khi nghe ông, ta cảm nhận rõ ràng tình đồng đội sâu sắc và lòng yêu Tổ quốc thiêng liêng, day dứt: “Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng / Mỗi người ngã xuống một bài thơ...". Ánh mắt ông sắc sảo, nhìn thẳng, phản chiếu tinh thần kiên cường. Một con người mảnh khảnh, “ốm yếu" nhưng lại có giọng nói sang sảng đến diệu kỳ. Những chuyển động của đôi cánh tay ông theo nhịp điệu câu thơ, lúc mạnh mẽ như tiến công kẻ thù, lúc lại mềm mại như cánh sóng biển khơi mỗi sớm bình minh.

Giờ đây, tôi đã được nhìn tận mắt người chỉ huy trưởng Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác - Đại tá Lê Bá Ước, người có những chiến công đã đi vào lịch sử của vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng." Mỗi lần gặp gỡ, tôi luôn tranh thủ hỏi ông đủ chuyện. Chính lòng trung kiên son sắt với Đảng, Bác Hồ đã giúp chú Lê Bá Ước vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Niềm vui lớn lao ấy không chỉ riêng ông và gia đình, mà còn là niềm hãnh diện của mảnh đất Đồng Nai anh hùng!

Thẳng thắn và kiên định là những đức tính nổi bật nhất của chú Lê Bá Ước. Ông xem dối trá, nhỏ nhen, mánh lới, nịnh hót và ghen ghét là kẻ thù của mình. Ông từng nói với tôi: “Tốt với nhau là phải chân thành, góp ý cho nhau phải xuất phát từ cái tâm trong sáng." Ông luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng." Một người cách mạng chân chính thì lời nói phải đi đôi với hành động. Tuyệt đối không được hách dịch với cấp dưới hay nịnh hót cấp trên chỉ vì quyền lợi riêng! Mỗi khi ông thấy một tiêu cực nào trong xã hội, ông đều không yên lòng. Ông phát biểu trước hội nghị bằng cả trái tim mình, với thái độ rõ ràng là phải chống lại tiêu cực! Ông đưa ra nhiều ý kiến và đóng góp thiết thực. Người lãnh đạo làm việc kém hiệu quả thì làm sao dân tin? Cán bộ không dám nhận sai lầm và lại tìm cách biện minh cho sai lầm của mình thì Đảng ta sẽ không thể mạnh lên! Với ông, văn nghệ sĩ phải là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa và tư tưởng.

Ông Bảy Ước quan niệm rằng thơ và tình yêu chính là chất xúc tác thúc đẩy những hành động đúng đắn. Người chiến sĩ cũng phải mang trong mình tâm hồn lãng mạn cách mạng. Chính sự lãng mạn này giúp con người yêu đời hơn, nỗ lực hơn và hành động để bảo vệ phẩm chất đó. Thơ của ông nặng tình nghĩa với đồng đội, thể hiện lòng nhớ thương người đã khuất: Lặn sâu xuống sông Lòng Tàu / Đồng đội ngày xưa có thấy đâu / Hỏi ốc, ốc nằm im chẳng nói / Hỏi cua, cua bảo sấu ăn rồi. / Xương trắng nở hoa tận đáy sông / Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng...

Tôi đã đọc lên những vần thơ ấy – những vần thơ mang “thép." Nay sống trong hòa bình, tận hưởng cuộc sống ấm no, nhưng ông Bảy Ước vẫn luôn đau đáu nhớ về đồng đội năm xưa – những người đã vùi xác vào lòng sông, bùn lầy vì một lý tưởng cao đẹp! Tình yêu đồng đội của ông lớn lao hơn tình yêu nam nữ đơn thuần, nó được thăng hoa thành một chân lý sống cao đẹp. Ông nói: “Giờ tôi vẫn phải lo đi tìm hài cốt đồng đội; vẫn thờ, vẫn gọi hồn những con người đã ngã xuống giữa tuổi đời đôi mươi đẹp nhất!"

Là người từng sống trên đất Bắc, được gặp gỡ “Anh Cả" – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó gắn trách nhiệm của mình với đất nước và xã hội. Hình ảnh chú Lê Bá Ước để lại trong tôi nhiều tâm tư: ông không khoe khoang thành tích như nhiều người khác. “Lính Cụ Hồ là phải chiến đấu đến cùng, đã theo Đảng là theo đến cùng, dù biết sẽ hy sinh tính mạng vẫn phải lạc quan." Trong ông tiềm ẩn sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được nuôi dưỡng và thử thách trong cuộc chiến, cũng như trong hòa bình. Với ông Bảy Ước, dù được phong tặng danh hiệu Anh hùng hay không, ông vẫn theo Đảng đến khi nhắm mắt xuôi tay! Ông đã trung thành tuyệt đối với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Thắng không kiêu. Bại không nản. Giàu sang không quyến rũ. Nghèo khó không chuyển lay. Uy vũ không khuất phục!"

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay." Mục tiêu của Đảng ta là lãnh đạo nhân dân đoàn kết xây dựng một đất nước: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh." Tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta đạt được hôm nay chính là nhờ vào lòng trung thành tuyệt đối của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân với Đảng, với Bác Hồ. Nghĩ đến điều đó, tôi lại nhớ đến chú Bảy Ước - Người lính Cụ Hồ - người đã dành cả cuộc đời để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Trong bối cảnh không ít cán bộ đảng viên có những hành động tiêu cực, gây cản trở cho sự phát triển của đất nước, hình ảnh ông Bảy Ước hiện lên như một tấm gương sáng. Ông không bao giờ lợi dụng hoàn cảnh để thu vén lợi ích cho bản thân. Sau ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước, với vai trò Phó chỉ huy trưởng tỉnh đội Đồng Nai, ông vẫn khuyến khích con trai, con gái tham gia lực lượng vũ trang, hỗ trợ bạn bè Campuchia trong cuộc chiến chống lại kẻ thù.

Mỗi chúng ta có thể không làm được những điều vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hành động vì lợi ích của đất nước và nhân dân theo tư tưởng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn sống, cũng không khuyến khích ai làm giống mình hoàn toàn. Người từng tự nhận ra những khuyết điểm của bản thân và chỉ mong muốn thế hệ con cháu: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm," để cùng nhau xây dựng đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đôi khi, khi ngồi bên bờ sông Đồng Nai, tôi nhâm nhi ly cà phê, ánh mắt hướng theo dòng chảy. Tôi như thấy Đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác chỉ tay ra sông Lòng Tàu, thành Tuy Hạ, quyết tâm nói với các chiến sĩ: “Quyết đánh thắng trận này!". Để giành được chiến thắng, đưa nước nhà tới thống nhất, biết bao con người, bao người lính đã phải hi sinh, đúng như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, dù phải trải qua gian khổ và hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".

Tuy nhiên, trong thời bình, xây dựng đất nước, chúng ta lại gặp phải một trở ngại lớn: sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng và đạo đức của không ít cán bộ, đảng viên, từ cơ sở tới Trung ương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân vào Đảng. Một cuộc cách mạng “đốt lò" đã đến lúc cần phát huy khả năng mạnh mẽ, thiết thực và rõ nét nhất. Không có vùng cấm cho bất kỳ ai, dù ở cương vị nào, nếu đã vi phạm pháp luật. Nhiều cán bộ lãnh đạo đã bị đưa vào "lò" khi đã nhúng chàm. Giờ đây, hối hận cũng đã muộn màng. Có những người, khi còn đương chức thì hách dịch với dân, nhưng sau khi bị đưa vào “lò", lại ngấn nước mắt, hối hận và xấu hổ.

Việc thực hiện “đốt lò" cũng chính là để thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Những ai dám chống lại tiêu cực, tố giác tiêu cực, không khoan nhượng với tiêu cực, chính là những người đã “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ tới hình ảnh của chú Bảy Ước và câu nói của chú: “Đã là người lính Cụ Hồ, thì phải suốt đời trung thành với Đảng và nhân dân". Trung thành với Đảng và nhân dân, cũng chính là trung thành với lời dạy của Bác.

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị tại Đồng Nai đã được đánh giá là ổn định và an toàn. Các loại tội phạm đã được kiềm chế và giảm đáng kể. Công tác phòng chống tham nhũng cũng được chú trọng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp ủy và tổ chức đảng. Không chỉ an ninh chính trị, mà cả tình hình kinh tế xã hội của Đồng Nai cũng đang phát triển tích cực. Nhiều ngành nghề đã có những cải tiến và đổi mới đáng kể.

Tuy nhiên, Đồng Nai cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Điều quan trọng là phải giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đồng thời, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để cải thiện đời sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, việc chống lại các thế lực phản động từ bên ngoài với những thủ đoạn như “diễn biến hòa bình" và các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, cũng như tội phạm xâm phạm quyền sở hữu ngày càng tinh vi, là điều không thể xem nhẹ.

Là một công dân của Đồng Nai, tôi cảm thấy mình cũng cần góp phần xây dựng quê hương bằng những hành động thiết thực. Hình ảnh Anh hùng LLVNND Lê Bá Ước hiện lên trong tâm trí tôi như một lời nhắc nhở: hãy luôn “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

__________________​

Ghi chú: Chân dung nguyên Đại tá Lê Bá Ước, ký họa của tác giả.


ĐÀO SỸ QUANG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​