Nghề gốm xuất hiện khá sơm trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, gắn liền với cộng đồng cư dân sinh sống qua các thời kỳ. Tên gọi gốm Biên Hòa, Đồng Nai với chỉ dấu về vùng đất nghề gốm hình thành trong thiết chế hành chính. Mỗi tên gọi gắn với hàm nghĩa khác nhau nhưng tên gọi gốm Biên Hòa mang dấu ấn và định danh thương hiệu độc đáo qua sản phẩm gắn liền với những bước ngoặt trong quá trình phát triển. Nghề gốm và làng gốm ở Biên Hòa đã trải qua những thăng trầm, được duy trì trong vai trò của nghề thủ công, hoạt động sinh kế cư dân và lĩnh vực kinh tế của địa phương; đồng thời phản ánh những chiều kích kích lịch sử - văn hóa của vùng đất này. Tập thành những giá trị liên quan đến nghề gốm, làng gốm ở Biên Hòa cần được quan tâm trong bảo tồn và phát huy.
Từ định danh qua nhiều thời kỳ lịch sử, đặc biệt nghề thủ công gốm Biên Hòa trở thành một hoạt động kinh tế duy trì từ khi ra đời cho đến nay, gắn liền với vùng đất Biên Hòa, chúng ta cần thấy đây như một dấu ấn đặc biệt của lịch sử phát triển ở Thành phố Biên Hòa hiện tại. Dấu tích của làng nghề, tri thức về nghề thủ công cũng như như các doanh nghiệp, hộ gia đình duy trì hiện nay tập trung trên địa giới của thành phố Biên Hòa với những đặc điểm độc đáo. Vì vậy, cần một khởi điểm trong tư duy thành lập về quy hoạch trong sự phát triển của thành phố Biên Hòa về một Bảo tàng Gốm Biên Hòa: từ quy hoạch phát triển mang tính chất quản lý của nhà nước, của tổ chức (Hiệp hội) hoặc của tư nhân. Một Bảo tàng Gốm Biên Hòa là một “định vị" độc đáo trong chiều kích lịch sử - văn hóa Biên Hòa và chắc chắn sẽ góp phần cho sự phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, khai thác phát triển du lịch hiện nay của địa phương.
Vấn đề thành lập Bảo tàng Gốm Biên Hòa ở những góc độ nào thì cần phải tuân thủ theo pháp luật hiện hành. Hiện nay, vấn đề thành lập Bảo tàng không còn khó khăn như đây và một số địa phương đã hình thành ở những quy mô khác nhau và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần trong những điểm đến du lịch thú vị của địa phương. Những thuận lợi cho thành lập Bảo tàng Gốm Biên Hòa hiện nay có thể nhìn nhận ở những góc độ.
Đối với lĩnh vực kinh tế, làng nghề, doanh nghiệp và hộ gia đình hành nghề hiện nay vẫn còn trong các địa bàn của Thành phố Biên Hòa mặc dù số lượng giảm so với những giai đoạn phát triển mạnh trước đây. Nghề gốm ở Biên Hòa là ngành nghề thủ công truyền thông, hoạt động kinh tế xuyên suốt, đem lại ngân sách cho địa phương của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đối với ngân sách địa phương; giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, góp phần trong ổn định đời sống người dân hành nghề.
02 ảnh trên: Một số sản phẩm gốm nghệ thuật Biên Hòa tại triển lãm Định danh gốm Biên Hòa
tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai tháng 11/2023 (ảnh: Hằng Xuân)
Từ góc độ lịch sử - văn hóa: Làng nghề, tri thức và người dân làm nghề vẫn duy trì như một mạch nguồn, có sức sống trong dòng chảy phát triển của Đồng Nai - Biên Hòa. Thời gian qua, góc độ bảo tồn về làng nghề được quan tâm ở những mức độ khác nhau, chưa chuyên sâu. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai có Phòng truyền thống trong lịch sử phát triển của trường, Bảo tàng Đồng Nai có phòng trưng bày về Nghề thủ công truyền thống (cùng với nghề chế tác đá Bửu Long), Nhà Văn vật khố trưng bày sản phẩm gốm Biên Hòa cùng với những sản phẩm tiêu biểu của nghề đá, nghề gỗ, đúc đồng… (Trung tâm Văn miếu Trấn Biên)… Những nhà sưu tầm lưu giữ những tập hiện vật về gốm Biên Hòa. Trên bình diện chung, đây là sự đóng góp trong gìn giữ những nét văn hóa của nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai trong thời gian qua rất đang trân trọng. Vì vậy, việc thành lập Bảo tàng Gốm Biên Hòa hiện nay là cần thiết, có ý nghĩa cùng chung tay không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa các loại hình di sản ở Biên Hòa nói chung mà còn của nghề thủ công truyền thống này nói riêng, làm cơ sở trong phát triển triển kinh tế - xã hội của địa phương trên lĩnh vực.
Về địa điểm xây dựng Bảo tàng Gốm Biên Hòa cần lưu tâm về chủ thể thành lập: Đối với bảo tàng tư nhân thì chủ thể có thể lựa chọn địa điểm trong khả năng, điều kiện phù hợp. Đối với bảo tàng do nhà nước quản lý, của tổ chức (Hiệp hội, hoặc tập thể), chúng tôi thiết nghĩ có hai địa bàn cần được quy hoạch để vừa gắn liền với dấu ấn lịch sử - văn hóa của nghề và khai thác điểm đến du lịch hấp dẫn. Thứ nhất, gắn liền với lịch sử và sự phát triển có tính chất tiêu biểu của làng nghề gốm ở Biên Hòa là khu vực giáp sông ở phường Tân Vạn, Bửu Hòa và Hóa An. Hiện nay, khu vực này có nhiều hộ dân, doanh nghiệp đang hành nghề. Cần khảo sát, quy hoạch và định hướng phát triển ở địa điểm có thể gắn kết với cảnh quan sông, khu dân cư còn duy trì nghề và dấu ấn của lò gốm truyền thống trước đây. Định hướng, quy hoạch và thành lập Bảo tàng Gốm Biên Hòa chắc chắn sẽ còn nhiều nội dung cần tư vấn từ các nhà nghiên cứu, chuyên môn để đem lại hiệu quả. Chúng ta thử hình dung, phác họa về cảnh quan của bảo tàng này nếu được xây dựng bên sông Đồng Nai với bến sông (ghe chở đất, củi, chở sản phẩm), với lò gốm truyền thống phục dựng, những mô hình quy trình các công thủ công (Làm đất - tạo hình/xoay tay, in khuôn, rót, ghép dán đất, xoay calip; Chạm khắc và trang trí hoa văn; Tráng men; Nung)… cùng với nơi trưng bày sản phẩm, thực hành, trải nghiệm một số công đoạn phục vụ du khách… chắc chắn sẽ sinh động và trở thành điểm đến thu vị khi tham quan. Trong tuyến du lịch sông Đồng Nai, bên cạnh những dấu tích này, cùng với nội dung trưng bày của bảo tàng thành lập sau này sẽ được khai thác thành điểm du lịch độc đáo gắn với khai thác du lịch trên sông Đồng Nai (nhà cổ Trần Ngọc Du, Đình Mỹ Khánh/đền thờ Nguyễn Tri Phương, chùa Long Thiền, Đình Tân Lân, chùa Ông/Thất phủ cổ miếu…).
Thứ hai, khu vực Trung tâm Văn miếu Trấn Biên gắn với làng nghề đá Bửu Long và một số di tích lịch sử (danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong, chùa Thiên Hậu/miếu Tổ sư, đình Tân Lại…). Từ khi trung tâm Văn miếu Trấn Biên được tôn tạo, phục dựng và phát triển các hoạt động hiện nay đã thu hút nhiều khách tham quan, các hoạt động của tỉnh, thành phố. Không gian văn hóa của Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã được mở rộng về nghệ thuật khi những tác phẩm của nghề đá trong khu công viên bao quanh. Bảo tàng Gốm được thành lập tại đây với nội dung trưng bày phong phú về nghề, mở rộng không gian văn hóa với “cung đường nghệ thuật gốm" sẽ thu hút , thuận lợi trong khai thác du lịch đối với sự đa dạng của du khách khách tham quan gắn với các hoạt động (hội nghị, giải trí, tham quan, hành hương). Các hoạt động mang tính chất sự kiện, lễ hội (Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, chùa Bà Thiên Hậu/miếu Tổ sư, chùa Bửu Phong…) mỗi năm thu hút khách trong và ngoài nước quan tâm.
***
Biên Hòa là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của Đồng Nai từ xưa đến nay. Trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của của Đồng Nai, Biên Hòa có một vị trí quan trọng. Các cộng đồng cư dân qua các thời kỳ đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa và để lại những di sản văn hóa đa dạng. Có nhiều yếu tố tác động để thành phố Biên Hòa hướng đến phát triển bền vững, đô thị thông minh và đáng sống. Trong góc nhìn về văn hóa, nhận diện giá trị của di sản cộng đồng cư dân trong định hướng phát triển đô thị hiện đại là một việc làm có ý nghĩa thiết thực khi đất nước đã, đang và tiếp tục tập trung cho công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qúa trình đô thị hóa hiện nay chắc chắn tác động nhiều chiều đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội, sinh kế con người và đặc biệt là di sản văn hóa truyền thống. Đối với di sản văn hóa, đô thị hóa tạo ra cơ hội để bảo tồn và phát huy hiệu quả nếu có chính sách phù hợp, đánh giá đúng và không để quyền lợi kinh tế trước mắt chi phối trong những hoạch định phát triển đô thị.
Hiện nay, Biên Hòa là địa bàn phát triển với vị trí địa lý gắn kết với cảnh quan và nối kết các đô thị. Định hướng Biên Hòa phát triển từ “đô thị công nghiệp" sang mô hình “đô thị dịch vụ và công nghiệp" sẽ làm cho địa bàn này thành vùng đất mở thu hút các nguồn nhân lực đến sinh sống, làm việc. Trong tương lai, khi đề án sân bay Biên Hòa được phát triển, có tính chất lưỡng dụng (quân sự & dân sự) sẽ thu hút thêm người dân trong và ngoài nước đến Biên Hòa, có cơ hội tham quan về di sản văn hóa Đồng Nai; trong đó có nghề thủ công truyền thống gốm Biên Hòa độc đáo. Một bảo tàng Gốm Biên Hòa gắn với cảnh quan của bến sông, làng nghề và những trưng bày, triễn lảm và trải nghiệm thực tế ở địa bàn đô thị này sẽ trở nên điểm nhấn quan trong trong quá trình khi thành phố này phát triển theo quy hoạch, Cù lao Phố trở thành khu đô thị, đa dạng các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng... Khu đô thị này sẽ hướng đến phát triển du lịch bền vững, hài hòa với cảnh