Hứa Sa Ni
(Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh)
Bong–kol–tong (cột cờ) là một trong những hạng mục kiến trúc khá độc đáo nằm trong tổng thể kiến trúc của ngôi chùa Khmer, dùng để treo cờ Phật giáo, cờ Tổ quốc hoặc các loại cờ lễ khác.
Theo nguyên tắc, cột cờ tại các chùa Khmer thường được xây dựng tại một vị trí ở phía trước ngôi Chánh điện, tức hướng Đông trong khuôn viên chùa. Tuy nhiên, do địa thế hoặc một lý do nào đó, phần lớn chúng ta thấy các khuôn viên chùa Khmer thường có khoảng sân rộng, nhưng đa số lại nằm về hướng Tây so với ngôi Chánh điện. Vì thế, nhiều ngôi chùa Khmer đã cho xây dựng đồng thời tới hai cột cờ. Một cột ở trước Chánh điện, một cột ở giữa sân phía sau của Chánh điện.
Về kết cấu, cột cờ của mỗi chùa Khmer không hoàn toàn giống nhau. Có chùa chỉ đơn giản làm thành một cái bệ đỡ và dựng lên trên đó cây cột bằng gỗ hoặc tre hoặc cây sắt dài. Tuy vậy, trong những năm gần đây, đặc biệt ở những ngôi chùa mới trùng tu lại, đại đa số, người ta xây dựng cột cờ khá đồ sộ, hoành tráng. Bố cục hài hòa, nhất là việc sử dụng các linh vật như Hoong, Reach-chă-sây, Neak (rồng) để trang trí càng làm cho kiến trúc cột cờ nổi bật hẳn trong khoảng sân trống của ngôi chùa.
Theo giải thích của nhiều vị sư và các nghệ nhân cho rằng, mô hình phổ biến hiện nay của các cột cờ chùa Khmer phần lớn được dựng lên theo hình ảnh đền Neak-pon của Căm-pu-chia. Điển hình như cột cờ chùa Kom-phi-sa-ko ở Bạc Liêu, được xây dựng giữa một cái sân rộng trước ngôi Sa-la về phía Tây. Đây là chiếc cột cờ kết cấu khá độc đáo trong các chùa Khmer của tỉnh Bạc Liêu. Toàn bộ cột cờ được chia ra thành hai phần: đế và cột. Song ở phần cột được chia ra làm hai phần, phần bê tông và phần cột sắt. Phần đế gồm ba bậc là khối trụ tròn đặt chồng lên nhau, chiều cao mỗi bậc gần bằng nhau, cao khoảng một mét, bậc dưới cùng có đường kính ước tính khoảng bảy mét. Xung quanh vành trụ tròn của mỗi bậc được trang trí bằng hoạ tiết hoa sen đắp nổi, dạng nở, được cách điệu. Tạo cho mỗi bậc vòng tròn này trở thành một tòa sen đang nở. Từ mặt trên của bậc thứ hai xuống tới nền đất người ta “cắt" đi một phần ở hướng Nam và hướng Bắc để xây bậc tam cấp, có bề rộng ở dưới hai mét. Trên bề mặt của hai bậc dưới ta thấy xuất hiện lố nhố hình tượng sư tử cách đều nhau, ngồi chầu quay mặt ra ngoài, có tất cả mười hai con. Còn bậc thứ ba thay vì những con sư tử ngồi chầu, người ta thay thế bằng những đầu Neak (rắn Naga) với tư thế ngóc lên, lấy thân quấn chặt vào cột cờ. Phần đuôi của các con rắn Naga bện vào nhau tạo thành một bệ đỡ nhỏ được cách điệu thành hình hoa sen. Chiều cao của phần này là năm mét. Phía trên tòa sen là cây cột sắt cao khoảng năm mét được dựng lên, cố định để treo lá cờ. Trên đỉnh cột cờ này không thấy có hình tượng chim Hoong.
Bong- kol- tong (cột cờ) trước chùa Khmer Nam Bộ (Ảnh: Sa Ni)
Ở một số chùa của tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đa số trên đỉnh cột cờ đều xuất hiện hình tượng chim Hoong đang đậu, dùng miệng ngậm lấy chiếc rồng rộc để rót sợi dây treo cờ mỗi khi có lễ hội. Ở chùa Ghô-shi-ta-ram tỉnh Bạc Liêu, tuy cũng xây thành hai cột cờ, nhưng cả hai cột đều nằm ở hướng Đông, phía trước ngôi Chánh điện. Trụ trì chùa, Hòa thượng Hữu Hinh giải thích rằng, nếu các cơ quan nhà nước thường treo hai lá cờ (đảng kỳ và quốc kỳ), thì chùa Khmer cũng phải có hai cột cờ để một chiếc treo cờ nước, chiếc còn lại treo cờ Phật.
Qua khảo sát cột cờ tại các chùa ở Nam Bộ chúng tôi nhận thấy cột cờ của chùa Bâng-rai-chas (Trà Vinh) có thể là một trong những cột cờ đẹp nhất và qui mô nhất. Ngoài sự bề thế ra, chiếc cột cờ này còn được tô điểm thêm những hoa văn Ang-ko mềm mại, uyển chuyển, mà khi nhìn từ xa như đài nước đang phun, trông sinh động và đẹp lạ thường.
Nói chung kiến trúc cột cờ ở các chùa Khmer đều làm theo nhiều kiểu dáng khác nhau (chủ yếu là phần đế). Trên đỉnh cột cờ, ngoài hình tượng chim Hoong, đôi lúc ta còn thấy xuất hiện những con quạ hay những con chim khác tượng trưng cho tầng trên, hoặc những túm lá cách điệu tượng trưng cho đám mây (cũng là tầng trên).
Như chúng ta biết, cột cờ không chỉ dùng để treo lá cờ Phật giáo, mà nó còn có ý nghĩa tượng trưng cho vũ trụ, tức là trục linh thiêng và chỉ được dựng lên khi có lễ hội, nhằm hút sinh khí từ tầng trời xuống cho đất và nước, đồng thời cũng để chuyển tải sức linh của Phật Pháp vô biên từ lá cờ Phật xuống cho chúng sinh. Do đó cột cờ thường làm bằng gỗ, nhẹ, để tiện cho việc tháo gỡ, vì trong những ngày thường mà vẫn dựng cột thì những sinh lực ở trong lòng đất sẽ truyền theo cột cờ bay hết lên trời. Có lẽ ngày nay ý nghĩa đó bị thất truyền, lại thêm người ta có xu hướng làm đẹp thêm kiến trúc nên không chỉ ở chùa Kom-phi-sa-ko, chùa Ghô-shi-ta-ram hay chùa Bâng-rai-chas… mà tại nhiều chùa Khmer khác ở Nam Bộ đều xây dựng cột cờ một cách cố định bằng bê tông.
Như chúng ta đã biết người phác họa ra lá cờ Phật giáo mang tính quốc tế chính là ông Henry Steel Olcott, sinh ngày 02/8/1832 tại New Jersey, Hoa Kỳ. Ông nguyên là đại tá hải quân của quân đội Hoa Kỳ. Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Sri Lanka. Ông đã thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới với Thượng Tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda – Sri Lăngka. Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala, Sri Lanka, phỏng theo sáu màu hào quang của đức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu này) đã phác họa ra mẫu cờ Phật giáo. Lá cờ này được Sri Lanka công nhận và treo tại các chùa ở xứ này trong ngày lễ Phật Đản từ năm 1889. Sáu mươi mốt năm sau, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tổ chức tại Colombo, thủ đô Sri Lanka, từ ngày 25/5/1950 đến 8/6/1950 có hai mươi sáu nước tham dự, với 129 đại biểu tất cả. Hội nghị đã thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists) và chọn lá cờ Phật giáo Sri Lăng-ka làm cờ Phật Giáo thế giới. Từ đó đến nay lá cờ này trở thành một biểu tượng không thể thiếu của các dân tộc đi theo đạo Phật.
Cờ Phật giáo, là biểu hiện của tinh thần thống nhất Phật giáo của toàn thế giới, tượng trưng cho niềm Chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật, không phân biệt màu da, chủng tộc, chính kiến khác nhau, đoàn kết chặt chẽ trong tinh thần thống ý chí, thống nhất hành động, dưới ánh hào quang sáng ngời của Chư Phật ([1]). Ngoài ra, cờ Phật giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Lá cờ Phật giáo thường có sáu màu, gồm năm màu theo chiều dọc là: Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, và năm sắc theo chiều ngang (chiếm diện tích 1/6 lá cờ) là màu tổng hợp, tượng trưng cho ánh sáng hào quang Chư Phật. Ý nghĩa biểu tượng của các màu được hiểu như sau:
- Xanh đậm: Tượng trưng cho Định căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt.
- Vàng lợt: Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sinh Định và phát Huệ.
- Đỏ: Tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.
- Trắng: Tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển, và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sinh ra muôn hạnh lành.
- Da cam: Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Định đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sinh.
- Màu tổng hợp: Tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của toàn thể tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới.
Ở người Khmer nhiều người còn lý giải ý nghĩa màu sắc cờ Phật khác hơn nữa, nhưng tựu trung người Khmer đều lấy một số câu truyện trong tích Phật, nhất là những câu truyện của tiền kiếp Phật để giải thích.
_________________________________
[1] Trang 6 Hội Việt Nam - Phật giáo (1952), Ý nghĩa cờ Phật giáo và cuộc sang thăm Việt Nam của Bác sĩ G.P. Malala Sekera, Nhà in Đuốc Tuệ - 72 Phố Quán Sứ - Hà Nội