Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẰNG CẨU - HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN - ĐIỆN BIÊN

​Điện Biên là địa phương thuộc miền núi ở phía Tây Bắc Việt Nam, giáp với biên giới Lào và Trung Quốc, nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em như: Thái, H'Mông, Si La, Hà Nhì… Mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hóa truyền thống thể hiện qua kiến trúc, trang phục, ẩm thực, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật… tạo nên nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc của các dân tộc tỉnh Điện Biên từ xưa đến nay.
Chúng tôi đến mảnh đất Điện Biên vào những ngày tháng lịch sử khi địa phương đang chuẩn bị các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Tại đây, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh những cô gái Thái với phong tục Tằng cẩu (tóc búi cao) trên đỉnh đầu rất đặc thù, tiêu biểu. Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết: người Thái Điện Biên là tộc người có dân số đông và có bản sắc văn hóa khá độc đáo. Cộng đồng người Thái ở Điện Biên gồm hai nhóm ngành là Thái Đen và Thái Trắng. Trong đó, người Thái đen có luật tục Tằng cẩu (búi tóc trên đỉnh đầu) rất đặc sắc, riêng biệt. Luật tục này bắt nguồn từ một truyền thuyết khá buồn của dân tộc Thái, nội dung như sau:
Thời xa xưa, có một đôi vợ chồng chung sống rất hạnh phúc và có ba người con. Một hôm, người vợ bỗng dưng phải lòng người đàn ông khác bỏ chồng, bỏ con. Người chồng giận dữ, chặt một cây nứa vót nhọn, quyết đi tìm người vợ để trừng phạt. Một buổi chiều, người chồng đi qua bến nước, thấy vợ và người tình đang ôm nhau dưới gốc cây. Trong cơn giận, người chồng lao cây nứa nhọn về phía họ khiến cho cả hai người đều chết. Khi hồn bay lên trời, ông Trời (Phỏ Phạ) liền bắt nhốt cả hai linh hồn tội lỗi vào ngục tối. Khi ông Then Na - vị thần thay mặt Phỏ Phạ cho các linh hồn tội lỗi xuống trần gian đầu thai, người vợ được Then Na cho đầu thai nhưng phải chịu cắm một vật nhọn lên đầu mãi mãi như một lời nhắc nhở phải sống chung thủy suốt đời, nếu phạm phải sẽ bị vật nhọn đó đâm vào đầu như cây nứa của người chồng kiếp trước. Do vậy, trong tục Tằng cẩu của người Thái, cây trâm cài đầu chính là vật nhọn, còn búi tóc là vật thay cho cái đầu của người phụ nữ trong truyền thuyết để nhắc nhở người phụ nữ đã có chồng thì phải sống chung thủy suốt đời.
Người Thái đen không biết tục Tằng cẩu có từ bao giờ, chỉ biết rằng việc búi tóc trên đỉnh đầu người phụ nữ đã thành tập tục nối tiếp từ đời này sang đời khác. Phụ nữ người Thái đen khi lấy chồng, theo phong tục phải búi tóc lên trên đỉnh đầu. “Khi xưa, tóc trên Tằng cẩu là tóc rụng của chính cô gái Thái và một phần tóc của mẹ chồng cho cô dâu, ngày nay họ sử dụng kèm theo một lọn tóc độn. Tằng cẩu càng lớn, chứng tỏ gia đình càng ấm no, hòa thuận. Tằng cẩu còn là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng".
Lễ Tằng cẩu được thực hiện khi người con gái đã trưởng thành, đi lấy chồng và được bắt đầu bằng nghi lễ búi tóc ngược (lễ Khửn cẩu) lấy lược nhúng vào bát nước cỏ mần trầu chải tóc ngược từ đằng sau lên đằng trước. Khửn cẩu là khuôn phép quy định riêng cho người con gái dân tộc Thái đen khi đi lấy chồng, bắt buộc phải đưa búi tóc đằng sau lên đỉnh đầu và được gọi là Tằng cẩu. Cùng với bộ trang phục xửa cỏm đặc trưng, búi tóc rất riêng của người phụ nữ dân tộc Thái đen đã thể hiện tín hiệu người phụ nữ đó đã có chồng. Nghi lễ được diễn ra vào ngày đẹp, thường là buổi sáng và được thực hiện tại nhà gái trước lúc nhà trai đón dâu. Trong lễ Khửn cẩu, cô dâu ngồi giữa quay mặt về hướng mặt trời mọc, đại diện gia đình nhà trai và nhà gái ngồi xung quanh.
Nai cẩu là người phụ nữ đại diện cho nhà gái sẽ được chọn để Tằng cẩu cho cô dâu. Nai cẩu là những người khỏe mạnh, tháo vát, nhân hậu, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược lên đỉnh đầu cho cô dâu. Người này sẽ đứng ở phía sau lưng cô dâu, nhẹ nhàng chải tóc và dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy về phía trước mặt, kèm theo một lọn tóc độn rồi cùng người đại diện nhà trai cột toàn bộ tóc lên đỉnh đầu và búi quấn chặt lại. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh, Nai cẩu khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên qua búi tóc, để giữ cho Tằng cẩu không bị xổ ra, rối tung. Tằng cẩu chính là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo trong đời sống của người Thái đen, đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời người con gái, để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ trong suốt cuộc đời của họ.

Tằng cẩu - 75.jpg
Phụ nữ Thái đen với búi tóc Tằng cẩu trước gian triển lãm của tỉnh Đồng Nai tại Điện Biên - Ảnh: Ninh Vui

Với búi tóc Tằng cẩu trên đỉnh đầu cùng chiếc áo xửa cỏm với hai hàng cúc bướm, ôm sát vòng eo thon thả, chiếc váy nhung đen tuyền càng làm tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng, thanh tao của người phụ nữ Thái đen. Tằng cẩu không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Thái đen còn khẳng định sự thủy chung, kính trọng đối với nhà chồng. Trong quan niệm của người Thái đen thì người phụ nữ khi đã Tằng cẩu rồi thì không được thả tóc xuống, kể cả trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, hoặc sau khi gội đầu, chải tóc xong lại phải tằng cẩu lên như cũ. Để cho búi tóc luôn gọn gàng và bóng mượt, người phụ nữ Thái đen thường gội đầu bằng nước vo gạo được ủ trong một thời gian nhất định, kết hợp thêm với quả bồ kết hoặc một số loại lá cây rừng. Tằng cẩu thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, sự tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. “Khi chồng còn sống thì Tằng cẩu búi ở giữa đỉnh đầu, khi chồng chết thì Tằng cẩu búi về bên phải, lấy chồng lần 2 thì búi về bên trái. Nếu đoạn tang chồng và người phụ nữ muốn hạ Tằng cầu thì cũng sẽ phải thực hiện một nghi lễ tương tự như nghi lễ Khửn cẩu trước sự chứng kiến của hai họ".
Hiện nay, cùng với sự giao thoa văn hóa trong quá trình sinh sống cộng cư giữa các dân tộc và sự ảnh hưởng của xã hội phát triển, tục Tằng cẩu của phụ nữ Thái đen đã có nhiều thay đổi. Để thích ứng với xã hội hiện đại nên nhiều phụ nữ trẻ khi lấy chồng đã không làm Lễ Tằng cẩu và Khửn cẩu. Hoặc cũng có trường hợp người phụ nữ Thái đen kết hôn với người Thái trắng hoặc tộc người khác, họ sẽ thực hành theo phong tục của bên chồng mà không cần phải Tằng cẩu.
Tóm lại, Tằng cẩu là tập tục truyền thống trong hôn nhân của người phụ nữ Thái đen, vì vậy khi kết hôn đa số phụ nữ vẫn lựa chọn Tằng cẩu. Đây cũng là cách gìn giữ bản sắc riêng của người Thái đen, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái nói chung trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
                                                                                                                

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 75 (Tháng 5 năm 2024)


NINH VUI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​