Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LỄ HỘI SA YANG VA - DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI CHƠ-RO

z5890906135777_16e9b2391e5dca3ac31b801341d533da.jpg

 Thi bắn nỏ trong lễ hội Sa Yang Va - Ảnh: Nguyên Thơ)

Dân tộc Chơ-ro tín ngưỡng Thần Lúa gọi Yang Va (Thần Lúa). Hằng năm, người Chơ-ro tổ chức lễ Sa Yang Va (cúng Thần Lúa) vào tháng 2, 3 âm lịch rất linh đình và được coi là lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng. Trải qua những quá trình lịch sử, người Chơ-ro ở Đồng Nai đã duy trì được nhiều nét văn hóa riêng trong phong tập quán.

Đối với người Chơ-ro, cây lúa nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống vật chất, liên quan đến phương kế mưu sinh của cộng đồng. Cây lúa không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu mà còn là thần linh che chở, phù hộ cho cộng đồng. Người Chơ-ro quan niệm: Thần Lúa là vị thần thiêng liêng nhất, mang lại ấm no hạnh phúc cho mỗi người và là vị thần quyết định chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Chính vì vậy, qua các giai đoạn từ dọn rẫy cũ, phát rẫy mới, gieo hạt, tới chăm sóc lúc cây lúa làm đòng và thu hoạch, người Chơ-ro đều thực hiện nhiều nghi lễ liên quan đến vòng đời cây Lúa. Nổi bật nhất, đặc sắc nhất và quy mô nhất chính là lễ hội Sa Yang Va.  

Người Chơ-ro trước đây lúa trồng một vụ, phải 6 tháng mới cho thu hoạch. Khoảng tháng 9, 10 âm lịch lúa chín bà con thu hoạch đem lúa về nhà, thời gian này mặt trời đã đi nghiêng, cộng đồng cho rằng ngay cả mặt trời cũng còn kính nể Thần Lúa. Khoảng tháng 11 âm lịch, mùa nương rẫy kết thúc, thóc lúa thu hoạch xong, được phơi kỹ cất vào kho lúa (Nhi Va). Từ tháng Chạp đến tháng 2 âm lịch, bà con vào rẫy chặt cây, phát cỏ chuẩn bị cho vụ mới. Tháng 3 âm lịch, họ xem thời tiết lựa ngày nắng khô để đốt rẫy, chuẩn bị tỉa hạt mùa tới, đó là thời điểm cúng Yang Va. Trong những ngày lễ hội cộng đồng đến tham dự đều ăn mặc đẹp, tham dự các nghi thức, ca hát, đánh cồng chiêng, vui chơi và thưởng thức ẩm thực dân gian.

Để tổ chức lễ hội Sa Yang Va cộng đồng phải chuẩn bị nhiều tháng trước, từ khâu tổ chức, địa điểm, hậu cần, kinh phí, chuẩn bị lễ vật, ẩm thực thiết đãi cộng đồng, trò chơi dân gian và các môn thi đấu... Lễ hội Sa Yang Vabao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm nhiều nghi thức truyền thống như: rước hồn Lúa, cúng Thần Nhà, cúng Thần Lúa tại nhà kho. Phần hội, bao gồm các hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa văn nghệ. Trong những địa phương tổ chức lễ hội Sa Yang Va thì cộng đồng Chơ-ro ở xã Phú Lý còn được gìn giữ và thực hành gần như nguyên trạng theo truyền thống. Giữa phần lễ và phần hội có sự đan xen, hoạt động hội gồm thi đấu các môn thể thao cổ truyền như: kéo co, bắn cung nỏ, đẩy gậy, đập nêu…; chế biến các món ăn truyền thống như: cơm lam, canh bồi, bánh ống, bánh cặp…; sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, độc đáo của người Chơ-ro như đánh cồng chiêng, đốt lửa trại, văn nghệ và thưởng thức ẩm thực truyền thống của cộng đồng.

Không gian tổ chức lễ hội Sa Yang Vatại Nhà Văn hóa dân tộc xã, Nhà Văn hóa ấp (khu phố), nhà già làng hoặc một địa điểm thuận lợi. Hàng năm, Nhà văn hóa dân tộc các xã Xuân Trường, xã Xuân Phú, xã Túc Trưng, xã Xuân Thiện và xã Phú Lý là nơi diễn ra không gian lễ hội Sa Yang Va. Người Chơ-ro Bảo Vinh, thành phố Long Khánh do chưa có Nhà Văn hóa dân tộc, nên hàng năm bà con thường tổ chức tại Nhà Văn hóa khu phố Ruộng Lớn. Xã Bàu Trâm (thành phố Long Khánh) và xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) tổ chức lễ hội Sa Yang Va tại nhà của già làng. Người Chơ-ro xã Bảo Quang do chưa có chỗ tổ chức lễ hội Sa Yang Va cố định nên hàng năm ban tổ chức sẽ họp và thống nhất mượn khu đất trống của người dân để tổ chức.

Lễ hội cúng Thần Lúa dù được diễn ra tại Nhà Văn hóa dân tộc Chơ-ro, Nhà Văn hóa khu phố, tại nhà già làng hay tại khu đất trống thì luôn có cây nêu ở chính giữa, được trang trí băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa với đủ màu sắc làm cho mỗi địa phương trở nên sinh động hơn. Các địa điểm thực hành di sản lễ hội Sa Yang Va đều diễn ra các nghi thức có tính chất thiêng cúng Yang Va, các thần linh và ông bà tổ tiên. Đây cũng là nơi cộng đồng Chơ-ro cùng nhau vui chơi, trình diễn các loại nhạc cụ, văn nghệ và thi đấu những môn thể thể thao mang đậm bản sắc dân tộc sau một vụ mùa thu hoạch.

Cộng đồng người Chơ-ro ở Đồng Nai hiện nay còn 9 địa phương duy trì thực hành lễ hội Sa Yang Va như: Phường Bảo Vinh và xã Bàu Trâm (Thành phố Long Khánh), xã Xuân Trường và Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), xã Túc Trưng (huyện Định Quán), xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ).

Lễ hội Sa Yang Va là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chơ-ro trong tín ngưỡng cúng Thần Lúa, thể hiện sự giao hòa giữa con người với thiên thiên. Lễ hội Sa Yang Va còn có ý nghĩa bà con tạ ơn Thần Lúa đã ban cho mưa thuận gió hòa một mùa vụ bội thu, cầu cho cộng đồng được mạnh khỏe, ấm no hạnh phúc. Trong lễ hội, các hoạt động trò chơi dân gian, các sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Chơ-ro thu hút đông đảo cộng đồng tham gia như: đánh cồng chiêng, đàn tre, thổi kèn lá, múa hát dân gian, nhảy sạp, bắn nỏ…; thưởng thức các món ăn thức uống ẩm thực dân gian.

Thông qua lễ hội Sa Yang Va, tăng cường tính cố kết cộng đồng (phần lễ và hội) tạo nên bản sắc của đồng bào Chơ-ro. Ðồng thời, góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc trong sinh hoạt vui chơi giải trí… tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai.

Lễ hội Sa Yang Va là một trong những lễ hội tiêu biểu của đồng bào Chơ-ro bản địa ở Đồng Nai; vì vậy đã được địa phương lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng trong bối cảnh xã hội đương đại.

N.A.Đ

 

_________________________________

Tham khảo các tài liệu: Bảo tàng Đồng Nai (2019), Văn hóa làng Chơ-ro Lý Lịch, Nxb Đồng Nai; Huỳnh Văn Tới (Chủ biên) (1997), Người Châu Ro ở Đồng Nai, Chi hội Văn nghệ Dân gian Đồng Nai, Nxb Đồng Nai; Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng (2013), Văn hóa Người Chơ-ro, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin; Tư liệu điền dã của Nguyễn Anh Đức năm 2023. 

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)


NGUYỄN ANH ĐỨC
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​