Cách đây hàng chục năm về trước, dư luận nhiều nước phương Tây đặc biệt chú ý đến một cuốn nhật ký viết về chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tá - họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Người có công phát hiện và đưa cuốn nhật ký này ra với thế giới là Sherry Buchanan, học giả và chủ bút tờ Wall Street (Nhật báo phố Uôn) và International Herald Tribune (Diễn đàn dự báo quốc tế). Sau gần hai năm đi về, gặp gỡ trò chuyện với họa sĩ Phạm Thanh Tâm, bà quyết định bắt tay chuyển ngữ cuốn nhật ký này sang tiếng Anh. Nhà xuất bản Asia Ink, Luân Đôn, ấn hành năm 2005 với tựa “Drawing under Fire" (Vẽ dưới lửa đạn). Tiếp đó, nó được dịch ra tiếng Pháp, dưới tên “Carnet de Guerre d'un Jeune Viet Minh à Dien Bien Phu" (Cuốn sổ chiến tranh của một thanh niên Việt Minh ở Điện Biên Phủ) với 188 trang in, Nhà xuất bản Armand Colin của Pháp cho ra mắt tháng 2-1991. Tờ tuần báo Le Ponit (Pháp) cho biết đã có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách nói về chiến tranh Đông Dương với kết thúc thảm bại của đội quân xâm lược ở Điện Biên Phủ, phần lớn những tác phẩm này đều do các cựu binh Pháp tham chiến, hầu hết họ đều mang mặc cảm tâm lý của kẻ bại trận. Nhưng đến cuốn nhật ký của Phạm Thanh Tâm thì bạn đọc có thể hiểu thêm về cuộc chiến Đông Dương và thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ dưới một góc nhìn “không hề thù hận của một người lính Việt Minh". Chỉ với vài cuốn vở tập, một cây bút và lọ mực Waterman, khi đó vừa ngoài 20 tuổi, Phạm Thanh Tâm đã ghi lại những điều quan sát được tại mặt trận. Tác giả cuốn nhật ký đã lý giải vì sao và bằng cách nào mà những người lính của tướng Giáp đã khiến cho đội quân nhà nghề Pháp bị bất ngờ và bại trận.
Trong số những cây cọ đầu tiên khoác ba lô và giá vẽ lên thung lũng Điện Biên Phủ, phải kể đến hai họa sĩ gạo cội Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích. Giữa đợt 2 của chiến dịch, hai ông được giao sáng tác huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ" để làm quà tặng của Bác Hồ cho bộ đội. Ở một hướng khác, còn có thêm danh họa Tô Ngọc Vân, cùng các họa sĩ tên tuổi khác như: Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Lưu Công Nhân… Riêng với Phạm Thanh Tâm, đảm nhiệm hai vai, vừa là phóng viên chiến tranh, vừa vẽ ký họa cho tờ báo của đơn vị. Có thể nói đội ngũ những người cầm cọ ở mặt trận Điện Biên Phủ lúc bấy giờ khá hùng hậu và tinh nhuệ.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm nguyên quán ở Nam Định, nhưng chào đời tại Hải Phòng năm 1932. Cuối tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cậu bé theo gia đình tản cư. Bấy giờ, người cha làm việc trong Ban tuyên truyền Chiến khu 3, nên cả gia đình được ăn chung bếp với cơ quan. Trên báo Sự Thật xuất bản dạo ấy có câu động viên: “Con cán bộ ăn cơm nhờ đoàn thể. Đoàn thể nghèo, cơm ăn chỉ thế thôi". Tình nguyện làm liên lạc, hằng tuần, Phạm Thanh Tâm dùng xe đạp chuyển bài vở xuống nhà in để in báo. Duyên nghiệp khởi đi như vậy. Có chân trong đội tuyên truyền xung phong, từ đội Lãng Bạc đến đội Kim Đồng, bên các bạn độ tuổi 13-17, chàng trai trẻ hồn nhiên tham gia múa hát, ngâm thơ, nhảy điệu “Cảm tử quân" phục vụ đồng bào và chiến sĩ.
Về sau, Ban tuyên truyền phát triển thành Sở thông tin Liên khu 3. Phát hiện thấy cậu liên lạc có năng khiếu vẽ, họa sĩ Mai Văn Nam đã riêng kèm dạy vỡ vạc những kiến thức về hình họa. Đây chính là “người thầy đầu tiên" của Phạm Thanh Tâm. Năng khiếu nẩy nở, anh được giới thiệu về dự lớp Hội họa kháng chiến do họa sĩ Lương Xuân Nhị làm Hiệu trưởng. Giáo viên gồm các họa sĩ như: Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam. Trong số hơn 20 bạn cùng học, có Trịnh Quốc Thụ, Trịnh Thiệp, Văn Đa, Xuân Phương… Lớp học được mở ngay trong đình Phù Lưu Chanh, gần chợ Dầu (Từ Sơn, Bắc Ninh). Các học viên được chứng kiến phong trào luyện quân lập công và hướng mạnh việc sáng tác về đời sống bộ đội.
Học xong, trở lại Liên khu 3, Phạm Thanh Tâm được cử xuống Ty thông tin tỉnh Hưng Yên công tác. Tại đây, anh khoác tay nải về huyện Yên Mỹ vẽ tranh cổ động lên các bức tường, tuyên truyền cho kháng chiến. Nơi vẽ rất gần đồn địch, mặc dù được một du kích theo hộ tống, nhưng có lần Tây càn vào làng, mải mê vẽ, Thanh Tâm suýt bị chúng bắt. Đói cơm, rách áo nhưng chàng trai vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ với tất cả niềm đam mê.
Năm 1950, Phạm Thanh Tâm xung phong vào bộ đội. Anh ở Ban chính trị Trung đoàn 34 làm tờ báo Tất Thắng. Về sau, trung đoàn này trực thuộc Đại đoàn 351 công pháo, anh Tâm chuyển lên làm báo Quyết Thắng của Đại đoàn. Cùng làm báo còn có Lý Thái Bảo (sau là Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam) và một số anh em khác. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tờ báo này được in và phát hành ngay tại mặt trận. Ngoài các bài viết, báo còn có nhiều tranh vui, tranh đả kích rất sinh động, kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Vừa cầm cọ, vừa là phóng viên, Phạm Thanh Tâm có điều kiện sục đến nhiều nơi, cả bộ binh, công binh và pháo binh để lấy tư liệu viết và vẽ. Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ" được ông vẽ trên giấy ngay trong hầm pháo của Đại đội 806 (Đại đoàn 351), là đơn vị đầu tiên nã những loạt đại bác vào trung tâm đề kháng của Pháp tại Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Do hoàn cảnh chiến tranh, theo lời họa sĩ kể lại, bức tranh này được ông vẽ 5 lần, mỗi lần đều có sự thay đổi theo quan niệm sáng tác chứ không phải là những bản sao chép lại. Tác phẩm được hoàn chỉnh vào năm 1994, chất liệu lụa, kích thước 35cm x 45cm.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm còn sưu tầm và giữ được tờ báo Quân đội Nhân dân (QĐND) xuất bản tại mặt trận vào tháng 3-1954, trên trang nhất có lời kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ". Về sau, lão họa sĩ đã hiến tặng bản báo này cho Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.
Hòa bình lập lại, Phạm Thanh Tâm công tác tại Phòng thư ký Tòa soạn báo QĐND. Sau khi nhận Giải thưởng Mỹ thuật Toàn quốc với bức tranh lụa “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ", cùng nhiều tranh bột màu và ký họa khác, ông được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957) chuyên ngành hội họa. Phạm Thanh Tâm tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1967. Trọn đời gắn bó với quân ngũ, họa sĩ đã có một khối lượng tác phẩm gồm hàng nghìn bức ký họa, hàng trăm bức tranh với nhiều chất liệu, phản ánh sinh động hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tác phẩm của ông có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang (LLVT) các quân khu; Bảo tàng Anh quốc... Họa sĩ đã có 04 triển lãm cá nhân tại Hà Nội, 07 triển lãm tại TP.HCM, có hàng trăm tranh và ký họa trong các bộ sưu tập của nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu như: “Chiến thắng Điện Biên Phủ", “Cảnh nhà sàn Điện Biên", “Rừng trắng hoa ban", “Cô gái Thái - Điện Biên", “Quân đi vào", “Sài Gòn ngày 30-4-1975"… Mảng ký họa của Phạm Thanh Tâm khá đặc sắc, phong phú và muôn mặt. Ông phác họa chân dung các văn nghệ sĩ như: Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Sách, Tào Mạt, Huỳnh Văn Gấm, Triệu Đại… rất sinh động. Đặc biệt, họa sĩ chứng kiến và ghi lại được khoảnh khắc nhạc sĩ Hoàng Việt ngồi trước cây đàn Piano sáng tác bài “Tình ca" bất hủ.
Những năm chiến tranh chống Mỹ, họa sĩ vào tận Khe Sanh và được tham gia một số chiến dịch lớn đầu xuân 1975. Với bút danh Huỳnh Biếc, tranh ký họa và tranh đả kích, châm biếm của ông thường xuyên xuất hiện trên nhiều tờ báo. Họa sĩ Phạm Thanh Tâm vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ kính yêu. Lần thứ nhất tại triển lãm về đề tài LLVT nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội (22-12-1954), đây cũng là triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô. Người xuất hiện trong bộ quần áo nâu giản dị, chân đi dép lốp. Họa sĩ nhớ đại ý lời Bác nhắc đi nhắc lại: Việc nước, việc nhà rất nhiều, phải đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc…
Lần thứ hai, khi vừa từ chiến dịch Khe Sanh trở ra, họa sĩ Phạm Thanh Tâm được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức triển lãm tranh bộ đội. Ông cùng các họa sĩ Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến, Huy Toàn… lo sưu tầm tập hợp được 300 bức tranh, chủ yếu là ký họa chì, bột màu, thuốc nước. Triển lãm đầu xuân 1969, tại Câu lạc bộ Thống Nhất (Hà Nội), người xem rất đông. Một hôm, Phạm Thanh Tâm được gọi dậy từ rất sớm, đến ngay phòng triển lãm, chuẩn bị đón Bác Hồ. Cùng đi với Bác có Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tướng Song Hào. Lúc ấy, tuy sức khỏe đã sút giảm, nhưng Người vẫn xem kỹ từng bức tranh và hỏi nhiều chi tiết cụ thể. Bác hỏi: “Các chú vẽ những bức tranh này trong hoàn cảnh nào?". Họa sĩ Phạm Thanh Tâm thưa với Người, là phần lớn anh em vẽ ngay tại chiến trường, vẽ trên đường hành quân. Bác gật đầu: “Vẽ chưa giỏi, nhưng nhiều cảm xúc". Những lời dạy bảo ân cần ấy luôn in sâu trong tâm khảm của họa sĩ. Sau ngày Bác Hồ từ trần, Phạm Thanh Tâm có ngay tranh áp phích “Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân" trên báo QĐND, ngày 15-9-1969.
Mười năm liền, trên cương vị Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy phong trào mỹ thuật toàn quân phát triển sâu rộng. Ông chăm lo tổ chức sáng tác, triển lãm trên phạm vi toàn quốc những tranh tượng về đề tài LLVT nhân dân. Phụ trách phong trào “Bộ đội vẽ - Vẽ bộ đội", Phạm Thanh Tâm đã góp công phát hiện, tổ chức đào tạo các họa sĩ chuyên nghiệp của quân đội phát triển về sau. Ông quan niệm, người nghệ sĩ phải đồng hành cùng dân tộc, biết khơi nguồn sáng tạo từ nhân dân…
Đạo diễn phim, nhà văn cao niên Nguyễn Thị Xuân Phượng, một nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, người sáng lập phòng tranh Lotus Gallery (TP. HCM), bạn từ thời kháng chiến chống Pháp của họa sĩ Phạm Thanh Tâm, nhận xét:
- Anh Tâm là con người hiền lành, ít nói đến trầm lặng, nhưng khi vào chiến trường trước bom đạn, anh lại là một họa sĩ cực kỳ nhanh nhẹn. Anh hừng hực sức sống, yêu thương những con người xung quanh mình. Nếu nhìn kỹ tranh của anh, sẽ thấy tác giả gửi gắm tấm lòng của mình vào từng nét vẽ, như gương mặt một cô dân quân đang tập ngoài thao trường, những bà mẹ dưới địa đạo, hay các chiến sĩ đang giải lao bên bờ suối…
Trân trọng tài năng lao động nghệ thuật của một họa sĩ - chiến sĩ thực thụ, mới đây, đạo diễn Xuân Phượng tổ chức tại Lotus Gallery, một triển lãm mang tên “Hồi Sinh" về các tác phẩm của cố họa sĩ Đại tá Phạm Thanh Tâm, có tiếng vang cả trong và ngoài nước.
Trong đội ngũ những người cầm cọ mặc áo lính, họa sĩ Phạm Thanh Tâm là một gương mặt khá đặc biệt, bởi dường như ông không có “tuổi". Tiếp xúc với lão họa sĩ, điều dễ cảm nhận là phẩm chất lạc quan, yêu đời luôn thường trực, dù cuộc đời ông cũng chẳng dễ dàng gì. Ngoài cầm cọ, với con mắt nhìn sâu của một họa sĩ, Đại tá Phạm Thanh Tâm có nhiều tùy bút, ghi chép, đăng trên một số tờ báo, lối văn rất hoạt và hóm hỉnh, tạo nét riêng, thú vị.
Nghỉ hưu, gia đình họa sĩ Phạm Thanh Tâm chuyển vào TP. HCM. Ông cộng tác với một số nhà xuất bản (Nxb) trên địa bàn thành phố. Các đầu sách của Phạm Thanh Tâm gồm: “Dung dăng dung dẻ", “Vượt ngầm" (Nxb Trẻ), “Ngày về Sài Gòn" (Nxb Văn hóa Văn nghệ). Đó là các tập văn xuôi về những câu chuyện và cảnh sắc thiên nhiên dọc đường chiến tranh. Năm 2007, tôi viết lời tựa cho tập tranh vui “Nụ cười bộ đội" của ông, Nxb QĐND ấn hành. Đầu năm 2011, Nxb Văn hóa Thông tin tuyển chọn và cho ra mắt bạn đọc tập “Tranh ký họa kháng chiến chống thực dân Pháp". Về cuốn sách này, Trung tướng Phạm Hồng Cư (1926-2021), nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhận xét: “Phạm Thanh Tâm xứng đáng với danh hiệu Họa sĩ - Chiến sĩ, để lại cho muôn đời sau hình tượng người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ".
Năm 2014, Nxb Thời Đại ấn hành cuốn “Trang sử vàng ĐIỆN BIÊN PHỦ" khổ lớn đầy đặn, chọn lọc tranh, cùng hàng trăm ký họa và nhiều kỷ niệm của họa sĩ, nhà báo Phạm Thanh Tâm. Sách được thiết kế và trình bày rất đẹp. Ông ký và lọ mọ mang đến tặng tôi vào sáng 7-5 năm ấy. Thật cảm động. Tiếp đến, năm 2015, Nxb Trẻ in cuốn “Tiến về Sài Gòn", trang trọng giới thiệu những bức tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tôi may mắn được họa sĩ coi như một đứa em và hơn thế, như một người bạn vong niên thân thiết. Mỗi lần tôi ghé lại căn hộ nằm sâu trong con hẻm nhỏ, trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, lão họa sĩ lại tất bật chế trà ngon và cởi mở dốc bầu tâm sự. Bởi vậy, tôi hằng trân trọng và quý mến ông. Ngày 30-5-2019, cây cọ Điện Biên Phủ, họa sĩ Đại tá Phạm Thanh Tâm, người trọn đời cống hiến cho nghệ thuật và cái đẹp đã nhẹ cánh bay về miền mây trắng.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 75 (Tháng 5 năm 2024)