Đào
Sỹ Quang
(Nguồn: VNĐN số 11 – tháng 01 & 02 năm
2016)
Lại một năm cũ đi qua, đất nước - con người - thiên
nhiên biết bao đổi mới. Có ai đó tự hỏi mình, trong năm qua đã làm được những
gì? Và chưa làm được những gì? Bạn cũng như tôi, muốn tồn tại thì không thể
tách rời xã hội. Nếu xã hội tốt đẹp thì đó là cái phúc cho mọi người, ngược lại
một xã hội rối ren, bất ổn thì đó là một nỗi tai ương! Bỗng lòng nghĩ về “trách
nhiệm công dân”. Năm Bính Thân (2016) đất nước ta sẽ có một sự kiện quan trọng,
đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng để bầu ra nhân sự
mới Ban chấp hành Trung ương Đảng, giới thiệu Tổng Bí thư, đồng thời đánh giá kết
quả lãnh đạo và phát triển đất nước sau 30 năm đổi mới. Bỗng lòng nhớ về Bác Hồ
và những nhà lãnh đạo đã dám nghĩ dám làm - dám đổi mới - vì dân vì nước - chí
công vô tư đưa đất nước đi lên! Nhưng chỉ có điều buồn là chúng ta còn tăng trưởng
chậm, lẽ ra phải ở vị thế cao hơn nhiều! Cố Thủ Tướng -
Chính trị gia Singapore Lý Quang Diệu đã phát biểu: “Nếu có vị trí số một ở
Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên,
con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”. Ấy vậy mà sau 30
năm đổi mới nước ta vẫn còn nhiều “trì trệ”?
Nguyên nhân của trì trệ thì nhiều lắm. Nhưng có lẽ tham
nhũng vẫn là nguyên nhân số một kìm hãm sự phát triển của đất nước! Bởi chính
tham nhũng kéo theo nhiều hệ lụy! Tại Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8, đại biểu
Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến làm nóng hội trường.
Ông phân tích hàng loạt những yếu kém của ta trong đó có nạn tham nhũng tràn
lan... Và ông cho rằng “Không nên đổ thừa cho âm mưu thủ đoạn gì ở đây cả, trước
hết là do yếu kém của chúng ta”. “Chúng ta” ở đây, cần hiểu là những người đứng
đầu Chính phủ! Trong phát biểu đưa ra giải pháp, ông Trương Trọng Nghĩa nói:
“Con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp, do đó Đại hội Đảng lần thứ
XII phải là một cuộc cách mạng về nhân sự, chú trọng tới những cán bộ có tài,
có đức, yêu nước, có tư duy và có khả năng đổi mới dân chủ hội nhập, những người
năng lực yếu kém đầu óc cũ kỹ thì không nên giao chức vụ cao”. Rất nhiều đại biểu
Quốc hội thật sự bức xúc và dũng cảm tham mưu những ý kiến rất thiết thực.
Nhưng sao đất nước ta vẫn còn trì trệ? Há chẳng phải do người cầm lái con thuyền
non tay, kém trí? Tôi lại nhớ đến những câu chuyện của phép dùng người.
Đất nước nào cũng vậy, thời nào cũng cần có những hiền
tài để phụng sự quốc gia, nhưng chỉ những người lãnh đạo có tài năng và đức độ
mới có con mắt tinh đời để phân biệt được người hiền tài với kẻ đội lốt hiền
tài.
Bá
Nhạc là vị quan lớn trong triều Tần Mục Cung thời Xuân Thu (Trung Quốc), là người
có con mắt tinh tường trong việc lựa chọn những con ngựa thiên lý - giỏi giang,
trung thành với chủ, đi ngàn dặm đường vẫn không hề mỏi mệt… Nếu không có sự xuất
hiện của Bá Nhạc thì ngựa thiên lý cũng chỉ là ngựa thường mà thôi! Chẳng qua
là còn thiếu Bá Nhạc người giỏi xem tướng ngựa. Ngựa thiên lý thì luôn luôn có,
còn Bá Nhạc đâu phải lúc nào cũng có. Người có tài nhận biết người hiền tài quả
là quí hiếm. Biết được người hiền tài mà sử dụng thì quốc gia sẽ hưng thịnh, để
mất người hiền tài thì ắt quốc gia sẽ suy vong.
Tôi
còn nhớ hồi học phổ thông, trong lần họp lớp đầu tiên, thầy chủ nhiệm chỉ định
một bạn nam cao to nhất lớp làm lớp trưởng. Cả lớp tôi rất sợ lớp trưởng vì diện
mạo của bạn ấy. Ai mà làm lớp trưởng phật ý, tức thì bị ăn đấm liền! Tuy cao
to, nhưng lớp trưởng lại học hành quá tệ, có lẽ chính vì thế mà lớp trưởng phải
nghĩ ra cách coi cóp bài của bạn trong giờ kiểm tra. Vì “ung dung” cop-pi nên
điểm lớp trưởng bao giờ cũng cao! Ai không “giúp đỡ” lớp trưởng liền bị “ăn củ
đậu bay”. Thầy chủ nhiệm nào có biết, lớp trưởng có điểm cao là do ăn cắp bài của
của người khác, tức là vi phạm kỷ luật!?
Hay câu chuyện, nhà vật lí J.J. Thomson - Giám đốc một phòng thí nghiệm
lớn, ông đã nhận ra một học trò của mình người New Zealand tên là
Rutherford, tướng tá chẳng khác gì một lão nông tri điền, nhưng lại có tài năng
trong nghiên cứu khoa học và phát minh. J.J. Thomson liền tiến cử học trò này
(đồng thời cũng là một nghiên cứu sinh) làm giáo sư vật lí tại đại học
Manchester (Anh). Năm 1908, Rutherford được nhận giải thưởng Nobel hóa học, vì
có công chứng minh được nguyên tử bị phân rã trong phóng xạ, cũng như trong phản
ứng hạt nhân. Nếu không có J.J. Thomson, chưa chắc Rutherford đã đạt tới đỉnh
cao của sự phát minh khoa học. Và các thế hệ sau chưa chắc đã biết được “mẫu
hành tinh nguyên tử Rutherford”.
Trong
xã hội ta hiện nay, có người chọn “nhân tài” bằng tầm mắt hẹp hòi, chỉ chú ý tới
chữ “thân” (thân tín, thân cận, thân thích), còn những ai dù có tài mà không biết
lựa chiều theo ý cấp trên, không dễ sai khiến thì “cho qua”. Cho nên mới có
chuyện, trong một buổi họp hội đồng giáo dục, ông hiệu trưởng “thỉnh cầu” mọi
người cứ góp ý cho mình thẳng thắn. Tưởng hiệu trưởng thật tâm, nên một giáo
viên đã thẳng thắn phê bình những yếu kém của hiệu trưởng, trước sự thán phục của
đồng nghiệp. Nhưng chính sự chân thành của giáo viên ấy đã bị hiệu trưởng ngấm
ngầm gây khó dễ trong công tác, để rồi giáo viên ấy phải tự chuyển đi nơi khác.
Ai cũng bảo ông hiệu trưởng ấy thâm nho! Có người chọn nhân tài bằng ánh mắt:
thích thì trọng dụng, không thích thì thôi, nên mới có chuyện sếp phải ra hầu
tòa vì các “đệ tử” của mình vi phạm pháp luật!
Tuy
nhiên, người hiền tài không tự nhiên mà có, nó phải được giáo dục từ khi biết cất
tiếng khóc chào đời. Lại nhớ mừng đón xuân mới năm trước, tôi tới chúc tết một
người thân, vừa tới cổng đã thấy một đám trẻ nhao nhao, chen chúc chìa tay ra
kêu: “Lì xì mười ngàn…”, trong khi người lớn nhìn thấy mà không hề can ngăn.
Tôi thật sự lúng túng, song cũng gắng bình tĩnh để “chia” cho mỗi cháu 5 ngàn.
Nhiều cháu chê ít quá không lấy trả lại! Đã thế chúng còn nói: “Bác này keo
quá!”. Thật là xót xa! Nếu người lớn chúng ta, nhất là các bậc cha mẹ không biết
dạy bảo con cháu thì sau này lớn lên chúng sẽ đánh giá đạo đức bằng tiền, coi đồng
tiền là thước đo đạo đức! Đó là nguyên nhân của tham nhũng!
Cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng có câu nói nổi tiếng: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất
trong các nghề cao quí”. Điều đó cho thấy nghề dạy học thật sự vinh quang, song
bên cạnh đó là cả một trách nhiệm nặng nề. Bây giờ người ta hay nói tới: “Học
sinh ngồi nhầm lớp”, thậm chí “thầy ngồi nhầm chỗ”. Đâu đó ta vẫn thấy “thầy
đánh trò”, “trò đánh thầy”! Đất nước ta đang cần những người có mắt tinh tường
công minh để sắp xếp chỗ cho cán bộ, cũng giống như xưa kia chiến tranh không
có cơ giới người ta phải dùng ngựa, thì Bá Nhạc ắt không thể là người thiếu vắng!
Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức thì vô dụng”. Người rất coi trọng
hiền tài, không những người tìm ra nhân tài mà còn biết cách bảo vệ nhân tài.
Người quan tâm chỉnh sửa từng tí khuyết điểm cho cán bộ và cũng sẵn sàng nhận
ra khuyết điểm và kịp thời sửa chữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thông hiểu câu
nói của người Trung Quốc: “Trí giả thiên lự tất hữu nhất nhất”, đại ý là, người
hiểu biết nói ngàn câu thể nào cũng có câu sai. Cho nên dù là hiền tài gì đi
chăng nữa, vẫn phải tự rèn luyện mình thường xuyên, giống như “ngọc càng mài
càng sáng”.
Nhiều
người có tài có đức được cất nhắc lên làm lãnh đạo, vì không biết tự rèn luyện
mình nên biến chất. Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh” mà Đảng và nhân dân ta đang thực hiện đều khắp, thật sự đã có những
chuyển biến tích cực. Mong rằng sẽ thu được nhiều thành quả hữu ích hơn, góp phần
làm giàu thêm “hiền tài” cho đất nước. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia!
Nhưng
thật buồn, ngày trước chúng ta vẫn thường xuyên nghe thấy cụm từ “một bộ phận
cán bộ biến chất”; “con sâu làm rầu nồi canh”… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
có lần trả lời phỏng vấn TTXVN: “Công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn những hạn chế, yếu
kém, khuyết điểm đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Thật là
đáng lo ngại, trước kia thì chỉ có “một bộ phận nhỏ” cán bộ suy thoái đạo đức,
giờ thì “một bộ phận không nhỏ” cán bộ suy thoái đạo đức! Có nghĩa là, sự suy
thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên của nước ta đang phình ra! Câu
nói của một nhà hiền triết: “Một kẻ thù cũng là nhiều. Mười người bạn vẫn là ít
”. Để chống tiêu cực, nhất là tham nhũng chúng ta phải đánh thật mạnh, thật đồng
bộ, thật tinh vi hơn nữa.
Các
nhà lãnh đạo đứng đầu chính phủ phải là những người tiên phong trong chỉ đạo
xây dựng đất nước, phải có thái độ rõ ràng trước vận mệnh đất nước. Phải biết tự
rời ghế của mình khi thấy không còn uy tín. Làm như vậy sẽ mất lòng tin trong
nhân dân và chính chúng ta đã dạy cho con em mình nói dối, đấu tranh nửa vời,
gây khó dễ cho thầy cô đứng trên bục giảng. Có như vậy chắc chắn chúng ta sẽ thực
hiện được mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII của Đảng đang là nỗi chờ mong khắc khoải của
mỗi công dân nước Việt cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Mong sao có “Bá Nhạc”
để tìn ra những “Con ngựa thiên lý” kéo cỗ xe nước nhà vượt qua đèo dốc đi đến
tương lai tốt đẹp hơn!
Đ.S.Q