Bùi Công Thuấn
(Nguồn: VNĐN số 17 - tháng 01 & 02 năm 2017)
Tôi
chỉ là người đứng ở một góc sân nhìn cuộc chơi, thành ra góc nhìn rất hẹp.
Nhưng lại biết rằng, ở mỗi góc nhìn, người quan sát có thể nhận ra những cái riêng mà ở góc khác không thấy, và đối
với một ngòi bút, cái riêng là cái cần
có. Chỉ khi người nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn được một góc ảnh thì mới chụp được ảnh
đẹp. Nghĩ thế nên tôi mạo muội ghi lại cảm nghĩ của mình…
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VẪN SÔI NỔI KHẮP NƠI
Tác phẩm ở các trại sáng, sau khi
kết thúc trại, thường được cất vào kho?! Các sinh hoạt giới thiệu tác giả, tác
phẩm chỉ còn là một hình thức quảng cáo?! Những hội thảo về tác giả đã quá cố
thường được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh?! Dự trại sáng tác chỉ là
dịp gặp gỡ, “vui là chính”, miễn là
có tác phẩm đem nộp cho ban tổ chức là được?! Vân vân và vân vân…?! Những hoạt
động văn nghệ cứ bị “đóng khung”vào những định kiến này, tạo nếp nghĩ quen
thuộc cho số đông…
Trong năm 2016 diễn ra hai hội nghị
đặc biệt: Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV (24-27/6) tại Tam Đảo và Hội nghị
đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX (27-29/9) tại Hà
Nội do Hội Nhà Văn tổ chức. Hai hội nghị này có ý nghĩa quan trọng về chính trị
và văn học, tập trung lực lượng, thống nhất quan điểm, cách nhìn nhận, xem xét
các vấn đề của văn học đương đại và chuẩn bị cho tương lai.
Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV tập trung vào chủ đề “Văn học 30
năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”. Tổng kết hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn
nói về những việc sắp tới, có đến 14 vấn đề, điểm qua những vấn đề quan trọng
là: Lo âu lớn nhất hiện nay là vấn đề suy thoái đạo đức; Không để lọt tác phẩm có giá trị, cải tiến phương pháp đầu tư sáng tác, thay đổi cách thẩm định tác phẩm; tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội
Nhà văn Việt Nam (1957 -2017)…
Bản thân tôi tham dự hội nghị này thấy rằng:
Chủ đề của
hội thảo là “Văn học
- 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”, nhưng trong hội nghị,
người ta vẫn đặt lại vấn đề: Thế nào là đổi mới? và
câu trả lời là không thống nhất. Những tác phẩm, tác giả nào là
tiêu biểu nhất cho thành tựu và giá trị của giai đoạn văn học này? Văn học này được định vị bằng
những đặc điểm gì về tư tưởng, thi
pháp và phong cách? Người ta cũng nói nhiều đến cách tân, nhưng không
tham luận nào nói được giá trị của những “cách tân”trong văn học 30 năm
đổi mới.
Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ
IX cũng thành
công tốt đẹp với nội dung tổng kết: “… hơn 100 đại biểu được chọn lựa đều
là những gương mặt văn chương có nhiều thành tích tốt, có số lượng sách đã xuất
bản khá đồng đều (có người đã in 20 đầu sách); Hội nghị đã tập hợp, bồi dưỡng,
định hướng sáng tác cho những người viết trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc; tạo cơ
hội để người viết trẻ đóng góp những tiếng nói tâm huyết vào dòng chảy văn học
Việt Nam, thể hiện được tâm nguyện, khát vọng cống hiến tài năng và công sức
cho công việc sáng tạo; có sự chia sẻ, học hỏi, liên thông giữa các thế hệ sáng
tác và lí luận phê bình; tổ chức những hoạt động phong phú, thiết thực, tập
trung vào chuyên môn; gây được những cảm xúc tốt đẹp và ấn tượng sâu sắc đối
với mỗi người tham gia..”.[3]
Đọc những bài tường
trình, các cuộc thảo luận, tôi rất vui vì thấy được một đội ngũ người viết trẻ
hùng hậu đang tiến về phía trước, dù biết rằng sẽ có nhiều người bỏ cuộc. Tôi
cũng chia sẻ những trăn trở, khó khăn của họ. Điều khó nhất là làm sao có được
tác phẩm hay, có giá trị. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng “Những bài thơ hay muôn đời vẫn là điều bí
ẩn của sáng tạo”.Nhà thơ Hữu Thỉnh thì nói đến ước vọng văn chương trẻ Việt
Nam có những con đại bàng hay mãnh sư đủ
sức đi một mình, ông cũng nhấn mạnh đến dấu ấn cá nhân trong sáng tác. Các tác giả trẻ cũng đặt ra nhiều vấn đề của thời đại
mình: Vấn đề làm sao đưa được thơ đến với công chúng? Vấn đề “văn học Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý coi
văn chương thị trường và chức năng giải trí là cái gì thấp kém, dễ dãi”. Vấn
đề đội ngũ phê bình trẻ, tuy có được đào tạo bài bản song vẫn đang thiếu và yếu;
chất lượng phê bình nhìn chung chưa cao (Hà Thị Vinh Tâm)…
VĂN ĐÀN VẪN YÊN Ả
Dòng chảy văn chương Việt Nam 2016
vẫn là dòng chảy yên ả. Những tác giả sung sức vẫn in tác phẩm và thể nghiệm
những thể lọai mới, đề tài mới, cách viết mới. Nhiều tác giả tác phẩm được giới
thiệu. Các hoạt động phong trào vẫn sôi nổi, những giải thưởng văn học vẫn có
sức hấp dẫn…Và có những điều đáng ghi nhận như, tác giả Đỗ Quyên từ Vancouver
giới thiệu 200 nhà phê bình thơ người Việt hậu đổi mới.
Bàn tròn văn học: Từ văn học thời chiến rực rỡ đến văn
học chiến tranh với các
nhà thơ nhà văn: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân Lê Minh Khuê, Nguyễn Văn Thọ,
Văn Chinh, Lê Thành Nghị… có cái nhìn sâu sắc về viết về chiến tranh. Nguyễn
Hiệp trong bài “Thử giải mã ba nhà văn khó đọc ba miền”viết về ba nhà văn Nguyễn Bình Phương, Nhật Chiêu, Ngô Phan
Lưu, có nhiều khám phá giúp
người đọc nhận ra sự độc đáo văn chương Việt Nam đương đại.
Tuy vậy không thấy có tác phẩm, tác giả nào nổi bật
ghi dấu ấn của năm, chưa rõ năm 2016 Hội Nhà văn và Liên hiệp các Hội VHNT sẽ
trao giải thưởng cho tác phẩm nào.
Lý luận và phê bình văn học cũng bình lặng. Người ta
nhận ra các lý thuyết văn học phương Tây là viết cho văn chương phương Tây, cần
có một nền lý luận và phê bình văn học Việt Nam cho văn chương Việt Nam. Các
nhà văn, nhà thơ (nhất là người viết trẻ) sau những bứt phá thi pháp cũ để dấn
thân phiêu lưu vào cách viết mới, vẫn không tạo ra được một dòng văn học mới có
tính chất chủ lưu (như Thơ Mới 1930-1945). Từ đây, mọi lý luận đều quy về một
vấn đề, đó là tài năng. Không có tài năng sáng tạo cái mới thì văn chương sẽ
vẫn như cũ… Mọi cách tân chỉ là thủ pháp. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi tổng kết tọa
đàm “Thơ trẻ: truyền thống và cách tân”trong
Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX nói rằng: “Thơ là
những bông hoa nảy nở từ tâm hồn. Nếu không phả tâm hồn của mình vào câu chữ
thì mọi cách tân đều vô nghĩa”.
Có
điều bây giờ nhiều người kêu ca quá, rằng văn
chương không còn là ngôi đền thiêng, rằng Thơ bây giờ nhiều quá. Nhà thơ Trần Hoàng Vy phải lên tiếng trong
bài “Tản mạn thơ…Ai cứu thơ”: “Bây giờ... tỏ
tình chẳng ai thèm đọc thơ, bắt chước thơ. Gặp nhau nhậu nhẹt, ai muốn đọc thơ
phải bỏ tiền ra trả..”.nhuận nghe”cho người nghe. Thơ bị xô đẩy, hắt hủi như
con... ghẻ./ Ôi! Cái thời hoàng kim, oanh liệt của thơ nay còn đâu? Ai sẽ thay
mặt văn đàn và thi ca cả nước trả lời đúng cho độc giả, cứu vớt cho Thơ khỏi bị
hàm oan. Hội đồng Thơ ơi hãy cứu lấy thơ?..”.[7]
Nhà
văn Tạ Duy Anh than thở:”Có tới cả năm
trời tôi chỉ cứ loanh quanh bởi câu hỏi: Viết nữa hay không viết nữa? Không
viết hay là viết? Viết hay thôi? Thôi hay viết”.Tôi
nghĩ, đó là bi kịch của nhà thơ nhà văn
trong nền kinh tế thị trường. Nhà văn Việt Nam đã sống và viết cho những mục
đích cao cả của dân tộc. Cách nghĩ, cách viết của giai đoạn trước đã thành nếp.
Văn chương được giao nhiệm vụ gánh vác trọng trách trong sự nghiệp Cách mạng.
Nay chuyển sang kinh tế thị trường, văn chương trở thành một loại hàng hóa, chi
phối bởi luật cung cầu, phải đáp ứng nhu cầu của các khách hàng (là “thượng
đế”), mà “thượng đế”bây giờ thì… chỉ thích văn chương giải trí, nhẹ nhàng, lãng
mạn (tiểu thuyết ngôn tình lên ngôi là vậy). Lưu ý rằng, giải trí cũng là một
nhu cầu tinh thần, điều này nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh làm nên chuyện. (Xin đọc bài: “Nguyễn Nhật Ánh hút hàng ngàn bạn đọc
tới phố Đinh Lễ”: Báo Tuổi Trẻ online đưa tin: “Từ 8g ngày 28-2-2016, hàng
nghìn độc giả đã xếp hàng dài kín phố Đinh Lễ, Hà Nội để mua tập truyện dài
mang tên Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng và xin chữ ký nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh”
Văn
chương 2016 yên ả vì đã vơi bớt những chuyện lùm xùm (so với những năm trước).
Nhưng cũng còn vài chuyện con con. Hà Yên đặt vấn đề Lã Nguyên đạo văn, báo chí
cũng đặt vấn đề hai Tác phẩm “Chim
ưng và chàng đan sọt”của Bùi Việt Sỹ và “Sương mù tháng giêng”của
Uông Triều “cuốn nào đạo cuốn nào?”vụ tranh chấp bản quyền bài thơ Đừng tưởng giữa
ông Trần Văn Sỹ và ông Hà Sỹ Liêm…các sự việc trên không gây ra hậu quả gì đáng
tiếc.
Tuy
nhiên bản quyền cuốn
sách "Quà cho con”được 550 triệu đồng thì gây xôn xao dư luận.
Đây là cuốn sách của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, người đang công tác tại Bộ Văn hoá Thể
thao và Du lịch, là thư ký của Thứ trưởng Vương Duy Biên. Người ta lên tiếng vì giá trị nghệ thuật của cuốn sách
này. Nhân chuyện Quà cho con, nhìn vào Hội
sách thành phố Hồ Chí Minh năm 2016, ta thấy gì về sách văn chương? về các tác
giả viết văn “truyền thống”? Vanvn.net đưa tin: Hội sách năm 2016 có 710 gian hàng, tăng khoảng gần 40% so với Hội sách
lần VIII-2014; với sự tham gia của 172 Nhà xuất bản, các công ty phát hành và
truyền thông văn hoá trên cả nước, cùng 36 Nhà xuất bản nước ngoài, 300.000 tựa
sách với hơn 30 triệu bản in được trưng bày. Số lượt người đến với Hội
sách: hơn 1 triệu lượt, tăng hơn 20% so với Hội sách lần VIII”.
Dù
rằng Hội chợ sách chỉ phản ánh cách đọc sách của một bộ phận bạn đọc, và cho
biết thông tin về một số tác giả có sách best-seller, dù sao đó cũng là một
kênh thông tin đáng suy gẫm. Đó là vấn đề Văn
chương và thị trường.
NIỀM
HY VỌNG
Phải chờ hàng thập kỷ, văn chương mới đơm hoa kết trái.
Những đợt tập huấn của Hội đồng LLPB VHNT
trung ương, những Hội nghị Lý luận
phê bình, Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc hôm nay, rồi sẽ gặt được những mùa vàng.
Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Tiến Thụy,
Phong Điệp... trước kia là những nhà văn trẻ, giờ họ đang trở thành những người
gánh vác trọng trách của Văn học Việt Nam… Nghĩ như vậy, tôi có quyền hy vọng.
B.C.T