(Nguồn: VNĐN số 19 - tháng 5 & 6
năm 2017)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Quốc Văn - Trưởng
Ban Nhiếp ảnh là đại biểu duy nhất của Hội VHNT Đồng Nai may mắn được tham gia
đoàn đại biểu của tỉnh đi thăm và tặng quà cho quân và dân quần đảo Trường Sa đầu
tháng 4/2017. Nhân sự kiện đặc biệt này, nghệ sĩ đã giành cho Tạp chí Văn Nghệ
buổi trò chuyện nho nhỏ.
NSNA Nguyễn Đình Quốc Văn (phải) trên đảo Đá Tây A
- VNĐN: Chào anh Quốc
Văn. Anh về hơn tháng rồi. Chuyến đi biển đảo có còn đọng lại gì trong anh, hay
là đã… quên mất tiêu?
- QV (Cười): Làm sao quên được. Ấn
tượng quá đặc biệt mà.
- VNĐN: Trước
đó anh đã bao giờ ra biển đảo chưa?
- QV: Tôi cũng từng đi tác nghiệp cùng
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh ở đảo Thổ Chu, đảo Hòn Tre - Kiên
Giang, đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi. Nhưng mấy đảo đó xa nhất cũng chỉ khoảng 100 hải
lý (mỗi hải lý khoảng 1.7km). Bây giờ mới lần đầu được ra Trường Sa.
- VNĐN: Hỏi thật, anh ra đảo, Chị
nhà và các cháu mừng hay… lo?
- QV: Mừng chứ. Vì đâu phải ai cũng có
may mắn được ra đảo như mình. Nhưng cũng hơi lo vì… chưa bao giờ ra đảo xa.
Lo sóng to, gió lớn, lo gặp sự cố… Lênh đênh giữa biển trời mấy ngày mà.
Nhưng nói chung, tôi và vợ con chuẩn bị tâm lý rồi.
- VNĐN: Chuyến đi của anh cụ thể
đã diễn ra như thế nào?
- QV: Trước khi lên đường 1 ngày, toàn
đoàn Đồng Nai 6 người do anh Phạm Văn Ru - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm trưởng
đoàn, tập trung nghe “quán triệt”. Không được mang theo chất nổ xuống tàu. Tuyệt
đối bảo mật thông tin. Báo chí, ngay cả cánh “phó nháy” như tôi muốn tác nghiệp
cũng chỉ có mức độ và phải được Ban tổ chức cho phép. Đoàn mang theo tiền và
quà để tặng quân và dân các đảo. Cùng đi còn có nhiều đoàn của các tỉnh bạn
như Bến Tre, Gia Lai, Khánh Hòa và các tỉnh phía Bắc, tổng cộng 260 người. Tỉnh
Khánh Hòa mang theo cả một đội văn nghệ. Tàu khởi hành lúc 7g30 ngày 6-4-2017 từ
bến cảng của học viện Hải quân Nha Trang. Con tàu HQ 561 có chiều dài 71m,
ngang 13m, chịu đựng được sóng gió cấp 8.
- VNĐN: Ấn
tượng của anh về ngày đầu tiên trên biển?
- QV: Nắng!
Nắng lắm. Và nóng. Nắng chói chang, nóng thiêu đốt. Nước biển mặn nên
không có hơi mát. Được cái biển khá êm, sóng không lớn. Thức ăn trên biển
chủ yếu là đồ đông lạnh nhưng cũng ngon. Hai, ba buồng chung một phòng ăn.
Tuy ngồi vào bàn ăn có hơi bị sóng lắc lư đôi chút nhưng nói chung, vẫn ổn (cười).
- VNĐN: Các anh ra thẳng đảo Trường
Sa?
- QV: Hòn đảo đầu tiên chúng tôi
đến là Song Tử Tây, cách bờ khoảng 340 hải lý. Lúc đó đã gần tối. Nhưng tàu
phải neo lại, không ai được lên đảo vì lý do an ninh. Đoàn ngủ đêm trên tàu. Tất
cả các đêm sau cũng vậy. Sáng ngày 8/4, tôi là một trong những người được “ưu
tiên” xuống xuồng cao tốc chuyến đầu tiên vào đảo để kịp tác nghiệp. Song Tử
Tây là đảo nổi. Trên đảo, các con đường đã trải bê tông. Ở đây cũng như những
đảo nổi khác đều trồng được rau xanh, đảo nhỏ ít đất thì trồng rau trong xô chậu
nhựa, có những vườn đu đủ trái rất sai, chuối cũng có. Bộ đội và nhân dân còn
nuôi được heo, gà, vịt, vì thức ăn trên đảo không dồi dào như trên đất liền. Nước
ăn chủ yếu là nước mưa được tích trữ trong các bồn chứa. Bây giờ tuy nước ngọt
không đến mức phải chắt mót từng ca như trước vì có tàu tiếp tế, nhưng tinh thần
chung là vẫn phải tiết kiệm.
Các đại biểu cùng anh em hải quân chào cờ, hát
quốc ca, gặp gỡ, giao lưu, tặng quà. Lần đầu tiên hát quốc ca trên đảo
cảm xúc rất đặc biệt, không giống như khi mình hát trên đất liền. Đảo
rất ít dân nhưng cũng có trường mẫu giáo, tiểu học, sau 5 năm ở đảo thì
trẻ em được đưa vào đất liền để học tiếp. Chúng tôi đi thăm ngọn hải đăng.
Điều đặc biệt là ở Song Tử Tây và nhiều hòn đảo khác có tượng Đức
ông Trần Hưng Đạo rất bề thế và đẹp. Bức tượng uy nghiêm, như một
lời nhắc nhở con cháu hãy nối bước ông cha bảo vệ biển trời thiêng
liêng của Tổ quốc.
Từ Song Tử Tây, tàu hành trình đến đảo
Sơn Ca. Đây cũng là đảo nổi. Trên đảo mọi thứ khá giống Song Tử Tây
nhưng khác một điều là có khu tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp
ngoài trời, bức tượng bán thân bác Giáp rất đẹp, nhìn ra biển xanh bao
la. Chúng tôi chỉ thăm đảo được một lúc rồi qua đảo Sinh Tồn. Từ đảo
Sinh Tồn, ngày 9/4 tàu đến đảo Len Đao, từ đây có thể nhìn thấy đảo
Gạc Ma. Ngày 10-4, chúng tôi đến đảo Núi Le A&B rồi qua mấy đảo
chìm như Tốc Tan, Phan Vinh B. Sáng ngày 11/4, đoàn lên đảo Đá Tây, buổi chiều
thăm đảo Trường Sa Lớn. Ngày 12/4 đoàn lên nhà dàn DK1. Trước đây nhà
dàn ĐK1 bé tí tẹo, bị cơn bão Chanchu dữ dằn húc đổ. Bây giờ ĐK1 đã
xây lại rất hoành tráng, toàn bộ kiến trúc bằng khung thép, trên nóc
có chỗ cho trực thăng đậu, Nhà dàn ĐK1 được coi như “trạm gác” trên biển, từ
đây có thể kiểm soát tất cả các tàu thuyền qua lại.
- VNĐN: Đi liên tục như vậy, thời
gian nào anh tác nghiệp?Anh “gặt hái” có khá không?
- QV: Rất tiếc là thời gian lênh
đênh trên tàu tôi có được chứng kiến bình minh lên nhưng đều trúng hôm
thời tiết không đẹp. Hơn nữa, xung quanh chỉ có biển trời, thiếu điểm
nhấn cho người cầm máy. Vì lý do an ninh, trên đảo chủ yếu tôi chỉ chụp
kiến trúc, cảnh quan, ghi lại hình ảnh các đoàn tặng quà, giao lưu với bộ đội
và các gia đình trên đảo. Đến nơi nào bộ đội hải quân, nhân dân trên đảo cũng
ùa ra đón chúng tôi, tay bắt mặt mừng, như đón người nhà. Rất cảm động. Khi đi
qua đảo Núi Le A, đúng thời điểm nước ròng, tàu không vào đảo được, đoàn phải gửi
quà cho đảo Núi Le B chuyển giùm. Trường Sa là hòn đảo lớn nhất, được thành lập
thị trấn Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tuy mỗi nơi đoàn chỉ ghé được một vài
giờ đồng hồ rồi lại đi nhưng khi chia tay ai cũng bịn rịn.
- VNĐN: Việc sinh hoạt, ăn nghỉ của
các anh ra sao?Vui hay buồn?
- QV: Đi trên tàu những ngày đầu dĩ
nhiên là vui. Nhiều đoàn, nhiều địa phương cùng đi nên thoải mái giao lưu. Hát
hò tưng bừng. Và… nhậu. Đoàn nào cũng mang theo rất nhiều rượu đặc sản của quê
hương. Đoàn Gia Lai mang rượu Ngọc Linh, bia, Đoàn Đồng Nai thì mang rượu mật
nhân, hạt điều. Đoàn Bến Tre xứ dừa thì khỏi nói, rượu, “mồi” lu bù. Tàu chạy
tà tà, mỗi giờ chỉ được khoảng 10 hải lý. Xung quanh trời nước, chẳng biết làm
gì nên anh em “tám” chán lại… nhậu. Tôi phải trốn mấy ông bạn nhậu bằng cách
leo lên boong tàu ngắm cảnh. Phòng tôi lại xui, ti vi bị hư, sim Viettel không
đăng ký nên không dùng được. Lên đảo tôi phải mượn điện thoại gọi về nhà. Cũng
vì ngồi phơi nắng trên boong suốt chuyến đi mà hôm về tôi đen cháy, vợ con nhìn
không ra…
- VNĐN: Điều gì đọng lại trong anh
sau chuyến đi “lịch sử”?
- QV: Càng đi xa, càng thấy
yêu quê hương, đất nước của mình. Và càng cảm phục những
người đang trực tiếp giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ đất liền ra khoảng 200 hải lý là vùng biển thuộc Việt Nam, không ai có thể
chối cãi. Nhưng ngoài giới hạn đó ra là vùng biển chồng lấn, luôn có sự
tranh chấp quyết liệt giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ. Bất cứ lúc
nào cũng có thể xảy ra đụng độ. Chuyện đảo Gạc Ma là một ví dụ. Ai ra đảo
mới biết áp lực đè nặng và tinh thần hy sinh, vượt mọi khó khăn để giữ vững chủ
quyền biển đảo của những người lính là như thế nào. Thật đáng để cảm phục. Cứ
hình dung, mình chỉ ra đảo có vài ngày mà còn thấy buồn, tù túng và rất nhớ đất
liền, nhớ gia đình, vợ con. Còn anh em quanh năm phải sống giữa biển khơi, chỉ
có trời và nước, thiếu thốn, cực khổ trăm bề. Có người giành cho biển đảo
hết cả tuổi thanh xuân của mình. Tôi hay nhìn lên chòi canh, lúc nào cũng
thấy một bóng người trên đó, nắng cũng như mưa. Vừa thương các anh, vừa xúc động
trước tình yêu biển đảo và ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc và nhân dân của họ.
Tôi thấy biển đảo của mình rất nhiều tiềm
năng. Có những đảo san hô nổi lập lờ trên mặt nước, kéo dài vài chục cây số, có
thể xây nguyên một thành phố trên biển rất đẹp! Tôi muốn tất cả chúng ta
giành cho những người đang giữ gìn biển đảo tình cảm và sự quan tâm nhiều
hơn nữa, để xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của họ.
VNĐN: Cám ơn
anh.
VNĐN