Thy Đường
(Nguồn:
VNĐN số 23 – tháng 01 & 02 năm 2018)
Theo sử sách viết về
nhà Tây Sơn, Đặng Trần Thường là một danh sĩ Bắc Hà. Lúc Ngô Thời Nhậm được Vua
Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ
khúm núm của Thường, cho rằng Thường làm mất phong độ của kẻ sĩ Bắc Hà, Nhậm
quát lên:
- Ở đây cần dùng người
vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì
ngươi đi nơi khác.
Đặng Trần Thường hổ
thẹn ra về, rồi khăn gói vào Nam theo phò Nguyễn Phúc Ánh, mang trong lòng nỗi
căm giận đối với Ngô Thời Nhậm.
Sau khi nhà Nguyễn tiêu diệt được quân Tây
Sơn, ngoài việc Gia Long Nguyễn Ánh trả thù dòng tộc thân thuộc của vua Quang
Trung và các vị võ tướng thân cận của Ngài (như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu...),
một số quan văn cũng bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu,
trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thời Nhậm. Người chủ trì cuộc hành phạt đó lại
là Đặng Trần Thường, đúng là oan gia ngõ hẹp.
Trong lòng vẫn còn nhớ
thù xưa bị Nhậm đuổi về, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế đối cho Ngô Thời Nhậm:
- AI CÔNG HẦU AI
KHANH TƯỚNG, TRONG TRẦN AI AI DỄ BIẾT AI. (Ra điều nói rằng ngày xưa ngươi là
khanh tướng công hầu nhưng chưa hẳn ngươi giỏi hơn ta, bằng chứng là bây giờ
ngươi phải quỵ lụy dưới chân ta)
Ngô Thời Nhậm đáp ngay:
- THẾ CHIẾN QUỐC THẾ
XUÂN THU, GẶP THỜI THẾ THẾ THỜI PHẢI THẾ. (Ý nói rằng thế thời Chiến quốc, Xuân
thu, gặp thời thế thì đành phải thế chứ không phải ngươi giỏi hơn ta, đừng vội
kiêu ngạo).
Câu đối thật chuẩn cả ý lẫn từ, tỏ rõ khí phách hiên ngang của Ngô Thời
Nhậm, chê bai Đặng Trần Thường chẳng qua chỉ là kẻ tiểu nhân đắc chí.
Vế đối của Ngô Thời
Nhậm càng làm tăng cơn giận của Đặng Trần Thường, ông ta sai tẩm thuốc độc vào
roi để đánh Ngô Thời Nhậm. Sau trận đòn, thuốc độc ngấm vào tạng phủ, Ngô Thời
Nhậm qua đời trong khi Phan Huy Ích vẫn còn sống do roi đánh ông không tẩm
thuốc độc.
Trước khi qua đời, Nhậm
có làm một bài thơ gửi cho Đặng Trần Thường:
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường
Nghĩa là: Thương
thay Đặng Trần Thường. Nay quyền thế lắm đấy nhưng khác nào như chim yến làm tổ
trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Ngươi sẽ giống như Hàn Tín giúp
Hán Cao Tổ dành giang sơn, bị Lữ Hậu (vợ Hán Cao Tổ) giết thảm ở cung Vị Ương.
Kết cục của ngươi rồi cũng như thế thôi.
Quả nhiên, sau này
bài thơ ứng nghiệm, Thường bị vua Gia Long kết tội chết nhưng nghĩ đến công cán
của ông nên tha giết, giam trong ngục, cuối cùng cũng bị quan coi ngục giết chết.
Trong
câu chuyện có hai cơn giận. Cơn giận của Ngô Thời Nhậm
xuất phát từ sự kiêu mạn của bản thân, sợ rằng thái độ qụy lụy của Đặng Trần
Thường sẽ làm ảnh hưởng đến sự đánh giá của vua Quang Trung đối với các danh sĩ
Bắc Hà (bởi Nhậm cũng là một
trong số đó) nên mới nặng lời mắng Đặng Trần Thường. Cơn giận của Đặng
Trần Thường cũng do tự ái cá nhân khi bị Nhậm đuổi về, nuôi giận trong lòng,
khi có cơ hội bèn ra tay trả thù.
Trước khi xử phạt Nhậm,
Thường kiêu hãnh ra vế đối cho Nhậm để chứng tỏ ta mới thật tài giỏi, lúc đó
ngươi không tiến cử ta là một sai lầm. Thiết nghĩ, nếu như Nhậm không đối được
vế đối của Thường, lòng kiêu hãnh của Thường được thỏa mãn thì chắc là Nhậm sẽ
như Phan Huy Ích, thọ hình mà vẫn giữ được mạng sống. Nhưng Nhậm quả không hổ
danh tài hoa, ông đã đối rất chuẩn với phong thái hiên ngang của kẻ sĩ, thể hiện
tinh thần “Uy vũ bất năng khuất” (quyền thế không làm ta khuất phục), câu đối của
ông khiến Đặng Trần Thường càng sinh lòng đố kỵ, quyết hại chết Ngô Thời Nhậm.
Nhưng khi Ngô Thời Nhậm
sắp qua đời, chẳng biết có sinh lòng oán hận hay không khi ông viết bài thơ gửi
Đặng Trần Thường nói rằng rồi sau này ông ta sẽ như Hàn Tín cũng bị giết chết
mà thôi.
Nếu là sân hận thì
bài thơ trở thành lời nguyền rủa. Còn không thì đó là lời cảnh báo đối với Đặng
Trần Thường biết thời thế thì hãy lui về ở ẩn như Trương Lương (quân sư của Lưu
Bang Hán Cao Tổ), nếu không thì sẽ như Hàn Tín.
Trong Kinh Phật đảnh
Tôn Thắng Đà ra Ni, Phật dạy rằng: Trong 10 nghiệp ác, khẩu nghiệp rất mãnh liệt,
phải biết lời ác còn quá hơn lửa dữ. Lửa dữ chỉ đốt tiêu tài sản, vật báu thế
gian nhưng lửa giận ác khẩu sẽ đốt cháy cả rừng công đức.
Giá như Nhậm bao dung
hơn, thấu hiểu nhân tình hơn, thì không quát mắng Thường mà chỉ cần nhẹ nhàng từ
chối theo cách xử thế bình dị của dân gian Việt Nam: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa
lòng nhau” thì chắc sẽ không gây thù chuốc oán với Thường.
Giá như câu đối của
Nhậm làm cho Đặng Trần Thường thay vì oán hận mà sinh lòng quý mến kẻ tài hoa
thì ắt hẳn ngày nay chúng ta còn có thêm nhiều áng văn tuyệt tác nữa của hai vị
danh sĩ Bắc Hà này.
Nhưng lịch sử không
có chuyện “giá như”. Lời nói đã thốt ra không thể thu lại được, đừng ngụy biện
rằng tôi khẩu xà tâm Phật, bởi sự tổn thương từ ác khẩu gây ra cho kẻ khác đã đọng
lại không phai trong lòng đối phương.
Quả là “Miếng ngon nhớ
lâu, lời đau nhớ đời”.
Xem chuyện người xưa
để tự răn mình, nếu không là bạn thì chớ để thành thù.
Bởi thế, trải qua biết
bao kinh nghiệm sống, cha ông ta đã đúc kết thành cả một kho tàng ca dao, tục
ngữ để lưu truyền và răn dạy con cháu đời sau cách đối nhân xử thế, trong đó lời
ăn tiếng nói của con người trong giao tiếp rất được xem trọng, điển hình như:
- “Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
- Một câu nhịn, chín câu lành
- “Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”
- Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời.
T.Đ