Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LẠM BÀN VỀ NHỮNG HẠT SẠN VĂN HÓA CẢN TRỞ DU LỊCH


Mai Phương

(Nguồn: VNĐN số 12 – tháng 03 & 04 năm 2016)

 

Văn hóa và du lịch có mối quan hệ khá khăng khít, luôn tác động qua lại trong quá trình phát triển. Ảnh hưởng của văn hóa đối với du lịch luôn có hai chiều tích cực và tiêu cực.

Với 54 cộng đồng dân tộc trải dài khắp đất nước, nền văn hóa Việt Nam rất đa dạng, phong phú, tạo nên điểm mạnh và sự khác biệt đối với các quốc gia trong khu vực. Trên 4 vạn di tích lịch sử, khoảng 3.000 di tích cấp quốc gia đã được xếp hạng, khoảng 3.000 làng nghề truyền thống, trên 1.000 lễ hội đang hoạt động, 10 di sản văn hóa được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới (Gồm Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam bộ, Ví dặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co) và hoạt động văn hóa dân gian, ca múa nhạc dân tộc truyền thống (rối nước, chèo, tuồng cổ, phong tục tập quán...) là nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc của đất nước.

Untitled-1.jpg

 

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch, tổng lượt du khách quốc tế đến Việt Nam tính đến tháng 11/2015 đạt trên 07 triệu lượt, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời thông tin từ Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU), công bố kết quả khảo sát khách du lịch tại năm điểm chính: Sapa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An cho rằng có đến 90% du khách lần đầu tiên tới mảnh đất hình chữ S, số du khách quay lại các điểm du lịch rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%. Điều này khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, lo lắng đối với tương lai của du lịch nước nhà.

“Sợ” là câu trả lời của một du khách nước ngoài khi được hỏi về cảm nghĩ sau chuyến du lịch tới Việt Nam. Chắc hẳn sẽ có phần tự ái khi nhận câu trả lời từ một du khách như vậy, bởi ta luôn tự hào về một Việt Nam với chính trị ổn định, những thắng cảnh đẹp, những di tích lịch sử hào hùng, những món ăn ngon, những lễ hội truyền thống đặc sắc... Ấy vậy mà suy xét kỹ hơn, có lẽ phải cảm ơn người bạn ấy. Sự thật lòng, nhiệt tình của người bạn khiến người nghe tự cảm thấy mình có lỗi, du lịch mình có lỗi với du khách. Mà lỗi ở đây là”lỗi văn hóa” nhiều hơn”lỗi du lịch”.

Tính cách người Việt

Truyền thống hay bản sắc văn hóa là khái niệm tưởng như khó hình dung, nhưng hàng ngày hàng giờ vẫn hiển hiện rõ nét trong mỗi cá nhân. Nước ta nằm ở khu vực Đông Nam Á, văn hóa gốc nông nghiệp, tính cộng đồng làng xã cao, thuộc loại hình văn hóa trọng âm, trọng tĩnh, cách nghĩ, cách làm của người dân cũng linh hoạt, uyển chuyển, hài hòa, bao quát. Ở đây chỉ xét ở khía cạnh khiếm khuyết, hạn chế trong tính cách, suy nghĩ và việc làm người Việt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch hiện tại.

Ông bà xưa có câu”Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” quả không sai. Người Việt trọng tình làng nghĩa xóm, tinh thần tập thể cao, làm gì cũng cần có tập thể, trọng thể diện. Nhưng điều này lại là nguyên nhân nảy sinh bệnh”ai sao mình vậy"; bệnh vô cảm, chặt chém; bệnh phong trào, hình thức. Thế mới có chuyện đua nhau làm du lịch, khiến sản phẩm du lịch bị trùng lắp, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Chưa kể đến nạn chặt chém, chèo kéo, lừa gạt, đối xử tệ với du khách. Rất nhiều trường hợp du khách bị níu lại, kéo áo lại, được”mời” mua đồ, bị dọa nạt nếu không chịu mua; hoặc mua đồ rồi không được nhận lại tiền dư; bị móc túi, giựt đồ; phải đi taxi lòng vòng với giá cao; bị nhồi nhét trên xe khách, tàu du lịch; giao thông thì như mắc cửi, mạnh ai nấy đi, nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên. Cũng có thể do tính tương thân tương ái nhiều quá nên xuất hiện nhiều ăn xin, bán hàng rong, bán vé số. Suy đi xét lại thì”cộng đồng quá lại hóa cá nhân”, những chủ nhân của các”căn bệnh” kia đều vì lợi ích cá nhân nhiều hơn cộng đồng mà thể hiện trong hành vi, việc làm.

Phi giá trị trong văn hóa trọng”âm

Thứ đến là văn hóa trọng âm, ưa ổn định, mong muốn sự hài hòa, sức chịu đựng cao. Vì thế mới có bệnh thiếu tầm nhìn, thụ động, thiếu bản lĩnh, xuề xòa, đại khái… Thế mới có việc làm du lịch tự phát, không chiến lược kinh doanh, sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, chưa khai thác hết tiềm năng hay chưa liên kết để cùng phát triển. Nhân lực du lịch được đào tạo chủ yếu trên lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, dẫn đến quá trình làm việc sau đào tạo chưa hiệu quả, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng, giao tiếp chưa tốt, chưa hiểu tâm lý du khách… Bên cạnh đó, "nhiều rác” và "ít nhà vệ sinh” là những vấn đề nổi cộm. Du khách có khi phải đi trên rác, ngồi trên rác,”ngắm rác. Họ không được sử dụng nhà vệ sinh khi cần, hoặc có nhà vệ sinh thì lại "không hợp vệ sinh”.

“Chín bỏ làm mười”, "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hay "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy…”, người Việt ta từ xưa đến nay được coi là có khả năng thích nghi cao, sáng tạo, báo biến. Tuy nhiên những giá trị tốt đẹp này lại nảy sinh thói tùy tiện, cẩu thả, thiếu ý thức pháp luật. Vụ việc Chìm tàu du lịch Dìn Ký tại Bình Dương, tại Hạ Long năm 2011 khiến du khách thiệt mạng là những vụ việc điển hình. Nguyên nhân chủ yếu là do thủy thủ đoàn đã chủ quan trong việc kiểm tra thiết bị máy móc, trong điều khiển phương tiện, trong cách xử lý tình huống ứng cứu khi gặp nạn…

Tất cả những "lỗi” trên, du khách là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. "Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa”, du lịch cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bản thân văn hóa từ khi hình thành, tồn tại và phát triển đã mang trong mình những giá trị và phi giá trị nhất định. Mỗi khu vực khác nhau trên thế giới có những đặc điểm văn hóa khác nhau. Không thể phủ định những giá trị của văn hóa đối với du lịch. Những công trình kiến trúc, những di tích khảo cổ học, những loại hình nghệ thuật truyền thống, những lễ hội, ẩm thực, phong tục tập quán tốt đẹp… tất cả đều có sức hút vô hình đối với du khách. Tuy nhiên, những "hạt sạn” trong nếp sống văn hóa của người Việt đang là rào cản của du lịch trong thời kỳ hội nhập. Do vậy, để thúc đẩy du lịch phát triển, trước hết phải nâng tầm văn hóa của mỗi cá nhân.

M.P

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​