TS. Nguyễn Thị Nguyệt*
(Bài tham luận tham gia Tọa đàm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Đồng Nai trong thời kỳ đổi mới và hội nhập do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức)
1. Tổng quan về gia đình ở Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có lịch sử khai phá hình thành cách nay tròn 325 năm. Đồng Nai có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số, ngoài ra còn có các tộc người thiểu số như: Chơro, Mạ, Stiêng, Cơho, Khmer, Hoa, Nùng, Tày, Mường, Chăm… Người Đồng Nai với đặc trưng văn hóa của Nam Bộ với tính cách phóng khoáng, hệ tưởng nền tảng phương Đông song có hội nhập văn hóa phương Tây. Cư dân Đồng Nai phần lớn theo tín ngưỡng dân gian; số còn lại theo Phật giáo và Thiên Chúa giáo, một số theo các tôn giáo khác như: Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo... Cư dân Đồng Nai gồm các kiểu loại gia đình lớn truyền thống trước kia, nay phổ biến là gia đình hạt nhân. Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế công nghiệp ở phía Nam, hiện có gần 40 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Gia đình Đồng Nai đa số sinh sống ở nông thôn với kinh tế nông nghiệp, nay dần tập trung ở thành thị với kinh tế buôn bán, làm công chức viên chức, công nhân khu công nghiệp.
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là môi trường quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục, hình thành nhân cách con người, là nơi bảo tồn và phát huy truyền thống gia đình tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ xã hội. Theo kết quả thống kê dân số và nhà ở Việt Nam ngày 01/4/2019, Đồng Nai hiện có 871.000 hộ gia đình với hơn 3,1 triệu người. Gia đình Đồng Nai hiện nay phổ biến là gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái.
Trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã nêu: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cần đề ra phương hướng và có biện pháp tổ chức thực hiện về xây dựng gia đình văn hóa mới, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Nâng cao trình độ tự giác xây dựng những quan hệ tình cảm, đạo đức trong từng gia đình, bảo đảm sinh đẻ có kế hoạch và nuôi dạy con ngoan, tổ chức tốt cuộc sống vật chất, văn hóa của gia đình".
Các nhà nghiên cứu tham gia Tọa đàm; từ trái sang: GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, TS. Nguyễn Thị Nguyệt (tác giả bài viết), TS. La Mai Thi Gia, ThS. Phan Đình Dũng (ảnh: Nguyễn An)
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình đã được ban hành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, sau những năm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Việc nghiên cứu những giá trị văn hóa gia đình tỉnh Đồng Nai nhằm làm rõ hơn các giá trị như: Gia đình sống chung nhiều thế hệ; Giữ gìn đạo hiếu, truyền thống uống nước nhớ nguồn; Đề cao sự thủy chung của vợ chồng; Gia đình bình đẳng (giữa vợ- chồng, giữa con trai- con gái); Ứng xử, giao tiếp trong gia đình; Giáo dục đạo đức, xây dựng nhân cách con người. Trên cơ sở đó nhằm đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn hiện nay.
2. Giá trị văn hóa gia đình Đồng Nai
Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực có tính đặc thù, điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh cuộc sống của các cộng đồng, các dân tộc và các khu vực khác nhau trong một quốc gia. Văn hóa gia đình cũng được hình thành, biến đổi và phát triển cùng với lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường sống của con người. Vai trò của văn hóa gia đình là duy trì mối quan hệ giữa các thế hệ; giáo dục trong gia đình; giao tiếp và ứng xử văn hóa; hình thành và bảo tồn văn hóa gia đình.
2.1. Gia đình sống chung nhiều thế hệ
Gia đình truyền thống tỉnh Đồng Nai xưa kia thường là gia đình lớn ba bốn thế hệ. Nhiều gia đình cha mẹ sống chung trong một mái nhà, các thành viên trong gia đình luôn gắn bó với nhau, cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Ở những gia đình nhiều thế hệ, vai trò của ông bà cha mẹ khá rõ rệt với việc hỗ trợ giáo dục dạy dỗ con cái trong gia đình. Con cháu có nhiệm vụ ngoan ngoãn vâng lời ông bà cha mẹ dạy bảo.
Trước đây gia đình Việt Nam, trong đó có gia đình Đồng Nai phổ biến tình trạng có nhiều gia đình sống chung một nhà, hay nhiều thế hệ sống chung dưới mái nhà. Hình thành kiểu gia đình ba bốn thế hệ “Tam tứ đại đồng đường". Trong đó, những người con cháu cùng sống chung, cùng ăn ở lo toan cho ông bà cha mẹ đến khi qua đời. Nhà có người già như bóng cây cổ thụ che mát cả đại gia đình. Hoặc con cháu nhờ vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của ông bà cha mẹ, khi vợ chồng trẻ quá tất bật không có thời gian chăm sóc cho con cái một cách tốt nhất. Đặc biệt, địa bàn Đồng Nai là địa phương phát triển công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực lớn từ nhiều địa phương trong cả nước đến làm ăn, sinh sống. Do vậy, việc cần có cha mẹ hoặc ông bà còn khỏe mạnh đến ở chung với gia đình trẻ hỗ trợ trong việc coi sóc nhà cửa và con cháu để người trẻ yên tâm lao động tại công ty, xí nghiệp… Mặt khác, người già cuối đời sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được sống chung với con cháu trong nhà. Người Việt Nam vẫn chưa quen gửi cha mẹ già vào nhà dưỡng lão trừ trường hợp bất đắc dĩ (vốn phổ biến ở xã hội phương Tây).
Ngày nay, gia đình Việt Nam đang có nhiều sự biến đổi. Trước hết là kiểu loại gia đình hạt nhân ngày càng phát triển, nhưng không vì thế mà loại hình gia đình lớn “tam đại đồng đường", “tứ đại đồng đường" mất đi. Trái lại, nhiều gia đình nhiều thế hệ vẫn sống hạnh phúc, các thành viên trong gia đình chăm sóc lẫn nhau, góp phần lưu giữ những nét đẹp gia đình truyền thống. Nhiều gia đình cha mẹ sống cùng con trai hoặc con gái đã lập gia đình, cuộc sống ba thế hệ hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc.
Đa phần gia đình lớn đều là những gia đình gương mẫu, tiêu biểu, luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước; con cháu ông bà sống nhân nghĩa, các cháu đều học hành và có công ăn việc làm ổn định. Gia đình lớn còn tích cực tham gia đóng góp phong trào xây dựng nông thôn mới, ủng hộ xóm xây dựng nhà văn hóa, nghĩa trang, đường giao thông, xây dựng xóm làng xanh, sạch, đẹp…
Nhiều gia đình ở Đổng Nai được tuyên dương điển hình trong những năm qua đều là những gia đình có nhiều thế hệ sống với nhau đầm ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cháu thành đạt. Họ là tấm gương về sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, về sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của mỗi người, mỗi gia đình trong xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp.
Gia đình anh Trần Tuấn Dũng và chị Nguyễn Thị Hoàng Linh ở khu phố 3, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu được tuyên dương ngày Gia đình Việt Nam có ba thế hệ chung sống, song gia đình anh chị lúc nào cũng trên dưới thuận hòa. Nhiều năm liền gia đình anh Dũng được công nhận gia đình văn hóa nhờ có lối sống, ứng xử giản dị, hòa đồng, tích cực tham gia hoạt động phong trào của địa phương.
2.2. Giữ gìn đạo hiếu, truyền thống uống nước nhớ nguồn
Truyền thống uống nước nhớ nguồn, thờ kính ông bà Tổ tiên là đạo hiếu của gia đình Việt Nam. Gia đình Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu hoặc theo tôn giáo nào1 cũng không thể không thực hành đạo hiếu thờ kính ông bà tổ tiên trong gia đình, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người phương Đông.
Con cháu thể hiện sự hiếu kính trong việc chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ khi họ lớn tuổi; lúc họ yếu đau, bệnh tật và sự thuận thảo khi sống cùng nhau trong một mái nhà. Đạo hiếu còn được thể hiện qua việc giáo dục con cháu biết ơn ông bà, cha mẹ không chỉ có công lao sinh thành dưỡng dục mà còn lao động vất vả, gầy dựng sự nghiệp tạo nên gia sản, cơ nghiệp của gia đình để lại cho con cháu.
Việc thể hiện đạo lý uống nước nước nguồn được thực hành với những lễ kỷ niệm vào ngày sinh khi họ còn sống (mừng thọ) và ngày mất (giỗ chạp). Tùy điều kiện kinh tế và thân thế của người lớn tuổi mà con cháu tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ quy mô hay đơn giản vào những năm chẵn tròn trên 60 tuổi. Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có các lễ cúng mừng thọ vào các tuổi chẵn tròn từ 61 tuổi trở lên.
Khi cha mẹ qua đời, ngoài những nghi thức tang lễ thể hiện đạo hiếu với cha mẹ, người dân Đồng Nai còn có những tục lệ hết sức truyền thống (giữ lấy lề thói cũ). Ông Phan Văn Cải ấp 2, Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã để râu tóc dài không cạo trong suốt thời gian ba năm để tang cha (là ông Phan Văn Đượng) với ý nguyện cho trọn đạo hiếu của người con khi cha qua đời. Đây cũng là dấu hiệu báo cho mọi người biết ông đang để tang cha. Một hành vi hết sức truyền thống nhưng đầy nhân văn còn được một bộ phận nhỏ người dân tại các làng quê ở Đồng Nai lưu giữ trong đời sống hiện đại.
Điều 317 Bộ Luật Hồng Đức2 cũng quy định: “Người nào đang có tang cha mẹ hoặc tang chồng mà lại lấy chồng hoặc cưới vợ thì bị xử tội đồ, người khác biết mà vẫn kết hôn thì xử biếm ba tư và đôi vợ chồng mới cưới phải chia lìa" 3. Người Việt và người Hoa ở Đồng Nai cũng duy trì các tục lệ xưa trong thời gian để tang cha mẹ như kiêng kỵ không cắt tóc, không qua nhà người khác, không tiệc tùng, không cưới vợ, gả chồng cho con trong thời gian có tang... Ngày nay những lễ tục này phần nào đã biến đổi theo cuộc sống hiện đại.
Đồng Nai hiện có khoảng 11 tôn giáo (chủ yếu Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Hòa Hảo, Cao Đài…) với gần 2,3 triệu tín đồ chiếm khoảng 70% dân số của tỉnh (năm 2021)4. Dù gia đình theo tín ngưỡng dân gian hay theo tôn giáo nào thì hầu hết trong ngôi nhà cũng thường có bàn thờ cha mẹ, ông bà Tổ tiên đã qua đời. Gian thờ ông bà tổ tiên thường được bố trí ở không gian trang trọng và linh thiêng nhất. Tùy theo tín ngưỡng tôn giáo của gia đình mà việc bài trí di ảnh, ảnh thờ của ông bà cha mẹ trong từng gia đình có khác nhau.
Ngày giỗ kỷ niệm ngày mất của ông bà, cha mẹ, con cháu tụ tập về chế biến, bày biện mâm lễ vật cúng lễ và tổ chức ăn uống sau khi kết thúc nghi thức cúng giỗ ông bà, cha mẹ. Lịch sử vùng đất Nam bộ gắn với công lao của các bậc tiền nhân đi mở cõi. Vì vậy một số dòng họ ở Nam Bộ còn có tục cúng “việc lề" hay “vật lề", tức là trong lễ vật cúng giỗ nhất định phải có một vài món ăn tiêu biểu, dân dã thời đi khai phá cực khổ hoặc món ăn quen thuộc khi ông bà còn sống. Ví dụ: Món cháo cá ám, cá lóc nướng trui, cốm nổ, thịt kho tàu, canh khổ qua… Con cháu tin rằng cứ thông qua những món ăn quen thuộc đó mà ông bà, Tổ tiên sẽ nhận biết “ký hiệu văn hóa" của gia đình, dòng họ để về dự hưởng.
Mỗi dịp mừng thọ, tang ma, giỗ chạp cũng là lúc con cháu thể hiện lòng thành kính, tri ân và báo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, và tiếp nối gia phong của Tổ tiên. Đây cũng là giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp của người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu và chịu ảnh hưởng (ít, nhiều) của nền văn hóa khác.
2.3. Đề cao sự thủy chung của vợ chồng
Trong gia đình vợ chồng gắn kết yêu thương nhau là điều căn bản. Nếu không có tình cảm yêu thương nhau thì không thể thủy chung, gắn bó với nhau đến trọn đời như những lời chúc tốt đẹp thường được nghe trong đám cưới: “Trăm năm hạnh phúc", “Đầu bạc răng long", “Trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê"… Sự thủy chung của vợ chồng trong gia đình truyền thống luôn được đề cao và được quy định trong các bộ luật từ rất sớm (Luật Hồng Đức thế kỷ XV5, Luật Gia Long thế kỷ XIX…). Hôn nhân truyền thống trước kia ít được tự do tìm hiểu yêu đương giữa nam và nữ (kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy"). Nhưng một khi đã thành vợ chồng được gia đình, dòng họ, làng xã, xã hội thừa nhận thì vợ chồng luôn phải sống chung thủy dù cho “đàn ông năm thê bảy thiếp, nhưng phụ nữ chính chuyên chỉ có một chồng". Người phụ nữ cam chịu những thiệt thòi về quyền lợi, tình cảm, gánh nặng về trách nhiệm, nhiệm vụ trong gia đình chồng (lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng). Có thể nói, sự thủy chung luôn áp đặt cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến mà không đòi hỏi người chồng phải thực hiện đối với người vợ.
Cho đến Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (năm 1959) thì việc đề cao sự thủy chung giữa vợ và chồng qua ràng buộc bởi luật pháp khá bình đẳng “Hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng" hay các nghĩa vụ “Vợ chồng phải lấy tình nghĩa thủy chung mà đối đãi với nhau", “Vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau"... Gia đình Đồng Nai với những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam cũng không thể không hội tụ những giá trị yêu thương thủy chung giữa vợ và chồng.
Gương điển hình của gia đình tiêu biểu ở Đồng Nai khi được chia sẻ như: Sau khi kết hôn, hạnh phúc lớn nhất của gia đình anh chị là đón các con ra đời khỏe mạnh; anh chị nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi. Ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị và ở trường, anh chị đều cố gắng dành thời gian vun vén, giữ lửa mái ấm gia đình. Bởi vậy, càng chung sống, vợ chồng càng hiểu, thông cảm và yêu thương nhau hơn6.
Sự thủy chung của các cặp vợ chồng trong gia đình thông qua chỉ báo đậm nhạt về việc ly hôn nhiều hay ít trong từng xã hội. Trong xã hội truyền thống, sự ràng buộc hôn nhân giữa vợ chồng khá chặt chẽ qua tình trạng rất ít hiện tượng ly hôn. Một mặt thể hiện sự thủy chung yêu thương thực sự hoặc hình thức giữa họ. Thực tế, có thể có những gia đình không hoàn toàn hạnh phúc, nhưng xã hội vẫn tin rằng các gia đình sống bền vững, và vợ chồng xưa rất mực thủy chung (!).
Ngày nay, xã hội phát triển, dường như sự thủy chung bền vững của vợ chồng trong gia đình kiểu xã hội truyền thống đang ngày càng lung lay. Thực tế, ngày càng có nhiều hiện tượng ly hôn trong các gia đình ở các địa phương. Đáng nói tỉ lệ ly hôn trong gia đình ở đô thị luôn cao hơn vùng nông thôn do lối tư duy tiến bộ trong các cá nhân với lối sống hiện đại (bình đẳng giới, không chấp nhận bị bạo hành, không bị lệ thuộc bởi kinh tế, trình độ- năng lực người phụ nữ được khẳng định…). Hoặc ở gia đình không tôn giáo tỉ lệ ly hôn thường cao hơn gia đình theo tôn giáo. Đặc biệt, gia đình theo tôn giáo (Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo) rất ít có hiện tượng ly hôn, sự thủy chung giữa vợ chồng trong gia đình bị ràng buộc bởi giáo luật không cho phép họ ly hôn (đạo Công giáo). Địa bàn Đồng Nai đặc thù nhiều gia đình theo tôn giáo nên thực trạng ly hôn có thể hạn chế hơn những nơi khác (?).
Lối sống vị kỷ và tự do đã làm cho giá trị sống thủy chung giữa vợ và chồng trong gia đình Việt Nam ngày càng mờ nhạt dần. Do vậy, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng dân cư; đặc biệt vấn đề xây dựng Gia đình văn hóa trong Phong trào toàn dân đoàn kết ở địa phương.
2.4. Gia đình bình đẳng (giữa vợ- chồng, giữa con trai- con gái)
Vai trò và trách nhiệm của gia đình đã được pháp luật quy định, trong đó kết tinh giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Kiểu gia đình một vợ một chồng, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ là mẫu hình gia đình lý tưởng mà xã hội luôn hướng đến. Trên thực tế, vẫn còn có những vấn đề phân biệt giới tính, hay tư tưởng “trọng nam khinh nữ"; thực trạng đề cao vai trò của nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Luật Bình đẳng giới (năm 2006) nêu rõ: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó" (Khoản 3, Điều 5).
Việc thực hiện bình đẳng giới giữa vợ và chồng là quan hệ hàng ngang, không còn là quan hệ trên dưới như kiểu Nho giáo, trong đó người vợ luôn phải phục tùng chồng. Trong gia đình vợ chồng cùng gánh vác trách nhiệm như nhau, không còn tư duy đổ thừa việc giáo dục con cháu ở nhà là của người phụ nữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Hoặc Phụ nữ là chỉ lo quanh quẩn ở dưới bếp, còn nam giới thì lo việc lớn, kiếm tiền, giao tế ngoài xã hội. Mà tinh thần là cả hai vợ chồng cùng chung sức đồng lòng trong việc tạo ra của cải vật chất trong gia đình “của chồng, công vợ".
Tư tưởng bình đẳng giới trong gia đình cũng được thể hiện qua việc không phân biệt giới tính con cái. Trước kia, tâm lý cha mẹ thể hiện qua việc lựa chọn giới tính khi mang thai, chỉ thích con trai không thích con gái, vì “Con trai mới nối dõi tông đường", còn ảnh hưởng nặng chân lý xưa cũ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai hơn mười con gái). Do vậy, nhiều gia đình trước kia người vợ phải sinh khi nào có con trai mới thôi. Hoặc con trai thì được quan tâm cho đi học tới nơi tới chốn, còn con gái thì chỉ cần học biết đọc biết viết là đủ. Phần lớn gia đình truyền thống Việt Nam vẫn còn mang nặng tâm lý “Con gái học nhiều, mai mốt lớn đi lấy chồng, chứ chẳng làm được việc gì". Con trai học cao hiểu rộng, sau này còn ra “phò vua giúp nước" (làm quan thời phong kiến), hoặc đem lại thanh danh, tiếng thơm, rạng rỡ gia phong, tổ tiên, dòng họ...
Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới đã được tuyên truyền thực hiện góp phần làm thay đổi nhận thức, quan niệm của nam giới về vai trò của nam nữ trong gia đình. Nhiều gia đình đã thay đổi tư duy ở nam giới, không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi". Hoặc những gia đình chỉ sinh con gái một bề những vẫn phát huy tốt việc nuôi dạy con cái, đặc biệt tạo được sự bình đẳng giữa con trai và con gái. Cả con trai và con gái đều được cha mẹ đầu tư cho đi học tới cùng (thậm chí du học) nếu gia đình đủ điều kiện tài chính. Gia đình thực hiện theo chính sách chỉ có từ một hoặc hai con. Vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp. Các thành viên nam, nữ trong gia đình cùng bàn bạc, chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau học tập, vui chơi, giải trí, phát triển trí tuệ và tình cảm gia đình.
Sự bình đẳng trong gia đình thông qua chia sẻ của các gia đình tiêu biểu ở Đồng Nai có thể thấy khá cụ thể: “Gia đình mình rất bình đẳng, khi có chuyện, vợ chồng cùng trao đổi, phân tích ai đúng, ai sai để giải quyết, chia sẻ. Quan trọng nhất là các thành viên trong gia đình cùng đồng lòng, nhất trí. Gia đình mình có ba thế hệ cùng chung sống, nhưng làm gì hay quyết định việc gì, chúng tôi cũng thường hỏi ý kiến, chia sẻ với nhau"7. Gia đình ông Phùng Phu Hiền (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) cũng là một trong những gia đình điển hình tiên tiến trong xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững ở địa phương.
2.5. Ứng xử, giao tiếp trong gia đình
Nghi thức giao tiếp là hệ thống lời nói và hành vi kèm theo sự thể hiện ứng xử trong giao tiếp của các thành viên trong gia đình. Tùy theo vị trí, ngôi thứ mà những thành viên có lời nói và hành vi giao tiếp cho phù hợp. Lời nói trong giao tiếp là một lĩnh vực rất phong phú gồm nhiều phạm trù khác nhau như: xưng hô, mời mọc, xin phép, khuyên bảo, hỏi thăm và chia sẻ...
Giao tiếp ngôn ngữ giữa các thành viên trong gia đình là một trong những nhân tố để tạo thành văn hóa đạo đức gia đình. Thông qua sự tác động qua lại và giao tiếp lẫn nhau giữa các thành viên gia đình: là chồng, là vợ, là cha, là mẹ, là con trai, là con gái, là anh chị em… tạo thành một nền văn hóa chung trong giao tiếp ứng xử của gia đình. Giao tiếp ứng xử trong gia đình hình thành nên những giá trị giáo dục đạo đức thể hiện cốt cách, văn hóa của từng thành viên gia đình tùy thuộc vào vai vế, thứ bậc của từng người. Ứng xử của con cháu đối với ông bà, cha mẹ trên hết là sự kính trọng, biết ơn, biểu hiện qua sự vâng lời, lễ phép... Con cái phải vâng phục, nghe lời cha mẹ (theo triết lý Nho giáo).
Trong một số gia đình ở làng quê ở Đồng Nai, con cái trước khi ra khỏi nhà đều phải thưa chào cha mẹ nhằm báo với người lớn mình đã đi ra ngoài (đi học, đi chợ, mua sắm, công việc đồng áng…). Khi về đến nhà, người con phải thưa với cha mẹ để cha mẹ biết mình đã về nhà, cha mẹ không còn phải lo lắng. Những đứa trẻ ở trong làng luôn được giáo dục rất kỹ lưỡng và từ rất sớm ngay khi chúng còn nhỏ tuổi. Ngay từ khi biết nói, đứa trẻ đã được ông bà cha mẹ, cô dì chú bác dạy phải khoanh tay chào hỏi người lớn như: “Dạ ông, dạ bà, cha, mẹ… ". Tùy theo độ tuổi và khả năng tập nói phát âm mà đứa trẻ được dạy gọi tên từng thành viên trong gia đình từ một tiếng lên hai, ba tiếng để tập tành dần cho việc chào hỏi và giao tiếp sau này.
Văn hóa gia đình Việt Nam thể hiện qua ứng xử, giao tiếp giữa người trên và kẻ dưới, giữa các thành viên trong gia đình ảnh hưởng của truyền thống văn hóa phương Đông. Giáo dục đạo đức còn là điều kiện để các gia đình quan tâm hơn nữa đến việc ứng xử trong các thành viên ở gia đình. Các gia đình có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, biểu dương những gia đình nuôi dạy con tốt, các thành viên có ứng xử phù hợp (như hiếu kính với ông bà, cha mẹ, có quan tâm giúp đỡ họ hàng, lối xóm, thực hiện những nghĩa cử cao đẹp…).
Người trên ứng xử hòa nhã, thân mật với người dưới; người dưới ứng xử lễ phép đối với người trên. Trong gia đình, ông bà cha mẹ luôn có thái độ thân thiện ứng xử nhẹ nhàng đầy yêu thương đối với con cháu; ngược lại con cháu phải có thái độ tôn trọng lễ kính khi nói chuyện giao tiếp với người trên. Anh chị em trong gia đình luôn hết mực thương yêu nhau, có lời ăn tiếng nói phải hòa nhã , đẹp lòng nhau.
Người Việt Nam có ngôn ngữ xưng hô khá rõ ràng về ngôi vị, thứ bậc, không chung chung một đại từ nhân xưng như nhiều ngôn ngữ quốc tế khác. Thông qua ngôn từ và cách biểu đạt mà có thể nhận biết văn hóa ứng xử lễ độ và nho nhã của từng cá nhân trong gia đình và ngoài xã hội trong văn hóa Việt Nam. Gia đình Đồng Nai cũng không nằm ngoài những đặc trưng văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình theo lối sống truyền thống xưa kia. Ngày nay, ảnh hưởng của văn hóa hội nhập, ngôn ngữ giao tiếp ứng xử trong gia đình có phần thay đổi bởi văn hóa toàn cầu, thế hệ trẻ không chỉ dùng tiếng Việt mà còn có thể sử dụng nhiều ngoại ngữ phương Tây trong giao tiếp ở gia đình theo lối sống văn minh hội nhập quốc tế.
2.6. Giáo dục đạo đức gia đình, xây dựng nhân cách con người
Trong việc hình thành nhân cách con người, vai trò của giáo dục gia đình là rất quan trọng. Việc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình luôn theo trật tự nề nếp trên dưới theo truyền thống Việt Nam. Từ xa xưa, ông cha ta đã dày công xây dựng nề nếp trong gia đình như con cháu phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em hòa thuận… Cùng với các tiêu chí đó là hàng loạt quy tắc ứng xử nghiêm ngặt như đi thưa về gửi, kính trên nhường dưới, thuận vợ thuận chồng. Vũ Ngọc Khánh trình bày: “Phải có “gia đạo (cái đạo lý trong nhà), có gia giáo (sự giáo dục trong nhà), có gia lễ, gia phạm (những lễ thức, những quy tắc của một nhà)… Làm sao cho gia đình thành một tổ chức có nề nếp, có văn hóa"8.
Việc dạy dỗ con cái trong gia đình được các thế hệ trên dưới thực hành theo nề nếp gia phong. Bản thân cha mẹ phải làm gương trước con cái, mới dạy dỗ con học theo. Cha mẹ luôn là hình mẫu để con cái noi gương. Ngay từ khi đứa trẻ mới chập chững và được thực hành liên tục tạo thành nề nếp: trẻ em theo gương anh chị, con cháu theo gương ông bà, cha mẹ. Bên cạnh đó, việc giáo dục con cái cũng bắt nguồn việc giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam, ảnh hưởng hệ tư tưởng Nho giáo.
Ngày nay, việc xây dựng đạo đức, lối sống gia đình chính là kế thừa những tinh hoa truyền thống mà ông cha ta đã để lại và tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới trong cuộc sống hiện đại như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Xã hội ngày càng phát triển, xu thế hội nhập toàn diện đem đến cho các gia đình nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc xây dựng hạnh phúc, gìn giữ văn hóa gia đình.
Gia đình chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình luôn là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã và đang được lồng ghép với công tác xây dựng gia đình văn hóa, gắn với hoạt động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nhiều gương gia đình điển hình, phát huy được vai trò giáo dục con cháu trong việc ứng xử với các thành viên khác trong gia đình, nêu gương người tốt việc tốt, gia đình văn hóa tiêu biểu; đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Thông qua đó, tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về giáo dục đạo đức, lối sống; giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình.
Giáo dục đạo đức trong gia đình hướng đến tất cả các thành viên trong gia đình, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Đó là sự dạy bảo, uốn nắn, chỉ dẫn với tình cảm yêu thương đùm bọc lẫn nhau của các thành viên gia đình. Ông bà, cha mẹ hướng dẫn, bảo ban con cháu là điều rất cần thiết, do vậy bản thân người lớn cũng phải biết luôn nêu gương, luôn tự điều chỉnh cho phù hợp.
Từ xưa, ông bà ta đã xem trọng vai trò giáo dục của gia đình, giáo dục gắn với giáo dưỡng, nuôi dạy con cái là mục đích, đồng thời là động lực của phát triển kinh tế gia đình; trách nhiệm của cha mẹ được khẳng định rõ “Con dại cái mang"'. Sự đánh giá công lao cha mẹ cũng rất công bằng: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy"'. Ngược lại, con cái được hưởng thụ nền giáo dục gia đình “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư"... Giáo dục đạo đức gia đình thể hiện đạo hiếu với cha mẹ, con cái thể hiện đạo hiếu với cha mẹ hết sức chân tình, báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành.
Gia đình anh Đinh Văn Minh và chị Nguyễn Nguyệt Hà (ngụ xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) là một trong 22 gia đình văn hóa tiêu biểu tỉnh Đồng Nai được tuyên dương năm 2023. Gia đình anh chị có hai con gồm một trai và một gái. Chị Hà chia sẻ: “Được tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, chúng tôi phấn khởi, hạnh phúc lắm! Đây là động lực để gia đình tiếp tục vun bồi mái ấm, dạy dỗ các con tiếp nối truyền thống, sống tốt, sống có ích cho xã hội để xứng đáng với danh hiệu đã đạt được"9.
3. Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gia đình tỉnh Đồng Nai
3.1. Nghiên cứu nhận diện giá trị văn hóa gia đình tỉnh Đồng Nai
Nguồn gốc gia đình Đồng Nai khá đa dạng, dân cư có nguồn gốc tại chỗ (bản địa); bên cạnh đó còn có gia đình nguồn gốc miền Bắc, miền Trung và các vùng miền xung quanh di cư đến. Các tầng lớp dân cư Đồng Nai sống ở các địa bàn dân cư: đô thị, khu công nghiệp, nông thôn… Gia đình Đồng Nai trên cơ sở giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình, một mặt kế thừa những giá trị chọn lọc của nguồn gốc các vùng miền khác hội tụ nên khá đa dạng. Trên cơ sở đó hun đúc, chọn lọc kế thừa, sáng tạo và hình thành những giá trị mới trong cuộc sống ở các môi trường xã hội qua từng thời kỳ.
Giá trị văn hóa gia đình Đồng Nai được hình thành từ quá trình hội tụ các gia đình, cuộc sống gia đình trong cộng đồng xã hội. Giá trị văn hóa gia đình Đồng Nai phản ánh những đặc trưng của gia đình Đồng Nai như: những mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ, con cái; sự bình đẳng trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái; giữa anh chị em với nhau); ứng xử nề nếp trong gia đình; giáo dục đạo đức trong gia đình…
Gia đình Đồng Nai sống ở khu vực đô thị phát triển hình thành các giá trị văn hóa tiến bộ (mới) mạnh mẽ phủ lấp lên văn hóa truyền thống (cũ) khá nhạt nhòa.
Gia đình Đồng Nai sống ở khu vực công nghiệp hình thành các giá trị văn hóa văn minh hiện đại, chịu ảnh hưởng bởi lối sống công nghiệp, tác phong công nghiệp, công nghệ số, bình đẳng dân chủ (bề nổi) vượt lên văn hóa nông thôn (bề sâu).
Gia đình Đồng Nai sống ở khu vực nông thôn hình thành và duy trì giá trị văn hóa truyền thống kiểu làng xã với hệ tư tưởng Nho giáo còn chi phối tương đối bền vững.
3.2. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình
Hoạt động tuyên truyền, vận động đã được đẩy mạnh gắn với việc thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú: phóng sự, tài liệu, tờ rơi, pa nô, tiểu phẩm các nội dung về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng giới… Mục tiêu là tuyên truyền, giáo dục về vai trò, vị trí, ý nghĩa của đạo đức, lối sống cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc.
Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình và công tác gia đình; nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, các mô hình hoạt động có hiệu quả; phê phán các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về gia đình, những biểu hiện lệch lạc, không lành mạnh trong cuộc sống gia đình.
Tổ chức chiến dịch truyền thông vào các dịp như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối phụ nữ (25/11) hằng năm về chủ đề gia đình hạnh phúc, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình, tôn vinh giá trị gia đình.
3.3. Tăng cường sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề gia đình
Đề tài gia đình từ lâu đã được văn nghệ sĩ Đồng Nai khai thác đưa vào tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhiều sáng tác thơ ca, truyện ngắn được các nhà văn chú trọng về gia đình tạo nhiều cảm xúc đối với người đọc. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm về gia đình hơn nữa qua các sản phẩm, sáng tạo nghệ thuật như: văn, thơ, hội họa, mỹ thuật, biểu diễn sân khấu… Tổ chức các cuộc thi, các trại sáng tác về gia đình… nhằm nghệ thuật hóa đề tài gia đình đưa vào các ấn phẩm, biểu diễn trên sân khấu và trình chiếu trên Đài Phát thanh – Truyền hình. Ca khúc “Nợ Thái Sơn" của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đạt giải Nhì năm 2011 được biểu diễn trong hoạt động về Ngày gia đình Việt Nam ở tỉnh nhiều năm qua. Nhiều tiểu phẩm về gia đình được trình chiếu trên Đài PT-TH Đồng Nai như: Hoan hô má; Cả nhà đều vui; Đừng thêm dầu vào lửa; Xin chớ coi thường pháp luật; Sinh con gái càng vui; Ba đừng ép con… Những tiểu phẩm còn được chiếu trước các buổi chiếu phim lưu động tại cơ sở như: Khoan nói lời yêu thương, Không thể chờ đợi, Lỡ lầm; kịch ngắn “Hạnh phúc mong manh"; vở kịch “Con dại cái mang"; tiểu phẩm “Tôi đã biết lỗi"… Những năm gần đây, nhiều kịch bản sân khấu chủ đề gia đình của các văn nghệ sĩ Đồng Nai liên tục được phát trên sóng Đài PT-TH Đồng Nai như: "Đừng nói lời cay đắng" và "Mưu hèn kế bẩn" (Hoàng Tiến Điểm); “Bi kịch đồng tiền" (Nguyễn Xuân Từng)… Thông qua những tác phẩm nghệ thuật nhằm đẩy mạnh sáng tác, tuyên truyền giá trị văn hóa gia đình, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
3.4. Tiếp tục xây dựng Chương trình xây dựng Gia đình văn hóa đi vào chiều sâu
Thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phù hợp. Nhiều phong trào như: Xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc", “Gia đình 5 không, 3 sạch" của Hội Liên hiệp phụ nữ; “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo" của Hội Người cao tuổi… Hầu hết các phong trào này đều lấy gia đình là hạt nhân để xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở.
Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Đồng Nai, có 461.214/464.859 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đạt 99,22%; có 916/925 ấp, khu phố văn hóa đạt 99,03%10. Tình hình bạo lực gia đình đã có biểu hiện giảm đáng kể, đa số những vụ bạo lực gia đình xảy ra đều được can thiệp và xử lý kịp thời. Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện và nhân rộng trong toàn tỉnh với việc phát triển Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại các khu dân cư, Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Điểm tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình, thành lập các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.
Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa" nhằm xây dựng gia đình với những giá trị truyền thống tốt đẹp cũng là nội dung quan trọng của Chương trình 4 xây dựng gia đình văn hóa mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng kể trong nhiều năm qua. Nhiều gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa nhiều năm liền trở thành gương sáng trong cộng đồng dân cư.
3.5. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình về gia đình
Tiếp tục Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững". Mục tiêu chung là phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình (giữa vợ và chồng; giữa cha mẹ và con cái; giữa người cao tuổi và con cháu) và hỗ trợ xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, bền vững. Mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng việc đưa nội dung giáo dục kỹ năng làm cha, mẹ, phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn các giá trị văn hóa gia đình vào nội dung hoạt động của mô hình.
Thực hiện “Chương trình giáo dục đời sống gia đình tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh". Mục tiêu là giáo dục đời sống gia đình nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung về đời sống gia đình, những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình; giáo dục đời sống gia đình đối với gia đình trẻ, gia đình độ tuổi trung niên, gia đình người cao tuổi. Lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình thông qua các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ). Ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình phát triển bền vững, gia đình làm kinh tế giỏi… để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo văn bản số 144/KH-UBND ngày 17/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đề cao đạo đức, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm 5 tiêu chí: Tiêu chí ứng xử chung (Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ); tiêu chí ứng xử của vợ, chồng (chung thủy, nghĩa tình); tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương); tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép); tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (hòa thuận, chia sẻ). Bộ tiêu chí ứng xử cũng tương với giá trị của văn hóa gia đình Việt Nam.
3.6. Tuyên dương, khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu
Việc phát hiện nêu gương các gia đình văn hóa tiêu biểu nhằm kịp thời biểu dương khen thưởng những gia đình gương mẫu trong cộng đồng dân cư. Thông qua đó nhằm động viên khích lệ các gia đình phấn đấu thi đua đạt thành tích chung địa phương, sống mẫu mực giữa các thành viên trong gia đình, hoàn thành tốt các tiêu chí đặt ra khi xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa ở địa phương.
Nhiều gương điển hình trong cuộc sống trên các lĩnh vực đã được tôn vinh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng ở Đồng Nai nhiều năm qua như: gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu như gia đình ông Ưng Cún Tắc (dân tộc Hoa) xã Bảo Quang (Long Khánh); gia đình hiếu học tiêu biểu như gia đình ông Phạm Đức Cường (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu); gia đình ấm no, hòa thuận như gia đình ông Phạm Cẩm Bạch (khu phố 4, phường Trảng Dài, Biên Hòa); gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tiêu biểu như gia đình ông Phùng Phu Hiền (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ)11…
Điều may mắn của các gia đình là được kế thừa nền tảng đạo đức, gia phong từ ông bà, cha mẹ. Đó là “vốn liếng" để các thành viên trong gia đình cùng gìn giữ, làm hành trang cho các con bước vào đời. Đặc biệt, những gia đình được đại diện hàng trăm ngàn gia đình khác tham gia Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam bộ12 không chỉ giúp gia đình giao lưu, gắn kết mà đó còn là niềm vui, hạnh phúc giúp các gia đình nỗ lực hơn để xây dựng gia đình, lan tỏa các giá trị văn hóa đến cộng đồng.
4. Kết luận
Qua 325 năm, gia đình tỉnh Đồng Nai hình thành nhiều giá trị văn hóa truyền thống góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, xu hướng phát triển kiểu gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến và hợp thời đại. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều gia đình ba bốn thế hệ, trong đó ông bà chung sống với thế hệ con cháu và còn đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc con cháu trong gia đình. Những tổ ấm nhiều thế hệ cùng chung sống là sự kết hợp giữa những giá trị hiện đại nhưng cũng thẩm thấu những giá trị truyền thống.
Thực hiện các chương trình, để án về gia đình nhằm tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh; giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với việc xây dựng những giá trị tiên tiến, dân chủ trong xã hội hiện đại.
Đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giúp các thành viên trong gia đình hiểu được đạo lý, trung hiếu, thủy chung, bình đẳng, hòa thuận, thương yêu nhau. Mỗi thành viên trong gia đình luôn được giáo dục đạo đức lối sống lành mạnh; giáo dục nề nếp gia phong, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình, con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ; ông bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội.
Việc nghiên cứu nhận diện các giá trị văn hóa truyền thống gia đình, gắn với việc bảo tồn, phát huy văn hóa gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là cần thiết. Đây là nhiệm vụ mà UBND tỉnh13 đã giao cho Hội Văn học nghệ thuật về tăng cường trại sáng tác văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh đa dạng chủ đề, đặc biệt tinh thần của Hội thảo quốc gia về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" cũng là một trong những nội dung của Đề cương về Văn hóa năm 1943.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai (2021), “Báo cáo tổng kết công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh Đồng Nai". Dẫn theo Lê Văn Sơn và Lê Quang Cần (2023).
2. Vũ Ngọc Khánh (2007), Văn hóa gia đình Việt Nam, Nxb. Thanh niên.
3. Quốc hội (2006), Luật Bình đẳng giới.
4. UBND tỉnh Đồng Nai (2023), Kế hoạch số 3752/UBND-KGVX ngày 18/4/2023 của UBND tỉnh về triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ năm 2023.
5. Quang Nhật (2023): Đồng Nai có 916/925 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa. Truy cập ngày 28/6/2023 tại địa chỉ https://baodongnai.com.vn/vanhoa/202301/dong-nai-co-916925-ap-khu-pho-dat-chuan-van-hoa-3154027/index.htm
6. Thanh Thanh (2023): Những gia đình văn hóa tiêu biểu Đồng Nai. Báo Đồng Nai ngày 28/6/2023, truy cập ngày 01/7/2023 trên https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=35460&CatId=109
7. Chế độ hôn nhân trong pháp luật phong kiến Việt Nam quy định thế nào? Truy cập ngày 30/6/2023 tại địa chỉ https://luatminhkhue.vn/che-do-hon-nhan-trong-phap-luat-phong-kien-viet-nam.aspx
8. Quyền lợi của người phụ nữ trong Bộ Luật Hồng Đức. Truy cập ngày 30/6/2023 tại địa chỉ https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/quyen-loi-cua-nguoi-phu-nu-trong-bo-luat-hong-%C4%91uc-2161-4533.html
9. Nghĩa vụ chung thủy giữa vợ và chồng trong Luật gia đình 1959. Truy cập ngày 30/6/2023 tại địa chỉ http://giadinh.bvhttdl.gov.vn/nghia-vu-chung-thuy-giua-vo-va-chong-trong-luat-gia-dinh-1959/