Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CÙNG MẸ ĐI CHỢ QUÊ

​ 

Năm mẹ 60 tuổi, con mới là sinh viên năm đầu tiên. Cái Tết đầu tiên khi trở thành sinh viên của một trường chuyên văn, về quê được các ông các bà, được làng xóm gọi là nhà văn, nghe thấy oai. Mẹ cũng có chút tự hào. Mẹ mua hoa quả, thắp hương lên bàn thờ bố chiều ngày ba mươi Tết, lầm rầm khấn: Ông ơi… Mẹ nói gì đó với bố, có nhắc tới tên con. Ở trong gió mây, chắc bố sẽ nghe được tâm niệm mẹ nói.

Rồi mẹ tất tả xách làn đi chợ. Đi chợ Tết với mẹ không chỉ là việc phải làm, không thể thiếu vào những ngày quan trọng cuối năm, mà còn là một niềm vui vô cùng thiêng liêng. Việc xách một chiếc làn cũ, bước chân vào cái chợ của làng quê bé nhỏ dịp những ngày cuối tháng Chạp, nó mang theo bao nhiêu là nỗi niềm.

Từ tối hôm trước, mẹ đã nói bâng quơ với các con, cháu trong nhà, mai mẹ sẽ mua cái này cái kia… Trong chiếc làn của mẹ chứa đầy những “bí mật" dung dị của hương đồng gió nội xứ biển bồi. Một nải chuối xanh ngắt, vừa được chặt ra từ một buồng chuối nào đó, mới đêm qua còn nằm oằn cả trên cây. Sớm nay đã “theo chủ nhân" là mẹ về nhà, không còn chan hòa với gió đông phong ngoài vườn nữa mà đã trở nên trang nghiêm trên bàn thờ gia tiên. Ôi nải chuối xanh những chiều cuối năm ở miền Bắc, chất chứa lên lòng mình nào quýt đỏ rực, nào xoài vàng tươi, nào những trái táo thơm tho… gợi thật nhiều hoài niệm, nếu như ta đang ở xa nhà, trong mình đầy nắng gió phương Nam mà thiếu đến xao xác ngác ngơ cái lạnh đến tê người của miền Bắc. Tại sao khi lạnh tới tận cùng, lại nhớ tới tận cùng hơi ấm quê nhà. Nhớ tới diết da mùi nhang trầm thơm lên, trong từng khoảng nhỏ bé bình dị ở căn nhà xưa.

Rồi mẹ cũng về chợ. Mẹ nắn nót đặt nải chuối vào cái chậu nhôm, bưng ra ngoài sân giếng, dội lên một gáo nước một cách chậm rãi rồi kỳ cọ từng trái chuối cho sạch bằng đôi tay chai sần của mình, như một cách để thanh tẩy những bụi trần từ loại quả quen thuộc. Thế rồi cũng từ chiếc làn nhỏ xinh ấy, mẹ nâng lên một quả gấc vừa mới chín. Màu đỏ chan hòa khắp lớp vỏ bên ngoài. Màu đỏ ấy như một ngọn lửa chưa kịp cháy nằm trên bàn tay gầy yếu của mẹ, chỉ biết rằng, đêm giao thừa, mẹ sẽ “hóa thân" cho nó thành một mâm xôi gấc đỏ rực rỡ trên bàn, rồi bày biện cẩn trọng lên trên bàn thờ, để thắp hương cùng với đĩa ngũ quả chào năm mới.

Rồi sáng mùng Một, mẹ với con lại dậy từ sớm, cặm cụi nấu nướng các món truyền thống quen thuộc cho mâm cơm cúng đầu năm. Không khí lạnh không chỉ ở ngoài trời, mà còn len cả vào trong nhà, chen cả vào bếp. Trong hơi lạnh, mùi thơm của thức ăn như càng trở nên nồng nàn hơn, gợi nhiều cảm xúc hơn.

Thế rồi, lại thêm nhiều giao thừa nữa. Con cũng đi qua bốn năm đại học, “lao thẳng" một phát vào tận Sài Gòn, rời xa dần những cái Tết nhiều gió rét quê nhà. Trong con đầy lên những mai vàng, nắng cháy phương Nam nhưng chưa khi nào thiếu đi những đào cúc và giá buốt của mùa đông quê nhà. Tết chỉ khiến nỗi nhớ thêm trải dài hơn và những chuyến trở về như bị kéo xa ra hơn.

Đã hai mươi năm rồi, chắc hẳn mẹ cũng không gom đủ 20 mùa xách làn đi chợ Tết. Những cái Tết mong con về chưa lúc nào vơi đi, nhưng hình bóng con cứ vắng dần trong rất nhiều những dịp đoàn tụ của cả gia đình vào ngày đầu năm mới. Trong đời mỗi người, khi ta càng trở nên mạnh mẽ, vững vàng nơi xứ người cũng là khi trong lòng càng rộng thêm những khoảng trống trải vì nỗi nhớ quê nhà. Nỗi nhớ mang hoài niệm nhiều hơn, khi hôm nay đứng giữa quê hương phủ đầy công nghệ mà lòng chỉ nhớ căn nhà lợp ngói ngày xưa, nhớ chái bếp đầy khói cay xè mắt mỗi khi mùa bão về, mỗi khi giá rét ập tới.

Và mẹ đã tám mươi rồi, không còn đủ sức để đạp xe cả vài cây số lên cái dốc cao vời của chợ Quán hay chen vào chợ Cầu xô bồ nữa. Niềm vui của mẹ bây giờ là chờ mấy thằng cháu đi làm xa về chở bà đi siêu thị hoặc xuống chợ, mua ào một cái gì đó rồi cũng đi vù về vì hàng chục lý do như sợ bà ngồi lâu đau lưng, sợ gió chiều trở lạnh, sợ những giá buốt mùa đông… Chúng đâu biết, với một người già cả đời đi chợ, thì Tết càng thêm nhớ chợ, nhớ cái cảm giác được tìm mua một vài món hàng dân dã, quen thuộc, như một sự kết nối lại với chính mình từ những tháng năm phía trước.

Tết này mẹ vẫn hỏi có về không? Dẫu con không về được mẹ vẫn đợi. Mẹ vẫn ở đó, đợi con về chở mẹ đi chợ quê. Có bao nhiêu nải chuối, quả cam vẫn bày bán la liệt ở chợ. Bình yên ấy như một trạm dừng chân khiến những đứa con xa nhà như con không thể… làm ngơ được nữa. Có ai Tết này vội vã trở về bên mẹ hay không, để sà vào lòng mẹ, không đòi những món ăn hời hợt nơi phố phường mà chỉ thèm món cá kho, chỉ một mùi bình dị xộc vào tim. Và lại cùng mẹ đi tìm chợ quê năm nào, trong những nải chuối xanh, những quả gấc đỏ, mua thật dễ dàng nhưng nâng niu từng chút một, để làm ấm lên một cái Tết đoàn viên.

Tản văn của Lê Nguyệt Minh

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)


LÊ NGUYỆT MINH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​