Căn nhà của Nội gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi... Đó là ngôi nhà gần biển, cách thành phố Huế tầm 20 cây số về hướng Nam. Căn nhà được xây theo kiến trúc nhà cổ 3 gian mang đậm nét đặc trưng của Huế thời xưa. Gian giữa là gian chính để đặt bàn thờ tổ tiên và thờ Phật. Gian bên phải là phòng khách, thường đặt một bộ phản gỗ lim và bộ bàn ghế gỗ tiếp khách. Gian trái là phòng ngủ, bếp, phòng ăn.
Điểm nhấn chính là 8 cây cột gian giữa bằng gỗ lim, đường kính 30cm, tuổi đời hơn trăm năm, chống giàn phong kèo, đòn tay gỗ lim đỡ mái ngói âm dương. Lúc nhỏ, anh em tôi thường hay thi nhau bám vào cột nhà, leo lên rồi tụt xuống, xem ai leo lên nhanh nhất, đến nỗi các cây cột càng lúc càng bóng loáng. Dù đã được sửa chữa lại nhiều lần sau những trận bão lớn, nhưng kết cấu ngôi nhà vẫn được giữ nguyên theo lối kiến trúc Huế xưa.
Trước nhà là con đường tỉnh lộ và cánh đồng lớn trải dài đến tận phá Tam Giang, hạ nguồn sông Hương đổ ra biển với nguồn cá tôm nước lợ dồi dào tươi ngon, những chuyến đò xuôi dòng Hương Giang bắt đầu từ bến đò chợ Đông Ba về đến Lăng Cô. Thời đó, từ thành phố Huế muốn về làng, chỉ đi bằng đò dọc theo sông Hương, ngồi đò từ 5 giờ sáng đến tận nhá nhem tối mới về đến nhà. Hoặc đi bằng xe đạp thì nhanh hơn một chút.
Sau nhà là đụn cát cao với những hàng dương và phi lao do ông nội tôi trồng khi còn sống để chắn gió, chắn cát trong những mùa mưa bão. Leo qua đụn cát, xuyên qua những rặng dương, rặng phi lau khoảng 500m là biển.
Cha mẹ tôi rời làng biển vào miền Nam lập nghiệp từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Dù phải vất vả cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, nhưng chúng tôi lúc nào cũng mong ngóng về cố hương. Cứ mỗi mùa bão lụt đến, trong lòng ba mẹ tôi vẫn luôn lo lắng, trăn trở...
Ba tôi dắt anh em tôi về làng thăm ông bà mỗi khi nghỉ hè. Chúng tôi thường hay lẽo đẽo theo sau ông nội đi ra biển tắm và nghịch cát. Ông bảo: sau này nếu ông mất, ông sẽ để lại cho các cháu mỗi đứa 10 cây, riêng tôi ông sẽ cho 20 cây. Lũ chúng tôi đứa nào cũng như mở cờ trong bụng…
Huế giờ phát triển hơn xưa. Con đường làng nhỏ trước nhà bằng đất đắp ngày xưa nay đã được nâng cấp thành đường tỉnh lộ lớn, chạy dọc theo bờ biển, một bên là phá Tam Giang dài hơn 50 cây số vào đến cửa biển Tư Hiền, gần đến Lăng Cô và chân đèo Hải Vân. Hai bên đường, nhà cửa, hàng quán mọc lên san sát. Làng biển hẻo lánh năm nào giờ đã trở thành điểm đến du lịch nhộp nhịp khách qua lại.
Tôi là cháu đích tôn. Năm nay đã ngoại tứ tuần, xa cố hương cũng ngần ấy năm. Ông bà tôi đã mất từ lâu, các cô chú cũng lên phố sinh sống, hoặc đi làm ăn xa xứ. Ba mẹ tôi năm nay cũng gần 80 tuổi, điều kiện sức khỏe đi về cũng khó khăn, nên chúng tôi đã nhờ đôi vợ chồng trẻ hàng xóm hàng ngày chăm sóc căn nhà.
Chỉ những dịp giỗ chạp, lễ, Tết chúng tôi mới có cơ hội về tụ họp với nhau. Chúng tôi lại rủ nhau ra biển. Đi qua cánh rừng phi lao. Chúng tôi nhớ lại món quà của ông nội rồi phá lên cười sặc sụa. Thì ra ông để lại cho mấy đứa cháu mỗi đứa 10 cây phi lao, riêng tôi là cháu đích tôn nên ông đặc biệt dành cho 20 cây.
Năm nào tôi cũng về thắp hương cho ông bà, tưởng nhớ tổ tiên vào dịp lễ Tết. Hy vọng một năm mới bình an, thuận buồm xuôi gió...
Tản văn của Tâm Minh
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)