Có người cho rằng, người nào bị ám ảnh bởi quá khứ, nghĩ nhiều về quá khứ, người đó không có tương lai. Biết vậy, nhưng con người không chỉ sống với hiện tại và tương lai, chối bỏ hoàn toàn quá khứ. Marx đã từng chỉ ra rằng, con người khác với động vật chính là ở chỗ động vật chỉ biết chăm chút bộ lông của mình, còn con người khi đi qua còn biết quay nhìn lại dấu chân mình. Một quá khứ chiến tranh máu lửa, đúng là cần quên đi để mà sống, mà đi tiếp, mà hội nhập vì cuộc sống của thế hệ tương lai. Nhưng giữa nhớ lại, suy nghĩ và đi tiếp dường như không có gì mâu thuẫn. Đừng vì quá khứ mà phá vỡ, cản bước tương lai, nhưng phải vì quá khứ, dựa vào quá khứ để soi sáng tương lai. Một thế hệ nhà văn ra đời trong kháng chiến, trong đó có cả những người nếu không có cuộc kháng chiến, chưa chắc họ đã trở thành nhà văn, nhà thơ, thì chiến tranh không dễ gì phôi pha trong ký ức, dù ý thức muốn quên đi nhưng không sao quên được. Chiến tranh đi vào tác phẩm của họ cũng tự nhiên, tất yếu như ăn ở, đi lại, hít thở khí trời. Nhất là với thể loại hồi ký, một thể văn đi sâu vào hiện thực quá khứ, gần gũi với đời sống hiện thực, không chỉ là nỗi ám ảnh đã qua mà còn là những gì đọng lại, như một vết thương tinh thần, hễ cứ chạm vào là rỉ máu.
Nam Bộ là miền đất sinh thành sau cuộc mở cõi của cha ông ta về phía Nam, có nhiều đặc điểm khác biệt về đất đai sông nước, cây cỏ, giao thông đi lại... sinh thành tính cách con người Nam Bộ hào phóng, ăn sóng nói gió. Họ đi vào kháng chiến, vào văn chương nghệ thuật mang cả những đặc điểm ấy theo. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã thổi bùng ngọn lửa hào hùng của dân tộc, thu hút nhiều thế hệ ra trận. Nam Bộ là nơi mở đầu, nơi thể hiện đặc điểm đi trước về sau, không đợi đến đêm 19 tháng 12 mà trước đó hơn ba tháng, nhân dân Nam Bộ đã đi đầu trong cuộc kháng chiến. Trong hồi ký Một ít kỷ niệm về hoạt động của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, Đoàn Giỏi đã kể lại như sau: "Ngày 23-9-1945, giặc Pháp gây hấn, trở lại xâm chiếm Nam Bộ nước ta. Quân và dân Nam Bộ buộc phải cầm súng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, văn hóa văn nghệ cũng tham gia vào mặt trận chung"(1). Lúc bấy giờ, ở Nam Bộ chưa có tổ chức văn nghệ. Ngay sau đó là sự ra đời của Viện Văn hóa Kháng chiến Nam Bộ do Hoàng Xuân Nhị làm Viện trưởng, sau đó là trường Nguyễn Văn Tố, Phòng Văn nghệ thuộc Viện Văn hóa, rồi Phòng Văn nghệ thuộc các Ty Tuyên truyền, bộ phận văn nghệ thuộc các Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh Quân khu và mỗi tỉnh lần lượt thành lập các Đoàn Văn hóa Kháng chiến. Người trí thức, người có văn hóa thời bấy giờ là người yêu nước, tham gia chống ngoại xâm, bất luận họ có nguồn gốc xuất thân từ đâu. Một số tác giả đã thành danh, đã có tác phẩm được bạn đọc yêu mến trước đó như Lý Văn Sâm, Đoàn Giỏi, Nguyễn Bính, Hoàng Tấn, Hoàng Phố hoặc xuất thân là sĩ quan quân đội như Huỳnh Văn Nghệ; hoặc đang học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bỏ học trở về tham gia kháng chiến như Nguyễn Hải Trừng; người thì xuất thân từ giáo viên như Phạm Thiều, Rum Bảo Việt; hoặc là học sinh của trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố như Phương Viễn (Viễn Phương),Việt Anh, hoặc từ cán bộ xã như Bảo Định Giang, rồi đến các tác giả như Xuân Miễn, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Anh Đức, Hoàng Văn Bổn, Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa, Phạm Hữu Tòng, Truy Phong, Minh Lộc... Mỗi người có một điểm xuất phát khác nhau, một cách thức đến với kháng chiến riêng biệt nhưng đều có chung một con đường, là đến với kháng chiến với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, với khí thế hào hùng:
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
(Huỳnh Văn Nghệ)
Số phận của mỗi cá nhân mỗi khác, nhưng số phận dân tộc chỉ có một. Chỉ có hai con đường để chọn, đó là ở lại nội thành làm tay sai cho giặc (chứ không thể ngồi im, để trở thành "trí thức trùm chăn" như kiểu phương Tây) hoặc đi theo kháng chiến, trở thành những người lính, những nhà văn, nhà thơ kháng chiến.
Khác với anh em văn nghệ sĩ miền Bắc khi đến với cách mạng, thế hệ đã thành danh, không ít thì nhiều đều trải qua một cuộc "nhận đường" như Nguyễn Đình Thi đã từng trăn trở, thậm chí trải qua nỗi đau đớn của sự lột xác, tự đập vỡ mình ra như Nam Cao từng ghi trong nhật ký: “Suốt đêm thao thức không ngủ được. Thân thế. Vợ con. Tự kiểm điểm tinh thần, về tư cách mình. Cánh tay trắng nhễ nhại của cô hàng xóm. Những lúc ái ân với Liên. Viết gì? Sự nghiệp? Trăm mối ngổn ngang. Muốn không nghĩ mà không được. Ý nghĩ tự nhiên đến. Chất độc kích thích óc! Có những giấc ngủ một tích tắc như đèn chực tắt lại sáng chói. Khổ quá. Gà gáy. Mắt vẫn chong chong. Càng gần sáng, trời càng lạnh. Không đắp không chịu được nhưng mồ hôi vẫn râm rấp người. Sốt. Mong sáng để dậy cho rồi. Đêm hè mà sao dài thế. Gà gáy rồi lại im. Đêm vẫn kéo dài vô hạn. Lần đầu trong đời ánh trăng làm mình khó chịu (...). Nhớ lại những ngày cách đây xa lắm, vào hồi mới bỏ học va chạm với đời, khổ sở vì tính nhút nhát của mình. Chuyến từ biệt vợ chồng ông Cựu Việt để đi Sài Gòn. Về bị vợ trách. Dần dỗi, nhưng chính ra là buồn cho mình. Lời phê bình của Lành và Tưởng (Tố Hữu và Nguyễn Huy Tưởng - PPP): "Mình lãnh đạm, ơ hờ với quần chúng". Tự xét không phải thế. Mình chỉ e dè (timide) đó thôi. Ở lâu với mình người ta mến. Mình luôn biết xót thương, biết mến yêu. Nhưng trầm lặng quá, kín đáo quá, ghét biểu lộ tình cảm, mặt lạnh lùng và khinh khỉnh. Tại sao vậy? Khổ tâm lắm lắm"(2). Phải chăng nhờ những ám ảnh, những đau khổ ấy, nhờ từ chuyến đi, ánh trăng, những khuôn mặt đó đã tạo ngọn nguồn cho những tác phẩm bất hủ của ông như Sống mòn, Đôi mắt, Cái mặt không chơi được...
Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ không có cuộc nhận đường, bởi lẽ cuộc kháng chiến đến quá nhanh, số phận dân tộc được đặt ra rạch ròi, diễn biến tâm trạng của các nhà văn tương đối đơn giản, đòi hỏi một sự lựa chọn tức thời. Chẳng hạn như trường hợp Nguyễn Hải Trừng, đang học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), cùng lớp với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm thì Nhật đổ bộ vào Lạng Sơn hất cẳng Pháp, Mỹ ném bom Hải Phòng, Hà Nội. Những người Nam Bộ đang học ở Hà Nội lúc đó đều bỏ học rủ nhau về quê tham gia cách mạng. Bài hát Xếp bút nghiên của Huỳnh Văn Tiểng và Lên đàng của Lưu Hữu Phước được sáng tác trên đường về quê lần này. Cả hai đều là sinh viên trường Luật. Trong hồi ký Quá trình làm báo đến sáng tác truyện thơ, Nguyễn Hải Trừng kể lại rằng: "Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, mảnh đất miền Nam bị địch khủng bố gắt gao. Miền Bắc có chiến khu Việt Bắc, miền Trung có chiến khu Ba Tơ; Nam Bộ không có chiến khu, chỉ có phong trào Thanh niên tiền phong và các tổ chức Thanh niên cứu quốc bị đàn áp còn sót lại, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám"(3). Không có những trăn trở, đau khổ của người trí thức tiểu tư sản trên con đường đến với cách mạng, với kháng chiến. Phần lớn trong số họ, đến với cách mạng, đến với kháng chiến và nền văn học kháng chiến như đến với ngày hội. Bảo Định Giang nhớ lại thời tuổi trẻ của mình trong Mấy nét về văn nghệ Nam Bộ những năm chống Pháp như sau: "Cách mạng tháng Tám nổ ra, tuổi trẻ chúng tôi phấn khởi lắm. Hầu hết chúng tôi đều tham gia cướp chính quyền, nhận những công tác cách mạng cần (...) Một trong những thời kỳ hào hứng nhất của tôi là những năm tháng đi tuyên truyền lưu động này. Đoàn chúng tôi phần lớn đều ở tuổi 24, 25 như tôi và năm sáu em nhỏ lên 9, lên 10. Chúng tôi đi khắp các miền Trung Nam Bộ: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Long Châu Hà, trung tâm Đồng Tháp Mười, Sa Đéc, Tân An. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được bà con, anh em bộ đội, dân quân hoan nghênh chào đón (...) Hồi đó, người dân Nam Bộ kính yêu Bác Hồ nhưng chưa hiểu về Bác nhiều, chỉ mong được cán bộ đã từng gặp Bác, từng sống với Bác kể lại. Tôi là người may mắn được nghe kể như thế, khi viết những câu ca dao mà ngày này nhân dân biết đến:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên cụ Hồ"(4)
Hoàng Văn Bổn (tên thật là Huỳnh Văn Bản) cũng xuất phát từ Đội tuyên truyền của "miền Đông gian lao mà anh dũng", buộc phải đến với văn chương là do yêu cầu của công tác cách mạng: "Hành quân liên tục hàng ba bốn tháng trời, từ đầu đất Nam Bộ đến cuối đất Nam Bộ xa xôi. Xuyên qua lòng địch. Qua sông bạc đầu. Qua cầu giảm ký. Vượt đồng chó ngáp. Luồn qua các làng Hòa Hảo phản động. Đến đâu, chúng tôi cũng đốt lửa trại, ca hát, diễn kịch tuyên truyền, quyên góp cho miền Đông gian khổ. Nhiều đồng bào thuộc Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam Bộ không sao tin được cái gian khổ, hy sinh và sự tàn ác thâm độc của giặc Pháp lúc bấy giờ. Nhiều anh em trong đoàn tự ái, buồn phiền. Tôi tự nghĩ: "Nói miệng họ không tin, mình phải viết thành sách. Nói có sách mách có chứng. Khi đã thành giấy trắng mực đen, người đời dễ tin hơn. Thế là, dọc con đường hành quân từ Biên Hòa xuống tận mũi Cà Mau, tôi tranh thủ lúc đóng quân sau một đêm trời vượt lộ, vượt sông, chiến đấu mở đường, để viết tiểu thuyết"(5). Hoàng Văn Bổn đã kể lại sự ra đời của tiểu thuyết Vỡ đất trong hồi ký Quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi như vậy. Đây là đường cày vỡ đất khởi đầu cho hàng chục bộ tiểu thuyết và tiểu thuyết sử thi sau này được ông cày xới chăm bón chảy dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai, trong đó có những tác phẩm đáng chú ý như Trên mảnh đất này, Bông hường bông cúc, Tiếng hát quê hương, Câu chuyện bên sông…
Không chỉ Hoàng Văn Bổn mà còn nhiều người khác nữa, không thể điểm tên và sự nghiệp một cách đầy đủ như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức... Chỉ riêng Nguyễn Quang Sáng, vừa ký, vừa truyện, vừa tiểu thuyết, vừa kịch bản phim có đến hơn 100 tác phẩm; hoặc chỉ riêng Sơn Nam, người đã từng đạt giải thưởng Cửu Long thời ấy với các truyện ngắn Tây đầu đỏ, Bên rừng Cù lao Dung, Cây đàn miền Bắc, nay đã có hơn 40 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, như biên khảo, bút ký, hồi ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, trong đó có những biên khảo văn hóa đáng chú ý như Bến Nghé xưa, Người Sài Gòn, Gia Định xưa, Cá tính miền Nam, Văn minh miệt vườn... Những sáng tác thể hiện giọng điệu đặc sắc của văn chương Nam Bộ như Chim quyên xuống đất, Hình bóng cũ, Hương rừng Cà Mau, Biển cỏ miền Tây...
Tất nhiên, những tác giả xuất hiện trong thời kỳ này, cho đến nay đã đi gần đến cuối dốc của cuộc đời. Ký ức về cuộc kháng chiến đã chảy tràn các trang sách, đã trở thành những thế giới có đời sống riêng của nó trong tâm tưởng người đọc. Song, nhìn lại những tác phẩm viết ra trong khói lửa của chiến tranh, viết một cách kịp thời, phục vụ cho kháng chiến, không tránh khỏi những hạn chế, thậm chí có tác phẩm sức sống ngắn hơn cuộc đời tác giả. Đoàn Giỏi cho rằng: "Bài thơ của Truy Phong đạt giải Nhất cuộc thi thơ thời đó, như thơ bích báo bây giờ:
Cá sặc mà rượt cá rô
Ăn nói xô bồ chẳng biết trước sau
Ai chê em dốt hồi nào...
Hoặc khi Minh Lộc viết:
Trên trời sao mọc cùng...
thì được Ban giám khảo phê là "Thật là tuyệt, đúng như lời ăn tiếng nói của quần chúng". Người ta chưa thấy trách nhiệm của nhà văn là phải chọn lọc, sáng tạo. Cứ sao chép y như quần chúng là tuyệt rồi"(6).
Riêng với Nguyễn Hải Trừng, tác giả của tiểu thuyết Bông sen ngọc, là người từng đạt giải Nhì Giải thưởng Cửu Long thời đó với tập truyện thơ Chú Hai Neo, nhìn lại một cách công bằng hơn: "Bây giờ, nhìn lại chặng đường văn nghệ Nam Bộ đã đi, chúng tôi không khỏi tự hào là đã bắt đầu mày mò từ hai bàn tay trắng. Những tác phẩm đã đạt giải thưởng của Việt Anh, Viễn Phương, Phạm Anh Tài (Sơn Nam), Hoàng Văn Bổn, Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Anh Đức, Minh Lộc, Truy Phong... và cả của tôi nữa, bây giờ đọc lại có thể còn nhiều chỗ chưa hay, đôi khi còn thô thiển rơi vào tự nhiên chủ nghĩa, nhưng đó là chuyện bình thường của mọi sự sinh nở và trưởng thành, từ nhỏ đến lớn, từ dở đến hay, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu không có thời kỳ mò mẫm bước đầu đó thì có lẽ cũng không thể có bây giờ"(7).
Cũng như văn chương, ký ức bao giờ cũng đẹp. Nhưng thời gian đã trôi xa. Thời gian đã thiêu cháy. Mong cho những gì đã cháy lên một thời xa xưa ấy, vẫn chưa hề nguội lạnh hôm nay.
P.P.P
____________________________
(1) (6) Đoàn Giỏi. Một niệm về hoạt động của Chi hội Văn nghệ Nam bộ, NXB Tác phẩm mới, 1985, tr. 341-342
(2) Nam Cao. Nhật ký và thư từ, NXB KHXH, 1995, tr. 157-158
(3) (7) Nguyễn Hải Trừng. Quá trình làm báo đến sáng tác truyện thơ, NXB Tác phẩm mới, 1987, tr. 239-251.
(4) Bảo Định Giang. Mấy nét về văn nghệ Nam bộ những năm chống Pháp, NXB Tác phẩm mới, 1985, tr. 327-328.
(5) Hoàng Văn Bổn. Quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi, NXB KHXH, Hà Nội, 1995, tr.652.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)