Năm ngoái tình cờ tôi đọc được bài phỏng vấn ông Lê Hữu Mục về “Huyền thoại Hồ Chí Minh", và một bài của Trần Gia Phụng nói về chuyện đạo văn, đạo báo, đạo thơ… Đọc hết cả hai tác giả này tôi mới thấy có điều gì rất quá khác, nghi ngờ và mất bình tĩnh, khác đến mức tôi không biết có những gì xẩy ra khi thần tượng của tôi đang bị bóp méo và họ cũng cố tình xô đổ mà không hề có một chứng cứ nào thật thỏa đáng. Cái kiểu “bới lông tìm vết" mà bới mãi vẫn không được và càng không có tính thuyết phục. Những chứng cứ lịch sử mà Lê Hữu Mục, Trần Gia Phụng, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên… trưng ra chỉ tổ làm cho cá nhân con người lịch sử ấy càng vĩ đại thêm. Khiến tôi càng kính yêu hơn sau những nghi ngờ ban đầu do một bản năng bất chợt nên có cảm nhận sai khác. Đã từ lâu cái tên Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đến lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng dân Việt dài hơn một trăm năm nay. Nó trở thành huyền thoại, trở thành biểu tượng cho hai cuộc kháng chiến mà dân tộc từng trải qua. Hai tiếng Bác Hồ có điều gì đó rất thiêng liêng, rung động và thấu cảm đến từng con tim khối óc. Cảm động đến ứa nước mắt khi tôi đọc lại thân thế và sự nghiệp của Người. Dài nhưng không hề chán. Đọc xong thì nhớ ngay. Bắt đầu là một cuộc ra đi, mẹ mất năm 1901, cậu bé Coông vừa 11 tuổi, năm 1910, cha bị bãi chức vì chống lại triều đình Huế hèn hạ trước cuộc xâm lăng ngang ngược của thực dân Pháp. Tình cảnh quả là bi đát, anh Thành phải từ Huế vô trường Dục Thanh, Phan Thiết dạy học, rồi bắt đầu từ đó lên con tàu Latutsotelevindơ đi tìm đường cứu nước, lênh đênh làm kiếp bồi tàu vất vả, cực nhục, cô đơn không kể xiết. Cuộc hành trình từ bến nhà Rồng, vòng quanh mãi trên đại dương hàng tháng trời rồi mới cập bến Paris. Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết hay đến độ, tôi cứ tưởng là có ông đang đi trên con tàu ấy: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi - cho tôi làm sóng dưới thân tàu đưa tiễn Bác - khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất - bốn phía nhìn không bóng một hàng tre - đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ - sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương - trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở - xa nước rồi càng hiểu nước đau thương." Rồi những đêm tuyết lạnh, bác phải đi quét rác, làm bồi bàn, làm thợ ảnh kiếm sống qua ngày. Tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ (Le Paria) ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy. Các tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc lần lượt xuất hiện trên đất Pháp, cùng với luật sư Phan Văn Tường, Nguyễn Thế truyền, Nguyễn An Ninh đã trở thành cộng sự đắc lực cho tờ báo đó, tất cả đều có chung chí hướng yêu nước, chống áp bức bất công, thể hiện tinh thần phê phán chủ nghĩa đế quốc được viết từ năm 1922, càng đáng tự hào hơn khi vỡ kịch CON RỒNG TRE ra đời, tiếp đó là cuốn BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP có tính tố cáo mãnh liệt chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa, rồi Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập đảng Cộng Sản Pháp. Thời gian tưởng chừng như quá ngắn chưa tới 5 năm, từ chỗ anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, đã chuyển từ lượng sang chất - thành nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Nguyễn Ái Quốc có tầm vóc lớn hẳn hoi. Thế mà Trần Gia Phụng, Lê Hữu Mục (từng dạy đại học Văn khoa Sài Gòn) cho đó là bịa đặt, không có cứ liệu lịch sử. Thưa các ông, cứ liệu đã rõ rành rành, trong văn khố của Pháp còn lưu, trong hồi kí của các nhà hoạt động cách mạng trên đất Pháp, bút tích mà cho đến nay vẫn chưa thể phai nhòa. Kiểu viết bóp méo lịch sử như thế này xuất phát từ lòng đố kị, hẹp hòi mang thân phận của một kẻ tị nạn. Họ trông về đất nước, ngó lại thuở xa xưa chỉ bằng mặt mà không bằng lòng, thiếu đi một tố chất khoa học đó là biện chứng lịch sử. Các ông tự xưng mình là nhà sử học, nhà triết học, các bài viết ấy trên tờ báo lá cải có tên là “Quê hương", phát hành vài trăm bản, thử hỏi có ai đọc tới chưa. Tìm mãi, lục mãi, tôi thấy cả hai ông đến cuối đời viết không ra hồn một cuốn sách nào. Trong khi đó nhà xuất bản Sự Thật, ban nghiên cứu lịch sử Đảng đã dồn sức, dồn hết kiến thức trong hơn 70 năm qua, họ sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lí…và đã cho ra đời gần 200 cuốn sách về chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi cho đó là bằng chứng hùng hồn, đúng với tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân, làm cho các ông hết đường phủ nhận.
Cuộc hành trình tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc từ Paris đến Pắc Bó dài dằng dặc, đất nước còn họa ngoại xâm cứ canh cánh bên lòng còn hơn cả một nỗi đau. Đầu năm 1924, Người sang Mạc Tư Khoa, thì Lê Nin mất, bản luận cương mà Người có trong tay cũng chỉ là một bước sơ khởi, làm sao hiểu hết được những nguyên lí ban đầu của nó. Đấu tranh giải phóng dân tộc là chắc chắn rồi, phải làm gấp gáp thôi, loài người bị áp bức đang cần đến nó. Người nghĩ như thế nhưng cơ hội và vận hội chưa đến. Thế mà Trần Gia Phụng cho rằng : nó không có ý nghĩa gì hết, mất công, tốn thời gian. Theo tôi, kết luận như thế này thì quá hồ đồ, ông buông mặc cho ai hiểu theo kiểu nào thì hiểu, ông không thể phân tích được tình thế cách mạng ngày đó còn “ngàn cân treo đầu sợi tóc". Ngay ở Việt nam, phong trào kháng chiến chống Pháp vừa mới manh nha, chưa có một tổ chức chính trị nào đứng ra lãnh đạo đúng đường lối. Sự thất bại của các phong trào yêu nước, văn thân nổ ra từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Về phương diện này thì ông Trần Gia Phụng hoàn toàn không biết được trong luận cương, Lê Nin nói gì. Việc thành lập đảng cộng sản Đông Dương là một tất yếu lịch sử. Sau 30 năm bôn ba, ngày 28.1.1941, Nguyễn Ái Quốc về nước. Nhà thơ Tố Hữu miêu tả hết sức sinh động cảnh tượng này : “ Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt - trắng rừng biên giới nở hoa mơ - Bác về im lặng, con chim hót - thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ - Bác đã về đây Tổ Quốc ơi - nhớ thương, hòn đất ấm hơi người - ba mươi năm ấy chân không nghỉ - mãi đến bây giờ mới tới nơi." Khó có thể nói hết những tình cảm, những xúc cảm của Bác, khi mảnh đất thương yêu đang ấm dưới chân mình. Rất nhiều nhà thơ, nhà văn của chúng ta miêu tả hình ảnh đó như là một dấu hiệu, một tin tức vui mà toàn thể nhân dân đang chờ. Từ ánh lửa rừng hang Pắc Bó, từ thác Bản Giốc, Cao Bằng đến Khuổi Nậm, rồi về tận quảng trường Ba Đình đầy nắng, cả dân tộc nín thở nghe Bác đọc tuyên ngôn, nền độc lập bắt đầu từ chỗ phôi thai ý nghĩ của Nguyễn Tất Thành ngay tại bến nhà Rồng. Cuộc hành trình ấy kéo dài ngót nghét 34 năm - thưa ông Trần Gia Phụng và Lê Hữu Mục. Lịch sử không hề tô vẽ, và tôi nói mãi vẫn không hết, cá nhân con người ấy tự vẽ nên lịch sử buộc chúng ta phải viết, phải sao chép lại trung thực, y nguyên. Tại sao hai ông lại cố tình làm ngược lại, nhằm xóa bỏ nó, coi nó không hề có thật trong tiến trình ấy. Rồi hai cuộc kháng chiến trường kì, một tay Người chèo chống, nếu không có luận cương của Lê Nin làm sao ta có đường hướng để hoàn thành xuất sắc công cuộc giải phóng dân tộc?
Tôi không bàn thêm nữa về hành trình xuất dương tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc mà các ông từng bịa đặt. Như thế là đủ rồi. Tôi muốn nói đến nhà thơ Hồ Chí Minh, với tập NHẬT KÍ TRONG TÙ, rồi 22 bài thơ chúc tết và với một số bài thơ Người viết bất chợt ở Việt Bắc hay khi người về tới Chủ Tịch Phủ. Tôi chưa bàn đến chuyện hay dở, thường thì hai ông cho là dở, các ông còn kết tội Hồ Chí Minh đạo thơ, còn Nguyễn Ái Quốc đạo báo. Như thế các ông phản lại tình cảm của cả dân tộc dành cho Người. Chất thơ Hồ Chí Minh cũng như tư cách đạo đức Hồ Chí Minh là thực sư tinh khiết nó trong trẻo như hương rừng rì rào gió, như suối ngàn chảy sông trôi, như tâm hồn của một bậc vĩ nhân ngưng tụ lại. Tôi không thấy nó lẫn vào ai, thấy không hề bắt chước ai, thế mà hai ông cứ cố tình chụp mũ, lu loa lên rằng đây là thơ của ai đó rồi bê nguyên vào làm của mình. Tập NHẬT KÍ TRONG TÙ là của nhà thơ Hồ Chí Minh gồm 132 bài, đại đa số là tứ tuyệt, được Bác viết từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943, khi đang ở trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, xuất bản lần đầu tiên tại Hà Nội năm 1960. Tập thơ này còn tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Từ bấy đến giờ ngót nghét 64 năm, tôi không thấy ai kiện tụng, có ai nào tố cáo rằng đây là tập thơ ăn cắp của ông già Lí từ bên Trung Quốc, và tôi cũng chưa thấy được ai dám tự nhận do chính mình sáng tác. Hài hước và ởm ờ, hai ông cứ lún sâu mãi mê vào chuyện bịa đặt và tố cáo, chứng cứ nông cạn, tịt ngòi như một ngõ hang cụt. Tôi đơn cử bài Nguyên Tiêu, một áng thơ hay, phải được viết từ núi rừng chiến khu Việt Bắc mới có được hình ảnh vào giữa rằm xuân mà màu nước sông lẫn nước trời đẹp đến mê hồn, nó lồng lộng ánh vàng, ngân trải từ trên cao rơi xuống, phẳng, mịn màng mà không gợn, lại còn bàn bạc việc quân giữa lúc khuya thanh vắng thế này, tĩnh tại thế này thì cuộc chiến ngày mai của Vệ Quốc Đoàn với thực dân Pháp, ai sẽ thắng ai. Bài thơ được Xuân Thủy dịch sang thể lục bát như sau :
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Hay và độc đáo, thể thơ tứ tuyệt nó lạ lùng đến như vậy đó, chất thi sỹ, tâm hồn của một nhà thơ lớn, đã choán hết cả vật chất chữ nghĩa, ý và lời, tứ và bài hiển hiện như một mối ràng buộc, thấm đẫm nỗi tương tư, đã không đọc thì thôi, đọc một lần là cuốn hút, là thuộc, thuộc rồi thì lòng cảm phục kính yêu trong ta đối với Bác cũng như thơ Bác cứ nhân lên, dâng trào lên như sóng giao thoa. Càng yêu Bác bao nhiêu thì ta hãy cứ quên đi những điều nhỏ nhặt kia mà tôi vừa luận bàn ở trên, nó không là gì cả, không có ý nghĩa gì, thậm chí nó không tồn tại và chưa hề xuất hiện ở đâu, ngay trong cả ý nghĩ của mỗi chúng ta. Âm hưởng của bài thơ Nguyên Tiêu còn ngân nga đến những 22 bài thơ chúc tết của Bác về sau này nữa. Nó định hình một phong cách thi sỹ rõ ràng. Lắng đọng và nhớ mãi. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Như đỉnh non cao tự giấu hình - trong rừng xanh lá, ghét hư vinh…" hay như ở Hoàng Trung Thông:
Tôi đọc trăm bài, trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình
Chúc các bạn có nhiều lí trí và nhiều sáng suốt, đừng chớ coi tôi bày ra những điều tranh luận này là phạm húy, rắc rối và chưa chắc đã hay, đã sắc sảo, có khi còn gây hiểu nhầm, mời các bạn cùng vấn đáp với tôi, góp ý cho tôi đả phá hết đi những bọt bèo, dư cặn đang xuất hiện nhan nhản trên những trang mạng có nhiều yếu tố độc hại, thô thiển, đầy chất vu khống…Với lương tri của một người con từng sống qua hết mọi thăng trầm của đất nước, buộc tôi phải lên tiếng đấu tranh thẳng thắn. Bảo vệ chân lí đến cùng. Đây là ý nghĩ của cá nhân tôi. Việc nhận định, đánh giá, đối chất, bênh vực về một lãnh tụ vĩ đại, một nhà thơ lớn, một thần tượng của dân tộc, là trách nhiệm của một công dân, trong đó có tôi, dẫu rằng đôi lúc tôi chưa nêu hết ý, hết lời, mong bạn đọc thông cảm.
N.H.N