* LTS: Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân - Công đoàn do Tổng Liên đoàn Việt Nam tổ chức vừa được tổng kết, trao giải. Nhà văn Nguyễn Trí giành giải Nhất ở hạng mục Tiểu thuyết (tác phẩm "Hoa xương rồng") và nhà văn Trâm Oanh giải Nhì ở hạng mục Truyện ngắn (tác phẩm "Hệ sinh thái và cánh diều của cha").
Nhân dịp này, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai giới thiệu cùng bạn đọc chương I tiểu thuyết "Hoa xương rồng" của nhà văn Nguyễn Trí.
Mười bốn tuổi Hương yêu.
Cô yêu tha thiết, yêu mặn mà, yêu chết bỏ một anh Linh. Anh Linh đẹp như Pháp, cao ráo như Pháp luôn, thanh thao như diễn viên điện ảnh Lương Mạnh Hải thời đóng phim Bỗng dưng muốn khóc chứ không to chà bá cái chiều ngang, phục phịch như mấy ông Pháp thiệt. Anh cũng thích Hương. Bằng chứng là mỗi khi Hương khóc, anh lấy khăn giấy cho Hương lau nước mắt. Hương hay khóc lắm, nhất là mỗi khi ngồi bên cái thau to đùng đầy ắp bát tô chén đĩa.
Ở phố, nhà anh Linh thuê đất mở quán cơm. Linh rửa chén với tư cách làm thuê. Ngoài rửa chén, Linh còn giặt đồ cho cả nhà nữa. Nhà anh tổng cộng sáu người. Tất cả chui rúc trong một phòng trọ hẹp như cái lỗ mũi với hai mươi mét vuông thêm cái gác lửng. Phòng vậy người còn không có chỗ chui nói chi máy giặt. Hương phải giặt bằng tay. Chị hai của anh Linh có chồng, hai vợ chồng cũng một phòng trọ riêng. Chồng chị chạy honda ôm. Trước đây anh vẫn đưa chị đi và đón về ở một vũ trường rồi họ nên duyên tấn tần chả cưới hỏi chi ráo. Gia đình rồi nhưng chị vẫn quen thói ăn khuya ngủ trưa. Áo quần của chị và chồng con, chị vất luôn cho Hương. Hương phải chu toàn công việc giặt giũ phơi phóng và làm sạch tô chén bát đĩa. Cô bé ăn ngủ ngay tại quán cơm chứ chỗ đâu trong căn trọ hẹp như lỗ mũi.
Hương khóc âu cũng phải.
Và anh Linh khi đưa khăn giấy, khi lau nước mắt cho Hương. Tình yêu có sức mạnh rất diệu kỳ, nó khiến cô quên buồn, quên mệt, nó lại khiến cô cười, cười rất tươi mỗi khi anh Linh dí dỏm một câu chi đó. Nếu cuộc đời cứ thế mà xuôi e chừng Hương làm vợ anh là có chắc. Chả phải má anh đã nói:
- Thằng Linh nó thương mày. Chịu không Hương? Chịu thì để tao nói với ba má mày nghe.
Hương yên lặng. Quá xá đồng ý luôn chứ chi nữa.
Nhưng đời không như là mơ. Ruộng dâu còn hóa biển xanh huống chi con người. Tình yêu Hương cho anh Linh tan thành bọt nước đúng nghĩa đen của nó. Ai đời, một anh trai đẹp như Pháp - mẹ cha ơi - ngay trước mắt, Hương mục kích cảnh tăm tối nhất cuộc đời một trẻ trai. Anh Linh quỳ gối trước mặt Thức. Thức là một gã khá nổi tiếng ở hẻm một lẻ một. Gã nghiện và là trùm phân phối ma túy lẻ của một lẻ một.
Thức, còn gọi là Thức Rồng. Ở tù về, gã đeo từ cổ xuống chân một con rồng xanh lè mực xâm, tiếp tục cái nghiệp bị xã hội ruồng bỏ. Ra là con nghiện Linh thiếu nợ Thức Rồng. Thiếu, nhưng khi có tiền Linh lại kiếm mối khác để phục vụ cho bản thân. Giang hồ Thức nóng mũi phục kích bắt thằng dám qua mặt anh lớn. Để trừng trị, anh lấy hết tiền trong túi gã điếm thối và bắt quỳ. Con nghiện, mười thằng đúng mười cực hèn hạ khi thiếu thuốc. Linh quỳ thì chớ còn chắp tay lạy Thức cho em xin thiếu thêm một tép anh hai ơi... em thề không dám qua mặt anh nữa...
Mục kích cảnh này, Hương rùng mình tỉnh giấc mơ hoa ngay tức khắc.
Và cô không một chút xúc động khi hai hôm sau Linh đột tử trong toilet ở một trạm xăng. Linh chết vì sốc ma túy, bằng chứng là kim tiêm vẫn còn trên tay anh ta. Những cái chết kiểu nầy không hiếm. Bọn mua bán ma túy vì lợi nhuận nên sẵn sàng pha trộn trời ơi đất hỡi vào hàng họ. Con nghiện khi lên cơn, thuốc phòng chó dại còn dám tiêm thì chúng sợ chi chất bột màu trắng trong tép. Ông bà Hùng - cha má của Linh - đóng cửa quán cơm lo tang ma cho con trai. Về chuyện tiêm thuốc phòng bệnh dại vào tĩnh mạch, Linh nghe được từ hai anh ba bánh đạp đi đám ma Linh. Rằng:
- Thuốc phòng dại mà tiêm vô tĩnh mạch được ha? Mua ở đâu?
- Dân chơi gọi là thuốc tây hay tân dược. Khi bị bố, hàng trắng không có, dân chơi phải tiêm tân dược để chống cái gọi là dòi đục trong xương. Hiểu không? Mua ở đâu hả? Thì ở mấy tiệm thuốc tây chớ đâu. Nhưng phải quen biết họ mới bán. Tao có thằng đệ khi vã, tiêm ba cái nầy nên có biết chút chút.
- Mẹ ơi... thuốc dùng tiêm bắp mà...
- Chết hả? Khi ma túy đã có trong máu thì không chết được đâu. Tao có quen với một dân chơi ma túy thời Cộng hòa kể rằng, anh ta hòa tan ba điếu Capstant vào nước lạnh, cô lại trên lửa rồi lọc qua bông gòn, sau đó tiêm mà cũng sống đến hôm nay. Thuốc phòng chó dại còn khuya mới chết.
- Vậy sao thằng Linh chết?
- Bị sốc. Tao đã từng chứng kiến một thằng bị sốc sau khi tiêm. Nó ná thở và hai con mắt trợn ngược toàn tròng trắng. Mày biết bọn chơi ma túy trị làm sao không?
- Không. Kể nghe chơi.
- Tụi nó rút vào xi-lanh năm C nước tinh khiết rồi bơm vô tĩnh mạch thằng bị sốc. Xong. Năm phút sau thằng sốc tỉnh rụi. Thằng Linh đang lên cơn thèm cái gọi là bốc nhãn quá nên lụi đại, không ngờ chơi trúng hàng Tàu. Đã Tàu còn bị trộn nên sốc. Sốc một mình nên chết phải rồi.
- Hàng Tàu là sao?
- Có hai loại hàng. Một của Tam Giác Vàng và một của Tàu. Hàng Tam Giác Vàng chơi bốc nhãn hơn hàng Tàu. Giá cũng cao hơn. Hiểu chưa?
- Bốc nhãn là sao?
- Khi kim tiêm vô tĩnh mạch, mùi thơm của nhãn chín ngào ngạt từ xương cụt xông lên tận đỉnh đầu nên gọi vậy.
Hương nghe mà thất kinh.
Linh là trưởng nam của ông Hùng nhưng thứ tư của bà Hùng. Bà Hùng có ba con riêng với hai đời chồng trước khi gá nghĩa với ông Hùng. Là dân chơi thứ thiệt, ông Hùng rày đây mai đó trên một chiếc con cóc bốn bánh chuyên nghề sơn đông mãi võ. Ông ghé các miền kinh tế mới trên khắp đất nước loa rằng kính thưa quý bà con cô bác... hôm nay... Và vô số cái tình ông đã vương vãi khắp nơi. Chỉ duy một bà Hùng theo ông cho đến ngày nghiệp sơn đông giũ sổ. Ông bình tĩnh đưa Linh ra Bình Hưng Hòa rồi mang tro cốt thằng con vào gửi vào chùa.
Bà Hùng hỏi khi quán cơm hoạt động lại:
- Không buồn ha Hương?
Đúng là Hương không một chút buồn khi Linh chết. Cô gái mười bốn tuổi quá ấn tượng khi người cô yêu quỳ lạy trùm ma túy. Và anh ta chết rồi. Chết vì ma túy thì - nói như cô Yến chị của Linh - là may cho hai ông bà già, nó mà không chết thì quán cơm không còn cái muỗng. Ý cô Yến khi đã sa vô ma túy, vợ chúng bán, con chúng còn đợ thì của nả nghĩa lý gì. Cô Yến đã nói thẳng với bà má và ông dượng sơn đông như vậy.
Thực ra Hương có buồn một chút. Nhà có người chết mà không buồn thì họa có là nước đá. Nhưng có câu họa vô đơn chí, phước bất trùng lai. Anh trai vừa ra đi thì đến phiên thằng em tên Sơn bị bắt đi tập trung cai nghiện. Nhà có hai thằng thì cả hai đều nghiện. Lần nầy thì Hương thật sự buồn. Bà Hùng nói:
- Nghỉ thôi Hương ơi. Dẹp quán chứ lòng dạ nào mua bán nữa con ơi…
Nói rồi bà thanh toán tiền lương.
Hương nghĩ đến ba má và ba đứa em. Cô bé mười bốn tuổi đã hết hai năm là Osin rơi nước mắt. Cô kéo vạt áo chứ đâu còn ai đưa khăn giấy cho cô lau nước mắt.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi
***
Nhà Hương nghèo nhất Xóm Sông. Đùm túm sát bờ sông nên gọi vậy. Xóm mười bốn hộ chỉ duy nhất cha má Hương kiếm sống bằng sức. Ba Hương trên rừng một năm hết mười một tháng. Má gánh chè đi bán dạo. Mười hai tuổi, đang lớp bảy, Hương phải nghỉ học trông em bởi ba bị tai nạn. Ba có tật uống rượu ghiền. Trong rừng, rượu là bằng hữu của thợ. Chủ nhật nào thợ rừng cũng giải lao sau một tuần gian khổ. Say say, ba trèo cây hái trái, từ độ cao bốn mét một cành khô bị gãy và ba rơi tự do vì bất cẩn. Anh em thợ đưa về bệnh viện huỵện. Từ huyện má đưa ba lên trung tâm chỉnh hình. May mà không chứ gãy cột sống thì… Chưa gãy mà Hương đã nghỉ học làm osin giúp má nuôi em và ba dưỡng bệnh. Cú té chí mạng đã làm ba nằm trên giường bất động. Cái gọi là nghỉ học giúp má ba tháng hè đã bất đắc dĩ bị kéo dài vì ba bị biến chứng. Cái tội uống rượu ghiền khiến lá gan ba bị vấn đề. Lại phải nằm viện.
Một cô giáo hết thời gian nghỉ thai sản, cần lắm một người biết chăm em bé sáu tháng tuổi. Chồng cô cũng là giáo viên, ông giáo đến tận nhà xin với má cho Hương giúp đỡ vợ chồng ông một thời gian:
- Em dạy sáng, vợ em dạy chiều, như vậy công việc chăm em bé không vất vả lắm. Xin chị giúp cho…
May mà ba tự xoay sở một mình ở viện với chứng xơ gan. Má với gánh chè không thể lo cho một bệnh nhân và hai đứa em. Hương phải tạm nghỉ học. Thôi thì đành một năm xa trường, xa lớp, xa bạn bè. Vả lại, ở với thầy cô giáo trông em cũng không mất chi cái sự học. Lại có tiền giúp má:
- Vợ em dạy lớp bảy, tối cô ấy sẽ lo học cho cháu.
Xóm Sông của Hương vốn là vùng kinh tế dân lập. Nhà cô giáo ở thị trấn. Tiếng là vậy, nhưng thầy cô giáo mấy ai giàu mà mặt phố hay nhà to. Cô thầy ở trong rẫy. Cả hai đi dạy bằng một chiếc xe đạp. Sáng cô, chiều thầy. Hương chăm em bé rất sành điệu. Chả là ba má đi làm, một mình Hương lo ăn, lo tắm, ăn uống cho hai em là chuyện nhỏ. Hương còn biết mang áo quần bẩn xuống sông để giặt. Nấu cơm, cả làm thức ăn cho má nữa. Giỏi vậy nên vợ chồng cô giáo quý Hương lắm. Nhưng cả hai đều sợ. Thấy Hương lau vụng nước mắt là họ sợ. Rẫy nương buồn ơi là buồn, không như Xóm Sông tuy nghèo nhưng khổ cũng vui bởi cùng nhau than thở. Hương nhớ má nhớ em, thương ba đang vật lộn với bệnh tật.
Vậy là Hương khóc.
Là thầy cô giáo nên hai vợ chồng rất tâm lý. Họ sợ Hương vì nhớ xin về nên chủ nhật ông thầy đèo Hương trên xe đạp băng chục cây số đưa cô bé về thăm nhà. Để ràng buộc, ông ứng tiền cả ba tháng lương của Hương để má lo cho ba và em. Hương buồn ơi là buồn khi biết ba vẫn nằm viện. Và lại khóc vụng trong xó bếp khi chia tay hai em nhỏ để về với nơi làm việc. Thằng em mười tuổi đang lớp năm ôm chị khóc ơi là khóc. Hương phải dỗ, phải một lần nữa nhắc em đừng xuống sông. Con bé thật giỏi - vô cùng giỏi - khi vỗ về em gái. Nó không khóc cho đến khi chiếc xe đạp ra khỏi xóm sông lên đò đạp để sang ngang. Lúc ấy con bé mới vắn dài nước mắt nhìn về bờ bên kia. Bên mà dưới mái nhà có má và hai đứa em nhỏ của nó.
Tám tuổi đã biết nấu cơm, mang áo quần của cả nhà xuống sông để giặt giũ. Mười hai tuổi Hương đã biết nín khi cần thiết thì, ở tuổi mười bốn dễ chi Hương xao động trước cái chết của Linh. Cái chết của một kẻ vì ma túy mà cúi đầu quỳ lạy. Dù rằng Hương đã từng yêu anh và đã để cho anh vuốt tóc.
Không ai trông ngày chủ nhật như Hương suốt năm tháng ròng. Từ bắt đầu học kỳ một cho đến tết. Ba cũng rời bệnh viện về nhà. Ba nửa nằm nửa ngồi trên võng, cái bụng chướng lên bởi sưng gan. Mặt và nước da của ba vàng như nghệ. Ông còn ho nữa. Những cơn ho dài đến độ Hương thắt thỏm ruột gan. Dân Xóm Sông ghé nhà nhìn người bệnh mười đúng mười lắc đầu. Ai cũng nói có lẽ đây là cái tết cuối cùng của ba. Má thở dài não nuột buồn.
Ba mươi tết vợ chồng ông Hùng Sơn Đông ghé nhà thăm. Một thuở nào đó ba giúp việc cho ông Hùng và cả hai là bạn. Ba theo ông Hùng với công việc cầm cái loa rao bán thuốc kiêm biểu diễn võ thuật. Nhìn ba, ông Hùng nói:
- Than ôi! Thời oanh liệt đâu rồi.
Nhìn Hương pha trà tiếp khách bà Hùng thích lắm:
- Đi Sài Gòn làm với thím. Lương gấp ba lần làm với ông bà thầy...
Vậy là Hương theo vợ chồng ông Hùng lên phố.
***
Nơi gia đình ông bà Hùng tạm ngụ đang trong quá trình giải tỏa đền bù để làm đường và cầu vượt. Dân lao động các nơi đổ về nên có được một phòng trọ như bà Hùng là may mắn. Vốn là dân mãi võ, ông Hùng nhìn và nhận ra, không đâu mua bán dễ cho bằng những nơi đang phá đi để làm lại. Ông dừng bước giang hồ, bán chiếc con cóc, thuê mặt bằng dựng quán. Bà Hùng xắn tay áo nấu cơm làm món ăn hầu dân lao động. Theo chồng cả mười năm trong nghiệp bán cao đơn hoàn tán, bà Hùng biết cả nghìn lẻ một chiêu thức lấy lòng khách. Với giới lao động tay chân, no và phải chăng chứ, trong từng thâm tâm một, ai cũng biết muốn ngon thì đừng bước vào vỉa hè quán.
Món ăn ngon đâu cần phải sơn hào hải vị mà cần ở bí quyết. Bí quyết nằm ở gia vị và đầu bếp phải biết gia cố làm sao để vui lòng khách. Gì chứ nêm nếm cho vừa miệng ông chồng phong trần tài tử bà Hùng số dzách. Dân lao động từ thợ đến phụ hồ, ba bánh đạp chuyên đập phá và chuyển tải xà bần cần lắm cái sự no. Gì chứ no bà Hùng bao. No, ngon, vừa túi tiền. Ăn xong khách bước lại bình nước to đùng luôn đầy ặp đá trà uống tùy thích. Bốn giờ sáng ông bà Hùng thức giấc bắt đầu công việc. Ông Hùng thái nhỏ chả lụa, chả chiên, bơ, xíu mại cho bánh mì, xôi mặn. Bà Hùng mỡ hành, nước mắm chua ngọt dành cho cơm tấm. Bữa điểm tâm cho dân lao động cũng thiên hình vạn trạng chứ không đùa. Chả biết bà Tào Thị chửi cô Tấm ra sao chứ bà Hùng chửi con cái thiếu điều tắt bếp. Dân sơn đông đã chửi thì giang hồ còn sợ. Vậy mà khách đến, bà Hùng cười tươi như hoa. Ông Hùng đẹp trai ác liệt nhưng là chồng thứ ba của bà. Hai thằng trai thừa hưởng nhan sắc của mẹ nét đẹp kiêu hùng của cha nên, đẹp và tướng tá ngon như Lã Bố, Mã Siêu thời tam quốc bên tàu. Con bé út sáu tuổi tên Phượng có đôi mắt mà khách nhìn thôi là cơm gạo rẻ nở bung nồi họ vẫn thấy ngon. Nụ cười tươi của mẹ, đôi mắt của con gái góp phần làm món ăn của quán Hùng ngon hơn. Ông bà dạy đói bụng no con mắt sao mà đúng quá. No rồi, nhìn mẹ con chủ quán khách lại muốn ăn thêm. Khách đông nên bà Hùng sợ lắm cái sự vụ làm sạch chén tô bát đĩa. Hai thằng trai Linh và Sơn nói con đi giao cơm mệt muốn sặc máu nên rửa chén thì không.
Vậy là Hương vừa bưng cơm cho khách vừa chịu trách nhiệm vệ sinh cho cả nồi niêu xoong chảo chứ tô chén bát là đương nhiên. Trên dưới năm mươi khách cho một bữa ăn. Cũng chừng đó khách Linh và thằng em tên Sơn bưng mâm đến tận nơi. Vị chi một trăm và mỗi khách gồm một đĩa, một chén canh một chén nước mắm. May mà cơm hộp mang đi khách tự vất chứ hộp mà phải làm sạch thì... Tất cả dồn vào hai cái thau to đùng. Sau bữa trưa bà Hùng và Hương phải ra tay làm sạch để phục vụ cho bữa chiều. Bữa chiều xong lại tiếp tục cho ngày mai. Những lúc ấy nếu có khách, ông Hùng hay Linh và Sơn phục vụ. Công việc không nặng nhọc nhưng từ sáng đến tối Hương không ngơi tay - vì thế cho nên Sài Gòn trong mắt Hương là cái quán cơm vỉa hè, tô chén bát đĩa và những cái thau to đùng. Bốn giờ sáng ông bà Hùng thức, Hương cũng thức theo chui vào nhà tắm chà cho sạch, xả cho tan mùi mồ hôi những bộ quần áo suốt một ngày lao động của tất cả thành viên trong gia đình.
Lương của Hương gấp ba lần của ông bà giáo viên cũng đúng quá.
Công việc và sự nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm ở nơi đang cải tạo để phát triển đã khiến nỗi nhớ ba má và hai đứa em trong lòng Hương vơi đi. Chín giờ Hương lên giường, bốn giờ đã thức và làm việc ngày trên mười tiếng với một cô bé mười hai tuổi là bóc lột và lợi dụng sức lao động của trẻ em. Tội nầy phạt cả cha mẹ và người sử dụng lao động chứ không đùa. Nhưng má đang lo bệnh cho ba và một tay chăm hai đứa em, Hương không giúp mà được sao? Và cũng chỉ hết niên khóa này. Hương phải về lại Xóm Sông để học lại chứ Hương nghỉ học ba buồn lắm. Với ba, dao có mài mới sắc, người có học mới nên. Ừ, chỉ hết niên khóa này chứ không thể hơn.
Nhưng sự đời không hề đơn giản, nếu đơn giản chỉ sáng trưa chiều tối ăn ngủ đi làm thì ca dao đã không thân em như chiếc nón cời. Bung vành đứt đoác, chịu đời nắng mưa. Hương cũng như một anh thợ hồ vào quán ăn cơm đã than trăng kia còn có đêm rằm. Thấu chăng kiếp thợ tối tăm một đời...
Má phải đưa ba về nhà vì không tiền viện phí. Chao ôi! Tiền! Muôn đời nó là tiên là phật, là sực bật của lò xo. Tiền là cái la bàn, không tiền là không phương hướng... ôm bệnh hiểm trong người mà về nhà thì ba chỉ có đường chết. Bà Hùng cho má ứng thêm vài tháng tiền lương. Ứng thêm nghĩa là đường về nhà của Hương xa vời vợi. Sự học cũng dừng lại. Nhưng biết làm sao khi má cần tiền để đưa ba lên Sài Gòn chữa bệnh. Ba không thể chết. Má nói:
- Ta có thể mất hết - má nói - nhưng con không cha là nhà không nóc con ơi.
***
Ngoài ba mươi, Năm Thao - ba của Hương - mới lấy vợ. Năm Thao là dân rừng nằm ở dạng chuyên nghiệp. “Nằm ở dạng" nghĩa là chưa chuyên lắm. Chuyên thì phải nói đến những người sinh ra lớn lên xem rừng như sinh mạng, những người ấy, con ma sốt không đụng vào họ được. Năm Thao là dân phố, từng là con quan, con nhà giàu nhưng vì thời thế nên phải bỏ phố lên rừng chặt củi đốt than. Hết than củi quay sang ngậm ngải tìm trầm, đãi vàng, đào đá quý… Có vợ rồi Năm vẫn rú rừng lo cho vợ con. Ai đã từng nhờ ân điển của rừng, từng ôm rừng nằm từ tháng nầy qua tháng nọ, thậm chí, tết nhất cũng tri âm với rừng chắc biết người bạn thân nhất của thợ rừng là rượu. Đêm ở rừng dài thê thiết không rượu làm sao đêm tàn để ngày rạng. Bốn giờ sáng thợ đã thức giấc cà phê cà pháo, một vài cá biệt súc miệng bằng rượu. Năm Thao là một cá biệt như vậy. Những ai từng rượu sớm chắc chắn biết đến cái thống khoái của nó. Thống khoái nghĩa là thích thú đến cực độ. Đúng vậy. Vừa thức giấc sau một đêm dài, ta nâng ly làm một hơi cạn cái xây chừng. Máu đang lừ đừ trong huyết quản bỗng rần rần thức dậy chạy lên đỉnh đầu. Ngay lập tức một nguồn năng lực mới hiện diện khắp châu thân. Năng lực nầy cho ta thấy đời đẹp lắm, ngày hôm nay đẹp hơn hôm qua, tương lai ngát một mầu xanh hy vọng. Tất nhiên là phải rượu ngon. Ồ… dân chuyên ở rừng, rượu là số một. Chả tây tàu chi nhưng nếp cái ba mươi lăm độ cồn thì uýt ky hay bồ đào mỹ tửu phải kêu cụ. Và rượu buổi sáng khiến con người ta nghiện. Nó giống như dân hút thuốc lào. Điếu buổi sáng là tuyệt ngon.
Năm Thao là giang hồ thiệt thọ nên ai chơi chi Thao chơi đó. Và muỗi rừng cũng như mòng hay ve không chê thịt người. Chúng xúm vào rúc rỉa từng chút một thì voi còn quỵ nói chi Năm Thao. Một cú sẩy chân chí mạng đã kéo theo nhiều di chứng khác đang tồn trong cơ thể. May mà Năm Thao còn có một bà xã biết “con không cha là nhà không nóc". Cô không muốn con cái bơ vơ. Thực ra Năm Thao quý vợ như ngọc theo cái nghĩa tào khang chi thê. Bà Thao theo ông từ cái thuở ăn cám hèm đúng nghĩa đen, trọng ông như núi nên bà đóng cửa nhà dẫn hai đứa: một trai một gái - em của Hương - lên Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi lo bệnh cho chồng. Vợ vậy chứ sao nữa hả trời đất?
Học hành cho hai đứa nhỏ hả? Để ba mày khỏe rồi tính. Bà má bảo vậy.
Cu Huy - em trai Hương, theo Út Phượng - gái út của ông bà Hùng gia nhập đội quân vé số. Con gái ông bà Hùng bán vé số đắt như tôm tươi nhờ vào gương mặt thiên thần và đôi mắt búp bê của nó. Dân thợ ăn cơm quán vốn nghèo, mơ một ngày thành triệu phú nhiều lắm. Huy ké vào thiên thần tên Phượng một ngày cũng trôi được một trăm tờ vé số. Cứ thế mà tiến thì tiền lãi của Huy dư đủ cho tiền thuê trọ. Cu Huy chỉ bán ban ngày, đêm đến bà má dẫn Huy đến nơi dạy học trẻ cơ nhỡ xin cho cu Huy xin vài ba chữ.
Không phòng trọ nên bà Năm Thao thuê căn bếp của cô Bảy Hải. Bếp đủ cho ba mẹ chui ra chui vào và chỉ để ngủ nên không quan trọng lắm. Bảy là tên vợ, Hải là chồng. Lái xe khi say nên gây tai nạn, Hải đi tù để lại cho vợ một cô con gái đang lớp sáu. Nhà Bảy Hải, trệt có ba phòng, trên lầu cô Bảy ngăn phòng bằng ván ép tổng cộng cả trệt cả lầu là bảy. Hai mẹ con cô một, còn sáu cô cho thuê. Sáu phòng đủ để mẹ con cô ung dung sống. Ăn cơm tiệm, không tiệm thì hộp nên nhà bếp để không. Mẹ con bà Thao nhờ vậy mà có chỗ ở. Chỉ phiền, mỗi khi triều lên, nước vào nhà bếp cả năm tấc. Nhưng không sao, bà Thao mua ba cái võng, triều lên cỡ nào cũng không sợ. Triều xuống, chịu khó quét cho sạch nền gạch bông. Có vậy tiền trọ mới bằng nửa người ta. Nghèo phải biết khéo ăn thì no khéo co thì ấm.
Từ nhà trọ đến bệnh viện nơi Năm Thao điều trị là năm cây số. Với bà Thao chả sao cả. Bà cầm một trăm tờ vé số vừa đi vừa ghé quán mời chào những ba tiếng mới trôi năm cây số thì chân giò chả mỏi chi ráo. Vả lại, gánh chè trên vai cả ngày còn không mỏi lo chi xấp vé số mỏng te. Bà Thao rao khéo lắm, với lại, tuy ba con nhưng nói theo kiểu vỉa hè, còn ngọt ngào lắm cái bo đỳ, cho nên lắm anh sồn sồn hỏi có vé số xổ liền không em. Tuy có dấu chân chim nhưng đôi mắt đen láy đêm đen một thời Năm Thao điên đảo vẫn còn nguyên đó. Sồn sồn thành phố khoái nên xé mỗi lần dăm ba tờ là chuyện nhỏ. Bà Thao ghé thăm chồng, anh muốn ăn gì nói em mua, vẫn ngọt ngào như thuở nào. Chỉ kẹt cái sưng gan nên miệng đắng nghét.
Đắng như khi bác sĩ báo Năm Thao bị áp xe gan:
- Nghĩa là sao hả bác sĩ? - Bà Năm hỏi.
(...)
(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)