Lại thêm một nhà máy được xây dựng để đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài. Chỉ sau ba tháng, nhà máy mới đã hoàn thành với đầy đủ trang thiết bị để đi vào hoạt động. Hơn mười năm, Khu công nghiệp chuyên ngành hình thành và ngày một mở rộng. Khu nhà máy tiên phong của anh vẫn dẫn đầu về nhiều mặt. Anh càng trở nên đa đoan khi mở rộng lĩnh vực qua Logistic, địa ốc, nông nghiệp… Lại hoạt động cả trong và ngoài nước… Amh đi lại khắp nơi như con thoi, họp hành, bàn thảo trong hội trường, văn phòng và cả trên các hiện trường. Mệt nhoài, bận rộn mà anh vẫn cố gắng vượt qua…
***
Hôm nay, anh cho phép mình sống chậm một ngày khi cùng vợ con trở về với vùng đất thời trai trẻ. Nơi ấy có dòng thác Đá mà có lần anh suýt chết khi vác lúa vượt thác. Số phận mỉm cười với anh từ dạo ấy mà cũng để nhắc nhở anh luôn phải thận trọng trong mỗi bước đi của cuộc đời. Gian nhà thờ của gia đình với những gia dụng cũ được anh giữ lại, chỉ thuê sơn PU nhìn cho mới. Bên trong là chiếc giường ngủ nhỏ của mẹ anh và của anh cùng chiếc giường đôi của hai cô em bỏ trống nhiều năm, vẫn như xưa.
Người bạn thân cùng xóm ngày xưa qua dùng bữa trưa với gia đình anh. Vợ anh nấu mấy món ăn quen thuộc của mẹ chồng thuở sinh tiền, cứ lo mấy đứa con không ăn được, ngờ đâu bọn chúng ăn rất ngon miệng. Có lẽ do lạ miệng.
Lúc ngồi thưởng trà cùng nhau, anh bạn đã chân tình nói:
- Nè mi, tau nói thiệt tình nha, mi đã nghĩ đến việc dừng lại chưa? Tau thì tau thấy đã đến lúc rồi đó. Giờ này, cái chi mi cũng đã có. Được khen thưởng, được làm việc với lãnh đạo cấp cao trong nước, được ngồi cùng bàn với người Tây, người Mỹ thương lượng làm ăn, nhà lầu, xe hơi, vợ con đề huề… Hưởng nhàn, sống chậm cho đáng những ngày về già đi…
Anh trầm ngâm một lúc mới nói:
- Cũng có lúc tau đã nghĩ như mi. Một số bạn bè cũng nói với tau như mi nói. Nhưng… tau còn phải trả nợ…
- Doanh nghiệp nào mà chẳng nợ ngân hàng…
- Tau đâu có nói về khoản nợ vay trong làm ăn kinh tế. Mà là một món nợ ân tình…
- Cái vụ này thì hơi khó hiểu đây…
- Mi cũng không cần hiểu rõ làm chi cho mệt óc...
Minh họa: Lê Trí Dũng
***
Khu công nghiệp mà anh đang là người khởi xướng, xây dựng và phát triển quy mô lớn nằm cạnh một làng quê nghèo. Nghe các bậc bô lão kể lại thì ngày xa trước hàng ba trăm năm, đây là một vùng đất hoang vu, khô cằn, sỏi đá. Nó nguyên là đất biên giới Việt - Chiêm được vua Lê chúa Trịnh giao cho chúa Tiên Nguyễn Hoàng cai trị. Thiên nhiên, chiến tranh ngày ấy không cho phép con người tìm được cuộc sống an yên tối thiểu nên cư dân cứ đến rồi đi. Duy, có một gia đình kiên trì ở lại. Họ lôi kéo được vài gia đình nữa, những người lưu dân cùng khổ đến chia sớt nỗi buồn vui, nghèo khó với những ngưới đến trước. Dần dần, làng mạc được lập nên, ruộng vườn cùng con người thi gan với trời đất. Nắng táp vẫn gây hạn, mưa dầm vẫn làm lũ, bão giông vẫn kéo vào từ khơi xa. Nhà cửa đổ nát, cây cối ngập úng, cuộc sống đói nghèo… nhưng những con người ở cái làng nhỏ ấy vẫn can trường sống, không gục ngã. Cái làng nhỏ nghèo ấy vẫn tồn tại năm này qua năm khác, đời này qua đời khác…
Mẹ anh kể: “Ngày mi sinh ra, vợ chồng tau chỉ còn chum gạo nhỏ với một ít con khô dưới bếp. Vậy mà mi cũng lớn lên, tận tới khi chiến tranh dữ dội quá, hầu như mọi người phải bỏ quê đi tứ phương lánh nạn".
Anh còn nhớ rõ khi gia đình mình phiêu tán, rời khỏi làng quê cũ đi tìm miếng đất ở một miền quê khác mà cắm dùi, trong nhà đã có năm người. Dưới anh là hai cô em mảnh mai, chịu thương chịu khó. Chẳng bao lâu, cả nhà lại phải khăn gói dời xuống phương Nam, cũng vẫn tới một vùng đất cận rừng, xa phố. Có điều đất đai ở đây màu mỡ, thời tiết thuận lợi cho việc cấy trồng và nhất là, ba anh em anh có điều kiện học hành.
Người bạn hỏi: “Nhà mi chỉ đủ sống, hồi mi vô đại học, tau biết cha mẹ mi đã phải đi vay mượn khắp xóm để có đủ tiền cho mi đóng học phí. Rồi ở chốn đô hội xa xôi ấy, mi làm sao mà sống, mà học hành tới ra kỹ sư?
Anh nhớ lại những ngày của thời sinh viên mình đã làm đủ thứ nghề để kiếm tiền ăn học. Năm cuối đại học, anh còn phải lo cho cô em út vừa đậu đại học, khăn gói lên trọ học chung với anh. Thương cho cô em kế, trước đó một năm cũng có tên trong danh sách tân sinh viên một trường danh giá, nhưng cô đã bỏ học, lấy chồng cùng xóm cho gia đình bớt gánh nặng.
Trời sinh voi sinh cỏ chỉ là chuyện của một thời. Những ngày bám trường của anh em anh không có “cỏ" của trời đất mà phải đổi bằng mồ hôi, thậm chí cả nước mắt của hai anh em để mà vượt qua, bước tới. Những lời la mắng, đôi khi là chửi rủa của ông chủ ga ra, nơi anh được nhận vào làm từ năm thứ tư đại học, ngày ấy đã không khiến anh nuôi lòng thù ghét, vì tất cả đều là muốn giúp anh nâng cao tay nghề, tiếp cận sớm hơn với thực tế, bổ sung hữu ích cho mớ lý thuyết trong trường.
Anh ra trường, xin được việc làm trong một xí nghiệp chuyên ngành. Vẫn tiếp tục làm việc cần mẫn, trích tiền lương phụ cô em theo đuổi việc học. Quan trọng hơn cả, anh ấp ủ mong ước thoát khỏi hoàn cảnh làm thuê để làm chủ một cơ sở nho nhỏ nào đó.
***
Anh hỏi, trưởng phòng nhân sự báo cáo đầy đủ những gì anh cần biết.
Vậy là những lao động trong độ tuổi, hộ khẩu thuộc làng quê cũ của anh, hầu hết đã trở thành công nhân trong khu công nghiệp. Con em của họ được nhận học bổng để học tập. Người ta khi có địa vị xã hội hoặc làm ăn thành đạt, thường tìm cách đưa người thân trong gia đình hay chòm xóm vào làm việc chung, có thể cất nhắc thì cất nhắc, có thể tạo cơ hội thu nhập thêm thì tạo… Một người làm quan cả họ được nhờ. Anh không làm quan, chỉ là một doanh nhân được gọi là thành đạt, những người thân vẫn phải tự lo cho cuộc sống của mình, bằng năng lực của mình. Nhưng với những người đồng hương thì khác. Anh lo cho từng người từ việc học nghề đến chỗ làm phù hợp và có cơ hội thăng tiến. Bây giờ, anh yên tâm nghĩ: “Một người làm doanh nhân như mình, cả làng được nhờ. Liệu mình nghĩ có sai không?".
***
Mẹ anh không còn nữa. Bà đã mất sau hơn chục năm là một góa phụ bươn chải nuôi ba đứa con. Anh xin mẹ về sống với gia đình mình trên thành phố để an hưởng tuôi già, cũng là để cho anh báo hiếu. Mẹ anh trệu trạo nhai trần khẽ lắc đầu: “Sống nơi mô cũng ngày hai bữa, tối một chỗ nằm. Tau sống ở đây quen rồi, về phố có khi mùi xăng dầu lại khiến đổ bệnh". Anh lại ngỏ ý xây nhà mới cho mẹ. Bà già trầu gật đầu với điều kiện “sửa lại cái nhà cũ thôi, không đập bỏ nó rồi xây mới. Cũng không máy lạnh máy nóng chi, thêm cáí cửa sổ nữa cho thoáng là được". Anh không dám cãi lời mẹ. Từ khi cha anh nằm xuống, bà đã vừa là mẹ vừa là cha. Mà thuở sinh tiền, cha anh đã là người có quyền tối thượng trong nhà.
***
Trước ngày mẹ anh từ giã cõi đời, không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sức khỏe của bà sa sút. Hôm ấy anh đang ở khu công nghiệp của mình. Sáng sớm, anh chuẩn bị cho cuộc họp thương lượng với một đối tác trong nước về tiêu thụ sản phẩm. Đang đọc văn bản thì điện thoại reo. Người em gái kế, nhà ở gần nhà mẹ, vừa nói vừa khóc: “Mẹ mất rồi anh. Em qua đưa ăn sáng thì mới biết". Anh bật khóc khi nói: “Tau sẽ về ngay". Sau những phút giây không ngăn nổi cảm xúc, anh gọi điện cho trợ lý: “Báo hoãn cuộc họp. Xin lỗi đối tác vì mẹ tôi vừa mất. Đặt vé máy bay ngay cho tôi".
Anh về, kịp nhìn mặt mẹ trước giờ tẩm liệm. Gương mặt mẹ anh là gương mặt của một người đang ngủ ngon giấc. Anh nhớ ngày còn bé, anh rất sợ tiếng sấm sét lúc trời mưa. Khi ấy, anh khóc ré lên và mẹ anh luôn ôm anh vào lòng, dỗ dành: “Có mẹ đây!". Giờ, anh sẽ không còn mẹ nữa. Anh cũng không còn dịp trả lời câu hỏi của mẹ trong lần về thăm trước. Rằng: “Còn ai ở quê mình chưa có việc làm chỗ mi không?".
***
Anh thắp nhang nơi mộ mẹ. Anh nhìn ảnh mẹ khắc trên đá, chỉ đen trắng chứ không màu mè. Một khoảnh khắc kia, chân dung mẹ anh nhòa đi, biến thành cái làng nghèo cạnh khu công nghiệp.
K.V
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 71-72 (Xuân Giáp Thìn 2024)