Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NỖI ĐAU DA CAM

Hiếu nằm trên chiếc giường cũ ọp ẹp, mắt nhắm hờ nhìn ra khung cửa sổ có ánh nắng vàng lọt qua. Nó đưa tay, đỡ lấy những tia nắng đang tinh nghịch nhảy múa. Sau một đêm mưa rả rích, sáng nay tiếng chim đã lảnh lót phía xa xa. Tiếng người đi chợ qua con ngõ nhỏ rì rầm. Hiếu cố rướn cổ để cất tiếng gọi mẹ. Nhưng dường như không được. Nó cảm giác có cái gì đó chẹn ở cổ, nghẹn ứ. Mấy hôm nay nó lại bị ốm, cơn đau kéo dài từ vùng ngực xuống tới chân. Nó muốn dậy sớm, nghe tiếng mẹ gọi để chuẩn bị hàng cho mẹ quẩy ra chợ. Nhưng giờ này, chắc mẹ đã đi rồi. Nó nằm bất động, nghĩ vẩn vơ. Không biết cái thân hình vẹo vọ, yếu ớt này sẽ hành hạ ba mẹ đến bao giờ nữa. Mỗi buổi sáng nhìn thấy dáng lòng còng của mẹ bước ra khỏi con ngõ dài, bước chân ngày một nặng nề, lưng mẹ đã còng xuống ngày càng nhiều, lòng nó không khỏi xót xa.
Giá mình chết được, chết được ngay lúc này, để bớt phần gánh nặng cho ba mẹ. Nhiều lần Hiếu đã nghĩ như thế. Thỉnh thoảng khi ba mẹ vắng nhà, nó lết thân hình còng queo của mình xuống dưới bếp, cầm con dao thái, đè mạnh lên tay, muốn làm một đường thật dài. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ đến cảnh mẹ vật vã trên nền đất, ba cầm những điếu thuốc rít dài từng ngày, nó lại thôi ý nghĩ đó.
Có tiếng ai gọi ngoài ngõ:
- Bảy ơi, ra nhận gạo, nay có người tới thăm nè!
Không có tiếng trả lời. Hiếu cố rướn người, ê a những tiếng hự hự trong họng, để bên ngoài có thể nghe thấy. Tiếng mở cổng lách tách. Rồi tiếng đặt bịch gạo xuống nền đất. Hiếu nghe quen quen. Nó chưa định hình được người của mình xoay theo hướng nào để lật xuống thì có người bước vào. Thì ra là chị Nga, chuyên viên của Hội nạn nhân da cam huyện. Hầu như tháng nào cũng thế, đều đặn chị ghé cùng đơn vị tài trợ để gửi gạo, mắm muối trong tháng cho gia đình Hiếu. Nó mở ánh mắt tròn xoe, lại kêu tiếng hự hự ban nãy. Chị Nga nhanh nhẹn:
- Hôm nay trở trời, lại ốm nữa rồi hả? Thôi ráng cho khỏe, chị để gạo và thức ăn trên nhà, chốc mẹ về thì bảo mẹ chị Nga đến. Ráng ăn uống, bồi bổ để khỏe nhen. Từ đây tới ngày lễ kỉ niệm, phải khỏe để ba còn chở lên nhận quà của các cô các chú Hội nạn nhân của tỉnh nhé.
Hiếu gật đầu. Nó đưa bàn tay cong queo ra như muốn cầm lấy tay chị Nga, thay lời cảm ơn tới chị và các cô chú trong Hội đã luôn quan tâm giúp đỡ cho gia đình nó trong thời gian qua. Chị Nga biết ý, cầm lấy tay nó, lắc lắc với nụ cười hiền hậu trên môi. Chị nhanh chóng rời đi, bảo còn phải đi mấy nhà bên kia nữa, cho kịp thời gian.

***

Nỗi đau da cam - Lâm Văn Cảng.jpg

Minh hoạ: Lâm Văn Cảng

Khi tiếng xe máy của chị Nga xa dần sau con ngõ, Hiếu cựa mình cố gắng để vịn vào thành giường, đứng lên đi đánh răng, rửa mặt. Lần nào cũng thế, sáng nào không thấy Hiếu dậy sớm, hớn hở, là mẹ nó biết kiểu gì hôm nay nó cũng bị mệt trong người. Soạn đồ ra đi chợ, bà luôn nhẹ nhàng, rón rén để cậu không bị thức giấc. Ba Hiếu đi làm từ sáng, lượm lặt những chiếc cân cũ ở chợ để về sửa lại, bán kiếm chút đồng lời mua đồ ăn thức uống trong gia đình. Mẹ bán hàng ở chợ, trong cái khu hiu quạnh và tối. Mấy lần người ta nâng cấp chợ nhưng đâu lại vào đấy. Cố dành một chỗ để có nơi đi tới lui, bán vài món lặt vặt. Nhưng mấy nay mẹ bệnh liên miên, lớp bị đau lưng, lớp lại bị mờ mắt, không nhìn thấy đường. Cứ vậy rồi mẹ con dắt díu nhau "thăm" bệnh viện hoài.
Hiếu nhớ dáng ba đầy tội nghiệp, ngồi bên mẹ trong một buổi tối khuya ảm đạm. Khi đó chắc hai người đã nghĩ cu cậu ngủ say, nên ngồi bàn nhau về chuyện tương lai của Hiếu. Ba mẹ đều đã già, năm sinh được Hiếu thì ba đã bốn mươi lăm, mẹ bốn mươi. Khoảng thời gian đắn đo giữa việc có con hay không đã kéo dài đằng đẵng suốt mười năm. Một hi vọng le lói để ông trời không cho bất cứ một di chứng nào lên người con, hoặc nếu có thì chỉ xin một ít thôi, một ít để hai ông bà sống trọn vẹn nghĩa tình với nhau. Nhưng ông trời không có mắt, ông trời vẫn luôn hành hạ đời người ta bằng những đớn đau thường nhật. Hiếu chào đời với những di chứng của chất độc da cam để lại.
Hơn sáu mươi tuổi, hai bóng già lầm lũi trong căn nhà ngói cũ kĩ. Thỉnh thoảng được vui cười bởi những ngày Hiếu khỏe mạnh. Sáng sớm đi tới đi lui dọn hàng cho mẹ ra chợ. Miệng hự hự vài điều vẩn vơ. Mong mẹ ra chợ bán đắt hàng, để bữa cơm nhà có thêm thịt, cá. Tháng nào tiền trợ cấp, tiền lương của ba cũng dồn hết vào việc đi bệnh viện, thuốc thang cho cả nhà. Tiền của Hiếu ba mẹ không dám đụng đến. Ông bà bàn nhau tiền đó lập một cuốn sổ tiết kiệm, được bao nhiêu dồn vào đấy, để sau này lỡ ông bà có mệnh hệ gì, thì Hiếu còn có một nguồn nho nhỏ, nhờ cậy trợ giúp bên anh em họ hàng, ít thì cũng có người đi ra đi vào, lo cho miếng cơm. Thời buổi bây giờ, việc gì cũng phải đụng đến tiền,. Chỉ nghĩ đến thế thôi, ba mẹ lại thương thằng con bé nhỏ, phải quay quắt với những nỗi đau của chiến tranh để lại.
Hôm rồi nó được dự Hội nghị ở tỉnh, các đồng chí lãnh đạo nói về “nỗi đau da cam", nói về những thiệt hại nặng nề mà đế quốc Mỹ đã gieo rắc trên những cánh đồng, thửa ruộng, mái nhà của người Việt Nam mình. Bao nhiêu công cuộc đòi lại sự công bằng, bao nhiêu lá đơn, hội nghị trong và ngoài nước, nhưng đến bây giờ, những nạn nhân cũng chưa được bù đắp. Những Cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã đằm mình trong những năm tháng chiến tranh bom đạn... để bây giờ vẫn phải chịu một nỗi đau mang tên “chất độc da cam".
Hiếu hiểu những điều đó, nhưng nó chẳng thốt ra được thành lời. Mỗi khi nhận được sự quan tâm của cô chú lãnh đạo, các anh các chị phụ trách bên Hội nạn nhân da cam, nó chỉ biết chảy dài nước mắt, cái cúi đầu và tiếng hự hự thay cho lời cảm ơn.

***

Chiều nay mẹ đi chợ về sớm, hai thúng hàng hết veo. Thấy mẹ phấn khởi, Hiếu đưa bàn tay, ra hiệu bảo mẹ kể chuyện. Mẹ nhẹ nhàng đặt quang gánh xuống, kể lể hồ hởi lắm. Chiều bà được gặp một người quen, hồi đó chú ở sát cạnh nhà mình. Sau giải phóng, để tiện làm ăn kinh tế nên cả gia đình đã chuyển đi thành phố. Cũng nhờ được ông bà tổ tiên phù hộ độ trì mà chú đã thành lập được doanh nghiệp kinh doanh về thép. Mấy nay chú đã về địa phương mình phát tâm, hỗ trợ bà con nghèo và các nạn nhân da cam những phần quà thiết thực. Bây giờ mẹ mới biết chính chú là người bấy lâu nay trợ cấp thường xuyên gạo và thực phẩm cho cả nhà mình hằng tháng đấy. Nhìn cách hoa tay, múa chân của mẹ, Hiếu biết mẹ đang rất vui.
Thật ra chuyện chú hàng xóm hỗ trợ hàng tháng là Hiếu đã biết trước đó, qua lời kể của chị Nga, mỗi lần chị xuống đưa gạo và mắm muối các thứ gia vị cho nhà Hiếu. Khi chị Nga đến, ba mẹ đều vắng nhà, Hiếu cũng không thể nói lưu loát để kể cho mẹ nghe chuyện đó. Nên bấy lâu nay, bà không biết là vẫn có một người hàng xóm âm thầm lặng lẽ giúp đỡ gia đình mình. Thấy mẹ lục lọi trong túi áo, một xấp tiền lẻ, rồi bọc trong lớp bao nilon là một xấp khác nữa. Khi mẹ giở ra, bên trong là năm tờ tiền năm trăm, nghe đâu chú cho cả nhà, dành để phần mua đồ ăn, thức uống và thuốc men. Bao giờ hết thì cứ báo chú một tiếng, chú hỗ trợ được phần nào thì chú sẽ giúp đỡ hết mình. Nhìn bàn tay run run của mẹ, nụ cười ấm áp sau bao ngày trực đêm mòn mỏi chăm Hiếu ốm, nó cũng thấy nhẹ nhàng đi phần nào.

***

Sáng nay, như thường lệ, Hiếu thức dậy, mon men ra phía sân để giúp mẹ chuẩn bị đồ đi bán. Nó luýnh quýnh đẩy chiếc xe, với tay gom những mớ rau mẹ vừa ngắt từ dưới vườn lên. Trời mưa mấy hôm đã khiến sân giếng trơn trượt, bước chân nó quệnh quạng, rồi chới với giữa không trung. Rầm! Nó ngã lăn ra sân nền xi măng, đầu đập xuống. Không một tiếng kêu, chỉ nghe tiếng hự trong miệng, rồi tiếng “mẹ ơi" bật ra trong cổ họng của Hiếu. Mẹ đang lúi húi hái thêm rau dưới vườn, nghe tiếng rầm lớn, quay lại thì đã thấy Hiếu nằm chỏng chơ trên nền. Bà vội vàng chạy lên, kêu gào xóm sang giúp đỡ. Nhưng khi đến bệnh viện, thì Hiếu đã không qua khỏi. Cuộc đời chàng trai mười tám ấy đã chấm dứt khi gọi được hai tiếng “mẹ ơi" lần đầu và cũng là lần cuối trong đời.
Có những nỗi đau, gặm nhấm con người ta suốt dọc hành trình sống và sự ra đi của Hiếu để lại một vết thương sâu đậm trong lòng ba mẹ nó. Ngôi nhà ba gian cũ kĩ vắng đi tiếng hự hự vui vẻ mỗi ngày, quang gánh buồn chẳng động đậy mỗi sáng thức dậy. Hai cái bóng già lầm lũi chở che nhau qua những hối hả đang diễn ra ngoài kia.
Người ta bảo, Hiếu ra đi như một cách giải thoát gánh nặng cho gia đình. Để nhỡ sau này ba mẹ có già đi, thì phần lo lắng cho đứa con bé bỏng cũng không còn nữa.
Nén tiếng thở dài, chị Nga đã kết thúc câu chuyện như thế cho chúng tôi nghe. Một năm kỉ niệm ngày thảm họa da cam nữa lại tới, còn bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời mà hằng tháng, hằng quý chúng tôi đều tranh thủ ghé thăm, động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Ngoài kia, những mầm xanh vẫn đang cựa mình đứng lên, cuộc sống mới vẫn đang tiếp diễn. Sẽ có một ngày, người ta sẽ quên đi những nỗi đau, trong đó có nỗi đau mang tên “chất độc da cam".
 

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)


NGÔ NỮ THUỲ LINH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​