Thằng Tèo cởi trần chạy phăng phăng, tay cầm chiếc áo vẫy lên như phất cờ lau đánh trận giả trên đầu, hớt hải sãi giữa nắng buổi sớm từ ngoài đồng vào làng, mồm không ngớt kêu: “Nước zề! Nước zề rồi! Đi ra kinh tắm thôi…"! Vậy là nước về thật. Ông Năm đang nằm trên võng nhếch mép. Nụ cười nhỏ giấu nỗi niềm theo con nước mênh mang như cuộc đời ông.
Nước đổ về từ thượng nguồn con sông mấy hôm rày nhưng nay mới cảm nhận thật rõ. Trong lòng bà Duôn dậy lên con nước đời người, ngọt ngào, trắng đục, bàng bạc đang dâng lên từng mi-li-mét thành ngấn trên cây đước, cây mắm, cây bàng liu riu mọc bên mép bờ kinh. Nước dâng ngập cả mớn cây cầu tre như chứng nhân quan trắc lắt lẻo nối dài qua dãy cù lao xóm vắng. Những ngọn gió đẩy đưa đám cỏ hai bên mép nước trắng đục như muốn vươn mình trong dòng mới đổ về. Những ngó môn nước sau bao ngày chết đi sống lại vì hạn mặn có dịp vươn mình tua ra, trắng như những bông huệ ngày giỗ mẹ, thức dậy nỗi niềm rưng rưng.
Nước về! Làng vài chục nóc mấy đời sống trên cù lao bên dòng Vải Phụ, người già đến trẻ con, đàn ông đến đàn bà y chang nhau dậy một niềm sung sướng, như có ai đi xa về tới đầu làng. Mấy đứa trẻ thích thú bỏ luôn việc học chạy theo anh Tèo rồng rắn quanh làng ra bờ kinh. Cả đám hò reo í ới, cởi áo quần nhảy tum tủm xuống nước thỏa thuê. Lần này bà Duôn móm mém vui một chút: “Nước cứt vịt ngấm da tụi bay về gãi tróc ghẻ cho sướng hén!?". Bà tỏn tẻn phô cái hàm không răng trong khi ông Năm nằm vắt vẻo trên võng gai góc quán tre đầu ngõ nhìn xa xăm. “Lâu lắm mới thấy bà cười cười mà lạ đó nghe Duôn!". Ổng kéo dài cà rê cái giọng rồi thả một câu vọng cổ: “Con nước dzề, con nước đầy vzơi, con nước ước mơ khắc khoải đợi chờ, con nước sướng mòng mong hò lớ hò lơ là cây dọc mùng… là con nước khổ ải tận cùng à í ơi! Cho phận người như bà với tui… ối a!".
***
Ngày mới về quen hơi bén tiếng. Đêm trăng sáng mùa hạn mặn, Năm chẳng buông xuồng xuống bưng đóng đáy đón cá. Nằm khểnh chân ca vài câu vọng cổ bên chái hè trong khi Duôn ngồi băm lục bình cho con heo chũi trong chuồng. Nghe vọng cổ mà mơ say như phấp phỏng đợi nước về. “Thôi chết tui rồi Năm!". Con dao vô tình lẹm vô tay, chảy máu, xuýt xoa. Ông Năm giật mình nhảy phốc xuống khỏi võng. Một bên con mắt mờ đục rờ rẫm tay bà Duôn dịt nhúm thuốc lá, đôi bàn tay già nua sần sùi, một đời lam lũ sao ông quên cho đặng những năm tháng sớm tối cùng nhau:
- Tối thì nghe vọng cổ được rồi, ai biểu cắt chi cho đứt tay, cho cực!? Ông Năm nói như hờn trách yêu bà Duôn.
- Hổng biết làm gì thì cắt thôi. Ngồi hoài chán. Môn nước dạo nầy héo quay héo quắt, cùn sát gốc chẳng ra nổi! Bà phân trần nước chẳng chịu về nghe mệt nhọc, nghe cứ thườn thượt om om như đổ cát khô vào chum, chẳng rõ.
Khác hồi trẻ, chiều qua nghe nước về mà tai bà Duôn nghễnh ngãng ngỡ nhà ai cháy! Tai bà điếc đặc từ một cái bạt tai trời giáng của thằng Tây đen, lính chiến Angie. Hắn cũng là thằng đánh thuê chém mướn cho bọn Tây mũi lõ mắt xanh chớ tài giỏi chi mà ác rứa không biết nữa, làm cho Duôn tật nguyền suốt đời cả đôi tai. Trước còn nghe được bì bõm. Thêm tuổi thì điếc hẳn. Đôi khi Duôn nghĩ có khi điếc lại hay. Không nghe. Ít nói. Im lặng. Đó như một phương thức sống. Duôn run run đứng dậy tay ôm lấy vạt áo nhàu nhĩ lên lau những giọt mồ hôi to như hạt muối cứ rịn trên trán, bên thái dương, mặt rúm ró biết nước về mà giãn nở. Bà kéo luôn vạt áo lên lau những giọt nước hiếm hoi sung sướng lẫn khắc khoải trong đôi mắt mờ đục chực trào ra, để lộ cả khoảng bụng hóp răn reo với vết thẹo dọc dài ngoằng. Mấy đứa gái nhìn thấy, ngặt nghẽo phô cả răng sún. Chúng đâu biết bà ngậm ngùi đời mình, bà nhớ nước mà muốn khóc, giọt nước mắt sung sướng đời bà với Năm.
***
Muỗi đốt, mẹ mất. Một cái chết lãng nhách thành Năm mồ côi mẹ. Chưa khi nào vùng sình sạp này muỗi nhiều đến thế. Nhớ mẹ, khát sữa. Năm khóc ngằn ngặt hơn ba tháng trời. Bữa cha con ôm nhau khóc, đôi mắt Năm sưng to như trái mù u, không mở được, rồi một bên mắt dần mờ đục. Người Năm quặt quẹo, nhỏ thó, da đen loang lổ nên người ta mới gọi là Năm. “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay". Cha Năm biểu thế rồi quấn Năm trong cái nóp rách tua lua hai đầu bỏ trong xuồng ba lá dong từ đầu đến cuối nguồn sông.
- Cha cứ cho con ra ngoài, nằm hoài trong nóp nóng quá chừng cha ơi!
Câu nói đầu tiên chứng tỏ chàng trai độ mới lớn muốn vươn đứng dậy giúp cha mình đăng nò kéo lưới. Cha ứa nước mắt thầm trách ông trời sao đưa vợ ông đi sớm quá chừng, bỏ lại cha con cun cún nuôi nhau giữa mênh mang mùa nước giềnh lên. Xuồng đi đó về đây qua ngày đoạn tháng đã kéo sức vóc vạm vỡ của cha Năm sụp xuống, rồi ông cũng sớm đi tìm vợ mình cuối mom sông, bỏ Năm côi cút giữa dòng mênh mang.
Khi chưa hiểu gì về nhau, Năm chống xuồng len lỏi qua mấy bãi sình trong rừng tràm chỉ muốn dọa con khỉ lông vàng để đuổi nó đi xa, không để nó hái trộm dưa hấu bên bãi bồi cù lao. Vùng rừng ngập ngụa nước này nhiều người biết có khá nhiều khỉ, duy chỉ con lông vàng dường như đã biến thành tinh. Từ khi lông vàng xuất hiện, trong vùng chưa khi nào ai thấy nó trộm quả gì của ai bao giờ. Năm nói chắc đét:
- Lông vàng là người bạn thân thấu hiểu tui nhất!
Mà cũng có còn ai nữa đâu. Nhà Năm một túp bên mép bờ Vải, một bước xuống xuồng đánh cá, trên xuồng ba lá có thêm cái cà ràng ủ than giữ lửa, cái nóp để chống muỗi với ủ ấm khi đêm về sương lạnh, thêm cái phảng để chặt phát cỏ cây. Một bước leo lên túp lều quấn nóp lại thì thành mùng, mền, chiếu, gối. “Dân tứ chiếng giang hồ khai khẩn miền hoang. Lênh đênh con nước vơi đầy mà vui!". Câu khề khà khàn đục cuối cùng ấy cha Năm nói với con trai coi như lời trăn trối, như những kiếp người mở cõi trầm lặng khẩn hoang miền sình sạp dọc đôi bờ ven sông ngược lên.
Họa xâm lăng ba phen lan rộng xóa bỏ quyền được sống một dân tộc. Khi tiếng súng lan khắp thị thành Gia Định, cảnh giết chóc về tận các vùng quê, ập vào những mái nhà lúp xúp ven sông Vải dậy lên tiếng kêu khóc ai oán trong từng thôn ấp. Hôm Năm đứng xuồng bên sông, thấy từng đoàn nông dân với bao cặp mắt dớn dác, đớn đau, hãi hùng dắt díu nhau đi, đi trong hoang mang, vô định. Chẳng biết đi đâu về đâu. Những đêm đánh cá, Năm nghe rõ tiếng chặt bụp chát chúa như đập vỡ những chiếc nồi đất vọng từ bên kia đám lục bình. Đêm khuya càng nghe rõ mồn một. Mỗi nhát báng súng bổ xuống sau tiếng “bép" rợn óc là tiếng ậc… ú… hu… cuối cùng của một đàn ông, đàn bà, người già, con trẻ nào đó về cõi khác. Tiếng “bép" không kể ngày đêm, sáng tối, nghe tiếng chó sủa đầu ấp, một lúc sau đã thấy máu tươi đỏ quạnh bám lấy từng mớ óc trắng nhởn văng tung tóe, vương vãi khắp dọc đường. Lúc này người ta thấy con khỉ lông vàng xuất hiện.
Vừa lơ mơ thấy lông vàng trên ruộng dưa, Năm đánh liều hỏi: “Sao mầy hái dưa mà hổng ăn!?". Nhoáng cái khỉ nhe răng ôm vội quả dưa biến vô rừng, chỉ để lại dấu chân mặt ruộng. Năm tức lắm. Mấy quả dưa trên gò cao để lại làm giống mùa sau bị khỉ lông vàng vặt bằng sạch. Khỉ lông vàng ôm trong tay quả dưa to chạy nhơn nhơn trước mặt như trêu ngươi. Trái dưa tròn mà tay nó ngắn. Dưa rớt nó ôm lên xong đưa tay gãi gãi, nhe răng như thách thức. Năm đuổi mãi mà không sao đánh được nó một cái cho bõ tức. Người chống xuống, khỉ chuyền cây vào giữa rừng mênh mông bưng biền sình lầy ngập ngụa lúc nào chẳng hay.
Mặt trời tắt, mấy con chàng riệc thấy bóng người đạp gãy cành khô bay loạn xạ cả khu rừng. Năm rón rén rẽ từng lối cây mắm, cây đước, chen qua những lối lục bình cao ngút tầm mắt. Đến tùm cây tràm ba chẽ cao mọc giữa biển lớn, nhìn thấy khỉ lông vàng đang cố sức đập vỡ quả dưa. Cố dụi đôi mắt mờ đục nhìn lại cho rõ, khỉ lông vàng lấy miếng dưa đưa cho bà cụ gầy khòng cóc cáy. Miếng nữa trao cho cô gái đen nhẻm, nhỏ thó. Cái bụng cô vàng ệch. Bà cụ quấn tấm vỏ cây trong khi cô gái trẻ ngực trần. Cặp vú cô nhóc lên đen vều vệu quấn tấm vải rách lỗ chỗ. Cả ba ngồi hì hụp cạp cùi dưa. Động bóng người, cô gái ngực trần kéo tay bà cụ đứng dậy chạy. Không kịp rồi, chân bà dường như bị đau lắm và ngã khuỵu xuống run lẩy bẩy. Cô buông tay bà cụ rồi thoắt chuyền cành. Khỉ lông vàng trộm dưa lúc chiều bám theo họ.
Nhanh như cắt, Năm lao đến thì nhận ngay ánh mắt nảy lửa ngó lên từ bà cụ, miệng bà lầm bầm những thổ ngữ, hình như là tiếng người miền ngược!? Năm chưa hiểu, anh dấn thêm bước nữa, đưa cái sào chống xuồng đặt vào tay bà cụ, ra hiệu cho cụ bám vào sào mà đứng dậy. Nước ướt nhẹp cả người cụ, Năm nhìn kĩ, lờ mờ hiểu, nghĩ nhanh: “Người thượng. Nhưng vì sao ở đây!? Họ thế nào với nhau?!". Nhìn quanh một lượt rừng đước tràm mênh mông. Chim đang lao xao về tổ, tiếng tôm búng dưới nước lụp bụp, lách tách. Ếch ương, chão chàng, "vũ nữ chân dài" tấu bản nhạc đêm rừng ngập nước.
Ý nghĩ hiện về trong Năm Rằn. “Người mẹ dắt con chạy thoát bọn giết người, họ đã chui nhủi giữa rừng tràm đước này và được khỉ lông vàng che mạng sống!?". Năm nở nụ cười xót xa, nguôi nhanh cơn tức khỉ lông vàng. “Hú … u…! Hú… u..u…!". Hai tiếng hú đuối sức của bà cụ như tiếng mèo rừng kêu, cô gái tụt xuống từ trên ngọn tràm cao nhất kế bên. Khỉ lông vàng nhảy đến ngay trước mặt Năm. Cảnh giác. Mắt cô gái thủ thế đề phòng. Năm ngồi xuống nhẹ nhàng làm quen, hỏi han rồi neo xuồng ở lại cùng hai mẹ con cô gái. Năm không nói thêm tiếng nào, tự nghĩ phải đi lượm cành khô, đốt lên một đống to và ra hiệu hai mẹ con ngồi, xong cầm bó đuốc với cái xiên tìm cá. Chỉ một loáng, mấy con lóc nướng lên thơm ngậy và câu chuyện về họ cũng dần được mở ra.
Tảng sáng, Năm quả quyết: “Đi với tui. Đi thì sống. Ở thì chết". Nói rồi lôi hai mẹ con xuống xuồng về qua biền bên này bờ Vải. Người mẹ và con gái bà run run cảm động. Hôm đó, lông vàng dường như không hiểu được hành động của Năm. Nó chớp chớp đôi mắt. Đưa tay lên gãi gãi. Lẹc khẹc vài tiếng rồi trèo tót lên chạc cây ngó nghiêng, bất lực. Lại lao xuống như muốn giữ mẹ con bà cụ lại. Năm hiểu ý. Đưa tay vẫy vẫy lông vàng lên xuồng đi theo. Người và khỉ ra khỏi cánh rừng ngập nước.
Một đời mang con theo chồng đi mở cõi, chồng khai khẩn mở ruộng vườn, vợ tìm hái môn nước muối dưa chua. Mùa nước nổi, ngó môn vươn xanh tốt cũng như tình yêu chồng vợ. Đó là ngày chưa có họa xâm lăng cướp đất cướp dân về tận vùng sình sạp này. Ngày ấy bà mẹ mới có mình Duôn, gái một con mơn mởn như ngó môn non đung đưa bên dòng Vải. Ngày dong xuồng, chiều buông xuống sông tắm. Nước khỏa tiếng cười sáng rờ rỡ cả khúc sông. Có ai ngờ tiếng súng nổ chiếm thành Gia Định, ông đi theo tiếng gọi của những chàng trai nông dân bưng biền luồn sâu đánh hiểm. Được vài lần tối đi sáng về an toàn khu trú mật và ghé qua vợ con. Đến ngày bọn mật thám lùng sục bắt bớ gắt gao, chồng bà bị bắt cùng một nhóm người và bọn Tây mũi lõ trói ngoặt cánh tay treo trên những cây tràm giữa nắng chang chang, bôi mỡ lợn lên người cho lũ kiến đốt. Người bưng biền nhiều lần chống xuồng đến đấu tranh đòi thả người nhưng không làm gì được chúng. Bà xót chồng nên liều mình đang đêm chống xuồng đến cắt dây. Cứu được ông ra khỏi nơi giam giữ nhưng chưa đi được bao xa thì chúng đuổi theo và dí đạn vào tấm lưng trần vạm vỡ. Bà bỏ xuồng trối chết bơi về bên kia dòng kinh. Có lẽ sức mạnh của bà chính là ở cô con gái nhỏ H'Duôn. Từ đó, hai mẹ con lay lắt rau cháo qua ngày và liên tục bị truy cùng giết tận bởi bọn mật thám chỉ điểm, buộc mẹ con bà chui nhủi giữa rừng đước tràm mênh mang nước ngập ngụa này cho đến khi gặp được Năm. Bà nhiều lần thầm coi Năm như người Phật. “Người nhà Phật hiền như môn nước. Năm cũng có mầm môn nước hiền khô". Nói đoạn, bà lại nhìn cái bụng của Duôn ngày một lớn mà ứa nước mắt. Năm im lặng ngồi quấn thuốc hút, ngó qua gương mặt Duôn đang ngồi bên hiên lán nhỏ. Duôn nhỏ thó, đen đúa, lúc nào cũng muốn được chết.
***
Minh họa: Lâm Văn Cảng
Bờ Vải chẳng biết Duôn nghĩ gì. Chỉ Duôn là muốn lao xuống trầm mình theo dòng nước xiết, nhưng nghĩ đến mẹ thì nước mắt Duôn tuôn ra. Bà mẹ Duôn ngồi câm lặng trước bóng đèn dầu trên bàn thờ chồng leo lét, thẫn thờ nhìn nhang cháy lập lờ qua bóng lưng con gái đờ đẫn từ bờ sông đi vào đi ra. Hai mẹ con mỗi người một tâm trạng nhưng có chung nỗi đau từ sự tàn bạo của những tên cầm thú mũi lõ mắt xanh mang “Tự do, bình đẳng, bác ái" theo cách của chúng đến mảnh đất này, đẽo trái tim non nớt đứa con gái bà vết toác đau đớn và một mầm sống quẫy đạp trong bụng đứa gái trẻ. Đêm cuối trăng, bà mẹ đi ra bờ sông thấy bóng người lập lờ trắng loá. Một tiếng hú dài man dại loang ra cả mặt sông. Bà lao chúi xuống bờ sông…
- Duôn muốn chết cho mẹ đỡ khổ, Duôn đỡ khổ. Duôn không muốn sống nữa đâu. Đau lắm. Nhục lắm.
- Không được con ơi! Con phải sống! Con phải sống với mẹ để mà nhớ những ai gây nên nỗi này.
Bà mẹ gào lên trong tuyệt vọng, cố chút sức lực còn lại kéo giật đám tóc của Duôn dìu vào bờ với mồm đầy cỏ và bụng đầy nước. Duôn ho ba tiếng. Nước từ cổ họng trào ra. Cô nằm sóng soãi trên bờ và mơ thấy cha - người đàn ông một thời vang bóng gia nhập đoàn quân trung thành chống lại bọn mắt xanh mũi lõ. Trong mơ, cha cô nói với cô: kẻ ác chỉ điểm để bắt cha thì con phải sống mà đòi lại thù này. Đừng chết. Nước mắt Duôn ứa ra, dần tỉnh lại trong tay bà. Mẹ con dìu nhau đi xuôi dòng Vải, đi mãi đi mãi mất hút vào mênh mang rừng đước tràm đầm rạch miền hạ lưu con sông.
***
Duôn chẳng nhớ tuổi mình. Chỉ biết sau đận ấy đã nổi những đường gân xanh mọc đầy bên cổ cao nghều. Năm thì ước ngày nào cũng bắt được cá, được cua về nấu cháo cho Duôn ăn. Bắt được nhiều thì đem đổi gạo. Ngày nước ròng không cá thì chống xuồng đi lùng nõn cây về cho Duôn nhai tạm. Cái miệng người mang thai thiếu chất cứ nứt toác ra, máu ứa ra khô quanh mép, ruồi bâu không đuổi nổi, Năm chẳng biết làm gì hơn. Duôn cũng chẳng buồn nói, thễu thện vác cái bụng mưng mưng như đầu cái nóp nhọc nhằn ngồi thở, ngước mắt buồn về đầu nguồn Vải. Một hôm Duôn hờn trách mẹ và Năm sao không cho Duôn được đi với cha. Sao không cho Duôn theo nước chảy về xuôi. Sống nơi đây tận khổ cho Năm. Ơn nghĩa bao giờ trả đặng? Năm cố giải thích không ai muốn thế. Người nào cũng là người. Trong hoạn nạn, người Kinh như người thượng, đều là người, sinh ra để mà yêu quý mảnh đất này của cha ông.
***
Mẹ Duôn mất, Năm với Duôn đưa mẹ lên bờ, tìm dải đất vàng trên gò cao để bà yên nghỉ. Người làng Lữ mấy lần muốn đổi tên Duôn cho dễ gọi. Năm chẳng nói gì nhiều, chỉ ngồi vuốt ve con lông vàng. Duôn cũng muốn quên đi cái quá khứ đau buồn sau cái đêm máu đổ loang sông, sau cái đêm tột cùng thân phận. Những bước đi xiêu vẹo, đau đớn, tủi hổ ra với bờ sông. Sông mênh mang, con nước mênh mang như thân phận ba cuộc đời gá nghĩa.
Năm chưa khi nào đi ra khỏi làng Lữ. Chỉ quen sống với sông nước rày đây mai đó, quanh năm lam lũ trên đồng ruộng sình lầy kinh rạch. Cuộc gá nghĩa tiền định của hai người, lấy bờ sông Vải nên tình, nên nghĩa. Là những mua bán, đổi trao, làm ăn sinh sống. Mấy năm trẻ tuổi, chưa khi nào Năm nghĩ đến duyên phận đời mình. Giữa mênh mang sông nước là mối lương duyên che chở, bao bọc nhau. Nếu Năm đi tìm hạnh phúc khác thì mẹ con Duôn sẽ ra sao? Gặp Duôn cũng là định mệnh. Đôi khi, Năm nghĩ như thế.
Năm nhớ như in cái đêm Duôn đau trở dạ. Duôn kêu Năm mài lại con dao thật sắc. “Để làm gì?". “Mổ bụng tui lôi nó ra. Đau quá không chịu nổi Năm ơi!" Năm chưa khi nào chứng kiến, nghe kể hoặc làm việc này cũng chẳng biết làm gì ngoài việc nghe lời Duôn. Con dao sắc lẹm hơ qua ngọn than hồng khẽ chạm vào bụng thòi ra đứa bé gái. Tiếng khóc của nó làm Duôn ngất lịm. Năm hoảng. Lấy bình tĩnh, cho thêm than hồng, miết lại vết mổ cầm máu, lau đứa gái và hơ qua lửa than ấm áp.
Đứa gái từ trận hãm hiếp kinh hoàng được sinh ra, nhưng Duôn không thể có con thêm được nữa. Nỗi buồn trĩu nặng câm nín trong ông bà Năm cứ theo con nước đầy vơi. Cô con gái lớn xíu đã được đứa trai bên nước Pháp xa xôi tìm đến rước về làm vợ. Cũng như một cách trả lại dòng máu cho người thuộc địa bị bọn mắt xanh mũi lõ đầu độc người bản xứ. Con gái Duôn mang trong mình dòng máu Việt - Angie, nhưng tâm hồn là cô gái Việt Nam. Chính cuộc gặp gỡ định mệnh của chàng trai Pháp trên đường đi tìm lại dấu xưa của ông cha đến tàn phá mảnh đất này với Duyên H'Na của Duôn đã đem đến mối lương duyên đôi lứa và chồng cô đã là người thiết kế, đầu tư các dự án xây những cây cầu bắc qua sông Vải ngày xưa, nối đôi bờ với các trung tâm, gác lại quá khứ, xoá bỏ thù hận, mở ra những kết giao giữa các vùng miền.
***
Năm ngồi đếm lại mấy chục năm làm nghề đánh bắt, hái lượm và giúp Duôn muối dưa môn nước. Mùa nước nổi là mùa mần ăn, chống xuồng đây đó qua các bờ kinh vàm tìm môn nước cắt về, bó lại đem ủ hai ngày hai đêm cho thật vàng óng lên rồi cắt ngắn ra, rửa sạch. Muốn cho nhanh vàng thì xin nước vo gạo về đổ vào ngâm trước khi ủ, cắt, rửa. Dưa môn dễ muối, khi muối cho thêm vốc ớt sừng, ít tỏi giã nhuyễn, muối trắng, thế là thành món dưa môn muối vàng ươm thơm lừng trong từng hũ, từng diệm đầy ắp. Nụ cười hiền khô đời Duôn với cách muối dưa môn ít ai làm được. Món này có thể chấm với mắm tôm, nấu canh chua cá lóc, trê, bông lau đều được, hoặc ăn kèm với cá linh non kho lạt cũng rất ngon.
Có hàng, mỗi sáng bà đội xuống ghe nhỏ, đẩy ra chợ bán loáng là hết một hũ, chiều lại đạp mái chèo dong ghe đi lùng các bờ kinh, bờ bàu tìm rau môn nước. Khóm cồn nổi làng Lữ này ai chẳng biết phiên chợ tết nào bà Duôn không có món dưa môn nước đem ra bán. Sắm sửa đủ loại, nào thịt cá nhưng nhà nào cũng cần thêm món dưa môn muối chua của bà. Mà cái món dưa môn cũng đến lạ, chưa ăn thì chưa sướng nhưng khi ăn vào rồi thì nghiền như người thèm sầu riêng. Tới mùa, chưa nấu canh chua cứ thấy lạt mồm lạt miệng. Đấy là tự thú nhận của nhiều người chứ bà Duôn chẳng biết tự khen mình một câu.
Mùa nước mênh mang, cùng với bông súng, bông điên điển, rau dừa… đều là đặc sản thiên nhiên trời phú cho vùng ngập nước này. Quanh năm kiếm ăn lần hồi. “Trời thương cho sức khỏe cũng như thương xứ sông Vải này đủ thứ cá, cua, tôm đến rau ráng các loại. Chưa khi nào quen với cái chữ. Đời người có được sướng một ngày nào đâu mà bảo chữ với nghĩa chứ!". Nhưng Năm đã một tay chăm bẵm Duyên H' Na được học cái chữ cái nghĩa để nên người. Năm nhiều lần thanh minh thế rồi vân vê hai cái tay sần chai đen ngòm, mắt hướng về bà Duôn cất câu vọng cổ quen thuộc: “Bà với tui như môn gặp nước. Tiếc chi đời không nở không sinh. Trời cho mình sống cho mình. Thương sao cho hết nghĩa tình vì nhau". Cuộc đời như sự sắp đặt khéo léo của tạo hóa cho ông gặp bà. Khi kề cận cái chết thì lại ngoi lên được để sống. Ông cười lẹc khẹc nhại lại giọng khỉ lông vàng giờ đã già nua lắm ngồi chồm hổm trên cây trứng cá.
Nhìn nước mênh mang, lòng bà Duôn lâng lâng, ông Năm sức khỏe yếu đi nhiều nhưng cũng hớn hở như đứa trẻ. Nước nổi cho cây môn nước mọc trở lại, mùa muối dưa của bà đầy hũ đầy diệm vàng ươm như cuộc gá nghĩa vợ chồng xanh như cây môn trở lại. Bà Duôn lặng ngắm con nước cuối mùa dạt trôi những đám lục bình lơ đễnh về xuôi. Ngoài bờ kinh mai vàng đang nở rộ. Một cái tết nữa đang đến thật gần…
N.M.Đ
(Nguồn: VNĐN số 79 – tháng 9, năm 2024)