Kìa thiên nhiên đẹp khôn cùng
Trêu người một mối tình vương cả đời
Ngược dòng thời gian…
Một buổi sáng tháng Mười của năm 1666, trên chiếc thuyền buồm từ ngoài khơi biển Đông, Mạc Khảo nhìn thấy phía trong bờ có hai ngọn núi cao. Trời phương Nam đã hết mùa mưa, chuyển qua nắng ráo. Bầu trời xanh, nước biển xanh, núi cũng vẫn xanh màu cây lá tốt tươi. Thỉnh thoảng từ trên núi có những cánh chim lẻ loi vụt lên trời cao hay lượn vòng ra biển. Chúng kêu lên những tiếng sảng khoái như đồng cảm với niềm hân hoan của những người trên thuyền.
Chủ thuyền nói với mọi người:
- Chúng ta sắp đến nơi rồi. Ở những gành đá dưới chân hai ngọn núi kia có loài rái cá tụ tập sinh sống thành nhiều đàn lớn nên mọi người gọi là núi Gành Rái. Qua núi là một vịnh nước lợ, cũng gọi tên là vịnh Gành Rái. Từ đây, thuyền sẽ ngược lên hướng Bắc vào một cửa sông rồi đi tiếp dọc theo sông đó sẽ đến vùng đất Mô Xoài…
Vịnh Gành Rái rộng hơn tầm mắt mọi người. Nhìn về phía Tây không thấy bến bờ, chỉ phía Đông mới thấy đất do thuyền đi gần, phía Bắc thì nhìn thấy những mỏm núi xa xa. Gần đó là một hòn đảo có núi, nhìn rõ dáng rồng. Nước vịnh là màu xanh của biển, càng gần bờ các cửa sông mà thuyền hướng vào, màu phù sa càng hiện ra rõ hơn.
Mọi người thở phào khoan khoái khi thuyền rẽ vào một cửa sông khá rộng. Đi thêm nửa ngày đường nữa, hai bên bờ hiện ra thưa thớt ít căn nhà và vườn tược, ruộng lúa. Cuối cùng, con thuyền cũng đưa tất cả bình yên đến nơi cần đến. Gia đình ông thầy thuốc xuống trước, tại một bến sông có những căn nhà đã lập nghiệp nhiều năm. Những chàng trai của hai gia đình đi nhờ giúp người dọn xuống vận chuyển các vật dụng. Người nhà chủ thuyền ra bến đón khách, chuyện trò tíu tít. Ông chủ thuyền tốt bụng đứng trò chuyện với những người còn lại.
Mạc Khảo tò mò hỏi:
- Sao lại gọi tên là Mô Xoài?
- Không ai rõ. Có người bảo rằng những người Việt đầu tiên đến đây thấy có người dân tộc sinh sống, họ lại trồng rất nhiều cây xoài nên gọi là vùng đất trồng xoài của người Mọi, nói gọn là Mọi Xoài, lâu ngày thành Mô Xoài.
- Chắc chỉ là chuyện vui đùa… - Mạc Khảo cười.
Chủ thuyền giới thiệu:
- Vùng Mô Xoài này có dãy núi cũng tên là Mô Xoài. Dưới chân núi là con sông Hương Phước mà thuyền chúng ta đang tạm dừng nơi đây. Sông này trước kia cũng tên là sông Mô Xoài, còn gọi tắt là sông Xoài.
- Sao bây giờ lại gọi là Hương Phước?
- Vì người Đại Việt ta đến đây sinh sống thời gian đầu đã lập ra hai làng Long Hương và Phước Lễ ở hai bên bờ sông. Dân hai làng đóng góp thuế để nuôi quân lính ở binh trạm, nhờ họ bảo vệ cho. Hương Phước là tên gọi chung hai ngôi làng, cũng gọi cho dòng sông. Người nhà tôi sẽ sống cùng chúng tôi ở bên này sông vì đã có sẵn đất. Các ông sẽ ở bên kia sông, phía chân núi…
Chủ thuyền đưa hai gia đình Mạc Khảo và Huỳnh Giản đi thêm nửa ngày đường sông nữa mới cho họ xuống, bảo rằng đất nơi đây gần thượng nguồn dòng sông, còn bỏ hoang, họ có thể khai khẩn tùy sức. Hai gia đình không còn cách nào khác là tin tưởng lời người chủ thuyền, dìu dắt nhau xuống bến. Chủ thuyền còn dặn:
- Giáp với đất này là đất đã có chủ. Hãy tìm cách liên hệ với họ, nhờ họ giúp đỡ thời gian đầu. Đừng ngại, cùng cảnh lưu dân, người đến trước họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ…
Dòng sông chảy quanh chân núi, hai bên bờ là các loại rừng cao, rừng thấp, rừng tre gai, trảng cỏ hoang vu. Trong tầm mắt Mạc Khảo, xa xa có một cánh đồng rộng đã được cày bừa sẵn, chắc là của một gia đình đến trước. Cũng có nghĩa là một vụ lúa vừa bắt đầu và gia đình ông phải chạy đua với thời gian mới có một mùa vụ trễ. Ông nghĩ rất nhanh: “Ta sẽ khai phá một thửa ruộng nhỏ thôi để có gạo ăn sớm nhất, sau đó sẽ mở rộng thêm ruộng lúa".
Mạc Khảo chọn khai phá từ phía bờ sông đến hướng chân núi. Gia đình Huỳnh Giản còn đi xa hơn một chút về phía thượng nguồn sông. Cả hai nhà đều cần nương tựa vào nhau thời gian này nên họ làm hàng xóm của nhau là hợp lý nhất.
Đầu tiên, hai nhà giúp nhau dựng hai cái lều bằng những gì họ đã chuẩn bị sẵn để có chỗ trú tạm. Trời không mưa cũng chưa thật vào mùa nắng nên khí hậu còn dễ chịu, giúp cả nhà có những giấc ngủ về đêm an lành sau thời gian trong ngày làm việc. Ít ngày sau, họ tìm gặp mấy người chủ đất đến trước để làm quen. Những người này đều là những người tốt bụng nên không để chậm trễ, họ bảo nhau nhanh chóng giúp hai gia đình mới đến mỗi nhà sớm có một gian nhà đơn sơ vách đất mái tranh, nền đất nện để ở. Họ cũng nhượng lại những lương thực cần thiết với giá rẻ.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Phong cảnh thiên nhiên thật hữu tình với bầu trời trong xanh, cánh rừng thấp ngút mắt tận chân rặng núi cao xa xa. Chim bay từng đàn gọi nhau ríu rít. Cảnh yên ả, thanh bình khác hẳn cảnh binh lính tập luyện hò reo trong doanh trại ở Quảng Bình.
Mô Xoài không còn là vùng đất hoàn toàn mới khai phá. Ở đây đã có những gia đình người Đại Việt đến lập nghiệp đến hai, ba đời. Họ kể rằng dân bản địa ở đây thuộc nhiều dân tộc ít người như Chân Lạp, Mạ, Stiêng, Chơ-ro… sống thành từng nhóm lớn nhỏ khác nhau. Người Chân Lạp chê đất thấp, thường bị ngập nước nên đã lần lượt bỏ về các vùng đất cũ của họ vốn cao hơn, nơi đây hầu như chỉ còn người Chơ-ro chọn sống du cư trong rừng. Một số ít người Chơ-ro làm thuê cho chủ điền người Đại Việt. Ngôi chợ duy nhất của vùng đất nằm về hướng Đông có bán khá đủ các mặt hàng mà mẹ con Đông Quỳnh phải cân nhắc khi mua sắm với số bạc ít ỏi đem theo.
Từ một đội trưởng trong quân ngũ chuyển qua làm một nông dân, ông Mạc Khảo không khỏi gặp vô vàn khó khăn. Mạnh Quý cũng như cha, ngỡ ngàng với những công việc mới. Họ phải nhờ những người đi trước và cả hàng xóm họ Huỳnh vốn có nhiều năm làm nông ở Quảng Bình chỉ dẫn. Trên mảnh đất đầu tiên khai phá được chừng nửa mẫu, chậm hơn nhà hàng xóm cả tháng và chỉ bằng một nửa, họ dành làm ruộng lúa nước trễ mùa chiêm. Những người tốt bụng trong vùng nhượng cho họ lúa giống, đem trâu cho mượn để cày đất. Nhìn hai con trâu béo ú, khỏe mạnh kéo cày, xới lên những tảng đất màu mỡ lần đầu tiên được hứng nắng mặt trời, Mạc Khảo ao ước một ngày nào đó nhà mình cũng sở hữu được đôi trâu như thế, chúng sẽ giúp thửa ruộng được cày bừa rộng hơn, gấp đôi, gấp ba, thóc lúa sẽ đầy bồ…
Ngày đầu cày thửa ruộng nhỏ thật đáng nhớ. Chủ trâu đứng trên cày, đánh trâu bước tới nhìn thấy dễ dàng làm sao. Nhưng khi Mạc Khảo thay ông ta, thì sự hồi hộp khiến viên đội trưởng lính ngày nào quên cả thúc trâu, con vật đứng ì một chỗ trong sự ngạc nhiên của ông và tiếng cười của người chủ trâu. Đến lượt Mạnh Quý, đứng sau con trâu điều khiển lưỡi cày xới từng xá đất mới thấy ngượng ngùng. Mất một buổi, hai cha con mới được người chủ trâu giao cho tự cày trên thửa đất mới cần được làm kỹ.
Đến lúc gieo trồng, cha con Mạc Khảo được nhà Huỳnh Giản chỉ cách gieo hạt, cấy mạ và chăm bón những cây lúa xanh tốt. Sự vụng về của cha con Mạc Khảo thỉnh thoảng lại tạo nên tràng cười cho tất cả.
Thỉnh thoảng, mấy người đàn ông của hai nhà rủ nhau ra sông lưới thêm ít cá tôm về cải thiện bữa ăn. Huỳnh Giản có tính bảo thủ, hay tranh luận với Mạc Khảo về cách sống. Mạnh Quý thường ủng hộ cha. Ba người con của Huỳnh Giản cũng tính khí khác nhau. Anh cả Huỳnh Phong lầm lì ít nói, Huỳnh Cương thích nghe kể chuyện lạ, em út Huỳnh Thôi lại quan tâm chuyện mua bán. Mẹ con Đông Quỳnh không tham gia cày cấy ruộng lúa, lo nấu nướng những món ăn cho những người đàn ông được ngon miệng.
Nhiều lúc hào hứng, mấy người đàn ông mời nhau chung rượu, khề khà sung sướng:
- Bây giờ không còn phải lo chuyện mặc áo lính, không sợ cái chết vô tình đến bất cứ lúc nào nữa rồi…
- Mặc kệ chiến tranh giữa vua chúa Bắc Nam. Nhưng không khỏi cảm thương những người lính cả hai bên và dân lành phải chết oan uổng…
Huỳnh Giản tỏ rõ là một nông dân nhiều kinh nghiệm. Ông giải thích với Mạc Khảo:
- Lúa chiêm có gốc tích từ nước Chiêm Thành. Nó thích hợp với thời tiết hai mùa mưa nắng của đất Chiêm. Từ sau Hoành Sơn, nó đã ngược ra Bắc từ lâu nên dân ta mới bảo “Chiêm Nam, Mùa Bắc"…
- Nghĩa là sao? - Mạc Khảo hỏi.
- Nghĩa là ở trong Nam thì vụ lúa chiêm là chính, còn ngoài Bắc thì vụ chính là lúa mùa… Lúa chiêm được gieo trồng từ cuối năm nên lúc này ta mới làm thì chỉ hy vọng có được chút thóc gạo… lay lắt sống chờ mùa sau.
- Phải rồi - Mạnh Quý chen lời - Con nghe người ở đây nói: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ. Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên!". Ta bắt mạ chậm, vậy mùa mưa sang năm, lúa nhà ta có phất cờ theo mưa không?
- Có thể có, cũng nhiều phần không. Cứ chờ xem ông trời thương hai nhà đến chừng nào…
Bà vợ Mạc Khảo đang ngồi nhặt rau, thốt:
- Lạy trời lạy Phật…
Khi những cây lúa bén rễ thì cỏ cũng chen chân lúa. Mẹ con Đông Quỳnh ra đồng nhổ cỏ phụ giúp hai người đàn ông. Chỉ một buổi, bàn tay họ đã phồng rát cả. Ông Mạc Khảo bảo vợ: “Mẹ con bà ở nhà chăm lo mấy vạt rau cho xanh tốt nuôi đàn gà cho béo là được rồi".
Mạnh Quý còn yêu những cây lúa hơn cha. Cậu theo dõi từng ngày, từng tháng sự trưởng thành của ruộng lúa muộn nhà mình với sự hồi hộp xen lẫn hy vọng. Trời thương, sau cái Tết đầu tiên trên vùng đất mới ít lâu, khi sấm chớp về, những cây lúa chiêm chưa đủ ngày tháng vẫn vội vươn lên xanh tốt. Khi lúa làm đòng, nhiều lần Mạnh Quý đã lén ngắt vài bông lúa non, tuốt đòng đòng ngậm vào miệng, thưởng thức cái vị thơm ngọt của những hạt lúa còn trong trứng nước…
Hai người phụ nữ trồng thêm mấy cây ăn trái, đặc biệt lo chuyên tâm với những món ăn nghèo sao cho ngon miệng hai người đàn ông. Xem ra, cha con Mạc Khảo, Mạnh Quý khá vui vẻ vì hài lòng với cuộc sống mới.
Ngày thu hoạch vụ lúa đầu tiên, tuy năng suất đáng thất vọng nhưng mọi người trong nhà Mạc Khảo vẫn vui như ăn Tết muộn. Cả nhà ngồi trên chiếc chiếu trải trên nền nhà đất nện, quanh nồi cơm chưa thật dẻo thơm, ngon miệng như mong ước, nhưng ai cũng ăn nhiều hơn mọi bữa. Món cá kho đã trở thành quen thuộc từ khi họ đến Mô Xoài bữa ấy còn lại khá nhiều trên chiếc mâm gỗ tròn đặt cao hơn nền nhà cả gang tay. Món bầu luộc cũng không được đụng đũa nhiều. Chỉ có nồi cơm là được vét sạch.
Mạc Khảo nói:
- Mùa lúa sau ta sẽ trồng đúng vụ. Giống thì tìm chọn giống tốt hơn, sẽ có gạo ngon hơn.
Vợ ông thêm:
- Tôi sẽ học cách ủ cá làm nước mắm để cả nhà dùng, năm sau không phải ra chợ mua nữa… À, còn nữa…. Hay là tôi thử nấu một mẻ rượu cho cha con ông nhấm nháp, ăn cơm ngon miệng hơn…
Mạc Khảo vỗ đùi, lớn giọng:
- Chí phải! Bà vốn có nghề nấu rượu gia truyền mà…
Cô con gái im lặng một lúc lâu mới nói:
- Con chẳng biết làm gì… Chi bằng con sẽ siêng năng đọc kinh Phật, cầu nguyện cho gia đình mình sống đủ đầy, hạnh phúc…
Cả ba người trong nhà cùng mỉm cười. Bất giác, họ cùng nhìn lên bàn thờ Phật mà từ lúc đến đây, Đông Quỳnh xin cha cho lập. Rồi cô đi tìm vị sư già trong vùng, xin kinh về đọc. Thỉnh thoảng đến cái am tu nhỏ của ông trên núi nghe thuyết pháp.
Ngoài ruộng lúa, cha con ông Mạc Khảo còn canh tác thêm một nương ngô, sắn. Khi những bắp ngô đầu tiên trổ cờ, cả nhà vui mừng chờ ngày thu hoạch. Bà Mạc Khảo luộc những trái bắp bói vụ đầu cho cả nhà ăn. Bắp còn non, ăn ngọt miệng. Câu chuyện của cả nhà lại như pháo Tết nổ giòn…
Phía trước nhà, bà Mạc Khảo trồng một hàng cau, cho những dây trầu xanh mởn leo quanh thân. Vôi thì bà lấy vỏ sò đâm nhuyễn. Ông Mạc Khảo từ lâu cũng ăn trầu cùng vợ, gật gù: “Thật tiện lợi. Giờ thì ăn. Mai sau hái trầu cau nhà đi hỏi vợ cho Mạnh Quý".
Nhà hàng xóm Huỳnh Giản cũng làm việc cật lực với số suất đinh tham gia đông gấp đôi nhà Mạc Khảo nên họ có ruộng trước và nhiều hơn. Những bồ thóc thu hoạch được từ ruộng chiêm trễ của họ trở thành nỗi ước mong của nhà Mạc Khảo.
***
Minh họa: Lê Trí Dũng
Năm tháng qua dần, giữa hai miền chiến tranh vẫn treo lơ lửng, không biết lúc nào sẽ lại xảy ra sau chục năm kể từ khi trận chiến lần thứ sáu chấm dứt. Hầu như mọi người cùng nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra dù trong thâm tâm ai cũng muốn hòa bình. Và mặc dù ở xứ Mô Xoài này đồn trạm chỉ có nhiệm vụ thu thuế là chính, việc bảo vệ dân là thứ yếu, càng không có nhiệm vụ tuyển binh.
Nhà họ Mạc trở nên thân thiết với nhà họ Huỳnh. Họ cũng cùng làm quen với nhiều người đến định cư từ trước. Ông Huỳnh Giản xin được mấy cây giống một loại cây lạ, có trái xù xì đầy gai nhọn, khi mở vỏ ra thì bên trong có những múi như múi mít nhưng thơm ngào ngạt, nức mũi. Ông kể: “Lúc đầu tôi không chịu được cái mùi thơm kỳ lạ này. Có cảm giác nó không phải thơm mà… thối. Nhưng khi ăn múi thì thật béo ngậy, ngọt ngào… Người chủ cho tôi cây giống bảo nó có gốc tận nước Malacca, là nước nào thì tôi không biết…"
Ông Mạc Khảo cười:
- Ngày còn làm lính dưới trướng Chưởng dinh Nguyễn Hữu Dật, tôi được nghe ngài kể rằng xứ Malacca thuộc nước Mã Lai nằm trên biển phía Nam Mô Xoài chúng ta…
- Tôi trồng thử mấy cây này, mọi người cứ đợi đấy sẽ biết nó ngon dở thế nào…
Thỉnh thoảng, vào mùa nông nhàn, họ có chuyến đi xa về hướng Đông ra gần biển xem dân hòn đảo có núi dáng rồng làm ruộng muối. Xa hơn về hướng Đông, họ đến vùng đất đỏ mà dân ở đây gọi tên là Bà Lỵ, một tiểu quốc xa xưa của vương quốc Phù Nam. Cũng nhiều khi họ rủ nhau qua bên kia sông thăm người chủ thuyền tốt bụng đã giúp đưa gia đình mình vào Nam. Ông này làm nghề cá nên không phải cứ qua là gặp được. Nhưng ông thầy thuốc thì lúc nào cũng có mặt. Bệnh nhân thân chủ của ông khá đông và trước sân nhà ông được phơi đủ loại dược thảo. Trong nhà, ông dành một phòng rộng cho người bệnh phải ở lại điều trị lâu ngày.
Hai ông nông dân mới hòa nhập vào cuộc sống ở Mô Xoài còn biết trong vùng đất mới có một số gia đình theo đạo Thiên Chúa, sống tụ tập ở một nơi để dễ giúp đỡ nhau trong cuộc mưu sinh. Họ cũng cần bảo vệ nhau vì lệnh cấm đạo của chúa Hiền dù đã được nới lỏng hơn trước nhưng vẫn còn hiệu lực. Nghe đâu chính trong nội bộ các giáo sĩ người Pháp, người Ý và người Bồ không đoàn kết cũng là một nguyên do để chúa Nguyễn cấm đạo như miền Bắc. Nghe kể có một thừa sai người Bồ Đào Nha xuất hiện ở Mô Xoài và đang bị lính trạm tìm bắt. Trong vùng cũng xuất hiện vài người đàn ông không để tóc dài, khi cần thì búi lên cho gọn như phong tục từ bao đời, mà họ cắt tóc ngắn gọn gàng, trở thành tâm điểm bàn tán khen chê của mọi người xung quanh. Đó cũng là bằng chứng về sự có mặt của viên Thừa sai.
Về những chuyện này, hai ông họ Huỳnh và họ Mạc bất đồng ý kiến. Huỳnh Giản nghiêm giọng:
- Người Việt có phong tục của người Việt, phải giữ gìn những gì tổ tiên để lại. Bất cứ thay đổi nào cũng là phạm tội với tổ tông.
Mạc Khảo lắc đầu:
- Cứ nên làm theo ý thích của mình thì hơn. Há chẳng phải chúng ta bỏ quê hương cũ đi xa đã là muốn tìm cái mới hay sao?
Mạnh Quý nói với Đông Quỳnh là anh ủng hộ cha. Cô em gái thầm nghĩ: “Xưa nay mình mộ đạo Phật nên sẽ chẳng bao giờ theo đạo Thiên Chúa. Nhưng những cải cách theo người phương Tây xét thấy hay thì mình sẽ theo. Có lẽ mình tiếp tục nghĩ cách sửa đổi trang phục cho người Đại Việt ở Nam Hà xem sao".
Chỉ có bà Mạc Khảo là không quan tâm. Thời gian này bà đang tập trung nấu những mẻ rượu mà vì lâu ngày đã quên mất vài bí quyết gia truyền. Mặt khác, bà đang giận con gái vì Đông Quỳnh không ủng hộ việc nấu rượu: “Đàn ông có hai việc không nên là mê tửu, sắc. Giáo lý nhà Phật cũng dạy như vậy. Nấu rượu là tiếp tay cho họ hư hỏng…". Bà sẵng giọng: “Nhưng nhà ta cần có tiền để sống, con gái ạ". Bà chỉ nói thế. Đông Quỳnh cũng im lặng không tranh luận với mẹ.
Mạc Khảo biết chuyện hai mẹ con giận nhau thì ủng hộ vợ. Ông nói riêng với con gái:
- Ta không phản đối ý của con, nhưng ta cũng không muốn thấy mẹ con buồn. Con biết rồi đó. Mẹ con đã vất vả, hết lòng với gia đình ta như thế nào… Bà ấy là người ta yêu nhất trên đời… Mà bà ấy cũng yêu ta tha thiết…
Đông Quỳnh khóc, hứa với cha:
- Con hiểu rồi. Con sẽ phụ giúp mẹ nấu rượu, không bao giờ nhắc đến chuyện vừa qua nữa…
Đông Quỳnh gặp bà Mạc Khảo để xin lỗi. Người mẹ hết buồn, vui vẻ trở lại. Một buổi tối, cô gái nhất định đòi cha mẹ kể lại chuyện tình của họ cho nghe, dù đã từng nghe. Mạnh Quý cũng được rủ có mặt. Cô têm trầu mời cha mẹ.
Ông Mạc Khảo ngồi tư lự một lúc như để hồi nhớ lại quá khứ. Rồi mới kể:
- Ngày ấy đã cách nay hơn hai mươi năm, ta sống cùng cha mẹ Mạc Long làm gia thuộc nhà Triều Văn hầu, rồi nhà tướng quân Nguyễn Hữu Dật. Ta đã tuổi hai mươi mà vẫn chưa thành gia thất. Trong lòng ta cũng đầy mặc cảm của một thanh niên nhà nghèo không hề có chí lớn theo nghiệp võ, học hành chẳng đến đâu mà làm nông thì không có đất…
Bà Mạc Khảo kể với giọng buồn buồn:
- Còn ta cũng sinh ra trong một gia đình nghèo, từ Chà Bàn di cư lên Quảng Bình, cả nhà năm người phải đi làm thuê làm mướn. Trong nhà, ngoài cha ta thì ta là đứa con duy nhất thừa hưởng bàn chân giao chỉ của cha. Hai con xem đây, ngón cái nó ngoặc ra nhìn rất xấu… Ta thì nào phải cô gái nhan sắc hay có tài năng gì. Bởi vậy những thanh niên trong làng đều chê, không hỏi cưới ta…
Lúc này thì ông Mạc Khảo bật cười:
- Tình cờ ta và cô gái có bàn chân giao chỉ ấy gặp nhau ở một gia đình khá giả mà hai ta cùng đến giúp họ một việc nhà. Cô gái luôn tìm cách che giấu bàn chân còn ta thì tò mò muốn nhìn tận mắt. Kết quả là ta đã bị cô ta mắng cho một trận. Ta chịu mắng, qua hôm sau thì ta ngỏ lời với nàng, muốn được sống chung một nhà với nàng… Ta nói mình có hơn gì nàng đâu… Hà hà… bà còn nhớ không, nghe tôi nói, bà đã khóc nức nở…
Bà Mạc Khảo cười thẹn:
- Lúc ấy tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc dù trong lòng vẫn canh cánh một nỗi lo. Tôi cứ sợ mình sẽ sinh con có bàn chân giao chỉ… May mà cả hai đứa con, nhất là Đông Quỳnh đều bình thường… Chẳng những thế, con gái ta còn xinh đẹp, thông minh và hiếu thảo…
Đông Quỳnh âu yếm ngồi dựa vào vai mẹ, nghe Mạnh Quý nói:
- Mai sau con sẽ cưới người vợ nào mà con yêu thương giống như cha vậy, chẳng cần phải xinh đẹp nhưng cũng đừng xấu quá là được.
***
Gia đình họ Trương ở Mô Xoài là một gia đình khá giả, đông con, có ba trai và hai gái, đều lớn tuổi hơn Đông Quỳnh. Họ đã vào đây lập nghiệp từ hơn bốn mươi năm trước, nhà rộng, nhiều ruộng vườn. Để canh tác hơn hai chục mẫu đất phía bờ trái dòng sông, họ phải thuê mướn nhiều người, gồm cả người Chơ-ro, gọi là điền nô. Ông chủ là một ông lão gần bảy mươi, không rõ tên thật là gì mà chỉ biết người trong vùng gọi là Trương lão sư. Ông là người có uy tín nhất vùng, mọi người đều quý trọng. Vào thời gian gia đình Mạc Khảo đến đây, Trương lão sư đã giao quyền cho các con làm ruộng vườn còn mình thì cất một cái chòi nhỏ gần bờ sông sống một mình như một nhà tu.
- Sao lại gọi ông ấy như thế? - Mạnh Quý tò mò hỏi cha.
- Ta nghe kể rằng ngay từ khi đến đây lập nghiệp, lão sư đã làm nghề dạy học chứ không làm nông hay làm nghề sông nước. Ông kết hôn với con gái của một nông dân giỏi, thời gian đầu cuộc sống lệ thuộc vào gia đình vợ. Tuy con cái ông còn nhỏ chưa làm được gì nhưng bà vợ tháo vát phụ chồng làm được ít ruộng lúa. Khi con cái lớn lên, chúng mới dần thay cha ra sức khai phá thêm đất đai. Trương lão sư tập trung dạy học và có rất đông học trò. Di dân Đại Việt bỏ quê đi xa vẫn muốn con cái mình được học hành tử tế…
- Con hiểu rồi. Vậy gọi Trương lão sư là quá đúng, quá xứng đáng…
Đông Quỳnh chen vào:
- Con nghĩ lão sư phải là một quan nhân từ Thuận Quảng bỏ vào đây…
- Có thể ông là một người bất mãn…
- Mà biết đâu ông là một tội nhân đi trốn…
- Thôi, không bàn sâu chuyện của Trương lão sư nữa. Hai con chỉ cần biết là phải hết sức kính trọng ông…
Trong khi hai người con trai lớn của Trương lão sư lập gia đình, chia nhau chăm chỉ với việc canh tác trên phần đất mình được chia, hai người con gái cũng về nhà chồng thì người con trai út tên là Trương Quân lại chọn cuộc sống sông nước, chục năm nay đã một mình một thuyền trên sông Hương Phước, vừa tự kiếm sống vừa rong chơi như một tay lãng tử. Đoạn sông này ra đến vịnh Gành Rái trở thành “nhà" của Trương Quân. Không ít lần anh lên bờ đem theo ngư sản về cho gia đình hai người anh rồi lái thuyền dọc sông biếu cá cho nhà họ Mạc mà anh ta đã có dịp làm quen trong một lần cha con Mạc Khảo ra bờ sông vụng về thả lưới bắt cá tôm và anh ta ra tay giúp đỡ. Nghe nói mỗi lần Trương Quân đến chòi thăm Trương lão sư là hai cha con họ lại to tiếng với nhau, không hiểu vì lý do gì!
Một lần nọ, ngư phủ trẻ họ Trương được mẹ của Mạnh Quý, Đông Quỳnh sau khi nhận mớ cá tôm của khách đã tặng lại cho anh một vò rượu, còn bảo là do chính tay bà cất được. Trương Quân lấy làm cảm kích, đem rượu về thuyền uống giữa đêm trăng. Một con thuyền, một con người, một vò rượu, một dĩa cá nướng… với chàng lãng tử này là quá hạnh phúc rồi. Rót rượu ra chung đất nung, Trương Quân đưa lên mũi, ngửi được một mùi thơm nồng chưa từng gặp trong đời. Nhấp một ngụm, ngư phủ trẻ thấy cay xé lưỡi và lập tức có một luồng hơi nóng như lửa đang rừng rực cháy trong bụng mình. Một thoáng sau thì đến lượt cái đầu của Trương Quân lâng lâng sảng khoái, tựa như mình đang bay ra khỏi con thuyền để lên với chị Hằng tít trên cao… “Rượu tiên! Đúng là rượu tiên rồi!". Trương Quân kêu lên, không nén nổi cảm xúc.
***
- Quê gốc xa xôi của vợ ta ở đâu không biết, nhưng tổ tiên mấy đời gần đây của bà ấy thì sống ở Chà Bàn từ khi vua Lê chiếm được nơi này của Chiêm Thành. Nhà bà ấy có nghề nấu rượu gia truyền nhưng từ khi về làm vợ ta thì không theo nghề được vì không phải ở nơi nào cũng tìm được đủ điều kiện để nấu rượu ngon…
Mạc Khảo kể cho Trương Quân khi nghe anh ta khen “rượu tiên". Ông kể tiếp:
- Theo lời bà ấy thì muốn có rượu ngon phải có nguồn nước đặc biệt, nếp phải chọn từ ruộng trồng tại chỗ để hòa hợp với nguồn nước, đó là chưa kể men gia truyền, củi lửa chọn lọc và ngay cả dụng cụ nấu rượu cũng phải đúng chuẩn. Về đây lập nghiệp, mẹ con bà ấy đã may mắn dần dà tìm được đủ những đòi hỏi khó khăn của nghề, năm lần bảy lượt thất bại rồi mới cho ra được loại “rượu tiên" như cháu đã được thưởng thức… Chỉ thương cho thân ta… Hà hà… Ta phải làm người uống thử rượu của bà ấy làm ra suốt thời gian dài…
Trương Quân hào hứng:
- Cháu sẽ giới thiệu với mọi người đang sinh sống dọc hai bờ sông Hương Phước này. Chắc chắn gia đình ta sẽ có đông khách mua rượu rồi biết đâu nhà mình sẽ thành một lò rượu lớn và nổi tiếng khắp vùng…
- Được như thế thì còn gì bằng… Ta rất cảm kích trước tấm lòng của cháu…
Mạc Khảo không chỉ nói thế mà trong lòng còn nghĩ đến một chuyện xa hơn. Ông thầm mong Trương Quân sẽ trở thành con rể của mình.
Trương Quân lại quen với cha con ngư dân nọ mà người con trai tên Lê Hoằng bị cụt một chân. Anh từng mời cha con họ uống “rượu tiên" của bà Mạc Khảo mấy lần. Anh ta cũng là người đứng giữa nối kết gia đình này với nhà Mạc Khảo.
Từ sông Hương Phước, cha con Lê Hoằng thường xuôi dòng ra tận vịnh Gành Rái rồi ngược lên một con sông khác từ hướng Bắc đổ xuống, có chuyến dài hàng tháng. Lê Hoằng bị mất một chân do cá sấu tấn công trong một chuyến đi vào con sông nước lợ trước đó vài năm, vẫn lên thuyền có người cha phụ giúp trong những chuyến đi dài. Mạnh Quý được rủ đi một chuyến ra Gành Rái cho biết. Mạc Khảo đồng ý. Ông hỏi khi con trở về:
- Con có thấy thích nghề sông nước không?
- Không chút nào cha ạ. Nhưng chuyện bán buôn tôm cá của họ cho người trên bờ thì con lại rất thích. Con đã góp ý họ nên mua bán thêm vài thứ hàng hóa khác…
Trương Quân là một ngư dân vừa trẻ vừa lãng tử, lấy sự ngao du là chính, sống đạm bạc qua ngày chứ không quan tâm đến việc làm giàu. Vậy mà không ngờ anh lại là một ông mối mát tay. Chính nhờ anh mà Mạnh Quý quen biết và chiếm được tình cảm cô em gái của Lê Hoằng thích phiêu lưu kia. Đôi trai gái tiến tới hẹn ước hôn nhân.
Dù sao thì sự mát tay của Trương Quân cũng chỉ có thế. Nhiều lần anh ta mớm ý cho nhà Huỳnh Giản hỏi cưới Đông Quỳnh cho người con út. Lại tỉ tê nói thêm với Mạc Khảo. Nhưng việc không thành vì Trương Quân hoàn toàn không biết người được Mạc Khảo ngầm chọn lại chính là anh. Quan trọng hơn, Đông Quỳnh rất nhiều lần tâm sự rằng cô sẽ sống một mình cho đến hết cuộc đời tạm này… Trương Quân nghe cô nói mà cứ tưởng đang nghe lời của một nhà tu Phật giáo…
K.V
Trích tiểu thuyết "Kiếm Hoa" của khôi vũ
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)