Người Dao là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số có dân số đứng thứ 9/54 dân tộc ở Việt Nam. Địa bàn sinh sống chủ yếu của người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngôn ngữ của người Dao thuộc nhóm H'mông - Dao, chữ viết gốc Hán được Dao hóa. Từ năm 1954 - sau năm 1975, người Dao bắt đầu di cư đến vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai lập nghiệp. Người Dao Đồng Nai định cư tập trung ở vùng nông thôn, đông nhất là huyện Định Quán, đến Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Tân Phú. Người Dao ở Đồng Nai đa số thuộc nhóm Dao Thanh Y có nguồn gốc từ huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Trước kia, người Dao sống du canh du cư, còn hiện nay người Dao có cuộc sống ổn định hơn; tuy nhiên vẫn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, sản xuất nông nghiệp với canh tác lúa nước là chính. Đời sống văn hóa của người Dao rất phong phú và đa dạng, đặc biệt nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống luôn là một trong những nét văn hoá đặc sắc và nổi bật nhất của họ.
Người Dao ở Đồng Nai có bản sắc văn hóa riêng, từ trang phục cho đến lối sống, quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, quan hệ xã hội... Quá trình cộng cư tạo nên mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Dao với các dân tộc khác một cách tự nhiên. Tuy nhiên, về cơ bản người Dao vẫn lưu giữ và thực hành văn hóa tộc người, thể hiện rõ nét ở sắc màu hoa văn trên trang phục của họ. Trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y là yếu tố quan trọng giúp nhận biết và phân biệt người Dao với các dân tộc khác. Đàn ông người Dao mặc quần áo tương đối đơn giản, không cầu kỳ từ kiểu dáng tới hoa văn trang trí. Trang phục nam giới đơn giản hơn gồm: mũ, áo, quần. Người đàn ông Dao ít khi để trần, trước đây họ đội mũ nồi, mặc áo đen cổ cao cài khuy bên phải, thêu dưới gấu áo và đằng sau lưng thêu hoa văn hình người.
Người Dao Thanh Y ở Đồng Nai - Ảnh: Ninh Vui
Riêng trang phục phụ nữ người Dao khá cầu kỳ với nhiều màu sắc, kiểu cách và thiết kế. Gam màu sắc nổi bật được sử dụng chủ yếu là xanh, trắng, đỏ, vàng, đen (xanh đen, chàm), tập trung chủ yếu ở chiếc mũ, khăn đội đầu, áo, yếm, dây quấn lưng; các hoa văn hình khối, dạng hình học, hình lượn sóng, các hình tượng… được bố trí hài hòa cân đối. Tùy theo từng vị trí trong trang phục mà trang trí màu sắc sáng, tối khác khác nhau. Đặc biệt, quần ngắn (ngang đầu gối) chỉ sử dụng một màu đen duy nhất.
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ người Dao Thanh Y gồm: mũ, vải đội đầu, tóc giả để quấn quanh đầu, dây quấn đầu, vòng cổ trước ngực, yếm buộc phía trước ngực, áo, dây quấn lưng, quần, dây quấn chân. Phụ nữ Dao thường để tóc dài vấn khăn trên đỉnh đầu, đội mũ, trông xa giống như hình cái đấu, đỉnh mũ gắn ngôi sao mười cánh bằng bạc, xung quanh đính hai hàng khuy tròn bằng bạc xếp lớp song song với nhau. Áo của phụ nữ Dao Thanh Y là áo chàm dài, thân áo bên phải ngắn hơn bên trái, không có khuy cài, khi mặc thân dài vắt chéo lên thân ngắn rồi buộc ngoài bằng dây lưng. Bên trong hai lớp thân áo dài, phụ nữ mặc quần ngắn màu đen không thêu và không trang trí, ống quần nhỏ ôm sát lấy đùi người mặc. Dưới ống chân quấn một băng vải màu đen, cột bên ngoài bằng một băng nhỏ thổ cẩm màu sắc tương ứng với màu sắc của khăn đội đầu, cổ và thắt lưng tạo điểm nhấn cho bộ trang phục.
Nhìn chung bố cục trang phục của người Dao Thanh Y thoáng, nhẹ nhàng, hoa văn đơn giản trên nền vải màu chàm đậm, bộ trang phục giản dị màu sắc nhưng trang nhã, cách may mặc sát với thân người cùng với hoa văn nhã nhặn làm tôn vẻ đẹp tự nhiên, khỏe mạnh của người đàn ông và sự rực rỡ, xinh xắn như “bông hoa núi rừng" của người phụ nữ.
Màu sắc trên trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y gồm có các màu cơ bản như: đỏ, xanh, vàng, trắng, chàm (đen). Những sắc màu này có nhiều ý nghĩa cụ thể: màu đỏ giữ vị trí chủ đạo trên trang phục, vì màu đỏ mang ý nghĩa đem lại hạnh phúc, ấm no, sự tươi vui, may mắn. Màu trắng được phối khéo léo với màu đỏ trong các mô típ họa tiết hình tam giác ngược xuôi hay chặn ngang, chặn dọc hoặc chen ngang, chen dọc. Màu vàng tượng trưng cho phúc đức. Màu xanh biểu hiện cho tài lộc. Màu chàm là màu làm nền, giữ vai trò quyết định sự tươi tắn, lung linh và sống động của các màu khác trong nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y. Phụ nữ Dao Thanh Y rất thích đeo vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn bằng bạc. Họ quan niệm trang sức bạc thể hiện sự thịnh vượng, giàu có và sung túc, vừa là đồ trang sức vừa tôn thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ, vừa có tác dụng tránh gió độc, xua đuổi tà ma.
Hoa văn trên trang phục được người Dao Thanh Y trang trí rất phong phú, thường là những hình ảnh quen thuộc, gắn bó trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: họa tiết cỏ cây, hoa lá - biểu hiện mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên; họa tiết con vật - biểu tượng cho khát vọng tự do (dấu chân hổ, chó, chim); họa tiết hình con người mang tính khái quát cao thể hiện cuộc sống nội tâm và đời sống tâm linh của cộng đồng; họa tiết mặt trời là biểu tượng của thần linh, luôn mang đến cho con người những điều may mắn, thường xuất hiện trên trang phục, trên mũ của thầy cúng; họa tiết hoa văn hình học - thể hiện tư duy mạch lạc, dứt khoát, rõ ràng (hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác); họa tiết sóng nước là các đường thẳng với nhiều màu sắc kéo dài và liên tục, thường xuất hiện ở gấu quần, gấu áo, các đường bao quanh, làm viền bo cho tổng thể trang trí.
Ngày nay, người Dao Thanh Y ở Đồng Nai bên cạnh bản sắc văn hóa riêng, còn có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với các dân tộc khác; vì vậy trang phục của họ cũng có nhiều thay đổi. Hiện nay, trong sinh hoạt hàng ngày, hầu hết người Dao đều mặc trang phục giống như người Việt, vừa tiện lợi trong sinh hoạt lao động, lại dễ dàng may sắm phù hợp thời trang. Trang phục truyền thống nay chỉ được một số người Dao lớn tuổi mặc trong đám cưới, đám tang hoặc các dịp lễ tết, biểu diễn văn nghệ; đặc biệt thầy cúng mặc trong các dịp lễ cấp sắc trong cộng đồng.
Với bàn tay khéo léo cùng yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật; người Dao Thanh Y đã thể hiện được kỹ thuật thêu thủ công, sự phối màu tinh tế, trau chuốt đến từng chi tiết thông qua sắc màu hoa văn trang trí trên trang phục truyền thống của họ. Những hoa văn này, không chỉ là sản phẩm vật chất của nghề thủ công, mà còn là sáng tạo phi vật thể, là biểu tượng sinh động của những sắc thái văn hóa độc đáo, riêng biệt của người Dao Thanh Y. Mỹ thuật trang trí trên trang phục người Dao Thanh Y góp phần vào kho tàng văn hóa nghệ thuật của cộng đồng văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai.
(Nguồn: VNĐN số 70 – tháng 12, năm 2023)
[Bài viết tham khảo các tài liệu: Bế Viết Đẳng cb 1996, Các dân tộc thiểu số trong sự phát triển kinh tế xã hội miền núi; Ngô Văn Lệ 2004, Tộc người và Văn hóa tộc người; Chu Thái Sơn 2004, Người Dao, Nxb Trẻ; Ngô Đức Thịnh 2001, Trang phục các dân tộc thiểu số - truyền thống và biến đổi; Viện Dân tộc học 1978, Các dân tộc ít người ở Việt nam (Các tỉnh phía Bắc].