Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (1979 - 2024)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2024 - 2029)
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KIẾN TRÚC NGÔI “SA-LA” TRONG CHÙA KHMER

 Hứa Sa Ni

(Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh)

 

Trong tổng thể kiến trúc của một ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ, bao gồm rất nhiều công trình kiến trúc riêng biệt khác nhau như: Chính điện, Sa-la, Kod (Tăng xá), Pro-chét-đây (tháp), cột cờ, Hô-t'rây (như nhà trưng bày, thư viện), nhà bếp... thậm chí một số chùa còn có cả nhà hỏa táng. Mỗi công trình đều có chức năng và ý nghĩa khác nhau. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về một công trình khá quan trọng đó là ngôi Sa-la.

Sa-la là từ có nguồn gốc từ tiếng Pali (cả tiếng Săng-scrit), có nghĩa là ngôi nhà, hội trường, văn phòng, nơi tụ họp sinh hoạt[1]. Trong tiếng Khmer người ta thường sử dụng chữ Sa-la ghép thêm với các từ khác nhằm biểu thị tính chất, chức năng cụ thể của một một sự vật nào đó. Chẳng hạn Sa-la Riêl là trường học, Sa-la Khum là trụ sở UBND xã… Với tư cách là một bộ phận kiến trúc không thể thiếu trong tổng thể kiến trúc chùa Khmer, Sa-la được coi là nơi dành riêng cho các tín đồ học tập Phật Pháp, sinh hoạt lễ nghi tôn giáo theo qui định của đạo. Vì vậy, phải gọi đúng tên của nó là Up-păt-thal-Sa-la (Up-pắt-thal có nghĩa là sự phục vụ). Tuy nhiên, đã từ lâu người Khmer quen gọi tắt là Sa-la.

Nhìn thoáng qua hầu hết các ngôi Sa-la của chùa Khmer ở Nam Bộ, nếu như nó không được trang trí chu đáo với nhiều loại hoa văn cầu kỳ, được sơn phủ các mảng màu nóng… thì có lẽ ngôi Sa-la cũng không có gì nổi bật đáng kể. Bởi về hình thức nó cũng được xây dựng như những căn nhà cấp bốn khác, ngoại trừ nóc nhà được bố trí thêm mái cong, có tháp ở giữa…


z5635518686910_da9c013b4d4e963b3de5b4bcfd151a3d_800_15072024173825.jpg
Khung cảnh một ngôi Sa la chùa Khmer Nam Bộ (ảnh: Sa Ni)


Theo truyền thống trước đây, ngôi Sa-la thường được kết cấu dưới dạng nhà sàn và làm bằng gỗ, nhưng do sự khang hiếm về vật liệu, hơn nữa tuổi thọ không cao, nên ngày nay phần lớn ngôi Sa-la trong các chùa Khmer được xây dựng theo dạng nhà trệt, nền đất, có chùa thì xây nền cao hơn mặt đất, có chùa xây thành hai tầng… Hiện nay chỉ còn vài ngôi chùa còn bảo tồn được ngôi Sa-la theo dạng nhà sàn. Điển hình như Sa-la chùa Bup-pha-ram ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu. Đây là ngôi Sa-la có kết cấu rất đẹp và gần như còn nguyên vẹn. Tất cả các hình thức trang trí đều được làm từ chất liệu gỗ, đặc biệt các hình tượng Krud gắn ở đầu cột được tạo dáng rất đẹp.

Xét về hình thức bên ngoài, mỗi ngôi chùa, tùy theo khả năng kinh tế, số lượng Phật tử có thể thiết kế ngôi Sa-la lớn nhỏ khác nhau. Song cách bố trí bên trong nội thất thì cơ bản có sự tương đồng, gần giống nhau. Đó là gồm một bàn thờ Phật, một “bàn ăn tập thể" được xây cao hơn nền nhà từ 30cm đến 50cm. Nhìn chung nội thất tòa Sa-la về cơ bản chia thành hai phần, cách nhau bởi hàng cột ở giữa. Tiếp giáp với vách phía Tây, người ta xây một bàn thờ Phật, hai bên bàn thờ có chùa thì bỏ trống, có chùa thì xây kín lại tạo thành hai phòng ngủ cho các vị sư. Trước bàn thờ Phật, lệch về bên phải (nhìn theo hướng từ Tây sang Đông) và cách vách phía Nam khoảng từ ba đến bốn mét, người ta xây bục cao hơn nền nhà khoảng từ 30cm đến 50cm, có chiều rộng khoảng ba mét và chiều dài gần bằng chiều dài của ngôi Sa-la. Đó được xem như một “chiếc bàn dài" dùng làm chỗ ngồi cho các vị chư Tăng mỗi lần hành lễ, đồng thời cũng là bàn ăn tập thể chung cho các vị sư. Tuy nhiên, ở đoạn đầu của chiếc bàn (sát bàn thờ Phật), thường được xây cao hơn khoảng 10cm so với “mặt bàn dài" như một sự gợi ý để phân biệt, nơi dành riêng cho các vị trụ trì, đại đức Hòa thượng.

Trên phương diện mỹ thuật, ngôi Sa-la được các nghệ nhân trang trí tỉ mỉ không thua kém gì ngôi Chánh điện. Điển hình như chùa Kom-phi-sa-ko (tỉnh Bạc Liêu), ở các hàng cột trong và ngoài Sa-la đều được đắp các loại hoa văn Chăk-chăn-hiêl, như những hình kỷ hà xếp thành tưng ô đều đặn dưới dạng hình thoi. Nối giữa hai hàng cột hiên là những “bức màn gió" được tô điểm thêm các loại hoa văn Ang-ko trông thật đẹp mắt. Mỗi cột hiên đều được gắn hình tượng Ken-no đúc bằng xi măng trong tư thế đỡ mái. Trên mái hiên ở mặt trước của Sa-la (cũng là mặt chính, nằm ở hướng Nam), các nghệ nhân đắp thành một tác phẩm tượng khá hoàn mỹ, với đề tài Thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa) rời khỏi hoàng cung tìm đường học đạo, có Mear (Ma vương) đứng cản đường. Các nhân vật này đều được làm bằng hoặc to hơn người thật. Thái tử Siddhattha ngồi trên một con bạch mã, có cả người hầu bám vào đuôi ngựa. Tay phải Thái tử cầm dây cương, tay trái chỉ thẳng về phía trước. Ngoài người hầu, còn có bốn Chư Thiên Tê-vô-đa hộ tống phía sau. Trong đó, có hai Chư Thiên được trình bày trong tư thế ngồi, đưa đôi tay nâng hai chân trước của con ngựa. Hai Chư Thiên còn lại cũng được tạo dáng trong tư thế ngồi quỳ trên những đám mây cuộn hình xoắn ốc. Vị trước tay ôm chiếc bình bát, phía trên có thêm bộ áo cà-sa, còn vị ở phía sau tay bưng một cái khay, đựng chiếc bình nhỏ, có thể là nước cam lồ.

Riêng Ma vương thì đứng đối diện với Thái tử Siddhattha trên một ngọn núi cao, tay trái cầm chầy vồ đặt lên vai trái, tay phải chỉ thẳng về phía trước, lòng bàn tay hướng về phía trước và ngơi ngược lên, ngụ ý bắt Thái tử Siddhattha phải dừng lại. Cụm tượng này trông rất sinh động mà chúng tôi rất ít gặp sự trang trí như thế này tại các ngôi chùa khác.

Bên cạnh đó, tại các khung cửa sổ và cửa chính của Sa-la, cũng được trang trí bởi các đường diềm bao quanh bằng loại hoa văn Sô-banh cách điệu. Phía trên khung cửa sổ đắp thêm hoa văn Pha-nhi-vo thành hình một tam giác cân, khoảng trống ở giữa tam giác được đắp hình tượng một vị Chư thiên Tếp-pro-nom bán thân như đang ngồi trên tòa sen, hai tay chắp trước ngực. Đối với phần trang trí trên khung cửa chính, có phần khác hơn, mặc dù cũng sử dụng hoa văn Pha-nhi-vo, nhưng ở phần hai góc đáy của tam giác, các nghệ nhân đã cách điệu để biến thành hình ảnh của đầu rắn Naga trong tư thế ngóc lên. Phần ở giữa khu tam giác cũng được thay thế bằng hình ảnh đức Thích-ca ngồi tọa thiền.

Nhìn chung kiến trúc Sa-la của các chùa Khmer khá nổi bật và tiêu biểu trong lối trang trí (chỉ sau Chánh điện). Ngoài chức năng hội họp, sinh hoạt của Phật tử vào các tuần trai hàng tháng, thì đây cũng là nơi tiếp xúc thường xuyên với khách thập phương đến thắp hương cúng Phật. Do đó, qui mô kiến trúc, sự đầu tư của các nghệ nhân trong việc làm đẹp cũng là điều tất yếu dễ được chấp nhận./.


_________________________

[1] Từ điển tiếng Khmer của Chuôl Nat​


HỨA SA NI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​