Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LINH THIÊNG LỄ GIỖ ĐỨC ÔNG NGUYỄN HỮU CẢNH

Những ngày cuối tháng 6, mây đen lần lượt kéo đến vần vũ trên bầu trời Biên Hòa, báo hiệu mùa mưa đã vào giai đoạn cao trào. Vì thế, cảnh sắc nơi đây đã trở nên u ám hơn trước. Nhưng tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc ở vùng đất Cù lao Phố - nức tiếng một thời, cảnh vật trở nên nhộn nhịp, sôi động, tràn đầy sức sống vì người dân háo hức, cộng đoàn tổ chức lễ giỗ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh vào các ngày 15, 16 tháng 5 Âm lịch theo nghi thức truyền thống Nam Bộ nhằm tỏ lòng thành kính với bậc công thần của đất nước.
Tôi may mắn công tác trong ngành văn hóa xấp xỉ 20 năm tròn, tự hào đã đi khắp mọi ngóc ngách, dự nhiều lễ hội, biết không ít về các nhân vật lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nhưng có lẽ lễ giỗ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng nhất.

z5672991516147_c91ec8477f40c485641ab4dea713f58f.jpg

Bắn pháo hoa tại Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024 - Ảnh: Trần Minh

Trong tâm thức của người dân Đồng Nai qua nhiều đời, Nguyễn Hữu Cảnh là một vị thần có công mở cõi, mở mang cương vực. Trải qua bao nhiêu biến cố của lịch sử, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh vẫn được người dân địa phương chăm lo hương khói chu toàn. Có thể nói lễ giỗ Đức Ông là nhịp cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; nhắc nhở mọi người về những công lao vô cùng to lớn của Nguyễn Hữu Cảnh nói riêng và các bậc tiền nhân nói chung. Hơn 300 năm qua, lễ giỗ Đức Ông luôn là một nghi lễ chính thức, lớn nhất trong năm tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Lễ giỗ được tổ chức theo nghi thức truyền thống của đình làng Nam Bộ, chứng tỏ nhân dân đã tôn kính Đức Ông là vị nhân Thần. Theo đó, lễ giỗ Đức Ông diễn ra trong hai ngày với nhiều hoạt động lễ và hội đan xen, tạo không khí vừa trang nghiêm, vừa náo nhiệt, thu hút đông đảo bá tánh đến tham gia lễ bái.

Theo thông lệ từ xưa, trước khi lễ giỗ diễn ra khoảng một tháng, Ban Quý tế đã nhóm họp phân công cụ thể cho từng ban phục vụ lễ cúng(1). Mục đích chính của việc phân ban nhằm tạo sự khớp nối, chỉn chu trước, trong và sau lễ cúng. Để thuận lợi cho công tác tổ chức, điều hành trong lễ cúng, Ban Quý tế đền thờ phân làm 5 ban, mỗi ban có một tổ trưởng lo liệu công việc, chịu trách nhiệm chính của ban mình phụ trách (Ban chấp sự; Ban lễ nghi; Ban lễ sinh (Học trò lễ); Ban hỏa thực và Ban lễ tân). Mỗi năm, thành viên của các ban có sự thay đổi vị trí, nhiệm vụ khác nhau, tùy theo tình hình thực tế.
Diễn trình lễ giỗ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 15/5 Âm lịch đến 12 giờ ngày 16/5 Âm lịch theo nghi thức cúng đình truyền thống của Nam Bộ. Phần nghi thức, lễ giỗ Đức Ông lần lượt được thực hiện các nghi: Chưng hoa, quả, hương đèn (8 giờ ngày 15/5), Lễ An vị sắc Thần, lễ Thượng kỳ (16 giờ 30, ngày 15/5), Nghi lễ Trình sanh (00 giờ ngày 16/5), Nghi lễ Tiên yết (01 giờ 30 phút ngày 16/5), Nghi lễ cúng Tiên Bối sanh (02 giờ ngày 16/5), Nghi lễ cúng Đàn cả (08 giờ ngày 16/5). Các thành viên tham gia thực hiện nghi thức trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống của Nam Bộ (chánh tế, bồi tế áo dài khăn đóng màu đỏ; các thành viên còn lại áo dài, khăn đóng màu xanh; học trò lễ trong bộ áo mão màu vàng, chân mang hia). Về lễ vật cúng Thần và đãi bá tánh thể hiện rõ nét ở các lễ Kỳ yên của đình làng Nam Bộ như xôi trắng, heo quay, canh khổ qua, bánh ít....
Về phần hội, lễ giỗ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh xưa kia có tổ chức các trò chơi như: thi đánh cờ người, đá gà, thổi xôi cúng Thần, kéo co và kết thúc phần hội có giải thưởng cho người và đội thắng cuộc. Đây là nét sinh hoạt văn hóa được người dân duy trì hàng năm. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn, do chiến tranh loạn lạc, thời gian dài nên đền thờ không còn tổ chức các hoạt động hội. Năm 2024, được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Nhân dân Thành phố Biên Hòa đã chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hội trong lễ giỗ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh. Trong đó, phần lễ nghi giữ nguyên yếu tố truyền thống, phần hội được phục dựng và bổ sung nhiều hoạt động phong phú trước và trong lễ giỗ nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Ngày 15/5 Âm lịch, nhiều phần hội được tổ chức gồm Hội thi vẽ tranh, triển lãm ảnh đẹp theo chủ đề các nhân vật lịch sử, cảnh đẹp vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai của các trường tiểu học trong thành phố Biên Hòa; Hội thi trang trí, triển lãm không gian văn hóa, ẩm thực xưa, triển lãm Gốm Biên Hòa giữa các đơn vị phường xã của thành phố; các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu được lần lượt tổ chức với sự tham gia đông đảo, hào hứng của các học sinh, quần chúng nhân dân địa phương. Buổi tối cùng ngày là các hoạt động văn nghệ với nhiều tiết mục ca nhạc, cải lương với tuồng tích xưa... do các diễn viên, nghệ sỹ của Thành phố Biên Hòa biểu diễn. Đặc biệt, điểm nhấn của đêm hội là phần trình diễn pháo bông tầm thấp thu hút khá đông bá tánh chiêm ngưỡng.

TM

(1): Trước đây, theo quy định của làng, sau khi nghe trống gióng 3 hồi, các thành viên Ban quý tế đều phải tụ họp về đền thờ chuẩn bị cho việc phân ban trong lễ Giỗ Đức Ông.

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 77 (Tháng 7 năm 2024)


TRẦN MINH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​