Tháng bảy âm lịch cùng với những tín ngưỡng dân gian mang đến nhiều tâm trạng xao xuyến lẫn hoang mang trong dân gian như: tháng cô hồn với mâm cúng xá tội vong nhân; ngày thất tịch với những trận mưa trút nước dầm dề; mùa Vu lan với những bông hồng màu đỏ hoặc trắng trên ngực áo.
Tháng cô hồn
Tháng 7 âm lịch còn được dân gian gọi là tháng cô hồn. Nhiều địa phương ở Trung Quốc gọi tháng 7 âm lịch là Quỷ tiết và Thi cô. Các tên gọi đó thể hiện thời điểm để mọi người cầu nguyện, cúng vái; niềm tin này bắt nguồn từ Đạo giáo, sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân gian Trung Quốc. Lâu dần, dân gian lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa quan Đại đế quản lý, chính vì thế, tháng 7 âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với ngày sinh nhật của Địa quan Đại đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ma quỷ, vong hồn sẽ quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho nhân gian.
Do đó, ngày Rằm tháng 7, người dân Trung Quốc bày hương án cúng tế ma quỷ, thả đèn trôi sông, nhằm chỉ lối dẫn đường cho các linh hồn, ma quỷ bị chết oan từ nhiều kiếp trước bước qua cầu Nại Hà để đầu thai.
Còn dân gian Việt Nam cũng quan niệm, đây là tháng của ma quỷ, những điềm xấu, không may mắn cũng thường xuất hiện. Vì vậy, đây là khoảng thời gian không tốt nếu mọi người thực hiện những hoạt động như cưới hỏi, mua sắm, khai trương. Do vậy, đa số gia đình sẽ bày mâm cúng thí thực cô hồn. Tại các chùa thiết lập trai đàn chẩn tế để "tài pháp nhị thí" cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng.
Nguồn gốc Vu lan - mùa hiếu hạnh
Lễ hội Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn: “Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở". Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề còn quá sân si và bởi ác nghiệp còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa, không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Phật. Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau ba tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".
Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư Tăng, sắm sửa lễ cúng vào ngày 15/7 âm lịch. Sau đó, mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu lan ra đời.
Thực ra Lễ Vu lan là một tục lệ báo hiếu đã có từ lâu trước khi Phật giáo ra đời được kể trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, dần dần được Phật giáo tiếp nhận. Từ nghi thức ở chùa hòa nhập vào cung đình, rồi phổ biến trong dân gian mỗi nơi mỗi khác.
Phật tử dự lễ Vu Lan tại chùa Quan Âm - TP Long Khánh - Ảnh: Nguyễn Chí Trung
Vu Lan - mùa hiếu hạnh trên đất Việt
Người Việt với tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông bà, tổ tiên rất lâu đời với quan niệm sông có nguồn, cây có cội rễ và con người có tổ tiên, giống nòi. Con người sinh ra thì phải biết nhớ đến tổ tiên, bên cạnh những vị thần mặt trời, thần núi, thần biển. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư", ngày Rằm tháng 7 năm 1118, vua Lý Nhân Tông đã cho mở hội Vu lan để tưởng nhớ mẹ mình là Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu (giỗ một năm) nó mang ý nghĩa mùa hiếu hạnh của con cái đối với cha mẹ đã mất.
Qua hàng nghìn năm, Vu lan báo hiếu là một trong những dịp lễ có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Lễ hội kết hợp giữa tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt với thuyết Tứ Trọng Ân và truyền thuyết Vu Lan Bồn của Phật giáo.
Trong tâm tưởng người Việt: Cha như mặt trời, mẹ như mặt trăng. Cha tuy đôi lúc lạnh lùng, cấm đoán, nghiêm khắc với con nhưng những điều đó chỉ mong muốn con trở thành người. Cũng như ánh mặt trời tuy gay gắt, nóng bức và khó chịu, nhưng nhờ mặt trời mà cỏ cây, hoa lá có thể xanh tươi. Mẹ như mặt trăng, luôn dịu hiền, dìu bước ta qua màn đêm tăm tối, bao dung những lỗi lầm của đứa con thơ dại của mình. "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con…" (ca dao).
Để báo hiếu cha mẹ, người ta thực hành hai loại hiếu theo lời Phật dạy là "hiếu thế gian" và "hiếu xuất thế gian". “Hiếu thế gian" là cung dưỡng cha mẹ cơm ăn, nước uống, chỗ ở, nơi nằm, chữa bệnh thuốc thang, tiện nghi sử dụng... "Hiếu xuất thế gian" là đưa cha mẹ vào lễ nghi giáo hóa, đi chùa, bỏ điều ác, làm điều thiện để khi chết được siêu sinh tịnh độ. Mỗi người hãy sống tử tế với mọi người, cả thế gian và thiên nhiên.
Có thể thấy, lễ Vu lan là dịp nghĩ về người đã khuất để con người sống tốt hơn, hướng thiện hơn, từ đó điều chỉnh hành vi giữa con cái, cha mẹ. Ngoài ra, trong ngày này tưởng nhớ kẻ lang thang, vong hồn đã khuất và cúng tổ tiên, ông bà... con người sẽ cảm thấy an yên, ấm lòng hơn.
Nhiều năm nay, lễ Vu lan còn xuất hiện nghi thức cài bông hồng lên ngực áo. Hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương thơm. Cài lên ngực bông hoa là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Bông hoa màu hồng cài trên áo với ý nghĩa người tự hào may mắn vì đang còn mẹ. Những ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, dù mẹ đã khuất.
Ngày nay, lễ Vu lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người". Pháp hội Vu lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" với tiên tổ, tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.
Nhận thức đúng về mùa hiếu hạnh
Sự đan xen giữa văn hóa Trung Hoa và Việt Nam, sự dung hợp giữa tín ngưỡng dân gian với Lão giáo và Phật giáo. Vì vậy, tùy theo nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình mà người ta đón nhận tháng bảy âm lịch rất khác nhau: tháng cô hồn hay mùa Vu lan.
Thực ra, tháng nào cũng như nhau, ngày tốt ngày xấu chỉ là quan niệm, kiêng kị làm việc lớn trong tháng bảy chỉ là chuyện tâm lý, không tính đến đúng sai và không ai có thể kiểm chứng. Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng không nên biến nó thành mê tín tiêu cực, vì thành công hay thất bại phụ thuộc vào chúng ta. Chính Phật giáo cũng khẳng định không có cái gọi là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kị hay né tránh cả. Chỉ cần mỗi người sống lương thiện, làm nhiều việc tốt, không phạm phải những điều xấu thì tự nhiên vận may sẽ đến.
Thế giới quan của Phật giáo bao gồm trong các thuyết; Nhân quả; Nghiệp báo; Luân hồi... Mọi hoạt động của con người (thân, khẩu, ý) luôn tuân theo luật nhân - quả, có nhân tất phải có quả và ngược lại. Nhân trước, quả sau, nhân nào, quả ấy. Việc làm nào cũng có kết quả tương ứng “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo". Những hoạt động, những việc làm thiện, ác hôm nay sẽ tạo ra nghiệp báo mai sau. Nghiệp báo là kết quả tất yếu mà con người phải gánh chịu.
Phật giáo cũng cho rằng mọi chúng sinh đều có thể tự giải thoát vì con người chính là nguyên nhân của con người. Quan niệm này có ý nghĩa tích cực nhất định, vì nhắc nhở con người phải chú ý và thận trọng trong ý nghĩ, lời nói và hành động của mình ; chú ý làm điều thiện để tích đức, để giải thoát khỏi sự mê muội mà con người hay gặp phải.
Do đó mỗi người hãy bình tâm đón tháng bảy âm lịch, một dịp để chúng ta bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, cha mẹ và những bậc tiền hiền của dân tộc của đất nước. Đồng thời quan tâm chia sẻ với cộng đồng, với những người bất hạnh, kém may mắn.
Giá trị cốt lõi và bất biến của lễ Vu lan là tôn vinh đức hiếu hạnh, là dạy cho con người biết tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó cũng là đạo lý làm người căn bản của mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy, lễ Vu lan đã được đón nhận, hưởng ứng và lan toả ngày càng phổ biến trong đời sống văn hóa dân gian người Việt Nam.
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 78 (Tháng 8 năm 2024)