Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÍN NGƯỠNG THỜ ÔTR NGHÊ KIM HOÀN TẠI BIÊN HOÀ, ĐỒNG NAI


chánh điện thờ Tổ nghề kim hoàn tại BH- ĐN.jpg

Chánh điện thờ Tổ nghề kim hoàn tại Biên Hòa - Ảnh: Trí Nghị

Tổ nghề còn được gọi là Đức Thánh tổ/ Tổ sư, là một hoặc nhiều người có công sáng lập, truyền bá cho dân làng một nghề nào đó. Tục thờ tổ nghề là truyền thống tốt đẹp ở các làng nghề Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn những người sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho dân làng. Tín ngưỡng thờ Tổ nghề với ước mong cho ngành nghề phát triển, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc.

Vài nét về các Tổ nghề kim hoàn
Những năm đầu thế kỷ XVIII, nghề kim hoàn ở nước ta chưa phát triển, các loại mặt hàng thủ công cao cấp chủ yếu thuê thương nhân, thợ kim hoàn người Trung Quốc chế tác, nhưng họ lại độc quyền và không truyền dạy nghề. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát với mong muốn phát triển nghề kim hoàn, Ông đã ra lệnh cho quan lại tìm cách hợp tác sản xuất, kinh doanh nhưng đều không có kết quả. Cùng lúc này tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa có ông Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744) trong một gia đình nông dân, có tính ham học hỏi và mong muốn trở thành một người thợ kim hoàn giỏi. Bởi thời kỳ này chỉ có người Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc trong cả nước nên ông học tiếng Hoa, cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Với tư chất thông minh, khéo léo và sự cần cù, sáng tạo nên ông học được nhiều bí quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, con trai ông là Cao Đình Hương tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, ông Cao Đình Độ thu nhận đệ tử và truyền nghề cho họ. Làng Kế Môn trở thành làng chế tác đồ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong lúc bấy giờ.
Đến thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập đội Cơ vệ Ngân tượng chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung đình. Ông Cao Đình Độ được triều đình phong chức Lãnh binh, ông Cao Đình Hương chức Phó Lãnh binh. Đến thời nhà Nguyễn, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như thợ làng Kế Môn tiếp tục được trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ. Ngày 27 tháng 2 năm Canh Ngọ (1810) ông Cao Đình Độ qua đời, được nhà vua và triều đình truy phong tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư" và ban đất xây lăng mộ như các quan đại thần tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế). Sau khi cha mất một thời gian, Cao Đình Hương quyết định từ quan về quê phát triển nghề kim hoàn ở miền Trung. Cảm phục tài nghệ, quan Thượng thư Bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc (dưới thời Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai Trần Hòa, Trần Điện,  Tần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Đến năm 1821 ông Cao Đình Hương qua đời, an táng bên cạnh mộ phần của cha tại ấp Trường Cởi. Vua Minh Mạng truy phong tước hiệu: “Đệ nhị tổ sư". Vua Khải Định sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần". Vua Bảo Đại tiếp tục được sắc phong cho người có công khai sáng nghề kim hoàn Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Tổ nghề kim hoàn tại đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội
Với quan niệm “Ly hương, bất ly tổ", “uống nước nhớ nguồn", những nghệ nhân, thợ nghề gắn bó với nơi mình sinh ra và được học nghề khi họ vì lý do nào đó mà rời làng quê đến nơi khác sinh sống thì luôn ý thức việc giữ nghề. Lòng tri ân những vị tổ nghề trong họ không hề mất đi mà trái lại, họ gieo vào nơi họ đến những hạt giống của lòng biết ơn bằng cách hành nghề, thiết lập truyền thống thờ vị tổ nghề duy trì qua các thế hệ.
Tại Đồng Nai, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề kim hoàn được thực hành và duy trì hàng năm tại tại đình Tân Lân (phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa). Năm 2012, ông Nguyễn Văn Cầu, Hội trưởng Hội Kim hoàn Đồng Nai vận động những người làm nghề kim hoàn trong và ngoài tỉnh chung sức, đóng góp tiền của xây dựng ngôi miếu Tổ sư thờ tổ nghề kim hoàn với diện tích khoảng 16 m2 trong khuôn viên đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 Nghĩa binh Thiên Địa Hội (phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa). Đối tượng thờ chính là hai cha con Cao Đình Độ, Cao Đình Hương và phối thờ ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền (có công truyền nghề tại Chợ Lớn); Huỳnh Quang, Huỳnh Nhật, Huỳnh Bảo (có công truyền nghề tại Phan Thiết).
Theo ước lệ của từng vùng, ngày Giỗ tổ kim hoàn ở Việt Nam tuy có khác nhau nhưng điều được tổ chức vào tháng 2 (âm lịch) hàng năm trong không khí trang nghiêm, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai sáng nghề kim hoàn.
Tại đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 Nghĩa binh Thiên Địa Hội, lễ Giỗ tổ nghề kim hoàn được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 (âm lịch) với các nghi thức lễ truyền thống đình làng Nam Bộ thu hút đông đảo những người làm nghề và nhân dân địa phương tham dự. Ngoài phần lễ, phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động như: hát bội; giao lưu đờn ca tài tử... Đây là một trong những sinh hoạt văn hóa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống của những người làm nghề kim hoàn và người dân địa phương được gìn giữ và duy trì qua nhiều thế hệ, trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phản ánh sự khát khao về những điều cao quý, tốt đẹp đến với những người làm nghề kim hoàn tại Đồng Nai.

N. T. N

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 81 (Tháng 11 năm 2024)

 


NGUYỄN TRÍ NGHỊ
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​