Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MỨT CŨ

1. Con nhỏ đứng tần ngần nhìn khoảnh sông nước lớn cuồn cuộn trước mặt, đôi tay túm hai ống quần còn lưỡng lự. “Nước lớn, lỡ may ngập đầu". Nhưng má nó giục: “Cởi quần ra đi con". Nó vội túm lấy cái cạp quần rồi tuột xuống. Má nó đỡ lấy cái quần vắt lên vai. Rồi má, một tay cầm cái giỏ, một tay nắm tay nó dắt từng bước chậm rãi dậm xuống nền đất ẩm, có nơi đọng nước, bùn nhão nhoét. Con nhỏ bấu mười đầu ngón chân xuống, sợ rằng sơ sẩy một xíu là té ngã. Nó dùng tay còn lại cuốn lấy vạt áo thu lên ngang bụng ngay khi vừa đặt bước chân đầu tiên xuống nước. Càng đi, nước càng sâu, con nhỏ vén áo càng cao. Chỉ một lúc là ra đến giữa sông, nước đã gần liếm tới hai đầu vú bé xíu xiu của nó. Nó mím môi, im lặng, căng thẳng trong từng nhịp thở dù làn nước mát lạnh đang quấn quanh người và tay má vẫn đang nắm chặt tay nó.
Khoảnh sông này, nó từng theo đám bạn ra chơi vài lần. Nhưng chủ yếu là đứng ở bờ bên này, ngó qua bên kia sông, chỉ thấy hàng dãy dài tre xanh cao vút, đôi chỗ có một khoảng trống – là cổng dẫn vào thế giới bên kia sông. Nghe nói, bên đó toàn rẫy trồng me, trồng mít và là nơi có nhiều mồ mả từ đời nào chẳng biết. Nó thấy rợn người mỗi khi nghĩ đến, cảm giác như vùng trời phía bên đó cũng tối tăm hơn bên này. Bạn nó nói, ba má nó thường ở trong rẫy, lâu lâu mới về. Và khúc sông này đã có vài vụ người bị ma da kéo chân. Nghĩ tới đây, nó rùng mình, tay nó ghì siết lấy tay má để chắc rằng con ma da sẽ không kéo được chân nó, hoặc nếu có kéo chân nó thì má nó sẽ kéo nó lại được.
Qua khỏi khúc sông, thả vạt áo xuống, nó thở phào nhẹ nhõm. Má nó đưa cái quần cho nó xỏ vào lại. Mặc quần xong, nó tất tả theo bước má và vài người nữa đang dấn vào trong rẫy, vượt qua cái cổng rào tre cao cao ban nãy. Một ông chú với da đen nhẻm, mặt gầy và dài, dẫn hai má con nó vào một góc rẫy âm u, lác đác vài ngôi mộ đã rêu phong bao giờ, chỉ cho má nó mấy cây me đang mùa trĩu quả, trái lúc lỉu trên cành, nói: “Bà Mười dặn chị Hai hái mấy cây này nè, trái to, dày cơm, vừa ăn rồi". Nói rồi, chú đưa cho má cái sào dài, một đầu sào có cái móc. Chỉ cần đưa đầu móc đến chỗ chùm me rồi xoắn một, hai vòng là me rụng xuống. Con nhỏ chỉ có nhiệm vụ là lượm me rớt dưới đất, gom lại bỏ vào giỏ. Còn ông chú kia thì leo lên cây như một con sóc, thoăn thoắt từ cành này qua cành kia, lẫn trong những vòm lá. Nó đứng dưới nhìn theo, nhiều khi không thấy người đâu, chỉ nghe tiếng me rụng lịch bịch dưới đất. Nó mải miết lượm, chỉ chốc lát đã đầy cái giỏ. Má phải xin thêm vài bịch nilon đựng me mang về. Số me đó, má nó giao lại cho bà Mười, chỉ giữ lại một ít để sên mứt ăn ngày Tết.
Vào khoảng tháng 10 hàng năm, nhà bà Mười lại xổ hàng tạ me ra trước sân. Con nít trong xóm túm tụm lại sân nhà bà để gọt me mướn. Mỗi kí me gọt vỏ, bà tính 1.000 đồng. Sáng đi học, trưa về cất cặp, cơm nước xong, con nhỏ bỏ ngủ, lao qua khoảnh sân nhà bà Mười để nhập với đám con nít đó. Má nó cũng ở đó từ khi sáng ngày. Ba nó đi làm phụ hồ, má nó ở nhà chăm con vịt, trồng mớ rau, nhiều khi rảnh rỗi kiếm thêm chuyện làm cho có đồng ra đồng vào. Chị em nó thấy vậy, cũng bắt chước má, kiếm một hai ngàn để lên trường mua trái xoài, bịch bánh ăn. Thường má không cho chị em nó tiền tiêu vặt. Con nhà nghèo thì làm gì có tiền tiêu vặt, ngay cả tiền ăn sáng đối với chị em nó cũng là điều xa xỉ. Mỗi sáng, nó múc chén cơm nguội, chan ít nước tóp mỡ, trộn thêm xíu nước mắm là có chén cơm ngon lành. Ấy vậy mà đó là món ruột của nó từ nhỏ tới lớn, cho dù sau này đã dư giả hơn, nó vẫn thòm thèm mỗi khi nhắc lại. Má nói: “Hồi đó nghèo thì ăn như vậy, chứ không hề tốt cho sức khỏe".
2. Con nhỏ vừa đi học về, thay xong bộ quần áo, nó tót qua sân bà Mười. Bên này, những cái đầu con nít lố nhố từng tốp, ở giữa là rổ me xanh, từng trái ú nụ đã được khứa đôi sẵn, đang nằm chờ được “lột áo". Nó đã thấy má ngồi lặng lẽ ở một góc cửa, cạnh bà Mười, với rổ me to trước mặt. Má gần như là “lao động chính" ở đây, xung quanh là hai chị nó cũng đang cặm cụi gọt. Nó ngồi xuống, lẹ làng vơ lấy con dao đầu nhọn hoắt, tay trái lấy miếng giẻ nhỏ quấn quanh đầu ngón trỏ tay phải, sau đó dùng sợi thun vàng cột chặt lại. Đây là cách để tránh cho mũi dao không đâm hay cắt lẹm vào tay nếu có lỡ tay ấn đầu dao mạnh quá. Nước chua từ me chảy ra đỡ làm xót buốt da thịt. Nhưng chỉ được một lúc lại phải thay giẻ khác một lần, vì nước me dần dần sẽ thấm qua lớp vải khô và nằm lại ở đó. Thành ra, bên cạnh bà Mười, lúc nào cũng có một bao giẻ - những mảnh vải vụn mà cô con gái thợ may của bà không cần dùng đến nữa - sẵn sàng cho tụi nhỏ có cái để thay.
Me gọt xong, nó bỏ vào thau nước muối bên cạnh. Đám me này sẽ ngâm cho đến hôm sau mới vớt ra. Chúng sẽ trải qua công đoạn xăm cho bớt chua rồi ngâm thêm một lượt nước muối nữa mới tách hạt. Bà Mười đưa cho tụi nó cái xăm, một đầu ghim những cây đinh sắt nhỏ và nhọn. Nó chỉ việc cầm cái xăm đó đâm vào thịt từng trái me, để lại những cái lỗ nhỏ li ti, rồi thả trái me qua một thau nước muối khác ngâm tiếp. Liên tục như thế. Việc xăm me không khó, nhưng nhiều khi mải nói chuyện hay lơ đễnh là đâm trúng tay như chơi. Nước muối thấm vào vết thương rỉ máu, xót. Xong xuôi hết, bà đem số me đi ướp với đường qua một, hai ngày nữa. Khi me đã thấm đường, bà bắt hai cái bếp than to trong sân, bưng từng thau me to ụ đặt lên bếp, sên me. Mùi chua chua ngọt ngọt dậy lên. Nó thấy tay bà thoăn thoắt múc từng vá nước đường nóng rưới lên trên mặt trái me, từng lượt, từng lượt cho đến khi những trái me dần ngả màu vàng nâu, cánh gián. Bà để sẵn cái mâm lớn, trải lớp nilon phía dưới rồi gắp từng trái me đã ngả màu xếp lên mâm rồi đem phơi. Qua mấy nắng, những trái me rim săn lại, lớp mật phủ quanh cũng sắc lại, khô đi. Bà đem vào, lấy miếng giấy bóng kiếng cắt thành sợi dài rồi từ từ quấn quanh trái me cho tới tận cuống. Con nhỏ thường hay sang nhà phụ bà làm việc này vì thỉnh thoảng nó sẽ được ăn khính những mắt me bị gãy rơi ra. Sau đó, bà xếp từng trái me vào cái hộp kiếng trắng, nhẹ nhàng đặt mảnh giấy dài có in chữ “Chúc mừng năm mới" lên trên rồi dùng ghim bấm lại.

mứt cũ.jpg
Minh hoạ: Trần Hải Long

Chợt, nó nghe bà Mười nói với má nó:
“Tao nói mày rồi, coi như bỏ vốn, mỗi ngày dành ra một chút. Mày gửi chung vô đó, tới khi cần thì lấy ra, đâu có mất đâu mà sợ."
“Nhà con làm gì có tiền đâu mà chơi hả Mười? Ngày kiếm được mấy chục ngàn bạc, đủ lo tụi nhỏ ăn, tiền học còn xoay sở…"
“Thì bởi vậy tao mới rủ mày chơi. Nhanh có tiền, mà cũng đâu mất nhiều."
Má nó im lặng. Nó đang định khoe với má chuyện năm nay nó được chọn vô đội tuyển thi học sinh giỏi Văn. Nhưng tiền học bồi dưỡng hết sáu mươi ba ngàn. Với nhà nó, con số đó cũng không nhỏ. Nội tiền lo cho chị nó đi học thêm cũng không nổi. Có lần má bắt chị nghỉ học. Nhờ thầy thương tình, lại thấy chị nó học giỏi đâu nhất nhì khối, mới nói với má cho chị đi học, thầy không lấy tiền chi cả. Nhờ vậy mà chị nó được học tiếp. Còn nó, bao năm học hành có biết gì, tự dưng có chút khiếu văn chương chữ nghĩa lộ ra, cô giáo thấy vậy ghi tên vô danh sách. Nhưng má nói, học Văn làm được gì đâu, học Toán còn tính toán được cái này cái kia. Trong mắt má, học giỏi Văn cũng không để làm gì. Nó biết vậy, nên ngậm ngùi giấu chuyện đi thi vô bụng.
Lúc bà Mười quay vô nhà, nó hỏi chị nó: “Bà Mười rủ má chơi gì vậy?"
“Chơi hụi".
“Chơi hụi là sao?"
“Ai mà biết!"
Con nhỏ xụi lơ. Nó không biết chơi hụi là như thế nào. Chỉ nghe nói sẽ có nhiều tiền. Nhưng má đã không nhận lời. Nó hơi tiếc trong lòng, thầm trách má không nghĩ tới tụi nó.
Chuyện không được đi học bồi dưỡng thi học sinh giỏi Văn rồi cũng qua. Tánh con nhỏ không nhớ lâu. Với lại, trong đầu nó, chuyện học hành cũng không quan trọng lắm. Chị nó thì khác hẳn. Hai chị em cách nhau có một tuổi nhưng trong mắt ba má, thầy cô, chị nó với nó như “đỉnh cao" và “vực sâu". Chị nó là học sinh giỏi nhất nhì khối hai năm liền, còn nó lẹt đẹt mãi mới từ trung bình lên hạng khá. Bạn bè có nhiều đứa coi thường nó. Đáp lại, nó chẳng quan tâm lắm điều ấy. Nó đến trường chỉ vì thích những buổi học thể dục, được nằm lên bãi cỏ ngắm trời mây xanh bay qua trước mặt, nghe mùi cỏ thơm thơm quanh mình. Nó có vài đứa bạn cũng ham chơi như nó, phần lớn đều thích ra ruộng bắt ốc, mót lúa chứ không thích vùi đầu trong sách vở. Tuy nhiên, nó cũng không phải là đứa lười hẳn. Thực ra, nó chỉ thích những trang sách có chữ, còn con số thì không. Nên bao nhiêu sách giáo khoa Văn học trong nhà, nó lôi ra đọc tuốt tuồn tuột. Đọc hết. Từ hồi tiểu học nó đã đọc hết sách giáo khoa trong nhà. Lên trung học cơ sở, có ngóc ngách thư viện nào mà nó bỏ qua? Nhưng trường mới xây, thư viện có thỏn mỏn vài ba cuốn báo Thiếu niên Tiền phong, Khăn quàng đỏ. Nó đọc mãi chán rồi.
Mới 27 Tết mà cây mai ba đem từ rừng về đã nở vàng cả góc sân. Sách vở của chị em nó được xếp gọn lên giá. Hai chị được má giao nhiệm vụ ở nhà dọn dẹp, quét tước và trông em. Còn nó theo má ra chợ. Nó thích lắm, dù thực ra nó cũng không được theo má vô chợ mà chỉ được đứng bên này đường - nơi góc tường của quán phở Phương mà nó chẳng bao giờ có cơ hội được vô đó - để giữ xe cho má. Phía bên kia chợ chen chúc những hoa: hoa mai, hoa mồng gà, hoa cúc vàng, cúc tím, cúc trắng, hoa huệ… Nhiều quá, nó nhìn mãi không chán. Không khí chợ Tết cũng làm nó chộn rộn hơn. Nó thoáng cười khi thấy lẫn trong đám đông, cô giáo chủ nhiệm của nó cũng đang bán hoa Tết. Ngày thường toàn thấy cô mặc áo dài rất đẹp và sang trọng. Vậy mà hôm nay trông cô giản dị quá làm nó ngỡ ngàng. Má xách một giỏ đầy thức ăn chuẩn bị cho mấy ngày Tết: măng khô, giò heo, miến, thêm con gà sống kêu quang quác trên tay. Tết với nhà nó cơ bản có những thức đó. Đó là bữa ăn mà nó đã đợi cả một năm để được thưởng thức một lần.
Ngày 30 Tết, má đem mấy hộp mứt me – má tự sên chứ không mua của bà Mười – xuống bày vào khay mứt để lên bàn khách. Cái khay có năm ngăn xòe ra như năm cánh hoa. Má bày thêm hột dưa, mấy miếng mứt bí đao, mấy thanh kẹo đậu phộng đường và kẹo mè đen. Mới vài trái me đã đầy một ngăn. Má nói hết thì châm lên tiếp. Hồi giáp Tết, nó qua phụ bà Mười quấn me, đã ăn không ít me sên nên nhìn dĩa mứt me của má, nó cũng không háo hức là mấy. Thực ra, có lần nó ăn lén của má vài trái lúc má phơi me, nó thấy vị không ngon, ngọt và giòn như me bà Mười sên. Nó vẫn thích me của bà Mười hơn.
3. Tin bà Mười giựt hụi, vỡ nợ lan truyền khắp xóm. Mười mấy người ở đâu ùn ùn kéo đến trước nhà bà Mười, bắt bà trả nợ cả gốc lẫn lãi. Ông Mười phải ra mặt. Ông mở quyển sổ tay, ghi ghi chép chép những con số từ miệng những người kia. Đó là số tiền mà bà Mười nợ họ. Đám con nít trong xóm bu quanh phía ngoài hóng chuyện. Mãi sau, con trai lớn của bà Mười ra quát, chúng mới bỏ đi. Chiều hôm đó, con nhỏ không thấy bà Mười đâu. Mấy ngày sau cũng không thấy bà ra cửa ngồi hay quét sân nữa. Nghe má nó nói bà Mười đã về lánh tạm tại nhà riêng của vợ chồng con gái bà làm giáo viên bên Sông Mao.
Một bữa chiều vừa ghé chân vào nhà, nó nghe tiếng má phía sau vang lên:
“Khổ quá! Con làm gì có đồng nào, Mười ơi!"
Nó đoán ngay bà Mười đang kiếm má mượn tiền. Tiếng bà Mười khóc lóc. Ông Mười giận bà, không buồn ngó ngàng đến. Con cái cũng tạt qua vài lần rồi thôi. Bà bơ vơ trong chính ngôi nhà mình, chính cảnh ngộ của mình. Không ai dám cho bà vay tiền nữa. Một bữa, khi đang chơi với bọn thằng Thuần trong sân, nó thấy bà Mười lại khóc lóc với bác Tư gái bên nhà. Chắc bà Mười qua bác Tư mượn tiền? Nó nghĩ vậy. Nhưng khác với má nó, bác Tư gái ngồi trên bậc thềm mắng xuống:
“Ai có của đâu cho bà vay? Bà về đi. Nhà tui không có tiền!"
Lúc bà Mười quẹt nước mắt đi về, nó nghe tiếng bác Tư gái chửi đổng: “Trẻ không chơi, già đổ đốn". Rồi bác quay ra dặn hai đứa con gái: “Tao cấm tụi bây bén mảng qua nhà bả nữa. Tao mà thấy, tao đánh gãy chân. Không được giao du với hạng người đó".
Từ đó, nó không thấy ai lại nhà bà Mười, kể cả má nó, mà bà Mười cũng không lui tới nhà ai nữa. Ngôi nhà của bà lúc nào cũng cửa đóng im lìm. Ông Mười cũng lặng lẽ sáng đi tối về. Ông không còn mở lớp dạy thêm tiếng Anh vào mỗi dịp hè, bà Mười cũng không làm mứt me mỗi Tết nữa.
Cuộc sống ở cái xóm nghèo ngày càng khó khăn, đồng công nhật của ba khó có thể nuôi sống cả nhà. Ba má nó bàn nhau bán nhà, rồi cả nhà dắt díu nhau đi nơi khác sinh sống. Nó không biết nơi ở mới là ở đâu, chỉ nghe má nói công việc trong đó dễ kiếm hơn, đời sống cũng khá hơn, nhà mình cũng có họ hàng trong đó. Nghe đâu tận Đồng Nai. Quê mình nghèo quá, không có ruộng thì chẳng làm ăn gì được. Cả nhà không thể sống dựa vào đồng lương thợ hồ của ba. Căn nhà bán được vài chục triệu, ba má nó dùng số tiền đó mua được một miếng đất trong thành phố kia. Hè năm nó mười bốn tuổi, ba để lại má con nó, khăn gói ra đi. Vài tháng sau, ba về trên một chiếc xe tải, nói có nhà trong kia rồi. Rồi ba hối năm má con nó gói ghém đồ đạc đi ngay trong đêm đó. Nhà nó đi vội vàng, không kịp từ biệt ai, kể cả gia đình ông Mười.
Đã mười chín năm trôi qua kể từ mùa hè năm đó, nó vẫn chưa quên được cái xóm nghèo cũ kĩ của nó cũng như hình dáng ngôi nhà xưa và những câu chuyện cũ. Mỗi lần theo chân má ra chợ sắm Tết, nhìn những sạp hàng bày bán đủ thức quà, bánh mứt xanh đỏ, lòng nó lại chộn rộn. Giữa những món mứt trái cây xanh đỏ ngày càng mới lạ và hấp dẫn, hàng mứt me nằm khiêm tốn ở một góc cạnh bao hạt dưa, hạt bí. Cái màu của mứt me vẫn giản dị, dịu hiền như trước. Chợt nó nhớ lại chuyện bà Mười năm nào và cảm thấy ân hận khi từng ghét bỏ bà vì một chuyện chẳng liên quan gì đến nó, thậm chí, đã có lúc trong thâm tâm, nó khinh bà như trong câu chửi đổng của bác Tư gái ngày đó.

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 73 (Tháng 3 năm 2024)


LÃ HOÀI MAI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​