Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BUỔI WORKSHOP(*) CUỐI CÙNG

Ngày 10 tháng 9 năm 2019.
Khoa sửa soạn balo, lại chuẩn bị cho một cuối tuần như thường lệ. Anh sẽ tới Tầm, gặp những người bạn cùng đam mê và lại được nghe những phóng viên ảnh khách mời kể lại câu chuyện nghề của họ. Với một sinh viên như Khoa, đây là những cơ hội hiếm có để có thể tiếp cận gần hơn với giấc mơ báo chí mà từ lâu anh đã ấp ủ.
Ghé thăm Tầm, anh cũng có dịp được chiêm ngưỡng những tác phẩm ảnh nghệ thuật mà chủ quán đã bài trí suốt dọc đường vào. Nói là quán, nhưng nơi đây thực chất là một tòa chung cư cũ kết hợp giữa không gian quán cà phê và nhà dân xen kẽ. Có vài lần ghé Tầm trước đây, Khoa để ý thấy ở cuối dãy có một vài hộ dân sinh sống. Họ có vẻ đã sống ở đây từ khá lâu rồi. Lần trước khi cùng Quỳnh đến, anh may mắn khi được anh chủ nhà nọ đồng ý chụp cho hai đứa tấm ảnh kỉ niệm vô cùng đáng yêu.
Chủ đề buổi workshop hôm nay là về phóng sự ảnh tại một khu dân cư bị bỏ hoang sau nhiều năm quy hoạch treo. Diễn giả là một phóng viên ảnh từ tờ báo nổi tiếng. Khoa tới muộn, anh xách theo balo len lỏi vào dòng người tại sự kiện và chọn cho mình một chỗ ngồi trên cùng, do đã hết ghế. Chị chủ quán nhanh nhảu tiến đến và như thường lệ đon đả mời khách gọi nước. Khoa vẫn luôn là “fan trung thành" của bạc sỉu ít đá. Bởi đi nghe những buổi nói chuyện quan trọng, anh thích có sự tỉnh táo đi kèm. Một ly sinh tố dâu trong không gian đầy tính nghệ thuật có thể làm anh “cụt hứng".
Anh Việt, diễn giả, bắt đầu buổi nói chuyện bằng một loạt ảnh phóng sự. Đây là loạt ảnh mà anh đã thực hiện trong chuyến công tác cuối tháng 2 vừa qua. Hầu hết ghi lại cảnh những hộ dân sinh sống tại một khu dân cư bỏ hoang gần thành phố. Các bạn đang xem những gì ở ngay kế khu đô thị mà mình sinh sống và học tập, nghiêm túc đấy. Anh Việt nói. Nhìn những hình ảnh trên máy chiếu hiển thị, Khoa không tin vào mắt mình. Bởi anh những tưởng bấy lâu nay ở thành phố này chỉ có sự hiện đại và “sang chảnh". Đây hẳn là một vùng quê ngoại ô nào đó. Nhưng không, trên màn ảnh giờ là quang cảnh những gia đình chen chúc nhau trong các khu ổ chuột, sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất. Chiếu tới một tấm ảnh nọ, anh Việt dừng lại và hỏi mọi người:
- Nhìn vào tấm ảnh này, các bạn ấn tượng điều gì?
Một cánh tay từ một bạn cũng trạc tuổi Khoa ở phía cuối giơ lên.
- Mời em.
- Em thấy sự đau buồn anh ạ. Thông qua ánh mắt nhân vật và những biểu cảm trên khuôn mặt đã thể hiện điều đó. 
- Chắc chắn là thế. Các bạn khác có ý kiến gì không?
- Em thấy ở đó ánh mắt của sự chờ đợi, phải không anh? - Khoa nói.
- Là tất cả những điều mọi người đã và đang thấy. Đây là hình ảnh của một người dân đang mòn mỏi chờ ngày được ai đó cứu rỗi khỏi “khu ổ chuột" này. Sau khi khu nhà của họ bị ảnh hưởng bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Các bạn có thể thấy nơi đây gần như đã chìm trong “biển nước".
Ở phía dưới là hàng loạt những tiếng “ồ" và gật gù của đám đông các bạn sinh viên tham dự buổi workshop. Khoa nhớ, có một lần nọ, chú Trung, một diễn giả khác, cũng đã nói về giá trị của một tấm ảnh báo chí. Nó không nằm ở những kĩ thuật cầu kì đến từ chiếc máy, mà câu chuyện đằng sau đó, mang đi những thông điệp lay động người xem. Cuối buổi hôm đó, cũng như mọi khi, đám đông “thính giả" trẻ lại vây quanh diễn giả, đặt thêm vài thắc mắc trên con đường sắp tới.
- Anh Việt ơi, anh có mở lớp dạy chụp phim không ạ?
- Chú Trung ơi, hôm nay chú chưa nói gì, vậy chú có thể chia sẻ cho tụi con nghe về ngày chú mới bắt đầu tập chụp được không chú?
- Chị Nga ơi, quán mình decor (*) cái góc cầu thang đẹp quá chị ơi. Mai mốt chắc tụi em ghé check-in hoài quá. - Một bạn trẻ nào đó tranh thủ tâm sự với cả chị chủ quán.
Ghi nhận lại một loạt câu hỏi, chú Trung - người khởi xướng phong trào mở workshop nhiếp ảnh tại quán cà phê này đứng lên nói:
- Cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe suốt buổi trò chuyện vừa rồi. Mình cũng rất cảm ơn anh Việt, hôm nay đã tranh thủ thời gian để thực hiện buổi workshop cùng quán, chia sẻ những kinh nghiệm vô cùng quý giá. Từ ngày mở ra ý tưởng này, mình chưa từng nghĩ sẽ có đông các bạn hưởng ứng đến thế. Thời gian tới, mình và chị Nga sẽ tiếp tục duy trì phong trào này để chúng ta có một nơi ngồi lại bình ảnh mỗi cuối tuần. Các câu hỏi của các bạn sẽ được giải đáp sau ít phút đây thôi. Và lời cuối, vẫn luôn mong các bạn sẽ ghé ủng hộ quán nhé. Xin cảm ơn rất nhiều.
Chú Trung vừa dứt lời, ở dưới đông đảo các bạn sinh viên vỗ tay đồng loạt. Mọi người đều rất háo hức với “phong trào" này. Khoa cũng vậy, anh sẽ lại có lý do để ghé thăm Tầm vào mỗi cuối tuần.          
Ngày 10 tháng 9 năm 2021.
Trang facebook của Tầm đăng vỏn vẹn một thông báo:
Xin chào các bạn trẻ, những người đã luôn ủng hộ và đi theo Tầm suốt chặng đường phát triển vừa qua. Từ khi còn là một quán cà phê nằm trong con hẻm nhỏ cho đến khi phát triển được một chuỗi workshop về nhiếp ảnh, tập hợp được đông đảo các bạn đam mê với bộ môn nghệ thuật như ngày hôm nay là điều không hề dễ dàng. Nhưng, không nằm ngoài sự ảnh hưởng của đại dịch, Tầm rất tiếc khi thông báo sẽ phải “tạm chia tay" các bạn một thời gian. Ngày trở lại không hẹn trước. Chúc các bạn giữ vững đam mê, luôn nhớ đến Tầm và có cho mình một tương lai luôn tươi sáng. Xin cảm ơn rất nhiều".
Khoa lướt được đoạn thông báo đó khi đang “lang thang" trên facebook. Hơn một năm qua, mọi hoạt động ngừng trệ vì dịch bệnh, đã có lúc anh tự vấn bản thân về “sức khỏe" của Tầm. Lần gần nhất là loạt ảnh Tầm đăng tải về những hộ dân trong các khu cách ly. Mọi thứ, từ bối cảnh, góc máy đến thông điệp truyền tải vẫn rất ấn tượng. Vậy mà dòng thông báo cuối sao buồn đến thế...
Ngày 10 tháng 9 năm 2023.
Một sáng thứ bảy đẹp trời, Khoa sửa soạn balo để tiếp tục lên đường săn tìm những góc ảnh đẹp. Giờ đây, Khoa đã ra trường và đi làm ổn định. Những bạn bè dần thay bằng những đồng nghiệp. Con đường đi lên thành phố nọ đã thay bằng con đường ngay trước hẻm nhà. Chỉ có chiếc máy ảnh năm xưa là còn trưng bày trên kệ sách.
Tháng 9 này, anh ấp ủ dự định làm một bộ ảnh về nơi mình lớn lên. Hằng ngày, chạy dọc khắp những con đường gần nhà, ngang qua những dấu tích trăm năm, gặp gỡ những con người đã sinh sống qua nhiều thế hệ tại nơi đây, anh thấy cuộc sống còn quá nhiều điều thú vị để lưu lại. Rồi đây, không hy vọng cao xa, chỉ mong nhìn vào những khoảnh khắc được lưu giữ, ai đó có thể nhớ về một thời.
Khoa vẫn nhớ Tầm. Vẫn vẹn nguyên kí ức với những buổi workshop của chú Trung, anh Việt. Vẫn nhớ giọng nói đon đả mời nước của chị Nga. Chỉ là giờ mọi thứ không còn nữa. Chỉ là... bước tiếp trên con đường năm xưa. Vẫn vững chãi và đầy nhiệt huyết như lúc bắt đầu.

-------------------------

(*) Tại Việt Nam, workshop được hiểu là mô hình một buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức, phương pháp và kỹ năng có tính mở dành cho mọi ngành nghề và đối tượng.

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 76 (Tháng 6 năm 2024)


ĐÀM MINH KHÔI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​