Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BẾN BỜ

​Thằng bé Tài đang ngọ nguậy không yên trong lòng tôi. Nó ưỡn cong, trườn mình lên mọi hướng, nước mắt rơm rớm, nấc lên vài tiếng o oe. Dường như đang khó chịu một điều gì đó.
“Nó đói đấy, chụp lấy bình sữa đằng sau, nhét vào miệng nó đi bé" - Cô bảo mẫu vỗ lưng tôi.
Đúng là như vậy, vừa cầm bình sữa lại gần cái mỏ, nó đã ngấu nghiến hút rồn rột, cơ mặt nó ngừng cau có, giãn dần ra.
“Tụi nó chưa biết nói, nên phải nhìn vào cách nó khóc, cái mặt nó cau ra sao, tay chân nó quẫy như nào để mà đoán ý" - Cô ôn tồn nói thêm cho tôi hiểu.
Có chút lạ lẫm, bởi tôi luôn cảm thấy để có thể khóc và vùng vẫy như thế, ắt hẳn phải là một cái vấn đề gì đấy to lớn lắm.
Cô bảo mẫu bật cười, chắc thấy tôi ngáo ngơ. Nhìn rất nhiều đứa trẻ đang ở trong căn phòng này, tôi nghĩ đến cảnh chúng nó đói ở cùng một thời điểm, thì có phải là đến 3 đầu 6 tay mới mớm sữa kịp hay không. Dường như nhìn thấy được nghi hoặc trong đôi mắt tôi, cô bảo mẫu lại phải chậc lưỡi cắt ngang: “Mỗi đứa mỗi tính, không hẳn đứa nào cũng khó ở như thằng Tài, nhưng đa số đều sẽ có một tín hiệu nào đấy để thông báo là chúng cần được ăn, có số ít dù có đói meo nhưng vẫn nằm yên ả nhìn trần nhà cười cười".
Tôi nghĩ nghĩ rồi lại chợt hỏi: “Cô được trả lương nhiều không, một mình cô chăm cho hơn chục bé nhỏ như này thì cực lắm".
Tôi không biết câu hỏi của mình kỳ cục không nhưng cứ thấy cô ấy cười hoài - “Con nghĩ một mái ấm tình thương thì có bao nhiêu tiền mà trả lương nhiều hả con, sư cô đưa cho cô đủ để sống. Còn nếu chăm chừng này bé mà cân đo bằng tiền, thì làm gì có lực mà chăm. Cô làm gì cũng phải thấy yêu thích, thấy phù hợp, chứ không phải là phải thật nhiều tiền".
Gật gù, tôi lại nhìn thằng Tài, nó bây giờ tròn xoe mắt, như thể chưa hề có một cái thái độ lồi lõm, õng ẹo nào trước đó. Thằng nhỏ này bụ bẫm, mặt nó căng búng ra sữa. Tôi chợt nghĩ, nếu mẹ nó biết nó kháu khỉnh như thế này, liệu có nuối tiếc vì đã bỏ nó ở lại. Nghe cô bảo mẫu kể, tôi hiểu là mẹ bé cũng bị bỏ rơi bởi một người đàn ông khác, họ không chấp nhận cả mẹ và cả con, cô ấy bất đắc dĩ đành bỏ thằng bé lại đây… Thôi thì, làm thế nào mình có thể phán xét một người khác nếu không ở trong chính hoàn cảnh của họ. Tôi nghĩ điều tốt đẹp nhất mà mẹ bé đã làm, đó là vẫn can đảm cho bé chào đời, và gửi gắm bé vào một nơi đầy ắp tình thương này.
Sở dĩ nói đầy ắp tình thương, bởi không chỉ là sư cô, không chỉ là cô bảo mẫu, cũng không chỉ là một cô gái trẻ như tôi, mà còn rất rất nhiều những cô chú, những anh chị em, những bè bạn cùng trang lứa tôi… đều rất quan tâm đến các em. Không lúc nào tại mái ấm này vắng bóng sự san sẻ, niềm yêu thương. Ở đây dường như bé nào cũng sẽ có nhiều hơn một bố, một mẹ và cùng với đó là rất nhiều anh chị.

***

Bến bờ - Hoàng Vũ Hoài.jpg

Minh họa: Hoàng Vũ Hoài

Cạch, cạch!
Lại thêm một người nữa vặn cửa bước vào. Một ngày, cứ có lượt đi, thì sẽ lại có lượt đến, dòng người ở đây cứ tuần tự trôi chảy một cách rất mượt mà.
Nhìn người ở trước mắt, khó để có thể tôi xác nhận mình nên gọi là anh hay chị. Nhưng tôi tin mình nên tôn trọng lựa chọn của họ, tôi gật nhẹ, khẽ chào: “Chào anh!"
Cô bảo mẫu có vẻ quen thuộc với anh này, cô cười khì khì: “Thành hả con, tới thăm con Bông hả, vào trong tiện thay tã cho bé luôn nhé!"
Bông là đứa bé mới sinh, nó cần một không gian yên tĩnh tách biệt, nên được đặt riêng trong căn phòng nhỏ bên góc trái phía cuối hành lang.
Tôi nháy nháy mắt với cô, tôi nghĩ mình vừa phát hiện ra điều gì đó, chẳng lẽ Bông là con của anh này, anh này đã gửi bé ở đây vì lý do nào đó và rồi thường xuyên đến thăm. Cô bảo mẫu lại dường như hiểu nghi vấn của tôi, cô lay tay tôi một cái, rồi khẽ lắc đầu: “Không phải như con nghĩ đâu, Thành là cha nuôi thôi".
Cái tính suy diễn của tôi nó tai hại thế đó, chưa rõ đầu đuôi nhưng tôi lại hay suy đoán. Cái nào mà nó thoả được các sự nghi vấn của tôi, là tôi còn tưởng nó chính xác hẳn.
Tôi mon men vào phòng sơ sinh, anh Thành đang bồng bé Bông trên tay, bé mới sinh chắc độ 10 ngày, còn bé xíu và mỏng manh như một viên ngọc sứ dễ vỡ. Tôi lúc này nhìn kỹ anh Thành hơn, ôi, trên mặt anh ấy hằn mấy vết sẹo ngay má và cằm. Dù đúng là có hằn mấy vết sẹo, nhưng trên mặt anh vẫn còn nhìn ra được nét nữ tính, hoặc là bởi Thành đang nâng niu bé Bông trên tay, nên tôi mới cảm nhận thế.
“Em gái, lấy hộ mình bình sữa nhỏ được không, trên nóc tủ". - Chậc, giật cả mình, đang nhìn lén. Chắc mẩm là ông anh đó nhờ vả mình, tôi khẽ dợm bước thật nhẹ, với lấy bình sữa và đưa tận tay anh.
Tôi khẽ hỏi: “Ngày nào anh cũng đến ạ?". Anh Thành trả lời khá ngắn gọn: “Không, em".
Dứt câu, tôi thấy anh cưng nựng Bông, hít hít mùi sữa trên người con bé rồi lại đu đưa đôi cánh tay: “Con gái của cha thơm, thơm, thơm". Ừ thì, khi anh nói chuyện với tôi, có thể cho vào đấy một chút hiền hoà như vậy được không.
Tôi lẻn ra ngoài, dự là sẽ hỏi chuyện cô bảo mẫu, bởi tôi có chút tò mò. Tò mò chắc không hẳn là một việc xấu, suy diễn linh tinh mới là xấu. Vậy nên tôi phải hỏi thẳng mới được. Thấy cô bảo mẫu đang pha sữa, tôi lại giúp, tiện hỏi dò: “Cô ơi, mặt anh Thành nhiều sẹo cô ha".
Cô bảo mẫu có chút ngập ngừng: “Chuyện cũng dài và buồn lắm".
Tôi cũng ngờ ngợ từ trước rồi, cuộc sống của những người chuyển giới thường cũng nhiều “đắng cay" và khó khăn, kiểu gì cũng nhiều cái chuyện buồn. Cô bảo, chờ Thành về, cô kể cho tôi nghe.

***

Tôi đã dự tính sẽ đến thăm mái ấm này trong khoảng vài tiếng, và cuối cùng tôi đã ở lại hẳn trong 5 tiếng. Anh Thành đó ở trong phòng sơ sinh cùng bé Bông lâu hơn tôi nghĩ, chắc anh đã ôm bé Bông và cùng ngủ một giấc.
Thần sắc của cái anh Thành này, đúng thật là chỉ trông có hồn người khi ở cạnh bé Bông, anh xách túi lù lù bước ra ngoài mà tôi tưởng là “thần chết" ghé thăm.
Cô vỗ cái bốp vào vai tôi, khẽ khẽ: “Con đừng có nhìn chằm chằm như vậy". Tôi vội dời mắt, đung đưa thằng bé Tài trên tay, nó đã ngủ.
Sau khi Thành bước đi, tôi vội đặt thằng bé lên giường và quay ngoắt sang nhìn cô bảo mẫu. Cô thậm chí còn không nhìn nhưng dường như đã quá rõ cái mong muốn trào dâng của tôi. Cô bắt đầu kể về một câu chuyện.
Thành đã lui tới mái ấm từ lâu, kể từ những ngày cậu ấy còn là hình hài của một cô gái, thỉnh thoảng lại ghé, có gì thì mua đó, giúp được gì các cô là cậu rất nhiệt tình. Tình cảm giữa cậu với sư cô ở đây, hình dung thành 2 từ “mẹ - con" cũng không sai. Rồi bẵng đi, không thấy cậu ghé, vài cô bảo mẫu hỏi, sư cô nói ngắn gọn là có việc bận. Nhưng rồi thì cậu đã quay trở lại, trong một hình hài mới, một người con trai thực thụ. Bất ngờ thì cũng có, nhưng các cô ở đây không hề một ai nói ra vào điều gì. Dù sao thì vẫn là cậu ấy mà. Rồi đâu đó, cậu cũng có người thương, cô gái ấy cũng nhân hậu, cũng cùng với cậu Thành lui tới chăm sóc những đứa trẻ. Đến một ngày, Thành mua rất nhiều trái cây đến bảo là nay ăn mừng, vợ anh có thai.
Tôi đã phải chậm lại ở trong đầu nhiều giây, có phải là kiểu vì muốn có con nuôi chung nên đã thực hiện xin giống và thụ tinh nhân tạo chăng. Cô bảo mẫu khẽ xác nhận suy nghĩ của tôi là đúng.
Bỗng nhiên, cô ngừng một hồi thật lâu, rồi cũng rớm nước mắt. Ý trời xui rủi sao đó, mà thằng Thành chở con bé ra đường xong gặp tai nạn, va chạm không phải là nghiêm trọng theo kiểu chấn thương sọ não, nhưng đủ để khiến đứa bé không thể trụ được trong bụng mẹ, mẹ bé sau đó cũng băng huyết, mọi thứ tiêu tành trong cái sự chóng vánh đó.
Cô cũng nghe đâu đó, gia đình cô gái kia uất hận dữ dội lắm, đại ý nói rằng con gái họ bị trời phạt vì có cái thứ tình yêu trái luân thường đạo lý. Còn ai đau đớn hơn cậu Thành. Cậu ấy gần như không thoát ra được, cậu trầm uất và nhiều lần tự cào rách mặt mình vì tự trách. Đến cả sư cô dù đã khuyên răn đủ điều, cậu ấy vẫn sống như thể đang bị đày ải.
Bỗng một ngày, sư cô nhận được bé Bông, bé có ngày sinh trùng với ngày dự sinh của con Thành. Sư cô vẫn thường nói chuyện với Thành, hôm đó cô đã bâng quơ về đứa bé mà cô mới nhận được. Chắc cũng không ai ngờ sau đó, chính bé Bông, đã đưa Thành quay trở lại với cuộc sống của một con người.
Phần còn lại của câu chuyện, thì chính tôi hôm nay cũng đã được xem rồi. Tôi nghĩ mình đã lặng yên khá lâu sau khi nghe chuyện. Đâu đó, tôi hiểu rằng Thành chưa hề thoát được nỗi đau khổ của mình. Bé Bông như một tấm phao cho một người sắp hấp hối, nhưng biết đâu được, có một ngày tấm phao đấy sẽ đưa Thành về bờ.
Đôi khi có những nhân duyên thật lạ lùng như thế, khổ đau đầy rẫy trong kiếp người này, bắt đầu từ ngay trong cái khoảnh khắc chào đời. Rồi thì, ai mới là người giúp ai, ai cứu rỗi cuộc đời của ai, ta chẳng biết được nếu chỉ nhìn vào cái sự hiển hiện của nó.
Một cách dễ hiểu, tôi đã nghĩ bé Bông may mắn khi được Thành xem như con nuôi mà chăm bẵm thương yêu. Đó là ân huệ của môt đứa bé bị bỏ rơi. Nhưng, đâu đó cũng chính là ân huệ cho một gã trai - một gã dám đi ngược lại với “đấng tạo hoá", mình mẩy đầy đau thương mất mát.

***

Kể từ ngày đó, tôi tuyệt nhiên không gặp lại Thành lần nào. Không phải là Thành không còn ghé thăm bé Bông, cũng không phải là tôi không trở lại mái ấm. Dường như nhân duyên của tôi với cậu ấy cũng chỉ có thế. Đủ để tôi thấy xót xa, đồng cảm và day dứt một điều xa xăm không tưởng.
Vài bận tôi hỏi cô bảo mẫu một cách vô tư, có vết sẹo nào mới trên người anh Thành chăng, cô cười bảo tôi là Thành đã ổn định. Sự hiển hiện trước mắt luôn có thể khiến ta lầm tưởng. Và tôi hy vọng sự hiển hiện của Thành hiện tại không đánh lừa bất cứ ai, hành trình chữa lành của hai cha con họ sẽ vẫn tiếp diễn. Thành có lẽ đang đến gần hơn bến bờ của bình yên.

T.T.T.T
Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 81 (Tháng 11 năm 2024)

 


TỐNG THỊ THANH TÂM
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​