
Đồng chí Thái Bảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi lễ - Ảnh Phạm Lê Dũng.
Có những nghề sinh ra từ hòa bình, và có những nghề được hun đúc từ lửa đạn, báo chí cách mạng Việt Nam là một nghề như thế. Khi tờ Thanh niên đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra đời vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, đó không chỉ là một sản phẩm thông tin đơn thuần, mà là một tiếng súng tư tưởng, một vết cắt mở đường cho dòng chảy mãnh liệt của truyền thông yêu nước, khai sinh nên nền báo chí cách mạng Việt Nam – nền báo chí vì dân, vì nước, vì lý tưởng giải phóng dân tộc. Một trăm năm đã đi qua. Ngọn lửa ấy chưa bao giờ tắt. Và ở Đồng Nai, vùng đất phương Nam đầy khí chất cách mạng, ngọn lửa ấy vẫn đang được giữ gìn, tiếp nối, truyền sang những thế hệ cầm bút hôm nay.
Tại Đồng Nai, lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được tổ chức trang trọng tại nhà hàng Sen Vàng, thành phố Biên Hòa, vào chiều 20/6/2025 với sự tham dự của hơn 100 nhà báo, không chỉ là dịp ôn cố tri tân, mà còn là cơ hội để nhìn lại một dòng chảy riêng của báo chí Đồng Nai trong lòng báo chí cách mạng nước nhà. Một dòng chảy bắt đầu từ rất sớm, lặng lẽ nhưng mạnh mẽ, với những người Biên Hòa – Đồng Nai không có báo riêng nhưng đã sớm đặt dấu chân vào đời sống báo chí của cả Nam kỳ lục tỉnh và Hà Nội. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi Gia Định báo – tờ báo quốc ngữ đầu tiên của cả nước – ra đời tại Sài Gòn năm 1865, Đồng Nai tuy chưa có tờ báo nào đứng tên mình, nhưng người Biên Hòa đã có mặt trong đội ngũ làm báo, viết báo, và ảnh hưởng của tư tưởng yêu nước qua báo chí đã sớm thấm sâu vào đời sống nhân dân nơi đây. Báo chí Đồng Nai trong giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám (1859–1945) không hiện diện qua tên gọi, nhưng có mặt qua tư tưởng, qua hành động, qua những trang viết dấn thân mà những trí thức miền Đông mang theo vào Sài Gòn, ra Hà Nội, in thành chữ, thành lời cổ vũ cho tự do và khai hóa.

Toàn cảnh Lễ gặp mặt - Ảnh: Phạm Lê Dũng.
Chỉ đến giữa năm 1946, trong khói lửa kháng chiến chống thực dân Pháp, những tờ báo cách mạng đầu tiên mới chính thức mang tên đất này. Ty Thông tin Biên Hòa cho ra đời báo Đồng Nai – một tờ báo chiến đấu đúng nghĩa, phản ánh hơi thở của cuộc kháng chiến ở chiến khu Đ. Cùng thời, Ban chỉ huy Chi đội 10 cũng ra báo Tiếng Rừng và Sứ Mạng, đánh dấu sự xuất hiện chính danh của báo chí cách mạng Đồng Nai trên bản đồ kháng chiến miền Đông Nam Bộ. Những cây bút thời ấy – Dương Minh Cưu, Nguyễn Trạc, Tiêu Như Thủy, Hoàng Thơ không đơn thuần là nhà báo, mà là chiến sĩ mang bút làm gươm, lấy tin tức làm khí giới. Mỗi bản in là một trận đánh tư tưởng, mỗi dòng chữ là một lời hiệu triệu.
Đặc biệt, mục văn nghệ của các tờ báo này còn quy tụ được những tên tuổi lớn trong làng văn nghệ kháng chiến như Phạm Thiều, Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Cát Vũ, Lý Văn Sâm… đây những nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ chiến sĩ gắn bó sâu sắc với nhân dân miền Đông, làm nên một đời sống tinh thần kháng chiến vừa kiên cường, vừa đậm chất nhân văn. Có thể nói, tiền thân của báo chí Đồng Nai hôm nay chính là những tờ báo kháng chiến như Đồng Nai (1946), Biên Hòa (1948), Thủ Biên (1951), Đồng Nai (1962) và đặc biệt là báo Giải Phóng (1966). Sau ngày thống nhất đất nước, từ ngày 01/10/1976, báo Đồng Nai chính thức trở thành cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh – một bước chuyển mình lớn lao từ báo chí chiến khu trở thành báo chí chính quy, chuyên nghiệp, phục vụ phát triển quê hương trong thời bình.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chú mừng các cơ quan báo chí tỉnh nhân kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng VIệt Nam - Ảnh Phạm Lê Dũng.
Đi cùng với báo in là sự ra đời của Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai – một mốc son đáng nhớ trong lịch sử truyền thông địa phương. Ngày 19/11/1976, tiếng nói đầu tiên của Đài phát thanh vang lên trên sóng AM 720kHz từ thành phố Biên Hòa. Từ một kênh phát thanh duy nhất, đến nay Đài đã phát triển thành ba kênh truyền hình ĐN1, ĐN2, ĐN3, một kênh phát thanh, cùng hệ thống ứng dụng số và mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ. Nửa thế kỷ hiện diện không gián đoạn, Đài PT-TH Đồng Nai đã trở thành “mạch máu thông tin" nối dài giữa chính quyền và nhân dân, là công cụ tuyên truyền chiến lược, đồng thời là nhịp cầu nhân văn đưa Đồng Nai đến gần hơn với người dân cả nước và kiều bào.
Đặc biệt, với đặc thù của một tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, Đồng Nai từng có tờ Lao động Đồng Nai – một tờ báo hướng đến hơn một triệu công nhân từ khắp nơi đổ về. Ra số đầu tiên ngày 15/10/1993, trải qua 26 năm hoạt động, tờ báo này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ. Đến tháng 9/2019, thực hiện chủ trương sắp xếp báo chí theo quy hoạch, Lao động Đồng Nai sáp nhập vào báo Đồng Nai, tiếp tục sứ mệnh dưới một hình hài mới, trong một tầm nhìn rộng mở hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng và Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại khu vực miền Nam An Văn Quang tuyên dương những người làm báo tiêu biểu - Ảnh: Phạm Lê Dũng
Song hành cùng báo chí chính trị – thời sự là một dòng chảy không thể thiếu: báo chí văn học nghệ thuật. Trong cuộc vận động thành lập Hội năm 1979, ban vận động đã cho ra đời 6 số tạp chí Văn nghệ xin giấy phép của Sở Văn hoá – Thông tin. Tháng 12 năm 1979, Hội Văn nghệ Đồng Nai được thành lập (nay là Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai). Đầu năm 1980, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai chính thức hoạt động dưới giấy phép của Bộ Văn hoá Thông tin, phát hành dưới hình thức báo văn nghệ. Dưới sự dẫn dắt của những cây bút uy tín như nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, tạp chí đã dần tạo dựng chỗ đứng trong lòng bạn đọc yêu văn chương. Có giai đoạn, tạp chí đổi tên thành Sông Phố, rồi quay lại tên gọi cũ – nhưng tinh thần xuyên suốt vẫn là tôn vinh giá trị văn hóa bản địa, giới thiệu sáng tác mới, làm cầu nối giữa văn nghệ sĩ Đồng Nai và bạn đọc cả nước. Hiện nay, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai phát hành mỗi tháng 1 kỳ, số lượng mỗi kỳ là 4.500 bản.
Nhân dịp đặc biệt này, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, lời tri ân sâu sắc đến các nhà báo lão thành cách mạng và toàn thể những người làm báo đang công tác trên địa bàn tỉnh. Tại lễ kỷ niệm, chúng ta vinh dự tôn vinh 45 nhà báo tiêu biểu có những thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí của tỉnh, đồng thời cũng biểu dương và khen thưởng 6 tập thể và 33 cá nhân đã có những thành tích nổi bật, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Đồng Nai. Đây là những tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, về sự dấn thân, không ngại khó khăn để mang đến những thông tin chất lượng, có giá trị cho xã hội.

Phó Vụ trưởng, Phó trưởng Cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại khu vực miền Nam An Văn Quang và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan trao Giải Ngòi viết vàng cho các nhà báo. - Ảnh: Phạm Lê Dũng
Tất cả những dòng lịch sử ấy: từ Gia Định báo đến Đồng Nai, từ Tiếng Rừng đến Ngòi viết vàng, từ tạp chí Văn nghệ đến các nền tảng số hôm nay… đều hội tụ về một điểm chung: một khát vọng thông tin, một lý tưởng vì dân và một tinh thần không ngừng đổi mới. Trong lễ kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam tại Đồng Nai, bên cạnh những phần thưởng, danh hiệu và lời ca ngợi, điều đáng nhớ nhất chính là sự gặp gỡ giữa các thế hệ cầm bút: những người từng viết trong rừng, viết bằng bút sắt và máy chữ, và những người viết hôm nay, những phóng viên hiện trường, biên tập viên đa phương tiện, quản trị viên mạng xã hội, dựng video trên điện thoại. Dù hình thức có khác, công cụ có thay đổi, thì cốt lõi vẫn là một: sự thật, đạo đức và trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng trao đổi với phóng viên tại buổi gặp mặt - Ảnh: Nguyễn Anh Trọng

Các phòng viên trao đổi nghiệp vụ bên lề sự kiện - Ảnh Nguyễn Anh Trọng
Trong thế giới đầy biến động hiện nay, khi truyền thông mạng xã hội lên ngôi, khi dòng tin tức bị pha loãng bởi tin giả, tin giật gân, thì báo chí cách mạng – với bản lĩnh và lương tri – càng cần giữ vai trò dẫn đường. Đó là lý do vì sao những người làm báo Đồng Nai hôm nay không chỉ dừng lại ở “đưa tin nhanh", mà còn nỗ lực “nói đúng, nói có ích, nói có chiều sâu". Đó cũng là lý do vì sao những danh hiệu như “Ngòi viết vàng", “Giải báo chí Dương Tử Giang", “Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức" vẫn được tổ chức đều đặn để giữ lửa nghề, nuôi dưỡng tinh thần viết vì cộng đồng.
Một trăm năm là một hành trình dài. Và báo chí Đồng Nai đã đi suốt một thế kỷ với ngòi bút trung thành, sắc bén và nhân ái. Để hôm nay, khi đứng giữa ngưỡng cửa của thời đại chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, truyền thông dữ liệu lớn, người làm báo tỉnh nhà có thể ngẩng cao đầu mà viết tiếp: viết bằng lịch sử, viết với trách nhiệm, và viết cho tương lai.
Bài Ngô Hường, ảnh: Phạm Lê Dũng, Nguyễn Anh Trọng