Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VẺ ĐẸP CỦA VƯƠNG QUỐC BHUTAN

 224184640_1917187751792976_2120607074814908655_n.jpg

Quốc hoa Bhutan - Nguồn Internet

Trong mắt Sonam DemaSonam - viên chức truyền thông của chương trình “Vì sự bảo tồn môi trường thiên nhiên" (Quỹ Ủy thác Bhutan), từng làm việc cho “Quỹ Môi trường toàn cầu" (Liên hiệp quốc), làng Singye Dzong là một trong những địa điểm thiêng liêng thần thánh, còn làng Khoman và làng Gangzur là hai làng nghề truyền thống của Vương quốc Bhutan.

SINGYE DZONG

Singye Dzong được xem là ngôi làng thiêng liêng vì gắn với tên tuổi Guru Rinpoche, truyền thống Tây Tạng gọi là Liên Hoa Sinh “bậc thầy quý giá", hoàn toàn giác ngộ, một người thức tỉnh, một chư Phật. Phải chăng vì sự linh liêng của nơi này ứng với lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni “8 năm sau khi tôi nhập niết bàn, một sinh mệnh đáng chú ý với tên Padmasahbhava (Liên Hoa Sinh) sẽ xuất hiện ở trung tâm của hoa sen và tiết lộ giáo lý cao nhất liên quan đến trạng thái tối thượng của chân tánh, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả chúng sinh".

Singye Dzong nằm trong danh sách những điểm đến của dân chúng Bhutan. Vì đây là một trong những địa điểm linh thiêng nhất được Guru Rinpoche ban phước lành. Mỗi năm, hàng ngàn người Bhutan hành hương đến địa điểm này. Hành trình của những người hành hương kéo dài hai ngày, khởi đầu từ con đường làng Khoma ở Lhuentse. Singye Dzong nằm trên độ cao hơn 3.000 mét so với mực nước biển. Tên gọi Singye Dzong bắt nguồn từ chỗ Dzong có một tảng đá lớn mang hình dạng một một con sư tử. Người dân địa phương tin rằng, Singye Dzong được đấng Khandro Yeshey Tshogyal (được coi là Mẹ của Phật giáo Tây Tạng - Phật nữ) phát hiện ra. Di tích chính của Singye Dzong là Phurpa Terma. Singye Dzong còn có những hồ nước thiêng như Tsho Kar (Hồ Trắng) và Tsho Nak (Hồ Tối). Dọc theo con đường dốc, có nhiều địa điểm mà người dân địa phương tin rằng Khandro Yeshe Tshogyal đã thiền định trong quá khứ và để lại dấu chân. Bên cạnh đó, chuyến đi bộ đường dài đến các hồ nước là một hành trình khó khăn nhưng là một trong những trải nghiệm đi bộ đường dài tuyệt vời. Hiện tại, khu vực này có trung tâm thiền định đủ khả năng tiếp nhận hơn 12 nhà sư trong một khóa tu kéo dài ba năm. Có 8 dzong (đền đài, chùa chiền) linh thiêng, 2 dzong chính là Gawa Dzong và Singye Dzong. Nơi đây cũng nằm trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Bumdeling, sát biên giới Tây Tạng. Cộng đồng gần nhất với Singye Dzong là các làng Khomagang và Denchung.

LÀNG GANGZUR

Làng Gangzur cách Lhuentse Dzong gần 2 km, nổi tiếng với nghề làm gốm thủ công. Những bức tượng đất sét ở Bhutan mang đậm dấu ấn tôn giáo và văn hóa của quốc gia này. Điêu khắc đất sét là một nghề thủ công dành riêng cho nam giới còn đồ gốm là nghề thủ công dành cho phụ nữ và được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Phụ nữ trong làng là những thợ làm gốm khéo léo, giàu kinh nghiệm. Họ chế tác những bình gốm một cách tinh xảo từ nguồn đất sét của địa phương. Viếng thăm Làng Gangzur, người ta sẽ có cơ hội đắm chìm vào nghệ thuật làm gốm truyền thống. Thật tiếc là nghệ thuật này đang bị mai một, chỉ còn một số ít phụ nữ theo đuổi trong lúc nông nhàn hoặc khi họ rảnh việc nhà. Chính phủ Bhutan đang cố gắng hồi sinh nghề truyền thống cổ xưa này thông qua một loạt sáng kiến và khuyến khích người dân tham gia.

LÀNG KHOMA

Làng Khoma tọa lạc giữa hai con sông, là một ngôi làng nhỏ cách Lhuentse Dzong chưa đầy một giờ xe chạy. Tham quan làng Khoma tương tự như một chuyến du hành ngược thời gian, nó đưa bạn trở lại quá khứ, nơi mà tất cả các khu định cư của người Bhutan dường như đều nguyên sơ, không bị tàn phá, xinh đẹp như Khoma hiện nay. Khoma nổi tiếng khắp cả nước với hàng dệt lụa thủ công tinh xảo. Phụ nữ ở Khoma được ban tặng kỹ năng dệt siêu hạng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và là một trong những nguồn sinh kế quan trọng nhất của cộng đồng. Mỗi buổi sáng, những người thợ dệt ngồi thành hàng trong những ngôi nhà tranh tạm bợ của họ và bắt đầu dệt những thiết kế hoa văn phức tạp. Phải mất nhiều tháng làm việc chăm chỉ, dệt từng họa tiết mới hoàn thành một kira (trang phục của phụ nữ), đồng nghĩa với Kushuthara là loại trang phục quấn - quốc phục của phụ nữ Bhutan. Kushuthara là một loại vải lụa truyền thống có nguồn gốc từ vùng đông bắc Bhutan (cụ thể là các làng Kurtoe và Khoma). Đây là một loại vải dệt tinh xảo, được phụ nữ sản xuất và sử dụng để may mặc, tên Kushuthara bắt nguồn từ tiếng Dzongkha Kushu, chỉ “họa tiết phức tạp" hoặc “gấm thuê". Đó là lý do tại sao Kushuthara làm nên những bộ trang phục đẹp nhất, đắt tiền nhất, được phụ nữ Bhutan ưa chuộng trong những sự kiện đặc biệt.

Hoa

Công viên Thực vật học Hoàng Gia (RBP) tại Lampelri là công viên giải trí dựa vào thiên nhiên đầu tiên của Bhutan, được thành lập năm 2004 nhằm bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên giàu có. Diện tích 47 km2 này nằm trong Khu Bảo tồn Dochula đã được quy hoạch để bảo vệ và phát triển thành một địa điểm du lịch sinh thái, giáo dục thiên nhiên. Được ban tặng sự đa dạng của quần thể thực vật và động vật hoang dã, sức hấp dẫn độc nhất vô nhị của công viên là những cây Đỗ quyên. Trong số 46 loài mọc ở Bhutan, có 40 loài được tìm thấy ở đây, bao gồm 29 loài mọc tự nhiên và 11 loài khác được ươm trồng. Công viên cũng có 114 loài dương xỉ, vô số phong lan rừng.

Vào đầu mùa xuân, lễ hội Đỗ quyên được tổ chức tại Công viên Thực vật Lampelri cách Thimphu khoảng 35 km. Lễ hội này tôn vinh Đỗ quyên nở hoa vào mùa xuân với tiêu điểm xung quanh 3 chủ đề chính: sinh thái, văn hóa và ẩm thực.

Công viên Bách thảo Hoàng Gia chỉ có 40 loài Đỗ quyên dành cho du khách thưởng lãm. Do đó, dự án "Bảo tồn và Mở rộng vườn Đỗ quyên tại Công viên Bách thảo Lampelri" do Green Bhutan Corporation Limited được thực hiện và được Quỹ Bảo tồn Môi trường Thiên nhiên (BTF) hỗ trợ.

Tuy nhiên, quốc hoa của Bhutan là Blue poppy (Meconopsis Gakyidiana). Hoa mỏng manh màu tím ngả xanh. Cánh hoa hình lòng chảo, sinh trưởng trên độ cao 3700 - 4300 m so với mực nước biển. Gakyidiana được gọi dựa trên ngôn ngữ Dzongikha về hạnh phúc, trong đó gakyid phản ánh khát vọng văn hóa quan trọng nhất của Bhutan là “Gross National Happiness" (Tổng Hạnh phúc Quốc gia) và diana là thuật ngữ danh pháp dành cho hoa vào thời kỳ rực rỡ nhất.

Theo Thinley Wangchuk - nhiếp ảnh gia và là nhà làm phim, hiện là Trợ lý Giám đốc sáng tạo tại Samuh, nền tảng OTT đầu tiên của Bhutan, vương quốc này thực sự là thiên đường của các nhiếp ảnh gia. Trong bộ ảnh của Thinley Wangchuk về làng Tormashong ở Mongar, phía đông quê hương của anh, phong cảnh tuyệt đẹp và cấu trúc cân đối của Bhutan thực sự làm say đắm lòng người.

N.S.H

dịch từ Tạp chí Tashi Delek của Bhutan, tháng 7&8/2024.
​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)


NGUYỄN SƠN HÙNG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​