Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRÁI TIM NGƯỜI CHỊ

Chị ngồi trên chiếc giường nệm, trông thật bé nhỏ trong bộ đồ bệnh nhân màu xám. Đầu chị mang bộ tóc giả cứng quèo, được trang điểm bằng một dải ruy băng sặc sỡ. Nhưng mái tóc giả vẫn không che lấp được những sợi tóc thật chòi ra hai bên mang tai, trắng như cước. Em đứng lặng nhìn chị, nửa mừng vui, nửa ngậm ngùi.

Trước khi ra thăm chị, em đã nghe nói chị phải mang tóc giả, chiều cao sụt xuống 5cm vì bệnh thoái hóa xương. Nhưng giờ đây em thật xót xa không tin được người phụ nữ luống tuổi, ốm yếu vì bệnh tật đó lại chính là chị, người chị một thời xuân sắc...

Chị còn nhớ những ngày mình sống ở M.L không? Lúc bé, em chưa biết bố mẹ cho em ra ở với chị là để đỡ một miệng ăn. Em hân hoan, vui sướng theo chị về trại tằm ven bờ sông bạt ngàn những ruộng dâu tươi tốt. Những buổi chiều em hay theo các chị công nhân ra sông mò trai, hến. Hôm nào cũng mang về một chậu thau đầy ắp, để bữa ăn của hai chị em có chút chất tươi. 

Hồi đó thật buồn cười, em cứ luôn tự hào về chị. 23 tuổi, chị thật xinh đẹp với đôi mắt to đen, dáng thắt đáy lưng ong, làn da trắng. Bao người đàn ông thầm ngưỡng mộ chị. Nhưng chị là thiếu phụ đã có chồng.

Ít ai ngờ đám cưới chị được đúng 05 ngày thì anh rể bất ngờ đi B*. Chị ở lại hậu phương với chiếc áo gắn quân hàm thượng sĩ và mảnh giấy nhỏ nhét trong túi áo có dòng chữ viết vội của anh “L ơi, giặt hộ anh cái áo. Anh vội quá". Không ngờ anh rể không bao giờ trở về và chiếc áo ấy mãi mãi là kỷ niệm tình yêu của anh chị...

Miền Bắc những năm 70 của thế kỷ trước khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đồng lương trung cấp của chị phải gánh thêm “cái đuôi" là em. Chiếc giường cá nhân nhỏ hẹp, em lại quẫy đạp lung tung nên hai chị em phải nằm trở đầu.

Không có gạo, nhà bếp tráng bánh cuốn bằng bột mì, nhân bánh là nhộng tằm do trại làm ra. Bánh cuốn dày trịch, ăn ngán ngược nhưng chị em mình chỉ có một suất rưỡi nên không đủ no chứ đừng nói gì ngán. Hết bánh cuốn lại đến “nắp hầm", tức là bột mì nắm dẹp như cái nắp hầm, đem luộc lên, ăn vừa cứng, vừa nặng bụng. Bạn bè cho chị quần áo để chị tháo ra, sửa lại cho em mặc.

Hàng ngày, chị miệt mài trong phòng thí nghiệm hay ra ruộng dâu, thức khuya dậy sớm canh tằm chín, vậy mà về tới nhà còn phải dạy em học bài, làm bài, thậm chí tắm gội cho em.

Chị dặn em phải giữ sạch sẽ dãy nhà tập thể, để chị và các cô chú rảnh tay lo sản xuất và trực chiến. Mỗi chiều, thấy em ôm cái chổi to đùng quét sân, quét đường, mọi người đều cười, khen ngoan. Chị M còn gọi em là “Côzet". Em mới học lớp 4, không biết đó là tên nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ" của nhà văn Victo Hugo. Được khen, em cười tít mắt...

Thích nhất là những đêm văn nghệ. Chị vừa múa, hát, vừa đóng kịch. Đôi đũa trong tay chị kêu lách cách vui tai trong điệu múa “chăn tằm kéo kén". Rồi chị đóng vai cô gái trẻ trong vở kịch “Đất vỡ hoang". Chị mặc áo dài tím Huế, tóc kết bím, đuôi tóc dài buộc chiếc khăn mùi soa để làm duyên. Trông chị tươi tắn lạ thường khiến em hí hửng khoe với lũ bạn “chị tao đẹp nhất". Em đâu ngờ trong những đêm dài quạnh quẽ, chị vẫn thỉnh thoảng khóc vụng vì nhớ chồng.

Thời chiến, những lá thư gửi từ tiền tuyến về thường có hai phong bì. Mỗi lần thấy chiếc bao thư quen thuộc, hai chị em mừng quýnh. Chị đọc thư, tay run bần bật. Rồi cười. Rồi khóc. Tiếc rằng những cánh thư báo tin vui cứ ngày một thưa đi, năm thứ hai thì biệt hẳn… Có người ở chiến trường ra kể rằng anh rể đã hi sinh, còn nói rõ hi sinh ở mặt trận nào. Nhưng chưa có giấy xác nhận thì vẫn còn hi vọng. Chị là một trong hàng vạn “Hòn vọng phu" mòn mỏi chờ chồng. Cho tới một ngày, giấy báo tử đến tay chị cùng những kỷ vật còn sót lại của anh rể. Năm ngày làm vợ. Mười năm xa cách. Rồi thành vợ liệt sĩ. Em không gánh bớt được mất mát đau thương của chị. Nhưng em thương và kính trọng chị vô cùng...

Bố mẹ mình đông con. Gia đình nào cũng ẩn chứa những phức tạp riêng khi con cái lớn lên, thành gia thất. May mắn là gia đình ta có chị. Người ta bảo ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Không chỉ đỡ đần cha mẹ, chị còn là sợi dây nối kết các mối quan hệ, xoa dịu, hàn gắn những tổn thương, hóa giải những bất đồng.

Cũng chính chị đã chăm sóc mẹ những ngày cuối đời, làm đẹp cho mẹ phút lâm chung. Chị hi sinh đến quên mình, khiến cả nhà phát bực vì “tội ôm đồm". Với riêng em, chị luôn là chỗ dựa tinh thần gần gũi nhất. Nhờ có chị mà em đã đứng lên được sau những đổ vỡ, thất bại, lầm lỡ.

Không chỉ đức hạnh, chị còn là tấm gương sáng về nghị lực, tinh thần hiếu học. Ngoài ba mươi mới tái hôn, chồng lại công tác xa, bầu đã vượt mặt mà tối tối chị vẫn đạp xe theo học lớp Tiếng Anh. Mùa đông buốt giá, một mình chị đạp xe đi - về trên bờ đê gió bấc hun hút. Mùa hè nóng bỏng, cháu T.H sài đẹn, chị vừa chăm con, vừa đi học. Điều gì khiến chị từ cô gái mới hết cấp Hai dần trở thành kỹ sư nông nghiệp, đi thực tập sinh ở nước ngoài? Đó là tinh thần cầu tiến, sự khát khao tri thức và tấm lòng yêu nghề.

Đời chị gắn với phòng thí nghiệm, với những nong kén tằm vàng óng, những bãi dâu xanh ngút ngàn. Chị yêu nghề đến nỗi, nghỉ hưu rồi còn hỏi em “Ở trong ấy nghề dâu tằm có phát triển không? Nếu có, chị xin vào làm chuyên gia, không có tiền thù lao cũng được. Chị nhớ nghề quá...". Tiếc rằng, nơi em ở chỉ có các khu công nghiệp, không có ngành nghề mà chị yêu thích...

Thật lạ. Người Việt mình vốn trọng tình. Nhưng chúng ta không quen nói những lời yêu thương với những người thân yêu nhất. Thói quen che giấu tình cảm khiến nhiều khi ta ân hận sao không nói với cha mẹ, anh chị em về những nỗi vui buồn, tình yêu, lòng biết ơn của mình trước khi mọi chuyện quá muộn. Đây có lẽ là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất em viết cho chị nhiều đến vậy. Chỉ buồn là em không đủ can đảm đưa chị xem những dòng tâm sự này khi chị còn sống. Nhưng chị ạ, dù quá trễ, nhưng được giãi bày đối với em cũng là hạnh phúc. Bất hạnh là những ai sinh ra, lớn lên, sống trọn kiếp nhân sinh mà chưa từng biết đến lòng tri ân, chưa từng nghĩ tới việc đáp đền người nào. Uống nước nhớ nguồn vẫn là một trong những nét tốt đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam, đúng không chị. Và em mong từ “cõi tạm", chị nhận từ em lòng biết ơn, và hãy cười thật tươi như ngày xưa, chị nhé...

H.N

​Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)


HỒNG NGỌC
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​