Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LÃO NÔNG PHẠM VĂN RAY: CHO ĐI LÀ HẠNH PHÚC

​Ấp Lạc Sơn nằm sâu xa nhất xã Quang Trung, điều kiện địa hình kém thuận lợi hơn so với các ấp còn lại với bốn bề tiếp giáp rừng cao su nhưng đã xuất sắc bứt lên trở thành khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn huyện Thống Nhất. Trong số nhiều tỷ phú miệt vườn đi lên từ sản xuất nông nghiệp, luôn tích cực chung lòng chung sức kiến tạo nên diện mạo vùng đất này, người dân nơi đây ai cũng có thể kể vanh vách những việc làm nhân văn, tưởng chỉ xuất hiện trong cổ tích của nông dân Phạm Văn Ray… Không chỉ hết lòng vì cộng đồng, ông còn được nhiều người biết đến là gương điển hình nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.

Chuyện cổ tích ấp Lạc Sơn

Đang lúi húi bón phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái diện tích vài hecta nằm giáp ranh con đường bê tông khang trang, thẳng tắp, ông Trần Văn Hưởng, ấp Lạc Sơn, ngẩng lên khi thấy chúng tôi bước tới. Chẳng cần gợi chuyện nhiều, người nông dân trực tiếp thụ hưởng tuyến đường này hồ hởi kể lại sự đổi thay khác biệt trong đời sống sản xuất của mình mà không thể không nhắc đến tên tuổi nhân vật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bà con nơi đây. Ông cho hay: “Trước kia, vào mùa mưa, đây là con đường đất đỏ sình lầy, ngập nước, khiến các xe vận chuyển nông sản di chuyển vô cùng khó khăn. Bà con thường đi tắt lối tạm trong lô cao su để vào ruộng rẫy nhà mình, nhiều khi đi trời mưa trơn trượt, té vô gốc cây nên mang vết thương rất khổ. Anh Bảy Ray có mua được miếng đất chỗ này, thấy bà con đi lại cực quá, thì ảnh mới hiến đất để làm con đường này rộng 6 m, dài 1.500 m. Người dân cũng cộng tác để làm con đường đi lại cho thoải mái, không vất vả như trước nữa. Cho nên, tinh thần đóng góp ủng hộ để làm con đường này của anh Bảy Ray thì chúng tôi rất mừng, rất đồng tình và hoan nghênh anh ấy". Không riêng gì ông Hưởng, mà hàng chục hộ dân canh tác tại khu vực Trạm 11, ấp Lạc Sơn hôm nay, đều rất biết ơn ông Ray.

Nhà ông Bảy Ray rất dễ tìm bởi đó là ngôi biệt thự bề thế, toạ lạc ngay mặt tiền trục đường chính ở ấp Lạc Sơn, nổi bật giữa không gian xanh ngát cây cối. Nhưng, ông hiếm khi có mặt ở nhà nghỉ ngơi. Chúng tôi không ngạc nhiên về điều này, bởi lẽ, ông nổi tiếng là con người hăng say lao động, thường xuyên có mặt ở vườn rẫy, chủ động học hỏi, tìm tòi cách làm mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch và hết sức nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm “làm giàu" với bà con ở cơ sở.

Vào tới khu rẫy rộng lớn đã gần 11 giờ trưa một ngày cuối tháng 9, hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh lão nông 64 tuổi đang dãi nắng lái máy cày cải tạo phần đất còn lại để tiếp tục chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Dáng dấp hơi đậm nhưng phong cách nhanh nhẹn như một thanh niên, ông Bảy Ray nhanh chóng tuột từ ghế lái máy cày xuống đất, vui vẻ bước đến tiếp chuyện mọi người. Lấy tay gạt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt vốn đã quen dãi dầu mưa nắng, ông bắt đầu trải lòng về việc mình làm, mà theo ông, đó là việc nên làm và phải làm.

Với chất giọng trầm ấm, ông nhẹ nhàng tâm sự: “Là một nông dân nối nghiệp cha mẹ để lại, tôi càng hiểu rõ giá trị của câu tấc đất tấc vàng. Nhưng chứng kiến bà con đi lại khốn khổ mỗi ngày, tôi cứ mãi đeo đuổi suy nghĩ nếu có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ đưa địa phương phát triển và giúp chính cuộc sống của mỗi người dân, trong đó có gia đình tôi, được tốt hơn. Bản thân cũng nhận thấy nếu mình không hy sinh một phần lợi ích cá nhân thì tuyến đường của xã sẽ không hoàn thành được".

 Nghĩ là làm, ông gấp rút bàn với gia đình đi đến quyết định hiến 9.000 m2 đất mở rộng mặt đường và nâng cấp thành bê tông hoá. Giá đất thị trường vùng này lúc đó ông Ray mua vào 1 tỷ đồng/ha và nay tăng lên 10 tỷ đồng/ha. Vì thế, hành động đẹp của gia đình ông Ray càng khiến những người xung quanh ngỡ ngàng, cảm kích. Là bởi vì, chúng ta đã bắt gặp không ít trường hợp nội bộ nhân dân xảy ra mâu thuẫn vì tranh chấp đất đai, thậm chí chỉ là cái lối đi nhỏ hẹp, cái ranh đất mỏng manh. Do đó, việc làm nghĩa tình của gia đình ông Ray rất đáng trân quý.

Sau khi ông hiến đất, bà con có nhu cầu tham gia xã hội hoá giao thông nông thôn để nhà nước hỗ trợ làm con đường bê tông, tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 900 triệu đồng, riêng gia đình ông Ray đóng thêm tiền mặt 500 triệu đồng, để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Chưa hết, khi thấy bà con xóm giềng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, ông Ray đã tự nguyện ứng ra 500 triệu đồng để giúp kéo đường điện hạ thế phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ấp Lạc Sơn. Từ khi có đường, điện lưới quốc gia vào tận rẫy, làm ăn thuận lợi, dễ nhận thấy nhất là giúp giảm nhân công, hạ chi phí giá thành, thương lái đến tận vườn để lựa chọn thu mua nông sản giá cao, làm cho thu nhập của người nông dân có thêm cơ hội cải thiện rõ rệt.

Đánh giá cao tấm lòng, hành động dấn thân cống hiến của gia đình ông Phạm Văn Ray đối với thành tựu chung ở địa phương, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng bằng khen tôn vinh cá nhân ông là tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Qua học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thấm nhuần và muốn góp chút công ích gì đó cho xã hội. Và gia đình tôi rất lấy làm phấn khởi vì đã làm được chút việc thiện vì cộng đồng, thật sự tôi luôn thấy rất vui vì đã làm được việc có ích phục vụ hoạt động của bà con trong khu vực", ông Ray khiêm tốn bộc bạch với tư cách một đảng viên, một công dân đồng thời là giáo dân bên lề hội nghị trao tặng bằng khen được tổ chức tại trụ sở Tỉnh uỷ Đồng Nai vào đúng dịp sinh nhật Bác 19-5 năm nay.

Ông Ray phấn chấn giới thiệu con đường thuận tiện phục vụ bà con.jpg

Ông Ray phấn chấn giới thiệu con đường thuận tiện phục vụ bà con - Ảnh: T.H

“Tỷ phú miệt vườn" nhiệt thành truyền cảm hứng

…Thấy khách trầm trồ hướng mắt ra phía đám sầu riêng xanh tốt, hàng ngay lối thẳng tuyệt đẹp, ông Bảy Ray liền dẫn ra tham quan, bàn tay thô ráp không quên cầm theo cây kéo đi tới đâu thoăn thoắt cắt tỉa cành tới đó. Vừa thao tác ông vừa chia sẻ về hệ thống phun sương tự động... đang hiện diện trên những ngọn cây sầu riêng cao tít kia. Làm việc luôn chân luôn tay, thoáng chốc lại thấy tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi của ông di chuyển vào đến khu chuồng vịt, chuồng heo chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Dù liên tục có 6 lao động túc trực mỗi ngày, chủ trại vẫn trực tiếp kiểm tra kỹ hệ thống vận hành dàn lạnh. Đây cũng là mô hình mà ông luôn tỏ ra hào hứng, phấn chấn, đầy tâm đắc mỗi lần nhắc đến, bởi đã ấp ủ, gửi gắm vào nó kỳ vọng tạo thành chuỗi liên kết sản xuất trong vùng.

“Tỷ phú miệt vườn" cho hay, bắt đầu gầy dựng “cơ đồ" từ 1 ha đất rẫy do cha mẹ chia lại khi ông lập gia đình. Cụ thể, ông chọn mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu. Năng động, vượt khó, mạnh dạn đi tắt đón đầu canh tác những cây trồng có lợi thế mà thị trường chưa sản xuất được nhiều, hay những vật nuôi mà lúc ở thời điểm giá thấp, mọi người nản lòng giảm đàn. Vì vậy, khi cây trồng, vật nuôi nhà ông vào dịp thu hoạch cũng là lúc thị trường tăng giá, do sau một thời gian dài giá giảm sâu nhiều người bỏ không đầu tư, nguồn cung giảm không đáp ứng đủ cầu.

Nhiều năm qua, gia đình ông đã chịu khó làm lụng, tích luỹ, có của ăn của để và mua thêm một số diện tích đất khác. Hiện nay, với khát khao, quyết tâm mãnh liệt làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, ông đã chuyển đổi hết diện tích hơn 10 ha đất ở ấp Lạc Sơn sang trồng loại cây cho hiệu quả kinh tế cao là sầu riêng, đồng thời chăn nuôi vịt, heo bằng các trại lạnh, thu lời vài tỷ đồng mỗi năm. Và nhờ giỏi tính toán, nhạy bén với thời cuộc mà đến nay, gia đình ông Ray đã sở hữu trong tay gia tài lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có điều kiện tiền bạc sung túc, ông nhiệt tình, gắn bó góp sức cùng địa phương chăm lo an sinh xã hội, thực hiện công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhiều nông dân tìm đến học hỏi “cách làm giàu" tại chỗ, với ai ông cũng tận tình truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Như khẳng định của ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất: "Nói đến ông Ray là nói đến người nông dân luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được trong sản xuất nông nghiệp đến các hội viên, nông dân khác để cùng nhau làm giàu, xây dựng quê hương".

Lạc Sơn lâu nay trở thành địa chỉ có nhiều tỷ phú làm giàu từ hai bàn tay trắng. Toàn ấp có khoảng 360 hộ dân, trong đó gần 150 hộ có thu nhập cao. Nhiều tỷ phú không chỉ đầu tư trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh lân cận lập trang trại trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng nhà máy, xưởng chế biến nông sản nhằm tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là một trong những ấp nổi danh trong tỉnh vì người dân chỉ xuất phát điểm thấp từ làm nông nghiệp với diện tích nhỏ, song biết cách xoay xở, không ngừng vượt lên giới hạn bản thân để vươn lên thành những hộ giàu có. Bí quyết thành công của đa số họ cũng đi theo tư duy, cách thức mà ông Ray đã vận dụng tốt vào thực tế, đó là nắm bắt kịp thời những lợi thế của thị trường và biết cách chống chọi, vượt qua rào cản, khó khăn. Nhờ cách làm này, dù thị trường nông sản bấp bênh thì họ vẫn duy trì phát triển sản xuất, tăng thu nhập và gia tăng tài sản tích lũy theo từng năm. Đến làng quê trù phú ấp Lạc Sơn hôm nay, ai cũng dễ nhận thấy những con đường bàn cờ sạch đẹp toả đi khắp hướng, dọc hai bên là nhà cửa khang trang, cây cối được chăm sóc cẩn thận, đẹp mắt.

Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung Nguyễn Thị Thanh Lê nhận định: Nếu nói về sự thay da đổi thịt ở địa phương thì con đường có phần đất do ông Ray hiến là một minh chứng sống động. Nguồn nội lực đóng góp lớn lao của nhân dân, đặc biệt là ông Ray, đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Vì lẽ đó, ông Ray luôn được xem là một trong những người đi đầu truyền cảm hứng mạnh mẽ trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Từ đây, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc tươi mới từng ngày, đưa Quang Trung được công nhận xã nông thôn mới đầu tiên trên địa bàn huyện và góp phần vào thành công của Thống Nhất đã được tỉnh đánh giá đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

 Đón nhận tin vui này, ánh mắt ông Ray không giấu nổi niềm hạnh phúc, song cũng tự bộc lộ trăn trở về trách nhiệm của mình đồng hành chung tay nâng cao vị thế của huyện ở chặng đường sắp tới. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục tăng gia sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm cho huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh", lão nông Phạm Văn Ray hăm hở nói với chúng tôi, trước khi chia tay để trở lại với bộn bề công việc vườn rẫy đang chờ. 

T.H

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 80 (Tháng 10 năm 2024)


THANH HẢI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​