Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật chủ đề “Đồng Nai – Nơi hội tụ mạch nguồn văn hóa và phát triển bền vững" đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 8/01/2025 tại Hội VHNT Đồng Nai. Buổi lễ do Phó Chủ tịch Thường trực – nhà văn Hoàng Ngọc Điệp chủ trì và phát biểu khai mạc. Tham gia trại sáng tác là các thành viên của các ban chuyên ngành Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc và Sân khấu. Nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, giữ vai trò trưởng đoàn.
Ngay sau lễ khai mạc, đoàn lên xe di chuyển về một số địa danh có gắn với di tích lịch sử, văn hóa ở huyện Nhơn Trạch, cách thành phố Biên Hòa 30 km. Thời tiết miền Đông Nam bộ khá mát mẻ và dễ chịu, khi mùa khô bắt đầu, trời ít mây và nắng lên rực rỡ.
Từ ngã ba Vũng Tàu, hướng về Long Thành trên quốc lộ 51, cảnh hai bên đường san sát các cửa hàng, nhà xưởng và khu công nghiệp. Tiến xa hơn khoảng vài cây số, khung cảnh dần chuyển sang những cánh đồng trải dài và những vườn cây ăn trái, mang lại cảm giác thoáng đãng, dễ chịu sau những ồn ào ban đầu.
Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, do kẹt xe, và những đoạn đường rẽ, đoàn văn nghệ sĩ (VNS) mới tới được nơi ăn nghỉ. Đó là một “khách sạn 0 sao" ở số 154, ấp Bàu Sen, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch. Chủ khách sạn Phú Thanh là nhạc sĩ Trần Văn Cường, cùng là hội viên Hội VHNT Đồng Nai. VNS nhận phòng xong, đi ăn cơm trưa tại DI GARDEN (nơi có nhà hàng ăn uống, giải khát, cùng các hoạt động giải trí và sự kiện), cách khách sạn Phú Thanh hơn cây số, và cách trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch trên 10 cây số, về phía Nam so với quốc lộ 51.
Buổi chiều cùng ngày đoàn đi tham quan đình Phú Mỹ tọa lạc tại ấp 2, xã Phú Hội - một trong những ngôi đình cổ kính, tiêu biểu của vùng Đông Nam Bộ. Được xây dựng vào thế ký thứ XIX, thời Gia Long. Anh Hứa Văn Vũ, chuyên viên Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Nhơn Trạch đóng vai trò “hướng dẫn viên du lịch" cho đoàn. Anh kể về lịch sử ngôi đình một cách trôi chảy, như cầm sách đọc. Anh đã trả lời tất cả những gì mà nhà thơ Đàm Chu Văn, nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa và một số thành viên khác “phỏng vấn". Đình Phú Mỹ xây vào khoảng năm 1802, đã trải qua nhiều lần trùng tu và di dời trước khi ổn định tại vị trí này. Đó là một ngọn đồi với diện tích gần một héc ta, bao quanh bởi những cây cổ thụ, chủ yếu là sao, dầu, tạo nên khung cảnh cổ kính và thanh bình, trầm mặc. VNS vào chiêm ngắm nơi bà thờ các vị thần, tổ tiên, và những người có công với địa phương. Bàn thờ chính, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị thần bảo hộ cho làng, cùng các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai phá và phát triển vùng đất.
Trong đình còn có các tượng thờ, bia đá, di vật có giá trị văn hóa, lịch sử. Đình gồm ba gian: tiền đình, chánh điện và nhà khách nối tiếp nhau. Vật liệu chính được sử dụng là gỗ tốt, có độ bền và khả năng chịu lực tốt. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Phú Mỹ là nơi gặp gỡ, trao đổi công tác của cán bộ cách mạng hai xã Phú Hội và Phú Mỹ. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, người dân địa phương đã thể hiện lòng kính trọng bằng cách thờ phụng Người dưới hình thức ba bức hoành phi với nội dung: "Hồ nhiên nhi thiên, Chí vọng thâm ân, Minh hoài hậu đức", ghép lại thành tên Hồ Chí Minh. Anh Hứa Văn Vũ, chuyên viên trung tâm Văn Hóa – Thông tin huyện Nhơn Trạch cho biết, hàng năm, vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch, đình tổ chức lễ Kỳ Yên, thu hút đông đảo người dân địa phương và vùng lân cận đến dâng hương, tưởng nhớ công ơn các vị thần và Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ Đàm Chu Văn đã giải thích khá sâu sắc về ý nghĩa của ba bức hoành phi được sơn son thiếp vàng, viết bằng chữ Hán ở đình Phú Mỹ.
Đoàn văn nghệ sĩ Đồng Nai tại Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác (Nhơn Trạch)
Ngày 9/01/2025, đoàn tiếp tục tham quan quần thể khu di tích lịch sử – văn hóa địa đạo Nhơn Trạch, gồm Đền thờ Liệt sĩ Nhơn Trạch và địa đạo Nhơn Trạch, tọa lạc tại xã Long Thọ.
Đoàn VNS bước qua cổng tam quan ĐỀN THỜ LIỆT SĨ HUYỆN NHƠN TRẠCH, với một lối đi chính lớn ở giữa và hai lối nhỏ hai bên. Trên trụ cổng chính có khắc câu đối: Nhơn Trạch anh hùng danh thơm muôn thuở – Rừng Sác kiên trung lưu tiếng vạn đời.
Đoàn VNS chụp ảnh lưu niệm trước cổng tam quan, sau đó tiến vào khu vực đền thờ. Trên đường vào, đoàn đi qua NHÀ VĂN BIA làm bằng đá granite, nơi khắc những dòng chữ ca ngợi chiến công và sự hy sinh anh dũng của quân dân Nhơn Trạch. Tiếp theo, đoàn vào bên trong chánh điện, nơi đặt tượng Bác Hồ và hai bên là các bảng đá hoa cương khắc tên hơn 2.000 liệt sĩ cùng các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại đây, anh Hứa Văn Vũ, chuyên viên Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Nhơn Trạch, đã chuẩn bị sẵn để đoàn VNS thực hiện nghi lễ thắp nhang, thành kính khấn nguyện, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ai nấy trong đoàn đều không khỏi xúc động rưng rưng.
Sau đó, đoàn viếng thăm tượng đài Chiến sĩ Đặc công Rừng Sác để tưởng nhớ hơn 800 chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác đã anh dũng hy sinh tại chiến khu Rừng Sác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đoàn chăm chú ngắm nhìn hình ảnh tái hiện hai chiến sĩ đặc công thủy với tư thế dũng mãnh, ôm mìn lao vào tàu giặc. Mỗi người trong đoàn đều bồi hồi xúc động khi nhắc đến những chiến công vang dội của bộ đội đặc công, những người đã đánh chìm và phá hủy hàng trăm tàu chiến, kho bom và kho xăng dầu của địch.
Tiếp theo, đoàn VNS thăm Khu di tích địa đạo Nhơn Trạch – nơi từng là chỗ trú ẩn an toàn của các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, từ đó chỉ đạo và vạch ra phương án tác chiến. Với thế trận vững vàng "Lòng sông – Lòng đất – Lòng dân", quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu trên chiến trường Nhơn Trạch, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Đoàn văn nghệ sĩ đã xuống hầm địa đạo để cảm nhận thực tế, hình dung lại năm xưa quân ta mưu trí, kiên cường và tài tình đánh giặc như thế nào. Sau đó, VNS tiếp tục tham quan Nhà trưng bày – nơi lưu giữ những hiện vật của các chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Rừng Sác – Nhơn Trạch.
Nhà trưng bày có các mô hình mô phỏng quá trình đào Địa đạo Nhơn Trạch, cùng với những hình ảnh và tư liệu lịch sử về Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác – nỗi kinh hoàng của kẻ thù. Tại đây, VNS như gặp lại nhà văn – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Trong Nhà trưng bày có các tác phẩm văn học của ông như: “Một thời Rừng Sác", “Trái tim người lính". Ai đó bỗng đọc vang lên những câu thơ của ông: “Bâng khuâng tấc dạ niềm thương nhớ/ Lộng gió trên sông một bóng cờ/ Mãi mãi hiên ngang Rừng Sác đứng/ Mỗi người ngã xuống một bài thơ…"
Hành trình tiếp theo, VNS tham quan Đặc khu quân sự Rừng Sác, do Hứa Văn Vũ – chuyên viên Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Nhơn Trạch – dẫn đường. VNS ngồi trên xuồng máy chạy dọc theo sông Lòng Tàu, giữa không gian mênh mông của rừng Sác.
Đặc khu quân sự Rừng Sác, hay còn gọi là Căn cứ Sở chỉ huy Đặc khu quân sự Rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, với mật danh là T10, ban đầu được đặt tại Rạch Tràm, sau đó chuyển qua Tắc Cái Ngang, sông Ba Giòng, thuộc khu vực Rừng Giống, ấp Bà Bông, xã Phước An ngày nay.
VNS cùng nhau kể chuyện đặc công đánh giặc trên sông Lòng Tàu năm xưa – nơi đầy cá sấu, nhưng các chiến sĩ vẫn dũng cảm vượt qua để phá Kho xăng Nhà Bè...
Rừng Sác – khu vực rừng ngập mặn nguyên sinh rộng lớn nối liền Nhơn Trạch với Cần Giờ (TP.HCM), xưa kia là vùng đất anh hùng đánh giặc, nay trở thành điểm thu hút khách tham quan, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tối ngày 9/1/2025, tại DI GARDEN, nhạc sĩ Trần Văn Cường (hội viên Hội VHNT Đồng Nai) đã tài trợ chương trình mang tên “Giao lưu văn nghệ văn nghệ sĩ Đồng Nai về với Nhơn Trạch". Thành phần tham dự gồm các VNS Đồng Nai đang tác nghiệp tại Nhơn Trạch, cùng với nhóm nghệ sĩ từ TP.HCM do nhạc sĩ Trần Văn Cường mời.
Mở màn chương trình là hai ca khúc của nhạc sĩ Trần Văn Cường do nhóm nghệ sĩ TP.HCM thể hiện, với đầy cảm xúc yêu thương. Tiếp đến là phần trình diễn của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, vừa đàn vừa hát ca khúc do chính mình sáng tác, viết về Nhơn Trạch (ca khúc này cũng từng đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc viết về Nhơn Trạch), mang đến không khí sôi động, cùng nhịp vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình.
Tiếp theo, nhà thơ Đàm Chu Văn đọc bài thơ mà anh sáng tác cách đây 20 năm khi về thăm Nhơn Trạch, với niềm xúc động trào dâng. Kế đến, nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa thể hiện một ca khúc do anh sáng tác về mùa xuân, với âm điệu mượt mà, cuốn hút.
Tiếp nối chương trình, nhóm nghệ sĩ TP.HCM trình diễn một ca khúc viết về người lính của nhạc sĩ Trần Văn Cường, mang giai điệu hành khúc trẻ trung, đầy năng lượng. Sau đó, nhà thơ Trần Thị Bảo Thư thể hiện những dòng thơ do mình sáng tác, với “giai điệu" bình yên, thư thái nhưng không thiếu phần sâu lắng và kỳ bí.
Chương trình tiếp tục với phần biểu diễn của nhạc sĩ Trường Thịnh, khi anh thể hiện hai ca khúc, trong đó có một ca khúc phổ thơ của nhà thơ Hoàng Đình Nguyễn, mang nhịp điệu đậm chất Nga, đầy nội lực và không kém phần lãng mạn. Kế đến, nhà thơ Hồng Nhạn “tâm sự" qua những bài thơ của mình, mang phong vị trẻ trung, dịu dàng và đầy khát khao.
Âm nhạc và thơ ca thực sự có sức cuốn hút kỳ lạ. Nhà văn Nguyễn Duy Đồng, dù đang cảm thấy khó chịu vì thời tiết chuyển mùa, vẫn xung phong trình diễn “một khúc dân ca", tạo nên bầu không khí đầm ấm và dễ chịu. Nhà thơ Lê Sỹ Tùng tiếp nối với 10 câu thơ về chủ đề Tết, thu hút ánh mắt và sự hân hoan của mọi người. Tiếp theo nhà thơ Lê Liên, thể hiện bài thơ "Phải lòng" bằng một giọng đọc đầy cảm xúc, mang ý nghĩa sâu xa của người từng trải trên mặt trận chiến đấu chống quân thù, cho đến việc học tập và công tác xã hội.
Sau đó, nhà thơ Hoàng Đình Nguyễn lên sân khấu, thể hiện một bài thơ lục bát đầy triết lý và suy tư. Không khí giao lưu vẫn tiếp tục, khi nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm – người đảm nhiệm vai trò MC của chương trình – đã khiến khán giả vỗ tay hưởng ứng và cười nghiêng ngả nhờ những câu thoại ứng biến linh hoạt, như thể đó là một kịch bản đã được chuẩn bị từ trước.
Nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm vừa đọc thơ, vừa hát, vừa điều khiển chương trình một cách khéo léo, khiến đôi bên cùng chung tiếng cười sảng khoái.
Chương trình giao lưu văn nghệ kết thúc trong không khí lưu luyến, đôi bên chia tay nhau mà vẫn muốn “người ở đừng về".
Có thể nói, chuyến tác nghiệp tại Nhơn Trạch của đoàn VNS Đồng Nai đã hoàn thành một cách an toàn, đúng chủ đề, mang lại sự hứng khởi cho các thành viên trong việc chuẩn bị và hoàn thiện các tác phẩm sắp tới.