- Khải. Khải tao cái lưng!
- Khải. Mở cho cô cái dù…
Khải không phải tên hắn. Là một việc làm. Nhưng do người ta gọi nhiều, thành tên. Ở chợ Long Tân tất cả mọi người từ già, trẻ, trai, gái… đều gọi hắn là “thằng". Đầu chợ, có người kêu: “Khải!". Cuối chợ có người gọi: “Khải!"… Và hắn chạy đến để làm công việc của mình: gãi ngứa cho người ta! Những người sai bảo hắn đều là người bán hàng trong chợ. Thường thì hai tay họ bị vướng, hoặc dính bẩn, nên không thể tự gãi. Mà ngứa thì khó chịu và bực bội lắm. Nhất là ngứa ngáy ở những chỗ bàn tay không thể nào với được. Nếu ngứa mà gãi không đến, không đúng càng bực thêm. Như cha ông nói: “Gà ỉa một nơi bỏ mun một nẻo!". Rồi người ta gọi Khải.
Chợ Long Tân ven thành phố. Ngoài khu nhà lồng, trung tâm chợ, với đủ các loại shop gọn, sạch; còn có bốn con hẻm nhỏ chạy quanh. Vừa là lối đi, cũng là chỗ cho mấy bà, mấy chị ngồi bệt, bày bán đủ các loại rau dưa, thịt cá… Chợ rất đông. Bán mua tấp nập. Nhất là những ngày cuối tuần, công nhân nghỉ làm. Thằng Khải làm không hết việc. Khải sống trong chợ. Ngày đi lại gãi ngứa cho người ta, đêm ngủ trên sạp của mấy bà bán hàng khô. Ngoài gãi, ai bảo gì hắn làm nấy. Cho gì ăn nấy. Rất ít nói. Chỉ cười.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Thằng Khải tầm ba mươi tuổi. Mặt mũi, người ngợm trông có vẻ sáng sủa, khoẻ mạnh. Long Tân là nơi cư ngụ của dân tứ xứ. Bắc, Trung, Nam… đủ hết. Chẳng ai biết thằng Khải từ đâu đến, con cái nhà ai… Một hôm nó bỗng xuất hiện ở chợ. Một ông bán cá thấy nó lang thang, ngơ ngáo, đang đứng xớ rớ bên cạnh. Sẵn ngứa lưng, nhờ nó khải. Nó vui vẻ làm. Từ đó, nó có tên, có nghề!
Mới đầu chỉ có những ông già, bà lão nhờ Khải gãi ngứa. Về sau hầu như cả chợ đều nhờ hắn mỗi khi cần. Cả các cô gái trẻ bán hàng cá, tôm, hàng xén… cũng không thấy ngại ngùng. Bởi Khải chỉ cười, không nói. Hắn làm việc tận tâm. Không hề kêu ca, phàn nàn. Không hề có hành vi bất nhã. Bởi vậy, cả chợ ai cũng quý hắn. Từ khi xuất hiện, Khải đã gãi ngứa hầu khắp chợ. Ai cũng quen mặt.
Người duy nhất Khải chưa bao giờ gãi ngứa là Liên.
Liên tầm 23, 24 tuổi. Cô ở phía cuối chợ. Nơi con hẻm cụt. Gian hàng của Liên là một căn nhà cấp bốn nhỏ, sập sệ, thuê hợp đồng dài hạn. Bán đủ thứ hằm bà lằng. Từ dao kéo, gương lược đến lưỡi câu, túi xách… Cô sống cùng mẹ. Bà già tầm ngoài bảy mươi. Nhỏ thó, ốm yếu.
Liên dị biệt. Chỉ có một chân, một tay, một mắt. Một chân trái, một tay phải và một mắt trái. Bởi vậy di chuyển, làm việc với Liên rất khó khăn. Tuy thế, cô vẫn một mình bán buôn, tự nuôi sống bản thân và chăm sóc mẹ. Với mọi người, Liên là kẻ quái thai. Dễ sợ và đáng thương. Bạn buôn thường nhìn Liên bằng cặp mắt ái ngại. Xa lánh. Tuy vậy, khách mua hàng của cô vẫn đông. Có thể do hiếu kỳ!
Mỗi lần có dịp đi ngang cửa hàng của Liên là thằng Khải lại đứng nhìn. Không lại gần, nhưng cũng đủ rõ mặt. Nhiều lần. Nên Liên nhận biết. Ý thức được mình dị dạng, tự ti khiến Liên không giao tiếp với ai, ngoài khách hàng. Nhất là đàn ông. Nhưng việc Khải hay nhìn cô không thể giả vờ như không biết. Ánh mắt của Khải khác lắm với mọi người. Không phải là lần đầu tiên có người để ý mình làm cô thấy băn khoăn. Ánh mắt của Khải lạ lắm! Mơ màng. Vời vợi. Đắm đuối. Xa xăm… Ánh mắt làm cô cảm thấy mắc cỡ. Xốn xang. Từ đó Liên hay để ý đến gương lược, phấn son hơn. Có lẽ chính vì sự ngại ngùng đó mà chưa một lần Liên gọi Khải. Một việc mà cả chợ coi là bình thường.
Da trắng, ngực nở, eo thon. Nếu Liên có đủ hai chân, hai tay, hai mắt như mọi người, chắc chắn xinh đẹp. Với Khải thì khác. Sự “lệch pha" tạo ra kiểu dáng cân đối bất thường. Theo kiểu độc, lạ mà chỉ riêng thằng Khải nhận biết! Với nó, Liên đẹp một cách hoàn hảo, toàn bích. Một vẻ đẹp không giống ai.
Không phải chỉ riêng Khải là người duy nhất trong chợ để ý đến Liên. Phía đối diện cửa hàng của Liên, cách chừng ba căn, là quầy thịt heo của thằng Mạnh. Thằng Mạnh vừa mổ heo bỏ sỉ cho mấy sạp thịt trong chợ, vừa trực tiếp bán.
Thằng Mạnh người to trùng trục. Khoẻ như trâu. Mặt mày phương phi, bóng nhẫy. Tóc húi cua như bàn chải giặt. Tay hắn pha thịt nhoay nhoáy. Hắn chặt thịt như chặt khoai. Miếng nào ra miếng đó. Sắc lẹm. Cả chợ ai cũng sợ hắn. Không một ai dám dây. Đụng chuyện là lảng. Không ai dám gây sự.
Mỗi khi Liên có việc đi ngang sạp thịt của Mạnh đều bị hắn chòng ghẹo. “Nhìn em ngon như miếng thịt mông ấy". “Em mẩy thế kia chắc cái đó to lắm!". Hắn nói. Miệng cười cợt nhả, dâm tục, mắt sáng rực lên, chực muốn ăn tươi nuốt sống Liên. Liên không dám ho he. Cố đi nhanh qua. Cái nạng gỗ kẹp nách tay trái làm trụ, Liên di chuyển giống như người ta ngoáy cái com-pa. Đôi khi tầm trưa, chợ vắng người, thằng Mạnh còn xông ra cản đường Liên, tranh thủ sờ soạng…
Rồi Khải cũng biết chuyện. Nó đứng cản trước mặt thằng Mạnh, che chắn cho Liên. Đừng mà. Đừng! Thằng Mạnh sau một thoáng ngạc nhiên, thét lên. Ai kêu mày xía vào chuyện của tao? Đừng mà… Khải lắp bắp. Một cái tát như trời giáng vào mặt Khải. Nó ngã dúi dụi. Thêm một cú đá bồi. Thằng Khải ngã quay ra đất. Mấy người trong chợ xúm lại. Không ai dám can.
Từ bữa đó, mỗi khi Liên bị thằng Mạnh sàm sỡ Khải lại đứng ra cản. Lại bị đánh nhừ đòn. Chuyện cứ tiếp diễn, không biết đến bao giờ, nếu như không xảy ra một vụ hoả hoạn.
Một buổi chiều. Chợ đang tầm đông. Bỗng một tiếng nổ long trời. Khu nhà Liên bốc cháy. Lửa rừng rực. Khói đen cuồn cuộn. Ba căn nhà cấp 4 tường gạch, mái tôn cũ xì, ọp ẹp cháy dữ dội. Một trong ba căn là tiệm bán gas. Chập điện, bình gas nổ là nguyên nhân gây cháy. Cả khu chợ nháo nhác. Tiếng kêu cứu, la hét thất thanh. Người chạy tán loạn. Như ong vỡ tổ. Mạnh ai nấy chạy. Giẫm đạp lên nhau mà chạy. Nháo nhào. Bấn loạn. Thịt cá, rau dưa, hàng khô, hàng tươi… bắn tung toé. Sạp của thằng Mạnh đổ nghiêng. Dao, thớt, thịt xương vung vãi. Chẳng thấy người đâu.
Chợ đông. Hẻm chật. Xe cứu hoả không thể vào. Từ lộ chính đến khu vực cháy quá xa. Dẫu xe cứu hoả có đến kịp cũng không thể phun nước cứu. Đó là điều mọi người đều dễ nhận biết. Một số người dũng cảm dùng xô, chậu… hứng nước từ vòi của các gia đình để tạt. Chẳng ăn thua gì. Lửa cháy đùng đùng, dữ dội.
Nhà Liên ở giữa, liền căn bán gas. Liên bị kẹt giữa đống hàng hoá, dây nhợ loằng ngoằng. Khói bốc mù mịt, cuồn cuộn. Nhìn từ ngoài vào không thấy ai. Chỉ nghe tiếng thét kêu cứu. Không ai dám vào. Bỗng thằng Khải xuất hiện. Nó lấy xô nước dội thẳng từ đầu xuống chân rồi xông vào. Có người cản, khuyên Khải đừng vào, nguy hiểm. Khải gạt tay, bất chấp. Lửa khói trùm kín mấy căn nhà. Nuốt chửng thằng Khải. Lúc lâu. Không thấy thằng Khải quay trở ra, mọi người nhìn nhau lo lắng. Mấy người phụ nữ bật khóc. Rồi Khải xuất hiện. Trên lưng nó là Liên. Mềm rũ. Khải cõng Liên chạy ra ngoài. Sang bên kia con hẻm, nơi ngọn lửa chưa bén tới, hắn đặt Liên nằm xuống đất. Liên vẫn còn tỉnh, nhưng mặt mày trắng bợt, ám khói đen nhẻm, tóc cháy nham nhở, xoắn tít. Không nói một câu, Khải quay lại, xông thẳng vào căn nhà. Không ai kịp ngăn cản. Khói lửa trùm người hắn. Lúc lâu sau, mọi người nhìn thấy Khải quay trở ra. Như có phép thần thông. Trên tay Khải bế bà cụ già. Cụ ngất xỉu, hai tay thõng thượt buông lủng lẳng. Ra tới cửa. Một cây xà gồ bằng gỗ đang cháy đùng đùng, rơi xuống, trúng ngay đầu thằng Khải. Nó loạng quạng, rồi đổ gục xuống, đè lên người bà cụ.
Mấy người thanh niên xông vào kéo thằng Khải với bà cụ ra ngoài. Bà cụ vẫn thoi thóp thở. Thằng Khải bị cháy đen nhẻm. Vết thương ở đầu do cái xà gồ rơi trúng toang hoác. Máu chảy xối xả…
***
Đám ma thằng Khải có rất nhiều người tham dự. Hầu như đủ hết những người bán buôn ở chợ Long Tân. Có Liên. Có cả thằng Mạnh. Thằng Mạnh chít khăn sô. Chợ Long Tân đóng cửa, nghỉ bán ba ngày. Lúc hạ huyệt, trời đang nắng chang chang bỗng mưa như trút nước.
Mưa làm nhoè những giọt nước mắt trên mặt Liên. Cô thầm nghĩ, giá hôm cháy chợ mà có trận mưa bất chợt như vầy chắc Khải đã không chết.
Một thời gian ngắn sau đám ma thằng Khải, không ai còn thấy Liên ở chợ Long Tân nữa. Mãi cũng không thấy Liên trở về.
S.Y
(Nguồn: VNĐN số 69 – tháng 11, năm 2023)